Trận đánh lớn giáo dục: "Không chơi trận giả"
Ở thời điểm này, nhóm Cánh Buồm là nhóm duy nhất đã làm xong bộ sách giáo khoa tiểu học (từ tháng 10/2012) hoàn toàn khác với bộ sách đại trà. Nhà giáo Phạm Toàn, “trưởng lão” của nhóm, nói về vấn đề “Một chương trình – Nhiều bộ sách giáo khoa”.
Vượt qua tự ái quyền lực không dễ chút nào
Ông nhận xét như thế nào về việc “mở cửa” cho các nhóm, các cá nhân tham gia làm SGK theo chương trình mới?
- Bắt buộc phải mở cửa thôi! Trước đây, “pháp lệnh” đề ra là “Một chương trình – Một bộ sách”. Cách đó đã phá sản, cả xã hội đã biết quá rõ. Bây giờ thành “một chương trình nhiều bộ sách”.
Nhưng quan điểm của tôi là “Nhiều chương trình nhiều bộ sách”. Tùy theo những quan điểm khác nhau về mục tiêu khung đào tạo con người tất yếu phải có nhiều chương trình khung.
Nếu như được yêu cầu viết SGK theo chương trình khung Bộ đưa ra, nhóm các ông có tham gia không?
- Chắc chắn là nhóm chúng tôi không tham gia viết sách được theo chương trình khung Bộ sẽ đưa ra, vì tôi đoán biết được cái “khung” ấy chứa đựng những ý tưởng gì rồi. Nhóm Cánh Buồm biết chắc mình có cách làm việc và cách tư duy giáo dục khác rất nhiều với “giới chính thống”.
Với chúng tôi, cái “chương trình khung” là một hệ thống công việc chứ không chỉ là một tập văn bản quy định “nội dung học” bài này bài nọ, tiết này tiết nọ.
Cái “chương trình khung” này phải vừa bao gồm những mục tiêu đào tạo đồng thời phải có cả phương thức (thậm chí kỹ thuật) thực hiện mục tiêu. Nói cách khác, chương trình khung phải chỉ ra được các hoạt động học của học sinh cùng với hoạt động tổ chức việc học do các giáo viên thực hiện.
Nói cho dễ hiểu: chương trình khung phải hàm chứa cả CÁCH HỌC, do đó, cả CÁCH TỔ CHỨC VIỆC HỌC.
Nhưng nếu không tham gia, có thể coi như nhóm của ông sẽ bỏ lỡ cơ hội đem sản phẩm do mình làm ra tới đông đảo học sinh và giáo viên?
-Từ khi thành lập nhóm vào cuối năm 2009, chúng tôi vẫn biết thân biết phận, vẫn đứng ngoài đấy chứ?
Chúng tôi có mon men xin xỏ gì đâu? Năm 2011, còn có hai ý kiến trả lời báo chí, ám chỉ nhóm Cánh Buồm làm sách riêng là cố ý làm sai Luật Giáo dục, và gợi ý rằng “đó là việc của pháp luật”.
"Soạn được bộ sách hay theo tuyên ngôn cũng không dễ, mà vượt qua tự ái quyền lực để hợp tác càng không dễ chút nào"
Chỉ có ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, trả lời báo chí là Cánh Buồm chúng tôi không phạm luật. Ngày 3/2/2012, ông còn mời Cánh Buồm tới để nghe trình bày về bộ sách. Sau đó, mọi việc hợp tác lại bỏ lửng.
Nhóm Cánh Buồm không trông chờ cảm tình cá nhân, cũng không trông mong thể chế nhanh chóng thay đổi. Chúng ta là người trần cần nhìn đời bằng mắt thịt. Chúng tôi chỉ có một con đường: làm việc, tiếp tục làm việc, lại tiếp tục làm việc. Và trình thẳng sản phẩm ra cho dân.
