Tự do ngôn luận gần… 75 năm trước!

09:48 CH @ Thứ Tư - 30 Tháng Bảy, 2014

Vào năm 1936, một cuộc tranh luận xảy ra nảy lửa giữa các tờ báo liên quan đến… Tự do ngôn luận.Bắt đầu từ các tờ Phong hóa, Ngày nay… khơi mào “nổ” với các việc như đưa “tối hậu thư, khai chiến với hết thảy các báo Đông Pháp” để đạt cái gọi là: Xin (báo chí) được tự do ngôn luận!

Ngay sau đó, các tờ như Bắc Hà, Nghe thấy… công kích dữ dội về cái được gọi là xin được tự do báo chí ấy. Đến Sông Hương của Phan Khôi (số ngày 14-11-1936) đã đưa ra lời “phán quyết” trò “lố bịch” khi kêu gọi tất cả các báo ở xứ Đông Dương bấy giờ kêu gọi “xin tự do ngôn luận”. ..

Trên Sông Hương viết: “Tự do, chúng tôi biết là vật xưa nay chỉ có người ta tự tạo lấy cho mình, khi chưa được thì hẵng nhịn nhục và chờ đợi, chứ chẳng phải là vật có thể xin mà được. Nếu xin mà được cái ấy, chúng tôi quyết nó không phải là cái tự do”. Và Sông Hương không ngần ngại trình bày một thực tế (đã cách đây gần 75 năm): “Các báo xứ ta hiện nay ngôn luận không được tự do, điều ấy Chánh phủ vẫn biết, há còn phải đợi kêu ca? Biết mà không để ngôn luận tự do, là vì Chánh phủ thấy chưa có gì buộc mình phải làm như thế…”

Sau đó, trên Sông Hương (số ngày 5-12-1936) lại có một bài viết khác tiếp tục về đề tài này với tiêu đề: “Dù được ngôn luận tự do, chúng ta cũng chưa chắc sử dụng được cái quyền ấy”. Bài báo một lần nữa chỉ rõ: “Tự do ngôn luận là một cái quyền trong các thứ dân quyền. Đã là cái quyền thì phải do dân dùng sức mạnh của mình giành lấy mà được, chứ không phải do người bề trên ban cho mà được.” Và nếu “xin mà chính phủ cho, chúng tôi e cho báo giới ta cũng không ngôn luận tự do được, vì theo thực sự, nó vốn không phải cái quyền của chúng ta mà chỉ là cái ơn của chính phủ ban cho chúng ta…” “Cái ơn đã vô ích thì việc quái gì phải xin?

Cuộc tranh luận này kéo dài tiếp sau đó, liên quan đến việc có hay không thành lập “nghiệp đoàn” báo chí và “tầm ảnh hưởng của báo chí lên Chánh phủ”. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ là những tranh luận không hồi kết… Chính vì thế, vấn đề tự do ngôn luận hay tự do báo chí trên đất nước này, cho đến gần 75 năm sau vẫn còn “ẩn nấp” như một điều “kị húy”. Thi thoảng đọc lại những bài báo của Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam, Hoài Thanh… khoảng 70-80 năm về trước, vẫn thèm, các cụ ít nhiều đã làm được một điều là “tự do là do con người tự tạo lấy, chứ không phải vật có thể xin mà được”!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Báo động đỏ về sự dối trá

    31/03/2017Nguyễn Khắc PhêVấn đề đáng”báo động đỏ” trước hết của xã hội hiện nay (chứ không chỉ đối với ngành giáo dục) là phải bằng mọi biện pháp chống lại sự giả dối, gian trá, đề cao tính trung thực như là tiêu chuẩn đầu tiên để xem xét một con người...
  • Kẻ thù của chân lý

    06/06/2015Nguyên CẩnTừ ngàn xưa, một trong những nơi thử thách bản lĩnh và trình độ của chính khách là nghị trường. Ở đó, những người đại diện cho cử tri đứng ra chất vấn các quan chức đứng đầu các cơ quan của chính phủ. Đây là tấm gương soi của nền dân chủ...
  • Ngục tù của tư tưởng

    26/05/2011Bùi Lê Phương MinhQuyền tự do là quyền thiêng liêng mà dân tộc Việt Nam đã tốn bao xương máu mới có được. Tự do ấy tối thiểu là cái gì: là tự do mưu cầu hạnh phúc. Nếu một người muốn tự mình mưu cầu hạnh phúc cho mình, thưa các bạn, đó có phải là muốn tự được suy nghĩ cái gì đúng cái gì sai đối với mình? Nói cách khác, tự do mưu cầu hạnh phúc có bao gồm tự do về tư tưởng...