Trong tim có đá!
Cuối tuần, bạn gọi điện đố: Tết này người ta ăn lớn hay nhỏ? Trả lời: Chắc là nhỏ thôi. Cả thế giới khó khăn chứ riêng gì Việt Nam! Bạn cười, và rủ đi uống cà phê. Ở một quán bên lề trên đường Lý Tự Trọng, bạn bảo hãy quan sát cho kỹ một cửa hàng bên kia đường.
Chỉ một buổi sáng thôi mà thấy choáng với cái cách sắm tết của giới thượng lưu. Xe hơi cứ nối đuôi nhau đậu dài dài, bước xuống là những quý bà sang trọng. Họ toàn là chỉ, hỏi và móc tiền trả xoành xoạch. Không một tiếng cò kè. Và sau đó là mấy anh chàng phục vụ với tài xế cứ khuân hàng chất kìn kìn lên xe.
Rời quán cà phê ở đường Lý Tự Trọng, bạn chở về chợ Tân Định, nơi đó có một cửa hàng chuyên bán rượu tây. Và ở đây, thấy choáng khi mỗi chai rượu có giá hơn một tháng lương công nhân nhưng cứ được mua như nước suối!
Bạn cười cười hỏi: ”Thế nào, người ta ăn tết lớn hay nhỏ?”. Trả lời: “Lớn quá!”.
Bạn lại cười, bảo lên xe chở đi tiếp. Và lần này là trực chỉ ra Tân Kỳ Tân Quý, đến hết đường thì rẽ trái ra quốc lộ 1A. Ở đó có rất nhiều nhà máy. Và chiều về, khi tan ca, từng đoàn công nhân rẽ vào các chợ xép. Họ móc trong túi, trong ví từng đồng tiền lẻ nhàu nhò để mua quả trứng, bó rau.
Nhưng đừng tưởng không có chợ tết cho công nhân nghèo. Chỉ vài ngày nữa thôi, họ cũng hòa vào dòng người để về quê sum họp với gia đình ba ngày tết. Và đã về thì cũng phải có quà cho cha mẹ, cho các em. Nhưng quà tết công nhân thì khiêm tốn lắm. Đó có thể là chiếc dây nịt cho cha, loại mang vài lần là muốn gãy với giá chỉ chục ngàn đồng, là chiếc áo bán xôn bên đường chỉ 30.000 đồng/chiếc cho mẹ, là những bịch kẹo thèo lèo vài ngàn đồng/gói cho em...
Bạn cười buồn hỏi: ”Thế nào, người ta ăn tết lớn hay nhỏ?”. Trả lời: “Quá cám cảnh!”.
Bạn - một cán bộ nhỏ ở một quận, nhưng cũng là chỗ tiếp xúc nhiều với dân, mà nếu muốn ắt cũng khối điều kiện để kiếm phong bì. Nhưng bạn bảo ngay từ nhỏ đã được cha dạy rằng trong trái tim của mỗi con người, ai cũng có một mảnh băng đá mà tạo hóa đã cấy vào. Người nào mà trái tim còn biết đập loạn nhịp khi chứng kiến những cảnh bất công trong cuộc đời thì mảnh băng đá ấy ngày càng bé đi.
Còn ai mà dửng dưng với mọi chuyện, sống kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, chẳng mấy chốc mảnh băng đá ấy lớn lên và làm đông cứng quả tim. Khi ấy, không chết cũng chẳng còn ra hồn người! Vì vậy, năm nào bạn cũng làm một vòng đến chỗ người ta sắm tết dữ dội nhất, rồi qua nơi người nghèo mơ tết để trái tim luôn nóng mà kiềm chế mảnh băng đá kia.
