Người nghèo, chó dữ và những ông chủ giàu

11:25 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười Một, 2014

Suy nghĩ từ vụ chó bécgiê cắn chết một phụ nữ đi mót cà phê ở Buôn Ma Thuột

Lại một phận nghèo lìa đời trong nỗi sợ hãi cùng cực. Đàn chó dữ là những con vật, song nhân viên bảo vệ là một con người, ông ta hô “diệt” đàn chó sẽ lao vào cắn xé, hô “ngưng” người đàn bà xấu số kia có cơ may thoát nạn. Trời phương Nam ấm áp mà đôi khi lạnh lẽo. bở đâu mà nhân phẩm và mạng sống con người bị xem rẻ chẳng bằng mấy hạt cà phê còn sót trên cây.

Người giàu giữ của, điều ấy đúng, song có của cũng phải có trách nhiệm với cộng đồng. Nuôi chó dữ giữ nhà là quyền của người giàu, song người nuôi chó phải cảnh báo cho cộng đồng về các mối hiểm nguy ấy, phải có tường bao che chắn, nếu chó tấn công người – dù người ấy phạm tội, chủ nuôi chó cũng phải ra tay bảo vệ mạng sống con người trước hết.

Loài người biết nuôi chó, kể cả chó dữ, từ ngàn vạn năm nay, những quy tắc chung sống ấy tự nhiên ai cũng hiểu. Chỉ có điều nhiều người bây giờ giàu lên một cách khó hiểu, của cải mang đến cho họ nhiều quyền năng tới bất ngờ. Với nhiều người ấy, quy tắc sống quen được dàn xếp bằng tiền bạc và những hàm răng chó dữ.

Luật pháp chính là những quy tắc sống. Muốn bảo vệ nhân phẩm, Nhà nước ta phải nghiêm trị những hành vi coi rẻ mạng sống con người. Tôi không hề tin nước ta thiếu luật. Từ trách nhiệm của chủ vật nuôi, trách nhiệm đền bù dân sự cho tới các tội gây thương tích và vô ý gây chết người không hề thiếu luật, nước ta chỉ thiếu sự nghiêm minh. Muốn yên dân, Nhà nước phải mạnh đủ để bảo vệ trật tự công cộng, tức là gắn người giàu vào những khuôn khổ của cuộc cộng sinh với người nghèo.
Muốn làm được điều ấy, tôn chỉ của pháp luật phải bảo vệ nhân phẩm và các quyền làm người. Chính quyền và tòa án làm điều gì cũng nên nâng niu nhân phẩm, kể cả của các bị can, bị cáo. Cũng như vậy, khi người giàu được cuộc đời bạn thưởng cho những cố gắng của mình, có của cải nhiều hơn cũng đồng nghĩa với có trách nhiệm hơn với đồng loại. Chó dữ và những ông chủ giàu, thêm một nỗi ưu tư về công bằng và trách nhiệm xã hội trong thời đại đua nhau làm giàu bằng mọi giá.


Với người sống và với người chết
Nghĩ dọc đường
(Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Đoàn Khắc Xuyên)

Câu chuyện và tấm ảnh mà Vietnamnet đưa lên mạng gần đây về một phụ nữ bị người nhà của người đàn ông mà chị sống chung như vợ chồng trói ngoặt tay chân ném ra giữa đường trước mắt người qua kẻ lại và trước mắt đứa con nhỏ của nạn nhân khiến người đọc, người xem không khỏi cảm thấy bất nhân, dù có giải thích cách nào, biện minh cách nào đi nữa.

Chúng ta vẫn luôn nói với nhau, luôn tự hào rằng người Việt có truyền thống nhân nghĩa. Không sai. Mỗi khi có một bộ phận đồng bào bị thiên tai giáng xuống, biết bao người sẵn sàng đóng góp để sẻ chia, đỡ đần. Nhiều số phận hẩm hiu được báo đài đưa lên, lập tức nhận đwọc sự cảm thương và giúp đỡ của rất nhiều người. Đặc biệt, với người đã chết, người Việt có truyền thống tôn kính sâu sắc. Bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ trên đất nước này, chứng tỏ điều đó. Nhiều người cũng đã và đang bỏ công, bỏ của để tìm cho được hài cốt người thân bị chết, bị mất tích trong chiến tranh, hoặc tìm cho ra mồ mả người thân bị dịch chuyển, mất dấu tích qua bao nhiêu xáo động lịch sử.

Với người chết thì thế, nhưng sao với người sống, chúng ta lại thường phải nghe, phải chứng kiến sự đối xử thiếu tình (hay tính) người với nhau đến thế? Nhiều nhà xã hội học, tâm lý học nhận xét, con người ngày càng tỏ ra hung dữ hơn. Người ta sẵn sàng đâm chém nhau vì những lý do nhỏ nhặt không đâu. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi trong môi trường tâm lý xã hội ấy, chuyện trói gô người phụ nữ ném ra đường, lại con ngồi đè lên người nạn nhân, trước sự chứng kiến của đứa con nhỏ của nạn nhân, đã xảy ra. Nhìn cảnh ấy, không thể không tự hỏi: phải tận mắt chứng kiến cảnh mẹ bị đày đọa như thế, liệu sau này lớn lên đứa bé có dẹp bỏ được lòng thù hận và ý muốn trả thù? Nếu nó không dẹp bỏ được thì rồi xã hội sẽ lại phải chứng kiến thêm những điều oan nghiệt khác.


Thật ra, ngay với người đã chết nhưng không phải là ruột thịt hoặc không phải vì hy sinh trong chiến tranh, đôi khi xã hội chúng ta cũng tỏ ra khá vô tình. Chẳng hạn, đã hơn hai năm qua, ngoài một lễ truy điệu, 54 công nhân bị thiệt mạng trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ vẫn chưa có được một tấm bia khắc ghi tên họ. Chỉ nghe tin tỉnh Vĩnh long đang tính xây một miếu thờ ghi tên các công nhân xấu số này. Trong khi đó, nước Nga vừa qua đã tổ chức quốc tang cho 109 nạn nhân chết trong vụ hỏa hoạn tại hộp đêm ở Perm hồi tháng 12 năm ngoái, ngoài sự giúp đỡ tiền bạc cho gia đình các nạn nhân. Ở Indonesia, chỉ hai năm sau vụ đánh bom khủng bố hai hộp đêm trên hòn đảo du lịch Bali vào tháng 10-2002 làm hơn 38 công dân Indonesia và 164 công dân nước ngoài đông nhất là Úc, thiệt mạng, người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm khắc tên tất cả các nạn nhân cùng với quốc tịch của họ. Ở Úc, nhiều đài tưởng niệm các nạn nhân người Úc được xây dựng tại Melbourne, Sydney, Canberra, Perth. Ở London người ta cũng xây một đài tưởng niệm 24 nạn nhân là công dân Anh. Với con mắt và lối suy nghĩ của người Việt chúng ta, có lẽ những nạn nhân ở Nga và ở Bali sẽ chẳng bao giờ được tổ chức quốc tang hay khắc tên, xây đài tưởng niệm. Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ nghĩ: đó là những kẻ có tiền, đi ăn chơi, hưởng thụ, xui thì gặp nạn, có gì mà phải khắc tên, phải tưởng nhớ? Đó là sự khác biệt trong suy nghĩ về mạng sống con người.

Phải chăng vì chúng ta đã quá quen với chiến tranh, với chết chóc? Hay chính sự cạnh tranh khốc liệt để mưu sinh khiến cho sự tử tế, tình người trong mỗi chúng ta với đi ít nhiều? Dù thế nào cũng không khỏi thấy buồn cho những công nhân xấu số của chúng ta, những người không phải thiệt mạng khi đang “hưởng thụ” mà đã hy sinh mạng sống cho một công trình lớn sẽ còn ghi dấu ấn lâu dài trong lịch sử phát triển giao thông ở nước ta, và vì sự phát triển của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: