Trường học, nhà trẻ ở đâu?

01:16 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Tư, 2010

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội dồn dập những dự án mở rộng, chỉnh sửa, làm mới Thủ đô ngàn năm văn hiến. KTS Trần Huy Ánh đặt ra câu hỏi nhức nhối: "Trường học, nhà trẻ ở đâu trong bản Quy hoạch Hà Nội". Và đây là câu trả lời cho KTS Trần Huy Ánh:Trường học nhà trẻ hiện naylà ở dưới lòng đường, trên gác xép, trong các khe hẻm phố chật chội hoặc núp dưới các tòa nhà cao tầng.

Trường học, nhà trẻ ở đâu trong bản Quy hoạch HN?

Hướng tới 1000 năm Thăng Long, giá như trên 500 xã phường Hà Nội có phương án định vị trên bản vẽ 1000 trường học nhà trẻ mới, thì hàng triệu mầm non đất nước vinh dự sống ở Thủ Đô có thêm niềm vui được nhân lên 1000 lần.

Bản QH trường học Hà Nội ra đời bởi kiến trúc sư và bác sĩ

Đầu những năm 2000, Hà Nội dồn dập những dự án phía Tây sông Tô Lịch, hàng ngàn ha đất ruộng chuyển đổi thành đất đô thị. Tháng 9/2003, TP Hà Nội phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới trường học thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" phạm vi nghiên cứu là 14 quận huyện.

Ví dụ quận Cầu Giấy, diện tích hơn 1.200 Ha, 1997 dân số 9 vạn, lên đến 14 vạn người năm 2001. Tài liệu QH này lại viện dẫn dân số hiện trạng (2003) vẫn là 9 vạn, học sinh gần 2 vạn. Dự báo 2020 gần 15 vạn dân, hơn 4 vạn học sinh. Với số học sinh ấy, dành ra gần 60 ha đất xây trường đã là thừa, còn đâu tha hồ làm nhà ở chia lô, cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn nhà hàng...

Thực tế, năm 2008 dân số đã trên 20 vạn, số học sinh gần 5 vạn. Chưa qua nửa thời gian, xây hết quỹ đất quy hoạch dự trù cho cả chục năm sau mà vẫn thiếu hàng chục Ha, tính đến năm 2020 thì còn thiếu một nửa. Quỹ đất dự trữ đã hết từ lâu.

Trước khi đô thị hoá, các trường hoc ven con sông Tô ...nằm ở bìa làng, thoáng mát tĩnh mịch, cửa sổ lớp trông ra đồng lúa xanh rờn. Em bé thì được làng xóm thương quý hơn nên đặt nhà trẻ giữa làng, dưới bóng đa mát rượi sân chùa, nhìn ra giếng đình trong veo.

Giờ đây, ruộng thành nhà, ao mương lấp sạch dành chỗ KĐT áp sát. Chen chúc giữa khu dân cư, có trường còn chung tường với nhà tang lễ bệnh viện, cảnh tắc đường, tiếng còi xe với âm thanh kèn trống, lời giảng gào to... nghe mãi thành quen.

Trong các KĐT, trường xây bởi nguồn vốn xã hội hoá, nên học phí cao, vì họ phải thu hồi vốn - trò nghèo chỉ đứng ngoài. Trường công lập, địa phương chỉ còn cách mở rộng lớp ra sân hay nâng tầng.Có sáng kiến làm nơi để xe tầng hầm dành chỗ làm sân chơi hay lắp thang máy cho các cháu.

Kiến trúc sư thiếu cẩn trọng trong nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị sẽ có tác động tiêu cực tới xã hội, giống như bác sĩ vụng kê nhầm toa thuốc cho bệnh nhân nan y - hy vọng sống sót của họ là rất mong manh.

Nếu như BS có nhiệm vụ chữa bệnh cho người, thì KTS phải làm sao để không gian đô thị không có khuyết tật; có chỗ nào bất ổn, họ phải can thiệp ngay để công trình hay không gian đô thị trở nên tốt đẹp hơn, có sức sống hơn.

Khác với BS, sai lầm của họ được chôn dưới ba thước đất hoặc vài cá nhân phải chịu đựng, còn sai lầm của KTS thì nằm chềnh ềnh trên mặt đất, phơi ra cái xấu xí trong suốt quãng thời gian dài, ảnh hưởng đến hàng vạn con người. Như vậy, xét về mục đích phấn đấu và hậu quả nghề nghiệp, BS và KTS có điểm tương đồng, có điểm khác biệt.

Định hướng không gian phía Bắc HN - phương án chon tháng3/2010: Đô thị lõi mở rộng 264km2 và Khu công nghệ cao Hoà Lạc 97 Km2

Trường học, nhà trẻ có nhiều hơn trong bản QH Thành phố rộng gấp 3 lần

Quy hoạch chung Hà Nội đang sắp hoàn thành. Sơ đồ cho thấy nơi có khả năng hiện thực số một là Đô thị lõi mở rộng từ sông Nhuệ cho đến vành đai 4, diện tích 264 km2, dân số đạt 1,3 triệu vào 2030- Tận dụng vị trí áp sát đô thị, đã có cả trăm dự án BĐS phục sẵn lâu nay rồi. Số hai là khu công nghệ cao Hoà Lạc, diện tích 97km2 dân số 0,7 triệu người- Đô thị này đang hiện thực hoá bởi có nhiều đầu tư từ NSNN cho hạ tầng đô thị, tuyến đường giao thông lớn nối với trung tâm HN hoàn thành nay mai.

Định hướng QH là chuyển một bộ phận các trường ĐHCĐ ra ngoài trung tâm mà Hoà Lạc là một cực hút với Đại học Quốc gia, các ĐH tập trung, TT đào tạo nhân lực chất lượng cao...Hệ thống giáo dục phổ thông nội đô thì: "..cải tạo và nâng cấp các trường hiện có, tăng cường diện tích xây dựng trường thông qua các dự án tái đầu tư quỹ đất từ cải tạo khu chung cư cũ, chuyển đổi chức năng KCN, các trụ sở cơ quan...hòa nhập tiêu chuẩn giữa trường học ở nội đô và ngoại đô. Đối với các đô thị mới, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí quỹ đất xây dựng trường học theo tiêu chuẩn quốc gia..."(*).

Thuyết minh có vậy thì vẫn mờ mịt, vì tình huống đô thị hoá mở rộng phía Tây sông Nhuệ giống như cách đây 10 năm ở phía Tây sông Tô: Các dự án BĐS định vị trên toàn bộ đất ruộng, bao vây các làng xóm vốn canh tác trên các cánh đồng ấy. Liệu có diễn lại cái cảnh trường làng thì bị quây kín, trường trong KĐT thì xã hội hoá với giá học phí cao? Có điều khác biệt thấy ngay: chỉ tính riêng diện tích Đô thị lõi mở rộng đã lớn gấp 20 lần cách đây 10 năm.

Quy hoạch mạng lưới trường học 4 cấp ( mầm non, tiểu học, THCS, THPT) Hà nội đang đặt ra câu hỏi: Các dự án BĐS có trách nhiệm gì trong việc nâng cao phúc lợi giáo dục công cộng tại chính các địa phương các dự án này chiếm đất ? Ngay trong các dự án BĐS, tỷ trọng giáo dục công là bao nhiêu ? Và bên cạnh mạng lưới giáo dục phổ cập cần phân bố đều trên 29 quận huyện HN thì giáo dục phổ thông nâng cao, chuyên sâu, không gian thực nghiệm giáo dục hiện đại sẽ đặt ở đâu trong bản QH Thành phố mở rộng diện tích gấp 3 trước đây?

Đề xuất vị trí Đô thị Giáo dục phổ thông trong Tp Hà Nội

Để phù hợp lứa tuổi phổ thông, mô hình bán trú, khoảng cách đi từ nhà đến trường 15-20 phút ô tô xe máy hay 30-45 phút xe đạp. Địa bàn nào của Hà Nội thuận tiện cho việc lưu thông từ trong ra ngoài, bán kính 5-7 km, sẵn hạ tầng và quan trọng nhất là có đủ quỹ đất dự trữ để chuyển đổi. Khảo sát 2009, các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng ...không có khả năng ( tuy vẫn có nhiều không gian đang khẩn trương xây trung tâm thương mại, căn hộ giá cao, KS ...)

Trái: Vị trí quận Cầu Giấy nằm giữa đô thị trung tâm và đô thị lõi trung tâm.
Phải: Vòng tròn mầu đỏ đề xuất chuyển đổi thành đất giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và các vùng lân cận.

Nơi khả thi nhất là quận Cầu Giấy: nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã có phương án lên Hoà Lạc, Xuân Mai. Một số nhà máy, bệnh viện cần đưa khỏi trung tâm. Văn phòng các cơ quan TP dự kiến từ trước, nay TP đã mở rộng, trụ sở tỉnh Hà Tây cũ chắc còn trống trải, lý gì phải chen chúc nơi đây.

Các đơn vị quân đội vốn là các trận địa phòng không bảo vệ vùng trời ngoại ô Hà nội năm xưa nay lọt thỏm giữa đô thị đông đúc thì vai trò ấy không còn nữa ....Sơ bộ các quỹ đất này gần 100 Ha.

Thật không dễ gì các đơn vị này trả đất xây trường học, nhưng đấy là hạn chế của các KTS. Nhiều dự án các KTS đã thuyết phục các nhà quản lý giao đất ruộng mầu mỡ làm chỗ vui chơi, xây chợ trên di tích lịch sử, xén đất công viên làm khách sạn, xây đô thị cao cấp ở nơi trũng ngập nước hay làm sân golf vào đồng cỏ trại bò giống....

Vậy thì các KTS hãy dùng những ngôn từ điêu luyện ấy mà thuyết phục những ai quan tâm đến tương lai Thành phố trí tuệ, văn hiến này dành đất cho giáo dục.

Hướng tới 1000 năm Thăng Long, đã có sáng kiến làm ra 1000 bài thơ, bức tranh, bài hát, đúc 1000 con rồng... Giá như trên 500 xã phường Hà Nội có phương án định vị trên bản vẽ 1000 trường học nhà trẻ mới (chỉ cần trên bản vẽ thôi, còn xây dựng thì phải lâu dài). Nếu có, thì hàng triệu mầm non đất nước vinh dự sống ở Thủ Đô có thêm niềm vui được nhân lên 1000 lần.

Ghi chú(*)Trích báo cáo thuyết minh tóm tắt Quy hoạch chung XD Thủ đô ....trình thẩm định 4/3/2010. Số liệu trong "Báo cáo khảo sát hiện trang trường học... Cầu Giấy 2008"

Trường học ở đây thưa KTS Trần Huy Ánh!

Trong buổi lễ, các cháu phát biểu cảm xúc đầy xúc động chào mừng 1000 năm Thăng Long sắp đến, nhưng trong lịch sử 1000 năm ấy Thăng Long - Hà Nội đã làm gì để chào mừng các cháu? Hẳn khi định đô ở đất rồng bay nơi đây, Đức Lý Thái Tổ cũng không nghĩ 1000 năm sau, hậu duệ của Người phải xếp hàng tưởng nhớ mình dưới lòng đường như thế.

Ngôi trường với những lễ khai giảng trên vỉa hè

Trường tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một ví dụ điển hình của các ngôi trường như thế. Trường đóng đô tại ngã tư Tô Hiến Thành - Bùi Thị Xuân, khu phố trung tâm có lưu lượng người qua lại lớn. Tiếng ồn và khói bụi là "nỗi niềm" chung của tất cả người dân phố thị, đương nhiên các cháu không ngoại lệ.

Trường được đóng đô tại một biệt thự Pháp cổ với các phòng họp hẹp và tối. Văn phòng đồng thời là nơi làm việc của các giáo viên tại một phòng hẹp tầng một. Trường hoàn toàn không có sân và hành lang rộng. Giờ ra chơi, học sinh giải lao tại chỗ. Mỗi lần có dịp lễ lạt hội họp, cô trò toàn trường lại tập trung ở... vỉa hè.

Phóng viên Tuần Việt Nam đã từng chứng kiến một buổi tập duyệt văn nghệ của trường. Mấy chục học sinh lớp 4 nhốn nháo trên vỉa hè hẹp, các học sinh nam đùa nghịch xô đẩy nhau xuống lòng đường, nơi ô tô xe máy đang phóng vùn vụt trong khi cô giáo đang bận rộn việc khác.

Phóng viên quá lo sợ cho tính mạng các cháu đã phải chạy vào trường đề nghị các cô quản lý chặt các cháu, hoặc đưa các cháu vào lớp. Các cô phân bua vì trường quá chật và hứa sẽ xử lý ngay. Tâm sự của các cô có thể hiểu được, nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra trong một tích tắc.

Vỉa hè không đủ rộng cho đội nhạc,

Chặn đường phố để cô trò... múa hát

Ngày 8/4/2010, phóng viên có ghi lại được cảnh cô trò Trường tiểu học Bà Triệu tổ chức Lễ chào mừng 1000 năm Thăng Long. Sân khấu và nơi thầy cô và đại biểu được bố trí trên vỉa hè, còn toàn bộ học sinh ngồi dưới... lòng đường. Hai đầu tuyến phố được công an chặn đường bảo vệ.

Buổi lễ được diễn ra, chương trình tối giản tuyệt đối ngắn gọn với màn phát biểu, văn nghệ chào mừng và trao giải thưởng cho các học sinh có thành tích. Sau màn múa tập thể... tại chỗ, học sinh nhanh chóng được giải tán để trả đường phố cho người đi đường.

Nhìn cảnh đó, người viết bài không khỏi cám cảnh thương các cháu. Niềm vui tuổi thơ hầu như bị "cắt gọt " tuyệt đối, làm sao những kí ức đẹp đẽ được chắp cánh từ những 'ngày hội' vội vã như thế.

Trong buổi lễ, các cháu phát biểu đầy xúc động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp đến, nhưng trong lịch sử 1000 năm ấy Thăng Long - Hà Nội đã làm những gì để chào mừng các cháu? Hẳn khi định đô ở đất rồng bay nơi đây, Đức Lý Thái Tổ cũng không nghĩ 1000 năm sau, hậu duệ của Người phải xếp hàng tưởng nhớ mình dưới lòng đường như thế.

KTS Trần Huy Ánh hỏi trường học nhà trẻ ở đâu trong quy hoạch Hà Nội 30 - 50 năm nữa. Người viết bài cũng băn khoăn tự hỏi, những nhà quy hoạch đưa ra những ý tưởng thật cao vời, những tòa nhà thật đẹp đẽ, những khu vui chơi sinh thái thật xa xỉ, những khu dịch vụ thật văn minh. Một 'Great Hà Nội' đáng mơ ước trong tương lai.

Nhưng trường học nhà trẻ ở đâu trong cái 'Hà Nội tuyệt diệu' của tương lai ấy?

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục đại học và cơ chế thị trường

    22/03/2007Giáo sư Phạm PhụCụm từ "Giáo dục đại học và cơ chế thị trường" đang được tranh luận sôi nổi trên mọi diễn đàn về GD trong hơn một năm qua. "GDĐH có là một loại hàng hóa công?", "Trường học không phải là chợ", "Có hay không có thị trường GD?"... Thanh Niên xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về vấn đề khá nóng bỏng và cũng khá nhạy cảm này.
  • Internet trong trường đại học - quá lãng phí

    12/01/2004Lê Hạnh (thực hiện)Internet, phòng máy tính, môn tin học, website... giờ đây không còn xa lạ đối với mỗi trường đại học, cao đẳng, mỗi sinh viên. Tuy vậy, có một thực tế là SV vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận với Internet. Do nhiều nguyên nhân như kinh phí eo hẹp, số lượng sinh viên quá đông, công tác quản lý còn nhiều bất cập, nhận thức của nhiều lãnh đạo các trường về Internet cũng chưa đầy đủ...
  • Trường học phải là nơi thiêng liêng nhất

    24/11/2003Đọc bài “Chất lượng giáo dục bắt đầu từ người thầy THẬT” trên TTCN 16-11 của chị Nguyễn Thị Oanh tôi rất thích chữ “Thật”. Trong đó có ý rất hay là phải biến trường học thành nơi thiêng liêng nhất trong cuộc đời làm người...
  • Giờ học của trường tiểu học và mẫu giáo chưa hợp lý

    07/08/2003Quy định về giờ học của các trường tiểu học và mẫu giáo hiện nay làm chúng tôi rất khó khăn trong việc đưa đón các cháu...