Bài học mà bạn nằm lòng từ lời răn của cha mình có lẽ cũng là bài học chung. Chúng ta không phê phán những vị đại gia sắm tết tưng bừng, bởi sau một năm vất vả họ có quyền thưởng cho mình một cái tết sung túc - miễn rằng tiền ấy sạch, không bóp hầu bóp họng người khác mà có. Nhưng đừng lấy cái tết của người giàu cộng với cái tết của người nghèo rồi chia trung bình để tự trấn an lòng rằng dân ta đã khá lên nhiều lắm. Khi ấy, mảnh đá trong tim bắt đầu lớn lên rồi đấy!
Bạn đọc Tuổi Trẻ tham gia
Chạnh lòng + bất lực = 0
Không hiểu có phải do mình nhạy cảm quá, hay do bài báo quá xúc động mà tôi không cầm được nước mắt, hoặc có thể do có sự đồng cảm. Cách đây 7 năm, tôi cũng nằm trong diện đón Tết với đồng lương ít ỏi của công nhân, cuộc sống mà sớm chiều chỉ biết đến những cái chợ tự nhóm, những shop quần áo lưu động...
Giờ đây tuy suộc sống đã khá hơn chút xíu, nhưng những buổi chiều, nhìn thấy những tốp công nhân đi làm về với chiếc xe đạp, với những túi thức ăn mua vội bên lề đường, tôi không khỏi chạnh lòng và tự hỏi không biết được mấy người trong số họ có điều kiện để vượt lên số phận như tôi, hay cái nghèo cứ mãi đeo bám khi vật giá leo thang mà đồng lương thì ít ỏi. Hòn đá trong tim anh nhỏ và hòn đá trong tim tôi cũng thế nhưng sẽ làm được gì khi hòn đá trong tim những người cần phải nhỏ thì lại quá to hả anh?
Truc Ly
Sống cho có ý nghĩa!!
Đọc bài viết của bạn tôi cảm thấy thật buồn, đành rằng chúng ta làm ra của cải vật chất thì chúng ta có quyền thụ hưởng, không ai có quyền can thiệp miễn là đồng tiền mà chúng ta làm ra một cách chân chính, không lừa lọc, ăn hối lộ... Nhưng có khi nào chúng ta thử nghĩ một lúc nào đó chúng ta trắng tay, hoặc ta dành một phần nhỏ của việc tiêu xài ấy cũng đủ cho một học sinh có điều kiện cắp sách đến trường. Chúng ta hãy chung tay làm một việc có ích cho xã hội, để sau này chúng ta không phải suy nghĩ.
Choi Xong Dong
Em có ý kiến!
Cảm ơn tác giả đã có bài viết cảm động để qua đây thấy được xã hội ta còn nhiều người có trái tim không băng giá và rất quan tâm đến người khác, nhất là người nghèo.
Theo tôi, trong số những người giàu kia có những người xứng đáng được hưởng thụ những gì họ đã làm ra một cách chân chính. Họ xứng đáng được hưởng thụ vì họ phải học hành tốn kém, vất vả; họ phải dành nhiều tâm sức để làm ra của cải. Họ xứng đáng được hưởng thụ cao hơn số đông vì khi họ làm ra của cải cho bản thân thì họ cũng giúp nhiều người khác có công việc và thu nhập chân chính và họ đóng thuế cho ngân sách quốc gia.
Chúng ta cần khen ngợi, ngưỡng mộ và cảm ơn những người này. Tất nhiên, trong số những người đang dùng những thứ vật chất xa xỉ kia không ít kẻ là trọc phú hoặc những người không xứng đáng được hưởng những gì họ có điều kiện để hưởng thụ và phải cảm thấy xấu hổ với những thứ họ có nếu họ còn biết xấu hổ.
Tôi biết nhiều người giàu có tấm lòng nhân ái, họ sẵn sàng bỏ tiền mà họ làm ra để giúp đỡ nhiều người không may mắn khác (đừng quá xét nét về động cơ của họ!). Và tôi tôi tin rằng người giàu (và cả những người không giàu) sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để chia sẻ khó khăn với người nghèo và những người có số phận không may mắn nếu họ tin và biết chắc rằng đồng tiền mà họ bỏ ra đến đúng địa chỉ cần đến...
Và người nghèo (trong đó có tôi, cha mẹ và anh em ruột thịt của tôi) không nên so sánh mà nên sống thật thà, lương thiện, cần cù tích cóp và hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn. Những ai có điều kiện, nhất là những người có chức (mà còn được dân tin và còn có tâm sáng) và những người có điều kiện nên đứng ra vận động, quyên góp để giúp cho người nghèo, người bất hạnh có được cái tết khá hơn.
Phàm là người ai cũng muốn làm việc thiện do đó nên tạo điều kiện để không chỉ người giàu, người có chức quyền mà cả những người bình thường có thêm cơ hội để thể hiện thiện tâm và giá trị của mình.
Ít ai từ chối đóng góp để giúp đỡ người khác khi họ được một người có chức có quyền hoặc giàu có vận động và đi "xin" cho người khác chứ không phải để làm giàu cho họ. Tôi nghĩ nên đặt những thùng quyên góp ở những cửa hàng dành cho khách sang và ghi rõ đồng tiền họ quyên góp sẽ dành cho đối tượng nào, tên cá nhân, tổ chức đứng ra "xin" và cảm ơn người đóng góp.
Chúc mọi nhà có một cái tết đầm ấm trong điều kiện của mình và cùng hy vọng và phấn đấu cho tết sau luôn khá hơn tết trước.
Trần An
Cảm động đến rơi nước mắt
Bài viết phản ánh sự thật của xã hội chúng ta ngày nay. Trước đây tôi rất ghét tết vì phải chứng kiến những cảnh đời trái ngược nhau như thế. Nhưng nay tôi đã thấy đó là muôn mặt của một xã hội. Cái chính là ta sống như thế nào cho đúng với lương tâm con người. Sống có chia sẻ với mọi người, chứ không thể nào có sự bình đẳng chung cho tất cả mọi người.
Nguyen Thu
Rất ý nghĩa
Nhưng đừng lấy cái tết của người giàu cộng với cái tết của người nghèo rồi chia trung bình để tự trấn an lòng rằng dân ta đã khá lên nhiều lắm. Khi ấy, mảnh đá trong tim bắt đầu lớn lên rồi đấy! Đừng lấy tổng vốn đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam và các vốn khác trong nước rồi chia trung bình cho số dân Việt Nam để tự hào rằng mức sống người dân Việt tăng lên khá nhiều.
Lê Phát Anh Duy
Không nên nhìn sự việc phiến diện...
Thật ra không thể nhìn nhận sự việc qua cách đi một vòng quan sát rồi bình luận. Tôi thấy chuyện chị công nhân mua cái áo 30 ngàn hay một người khác mua chai rượu với giá cả tháng lương chỉ là chuyện nhu cầu và khả năng tài chính. Chúng ta lao động làm ra của cải và chúng ta hưởng thụ nó theo khả năng của ta, còn chuyện giàu nghèo, phân giai cấp xã hội...v.v..thì nên giải quyết bằng hành động, mỗi người phấn đấu để cải thiện cuộc sống thì kinh tế xã hội sẽ đi lên, thế thôi. Than thở chả giúp được gì. "Người vinh quang mơ ước địa đàng, người gian nan mơ ước bình thường. Làm sao đến gần hy vọng cuộc vui chung"- Trịnh Công Sơn.
Ông Vũ Trung
Phân hóa giàu nghèo quá
Khi đọc những dòng nay em cảm thấy mình lạnh người đi, vì giàu nghèo đang có sự phân hóa giữa đô thị và những người dân ở nông thôn lam lũ một nắng hai sương mà vẫn không đủ ăn đủ mặc. Làm một năm trời mà vẫn không đủ tiền về tàu xe chứ quà cáp thì cha mẹ không mong gì,chỉ mong gặp mặt người con tha hương. Mặc dù con mình đang ở trên đất nước mình thôi.
Bạn Đọc
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá