Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật

07:18 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Tư, 2014

Các cộng đồng dân tộc trong cơn lâm nguy không nhất thiết tìm kiếm sự an toàn cho mình bằng sự đổi mới; thông thường họ tái khẳng định truyền thống và càng bám chặt nó một cách cương quyết hơn. (Thomas C. Smith)

Trình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc đó. (Fukuzawa Yukichi)

Người Nhật nổi tiếng trong lịch sử là dân tộc đọc sách vào bật nhất thế giới. Quyển “Tự lo”, Self-Help của Samuel Smiles từng là best-seller tại Anh, Mỹ, bán được 250.000 quyển cuối thế kỳ XIX, nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật đầu thời Minh Trị (1868) bán đến một triệu bản! Một con số thật “khủng”, dân số Nhật Bản lúc đó chỉ khoảng 30 triệu. Nhiều quyển sách khác cũng được bán với con số tương tự. Rồi đầu thế kỷ XX, tuyển tập Einstein, tuyển tập Mác-Ăng Ghen đã ra đời đầu tiên tại Nhật Bản, không phải ở phương Tây. Sự tò mò của người Nhật có thể nói là vô hạn. Thời Minh Trị, Công ty TNHH ra đời đầu tiên là Công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen. Sách là nền tảng tri thức để chấn hưng đất nước.

Nhưng tác giả phương Tây có ảnh hưởng bậc nhất ở Nhật Bản thời Minh Trị có lẽ là Herbert Spencer(1820-1903), hơn cả John Stuart Mill và các tác giả kinh điển khác của phương Tây. Ông được biết với khái niệm survival of the fittest, tức “khôn sống mống chết”, hay thuyết tiến hóa xã hội Darwin áp dụng cho các quốc gia; các dân tộc sống chung cũng theo qui luật sàn lọc của tiến hóa: mạnh, thích nghi nhất để tồn tại, để hạnh phúc. Spencer cũng nổi tiếng về những vấn đề dân quyền. Cuối thế kỷ XIX nhiều phần đất thế giới lần lược rơi vào tay các cường quốc phương Tây, trong đó có Burma và Indochina. Trong thời gian 1877-1900 có ba mươi hai bản dịch và một bài nghiên cứu các bài viết của Spencer vào Nhật Bản. Riêng quyển Social Statics (Tĩnh học xã hội)nói về dân quyền của ông nổi tiếng đến độ dịch giả Matsushima Takeshi được nxb thưởng ¥2.500, tức 100 lần hơn so với tiền công dịch chính thức là ¥25.

Văn hóa đọc của Nhật Bản không phải bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hóa võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khỏe mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hóa đọc, hai cái gắn liền nhau.

Trong thời vàng son Genroku (1688-1704), Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, với nhiều nhà xuất bản lớn, nhà minh họa và nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Một con số “khủng” cách đây 300 năm. Năm 1692 Nhật Bản cũng đã từng có những bộ danh mục hằng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng (Việt Nam hiện nay chưa có).

Mặc dù số phát hành cao, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu đọc sách của các tầng lớp dân chúng, văn hóa đọc sách thuê trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Edo (Tokyo), Kyoto và Nagoya, với những cửa hàng cho thuê sách, kashihonya. Cuối thế kỷ XVIII các cửa hàng này có mặt khắp nơi ở Edo (tức Tokyo) và các tỉnh. Khách hàng được phục vụ bởi những người đi rong mang thùng sách trên lưng. Edo có 650 cửa hàng cho mượn sách năm 1808, nhưng đến 1832 đã có tới 800. Edo có dân số khoảng hơn triệu, và tỉ lệ biết chữ lên đến 70%. Một cửa hàng cho thuê sách ở Nagoya, tên Daisō, được thành lập năm 1767 và hoạt động 132 năm liền, đến khi chấm dứt có một danh mục đến 26.768 quyển sách cho thuê.

Thời Tokugawa giáo dục bùng nổ, với hệ thống trường học phục vụ nhiều đối tượng, đẳng cấp: trường trung ương của Mạc phủ, trường bang của các daimyō (như Shōheikō Hàn lâm Khổng giáo nổi tiếng), trường terakoya cho thường dân, trường tư shijuku cho samurai lẫn dân thường, một loại trường phi đẳng cấp (sẽ được thực hiện trong thời Minh Trị khắp cả nước, giống như cải cách trường học của Humboldt đầu thế kỷ XIX). Vài con số dưới đây sẽ làm chúng ta thêm ngạc nhiên để thấy mối tương quan giữa văn hóa đọc và giáo dục. Trường tư thục thời Tokugawa đã có đến 1.500 trường, đủ mọi qui mô, đến cả ngàn sinh viên.

Một trong những trường tư thục nổi tiếng có tênTekijuku tại Ōsaka được thành lập năm 1835 bởi Ogata Kōan (1810-1863), một học trò y khoa của bác sĩ Đức Siebold ở Nagasaki, và là một trong những học giả Lan học tên tuổi bấy giờ. Trường có nhiều sinh viên nổi tiếng, trong đó có nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Ông đã theo học tại trường này từ năm 1855 lúc ông hai mươi tuổi. Trường phát triển nhanh chóng, thu hút đủ mọi thành phần, từ nhà nông, bác sĩ đến samurai. Mục đích của trường là dạy tiếng Hà Lan, trước đó phải có căn bản tiếng Trung Hoa, sau khi học tiếng Hà Lan xong sinh viên chọn một trong những ngành khoa học để học tiếp như khoa học quân sự, ngành đúc súng, thực vật học, hóa học v.v... [Hơn hẳn các trường tư Việt Nam chỉ dạy các ngành kinh doanh chủ yếu.]

Khi Nhật Bản Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường đủ mọi loại! Hàng triệu người đã được học hành. Theo ước tính, cuối thời Tokugawa Nhật Bản có khoảng trên 40 phần trăm con trai và 10 phần trăm con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình. Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân, và dân chúng cũng đồng tình để cải thiện vị trí xã hội của mình. Phát triển đất nước cần những người có học. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khổng giáo Dazai Jun (1686-1747) viết.

Qui mô của trường Nhật cũng không kém phần ngạc nhiên. Trường Shōheikō thực tế không phải là một ngôi trường, mà là một campus lớn, với nhiều dãy nhà ngang dọc, nhiều đường phố trong đó, với một đền thờ Khổng tử lớn tại trung tâm, nó là một cái làng học thuật và đào tạo đúng hơn. Chúng ta biết các đại học dạng campus của Hoa Kỳ hình thành từ Luật giao đất Morrill năm 1862 trước khi cuộc nội chiến chấm dứt. Phải chăng, xét về qui mô, các trường của Nhật Bản thời Tokugawa đã đi trước các đại học campus của Mỹ gần cả trăm năm?


Vì sao có những con số khủng về giáo dục và văn hóa đọc của một dân tộc võ sĩ?Sự học tại Nhật Bản trước 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Đến năm 1615 tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi bình định được gần ba trăm bang (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, đã truyền lệnh cho tất cả các đại danh đứng đầu các bang, daimyō, và cho võ sĩ, samurai rằng (Điều 1): “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, còn bu là võ, từ đó bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Tức “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”. Và văn đi trước võ để có thể trị nước lâu bền. Võ sĩ là giai cấp cầm quyền ở Nhật Bản, trở thành giai cấp có học, và rất thấm nhuần văn hóa Khổng giáo, khác hơn Trung Hoa hay Việt Nam. Ở Nhật, Khổng nho cao lắm chỉ được làm tư vấn. Nhật Bản cũng có bậc thang “sĩ, nông, công, thương” dưới ảnh hưởng của Khổng giáo Trung Hoa, nhưng ở đây sĩ không phải là nho sĩ, mà là võ sĩ.

Mệnh lệnh trên có tác dụng của một “big bang” của văn hóa học và đọc sách. Các daimyō phải học văn hóa, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để học, họ lập ra các thư viện, khắp các bang. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật Bản có nhiều thư viện nhất trước thời Minh Trị.

Thêm một cái “khủng” nữa, rất lớn và rất có ý nghĩa cho sự vươn lên của Nhật Bản. Tokugawa là chế độ tự đóng kín, ‘tỏa quốc’ (sakoku) suốt 260 năm, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây 1640 (Việt Nam 1630), chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima duy nhất ở Nagasaki thông thương với Hà Lan, và họ kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách, để tránh sự xâm nhập của Kitô giáo. Nhưng trong hai thế kỷ, giới trí thức Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là ‘Lan học’, Rangaku, để biết rõ khoa học, công nghệ phương Tây. Đó là bình minh của nhận thức, giúp cho Minh Trị nhanh chóng thành công. Chính quyền Mạc phủ từng bước cũng nới rộng sự kiểm soát và nhìn nhận những sự ưu việt phương Tây, nhất là sau cuộc Chiến tranh Nha phiến ở Trung Hoa 1840.

Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ XI và XII lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh, như bác sĩ nổi tiếng Sugita Gempaku (1733-1817) nói, người tạo cú hích cho Lan học thành công.

Nếu đối với người trí thức không thể yêu nước trong sự vô minh thì đối với các nhà lãnh đạo trong chính quyền cũng không thể trị vì đất nước trong sự vô minh. Năm 1882, tức 14 năm sau Phục hồi Minh Trị, người ta đã thống kê thấy có tất cả là 2.170 quyển sách tiếng nước ngoài tại các văn phòng chính phủ, đủ loại tiếng Anh, Pháp và Đức. Nhiều nhất là Đại học Hoàng đế Tokyo, kế đến là bộ tài chánh. Từ đầu thế kỷ XIX Mạc Phủ Tokugawa cũng thành lập văn phòng dịch thuật sách nước ngoài sau đó được gọi là “Viện nghiên cứu sách người man di”, Bansho Shirabesho, rồi được đổi tên thành “Viện nghiên cứu sách phương Tây”, Yōsho shirabesho, sau này trở thành một trong những cơ sở của Đại học Tokyo thời Minh Trị. Đó là nơi tập trung nhiều sách nhất, từ y khoa, toán học, vật lý, địa lý đến quân sự và những đề tài khác về thế giới. Katō Hiroyuki, sau này chủ tịch của Đại học Tokyo, nhớ lại khi ông bước vào Bansho shirabesho: “Tôi tìm thấy những cuốn sách không ai có ở ngoài đời. Khi nhìn vào những quyển sách đó tôi thấy chúng rất thú vị: lần đầu tiên tôi thấy các sách về những đề tài như triết học, xã hội học, đạo đức học, chính trị, luật pháp… đứng trước chúng, những suy nghĩ tôi bắt đầu thay đổi.” Nhiều học giả trẻ sau khi đi qua thư viện này trong vài năm đã hoàn toàn thay đổi quan điểm của mình.


Một cái “khủng” nữa tôi không thể không kể ra đây về tính xã hội mà chắc chỉ có dân tộc Nhật Bản mới có thôi. Đó là tính hy sinh của xã hội cho việc học của thanh nhiên. Điều này đã được Lafcadio Hearn (1850-1904) người sống và dạy văn học Anh lâu năm tại Đại học Hoàng đế Tokyo đã ghi lại. Xã hội Khổng giáo Nhật Bản có sức kết dính mãnh liệt, không như nó mang tính cá nhân nhiều hơn ở Trung Hoa. Không chỉ những người thầy hy sinh cho người trò, mà hầu như cả xã hội đều ra tay giúp đỡ học sinh, sinh viên. Hoàng gia Nhật dành phần lớn thu nhập cá nhân cho giáo dục công đã đành, các đại danh, những người chủ đất giàu có tranh đua nhau hỗ trợ giáo dục đã đành. Mà xuyên suốt mọi tầng lớp xã hội, các thương gia, nhà ngân hàng, sản xuất - tất cả những người giàu có của các giới thương mại và công nghiệp - đều hỗ trợ việc giáo dục sinh viên; các sĩ quan quân đội, các công chức hành chánh, bác sĩ, luật gia, các giới nghề nghiệp, tóm lại, đều làm như thế.

Những cá nhân nghèo hơn thì sẽ giúp bằng cách thuê các sinh viên làm người giữ cổng, đưa tin, dạy kèm, họ cho sinh viên chỗ ở hay nội trú, và luôn luôn một ít tiền túi, đổi lấy những dịch vụ nhẹ nhàng. Tại Tokyo và đa số các thành phố lớn, hầu hết các căn nhà lớn đều được bảo vệ bởi sinh viên đề bù lại họ được giúp đỡ. Về phần đóng góp của các thầy giáo cần có một sự đề cập đặc biệt.

Các giảng viên, giáo sư đại học là những người rất hy sinh, xem việc giúp đỡ sinh viên là một điều tự nhiên. Đa số các thầy ở các trường công đều có đồng lương không dư dả để hỗ trợ tài chánh cho sinh viên, nhưng tất cả những ai có thu nhập cao hơn nhu cầu sống của họ đều có sự giúp đỡ dưới hình thức nào đó… Nhưng không có sự bắt buộc nào của thói quen có thể giải thích được niềm vui của sự hy sinh và sự tồn tại lạ lùng của lý tưởng thời phong kiến được minh họa bởi một số sự kiện đặc biệt. Chẳng hạn: một giáo sư đại học nọ được biết tiếng là hỗ trợ và giáo dục một số sinh viên bằng cách chia gần hết tiền lương của ông cho sinh viên, kéo dài nhiều năm như thế. Ông nhận sinh viên ở nhà, cho nội trú, dạy sinh viên và mua sách cho họ, và trả học phí - chỉ giữ lại cho ông chi phí sống, và giảm cả chi phí sống bằng cách sống bằng những củ khoai lang nóng…

Một người già hơn bảy mươi tuổi, vẫn dành hết phương tiện, thời gian và tri thức cho lý thưởng trách nhiệm truyền thống của ông. Có bao nhiêu loại hy sinh lạ thường như thế đã được thực hiện bởi những ngưới ít khả năng hơn, điều đó sẽ không bao giờ được biết. Lafcadio kết luận: Hầu như tất cả các công trình giáo dục bậc đại học được thực hiện ở Nhật Bản, dù có sự giúp đỡ của chính phủ, đều là những kết quả của sự hy sinh cá nhân.


Sự chuyển đổi xã hội Nhật Bản từ xã hội phong kiến sang xã hội công nghiệp là công trình của giới trí thức Nhật Bản, hạt nhân của xã hội mới. Họ là những người “khai mông”, keimō. Thứ nhất, họ khơi dậy tinh thần “văn minh và khai hóa”, bummei-kaika. Việc này được thực hiện bởi nhóm Meirokusha (“Minh lục xã”, Meiji Six Society), xung quanh các nhà khai sáng Fukuzawa, Nishi, Katō, Mori, Tsuda, Nakamura, Kanda và Nishimura. Họ là chuyên gia hàng đầu về văn minh phương Tây, đặc biệt họ thông thạo tiếng Hà Lan, tiếng Anh và tiếng Đức. Những tác phẩm của họ báo trước hừng đông của một thời kỳ mới cho Nhật Bản, gây ra cơn sốt học hỏi văn minh phương Tây.

Thứ hai, để tạo sự đồng thuận xã hội, họ phải tìm cách bắt chiếc cầu sống chung giữa Khổng giáo và chủ nghĩa tư bản, giữa Khổng giáo với chủ nghĩa thực chứng khoa học phương Tây, giữa Khổng giáo và thương mại, như đã được nước Anh đại diện là sức mạnh tổng hợp của cách mạng công nghiệp, thể chế chính trị, và đội thương thuyền, tàu chiến. Thương mại, vốn đứng hàng cuối trong bậc thang sĩ, nông, công, thương của xã hội Khổng giáo phương Đông, nay được bốc lên vị trí hàng đầu như một đức hạnh của thời đại mới. Giới trí thức phải biện minh được sự đổi mới về mặt đạo đức, phải chứng minh rằng thương mại chỉ là công cụ của sức mạnh nhà nước để lo cho dân, thực hiện trách nhiệm đạo đức của Khổng giáo, rằng Khổng giáo có những lổ hổng to lớn khi chỉ nhấn mạnh phần đạo đức trong xã hội mà quên lãng quyền con người (minken) và quyền tư hữu (bukken), cũng như thiếu vắng một phương pháp khoa học và một ý tưởng về tiến bộ, do đó cần được bổ sung tri thức từ phương Tây.

Giới khai mông phải học rất nhiều để am tường những tư tưởng, các đặc thù của các xã hội phương Tây, nguồn gốc sức mạnh và quy luật phát triển. Họ không những am hiểu Adam Smith mà còn am hiểu Friderich List, người phê phán Adam Smith làm ngơ trước sự thật là các giai đoạn phát triển khác nhau cần những chính sách khác nhau, bản thân nước Anh cũng đã từng bảo hộ mậu dịch (từ Navigation Acts, 1651) cho đến khi kinh tế Anh mạnh lên chứ không phải chỉ có tự do mậu dịch.

Trong những năm sau 1850 giới trí thức đi tới kết luận rằng những giá trị của nhà nước và phong kiến không thể được bảo vệ được nữa bằng “súng to tàu chiến lớn”. Một dân tộc có mạnh, phồn vinh hay không, không tùy thuộc vào một vị minh quân, mà tùy thuộc vào vị trí của dân tộc đó trên bậc thang của tiến bộ, tùy thuộc vào hiện trạng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc: nghĩa là tùy thuộc vào “tinh thần thời đại”, jisei (“thời thế”), khuynh hướng phát triển của thời đại (Fukuzawa). Chế độ phong kiến với giáo dục Khổng giáo vô tình đã ngăn cản dân tộc tiến lên jisei. Đó là cái nhược điểm của xã hội cũ. Nước Phổ không phải đã thắng Pháp vì Bismarck tài giỏi hơn Napoleon III, mà vì ‘tinh thần thời đại’ của dân Phổ cao hơn tinh thần thời đại của dân Pháp.

Nhưng súng to tàu chiến, quân đội, công nghiệp không phải khó để tạo ra. Chỉ cần có đủ tiền thì có thể mua. Đó chỉ là những ‘ngoại dạng’ (external forms) của văn minh. “Nhưng còn có một cái gì phi vật chất, cái gì không thể nghe hay thấy, mua hay bán, cho vay hay mượn. Nó tràn ngập khắp quốc gia và ảnh hưởng của nó mạnh đến nổi không có nó không có trường nào, hay các ‘ngoại dạng’ khác trở nên hữu ích. Vật quan trọng tột cùng này chúng ta phải gọi tinh thần của văn minh.” (Fukuzawa)


Tôi đã nhắc đến thuyết tiến hóa xã hội của Herbert Spencer, giờ tôi xin kết thúc cũng với ý đó, nhưng từ lời nói của một nhân vật lịch sử khác. Trong buổi chiêu đãi Đoàn Iwakura ngày 15 tháng 3 năm 1873 tại Berlin, Thủ tướng Otto von Bismarck của Đức đã có những lời phát biểu sau đây gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với các nhà lãnh đạo Nhật Bản:

Giờ đây các quốc gia trên thế giới tất cả đều tỏ ra thân thiện và lễ phép khi họ giao tiếp nhau, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Thực tế đằng sau là ngấm ngầm sự mưu hại lẫn nhau và cuộc đấu tranh giành ưu thế…, Nếu có cuộc tranh chấp, các quốc gia lớn sẽ viện dẫn luật quốc tế khi biết họ có lợi; nhưng nếu thấy bất lợi, họ sẽ thay đổi đường lối và sẽ sử dụng quân sự. Còn chúng ta, các quốc gia nhỏ, chỉ biết siêng năng bám vào câu chữ của luật pháp và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, không dám vượt quá.

Tức thực tế kẻ lớn ức hiếp người bé, kẻ mạnh bắt nạt người yếu. Bismarck cho rằng một dân tộc chỉ chăm sóc tình yêu quê hương thôi không đủ. Nếu không xây dựng được sức mạnh thì đất nước sẽ không giành được sự tôn trọng trên trường quốc tế, độc lập chỉ là niềm hy vọng thôi. Bismarck kết thúc bài diễn văn với những lời sau đây:

Nhật Bản có nhiều quốc gia đi tìm quan hệ thân thiện với mình, nhưng một quốc gia như nước Đức, quốc gia đánh giá cao các giá trị của sự tự chủ, sẽ là quốc gia thân thiện nhất trong số các quốc gia thân thiện.

Mori Arinori (1847-1889), Bộ trưởng giáo dục đầu tiên của Nhật thời Minh Trị, người có công lớn như Humboldt của Đức, cũng là người bạn của Spencer, đã thấy trước cuộc đấu tranh sinh tồn của thuyết tiến hóa xã hội đang diễn ra trên thế giới, đã diễn tả sâu sắc ý nghĩa của giáo dục như sau: “Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cuộc chiến tranh này. Thua cuộc chiến tranh này là sẽ thua cuộc chiến tranh bằng súng đạn”. Ông nói thêm: “Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”. Đó là sự tiến hóa xã hội của Nhật Bản mà các nhà lãnh đạo Minh Trị đang kỳ vọng.

Đối với người Nhật, đọc sách là để khai minh, vươn lên bằng thiên hạ, không thua kém bất cứ quốc gia nào. Đọc sách còn là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức để không ngừng phát triển và hoàn thiện mình. Một ngàn năm trước họ đã học Trung Hoa. Một ngàn năm sau họ học phương Tây. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ vô minh vì không học. “Hãy biết kẻ thù” (Tôn Tử). Họ học sớm và học nhiều hơn Trung Hoa là quốc gia đã tiếp xúc với phương Tây trăm năm trước trước họ mà không học được gì, nhưng họ vẫn giữ được bản sắc, “tổng hợp được văn hóa Đông Tây”, trong khi Trung Hoa mới là nước vứt bỏ truyền thống của mình. Nhật Bản đã mang lửa văn minh của thần Prometheus về châu Á để thắp sáng cả vùng. Họ đã thành công, và được thế giới nể phục.


Một xã hội mà văn hóa đọc kém cõi là một xã hội tự đóng kín, một cách ý thức hay không ý thức, vì lý do này hay lý do kia, và vì thế sẽ bị tước đi các năng lực nhận thức thế giới để cải tạo mình cho phù hợp với “thời thế”, jisei. Không thể cải tạo xã hội phù hợp với đà tiến hóa nhân loại nếu giới tinh hoa không hiểu được thế giới. Nhật Bản sẽ không là Nhật Bản hôm nay nếu giới tinh hoa hôm qua của họ không am hiểu thế giới, không đọc sách của thiên hạ về các diễn trình lịch sử đã dẫn đến sức mạnh đang đe dọa họ, không nhìn thấy tận mắt mô hình các quốc gia phát triển tiên tiến, và không có bản lãnh, quyết tâm cũng như phẩm chất đạo đức của sự lãnh đạo. Mọi sự tự mãn, tự cao, hay sợ mất “bản sắc” vì bất cứ lý do gì, đều mang trong mình nguy cơ tụt hậu và suy yếu nguy hại lâu dài. Trung Hoa, một vương quốc lớn mạnh biết bao, đã phải sụp đổ trong trận chiến tranh nha phiến 1839-42, cũng chỉ vì tự cao, tự mãn và chỉ muốn ôm giữ khư khư bản sắc nghìn năm của mình, không thấy thời thế đã đổi khác xưa một trời một vực, không tiếp thu được gì quan trọng của phương Tây đang nắm giữ chìa khóa của phồn vinh và sức mạnh. Sự khước từ thông thương của vua Càn Long với phái đoàn Macartney của Anh quốc năm 1793 là sự đánh mất cơ hội cuối cùng cho một cuộc đổi mới. Càn Long không hiểu rằng cuộc cách mạng khoa học và công nghiệp châu Âu đang lên đến đỉnh cao, cuộc toàn cầu hóa bằng bạo lực bắt đầu tràn tới, nước Anh đã kiểm soát một phần tư dân số thế giới.

Khoảng cách văn hóa đọc giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày nay vẫn quá xa, đáng kinh hãi.Số lượng xuất bản một hai ngàn bản của Việt Nam bây giờ của những cuốn sách có tính chất khai sáng so với hàng triệu bản của Nhật Bản thời Minh Trị cho thấy tinh thần Việt Nam vẫn chưa tỉnh thức. Khoảng cách địa lý có thể rút ngắn trong vài giờ bay, nhưng khoảng cách văn hóa đọc và tri thức chỉ có thể đo bằng các thập kỷ, nếu Việt Nam biết dốc hết sức để lấp bằng. Nếu văn hóa đọc yếu ớt này vẫn tiếp tục tồn tại, khó tránh khỏi những hậu quả khôn lường cho Việt Nam mà không ai muốn thấy cả, kể cả bạn bè xung quanh. Nỗi lo của Phan Châu Trinh chưa vơi chút nào, xét về phương diện “chấn dân khí, khai dân trí”, nếu không muốn nói còn tăng thêm nữa. Cần phải gấp rút có cuộc chấn hưng văn hóa đọc và hiểu biết thế giới trong đó nghiên cứu và dịch thuật là việc nền tảng. Đó là mệnh lệnh của tất cả mọi người Việt Nam. Không có nghiên cứu, dịch thuật dồi dào, và nếu những việc này không được thể chế hóa, thì người Việt Nam thiếu hiểu biết về thế giới một cách nghiêm trọng, chỉ có tình yêu quê hương và hy vọng thuần túy, nhưng khó đạt đến sự phồn vinh và sức mạnh cần thiết để bảo vệ độc lập của mình. Mọi sự phát triển bên ngoài lôgíc hoàn vũ của lịch sử đều là sự kìm hãm và không đưa đất nước vào quỹ đạo phát triển của các quốc gia tiên tiến thế giới, bao nhiêu tiềm năng của con người Việt Nam sẽ bị tiêu tan, trí tuệ Việt Nam mai một, đất nước vẫn bị suy yếu, nguy cơ lệ thuộc hay làm miếng mồi cho bá quyền vẫn còn ở trước cửa./.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc sách cho vui hay để thay đổi?

    12/03/2018Trần Nhã ThụyTác giả “Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật” đã không giấu thảng thốt: “Những cuốn sách có tính chất khai sáng xuất bản tại VN bây giờ có số lượng 1.000-2.000 bản so với hàng triệu bản của Nhật Bản thời Minh Trị cho thấy tinh thần Việt Nam vẫn chưa thức tỉnh”...
  • Cần cuộc cách mạng Khai Sáng của người Việt

    27/09/2010Bùi Quang MinhĐể ý nhiều bạn trẻ, trung niên, và cả bậc cao niên lảng tránh bàn luận việc lớn nhỏ của đất nước, dân tộc hay của chính họ, tôi nhận thấy nguyên nhân chung họ đưa ra là: “Ôi dào, rách việc, nghĩ nhiều thì cũng đến thế, việc khó để người khác lo”. Có phải họ lười suy nghĩ, hay là họ ích kỷ cá nhân, họ chưa đủ khả năng nhận thức đầy đủ về dân quyền và việc quốc gia hay là họ đang thờ ơ với vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình chăng? Họ chưa trưởng thành dù cho cơ thể và địa vị xã hội của họ đã lớn...