Tại cuộc hội thảo cuối năm 2011, chúng tôi nói rõ: Sách chúng tôi soạn xong, ai thấy hay chúng tôi biếu không. Ai thấy có chỗ khiếm khuyết, hãy cùng chúng tôi sửa, chúng tôi hoan nghênh. Ai thấy sách chúng tôi dở thì xin hãy vượt chúng tôi và làm cái khác tốt hơn. Nhưng cho tới nay, hình như soạn được bộ sách hay theo tuyên ngôn cũng không dễ, mà vượt qua tự ái quyền lực để hợp tác càng không dễ chút nào!
Nhóm Cánh Buồm có chương trình khung của riêng mình không?
- Có chứ! Mục tiêu: đào tạo con người TỰ HỌC – TỰ GIÁO DỤC.
Do sức có hạn, chúng tôi soạn và đưa ra bộ sách tiểu học ở các môn khó nhất: Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Lối sống đạo đức (đang hoàn thành sách Lịch sử bậc Tiểu học).
Một nhóm tư nhân bốn năm người thì làm như vậy thôi. Làm như cái MẪU đến vậy thôi. Làm cho xã hội soi vào và cùng tìm ra cách làm tốt hơn nữa.
Chương trình khung của nhóm Cánh Buồm quy định toàn bộ công việc người giáo viên tổ chức hệ thống việc làm của học sinh cho các em tự thực hiện để các em được tự học và tự giáo dục.
Những việc làm của học sinh được chia làm ba cấp độ. Ở bậc tiểu học, LÀM là để sở hữu phương pháp học.
Ở bậc sau tiểu học (nhóm Cánh Buồm giả định đó là giai đoạn từ lớp 6 tới lớp 9), LÀM là dùng phương pháp đã có để tự trau giồi kiến thức. Ở bậc trung học (nhóm Cánh Buồm giả định là bậc tập nghiên cứu) LÀM là đến với những câu hỏi còn chờ chưa được giải đáp – coi đó như là phương cách tốt nhất để chuẩn bị cho người học vào bậc đại học.
Cụ thể hơn, ví dụ như ở bậc tiểu học, “làm” là để sở hữu cho mình một phương pháp học (hoặc một phương pháp làm việc).
Phương pháp làm việc đọng lại trong những việc làm chắt lọc nhất của những người tiêu biểu trên các lĩnh vực đặc thù (tiêu biểu là hai lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và đạo đức).
Người học muốn có phương pháp thì hãy làm lại những việc làm và thao tác đó. Để tạo ra phương pháp này ở trẻ em, nhà sư phạm phải biết rõ và biết chắc về cách làm việc của những con người tiêu biểu trong những lĩnh vực đặc thù ấy...
Một lớp học sử dụng sách giáo khoa của nhóm
Đánh trận thật, không chơi trò đánh trận giả
Với kinh nghiệm biên soạn SGK từ năm 2009 đến nay, ông cho rằng năm 2016 Bộ GD-ĐT có đạt mục tiêu đưa ra chương trình và SGK mới không? Xin ông lưu ý nhân lực và vật lực của ngành cho việc làm sách sẽ gấp hàng nghìn lần so với nhóm Cánh Buồm…
- Kể cả Bộ GD-ĐT có mạnh gấp chúng tôi nhiều nghìn lần nữa, tôi vẫn cho là Bộ sẽ không đạt mục tiêu. Nếu muốn trình làng một kết quả vào năm 2016 thì từ lâu rồi, ít ra là từ ngay bây giờ, đã phải thể hiện được một vài điều gì đó cho xã hội nhìn vào mà đặt niềm tin.
Muốn biết được Bộ sẽ làm gì, thì phải thấy Bộ đã có gì, mà tôi cho rằng có lẽ Bộ chưa có. Hay là Bộ còn “giấu” xã hội? Chắc Bộ chẳng đến nỗi thế!
Cách đây ba bốn năm, đã thấy nói “đường lối” mới là tiếp cận năng lực. Sau ba bốn năm, thấy thêm một chữ “theo” – bây giờ là tiếp cận theo năng lực.
Giữa hai lần tuyên bố, lý ra phải có cả loạt dăm chục bài viết giải thích chứng minh – không hề có! Cũng giữa hai lần tuyên bố, lý ra phải có những chứng minh trên thực địa về việc chương tình và sách tiếp cận năng lực là ra sao – cũng tịnh không hề có!
Shakespeare đã cảnh báo chuyện rặt những lời từ lâu rồi. Polonius: What do you read, my lord? Hamlet: Words, words, words.
Có ý kiến cho rằng cần có nhạc trưởng cho “trận đánh SGK” này. Ý ông ra sao?
- Tôi cho rằng ở Việt Nam tại thời điểm này không có được người nhạc trưởng cần thiết cho “trận đánh” chương trình - SGK.
Tại sao? Cách đào tạo chuyên gia của nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua không cho phép hy vọng có nổi một nhạc trưởng.
Có những người có tư tưởng. Nhưng năng lực thể hiện tư tưởng lại là chuyện khác. Năng lực này thể hiện rất cụ thể trong việc cấu tạo chương trình và biên soạn sách giáo khoa, chưa kể đến một “siêu năng lực” khác là cái “duyên” của kẻ cầm bút kiêm nhà giáo.
Theo ông, có cần lập một Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ GD-ĐT để giám sát và kiến nghị thay đổi sách giáo khoa, như GS Ngô Bảo Châu đề xuất?
- Tôi nghĩ rằng GS Ngô Bảo Châu… hơi quá mơ mộng trong việc này.
Theo tôi, thay vì một uỷ ban nào đó, GS Ngô Bảo Châu hoặc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hãy lập ra một diễn đàn trên mạng Internet để các nhóm tác giả công bố quan điểm giáo dục, chương trình giáo dục, cùng bộ sách giáo khoa của họ. Hay dở cứ thành thực đưa tuốt tuột lên diễn đàn.
Trên diễn đàn mạng này, sẽ có những nhà thẩm định đủ kiểu, chứ không chỉ có một nhóm thành viên được tuyển dụng nào đó, đứng ra thẩm định cái mới. Trình độ đáng ngờ, cộng với lợi ích nhóm, sẽ khiến cho không thể có công tâm.
Nhưng cũng nên đấu thầu việc làm SGK. Nếu làm việc này, thì công bố người trúng thầu, định kỳ công bố sản phẩm của bên trúng thầu và cả bên không trúng. Có phần thăm dò cho các trường đưa ra lựa chọn, phê phán, bổ sung, gợi ý… không nhất thiết cứ phải để Bộ chọn hộ.
Đừng nghĩ đến tiền dự án, mà hãy nghĩ cách đưa sản phẩm của mình ra xã hội.
“Trận đánh lớn” cần tập trung vào thay đổi cách tạo năng lực người cho học sinh, bắt đầu với việc đưa ra một cách làm khác với cách làm theo thói quen và kinh nghiệm cũ.
Trong khi chờ đợi xuất hiện một nhạc trưởng, nên chăng cái lò ấp nhạc trưởng tiềm tàng ở đâu đó hãy “đành lòng” chấp nhận những thay đổi mang tính thi đua ái quốc của những nhóm tác giả công dân trong xã hội dân sự.
Từng nhóm sẽ trình ra cho xã hội những bộ chương trình mang quan điểm giáo dục của mình, cùng những bộ sách giáo khoa mang giải pháp nghiệp vụ sư phạm tổ chức cho trẻ em tự làm ra – sản xuất ra năng lực làm người của chính các em.
Cả nước có thể cùng tham gia “đánh trận” này mà không tiêu tốn nhiều tiền bạc. Và đó sẽ là trận đánh thật, không phải trò chơi đánh trận giả la hét om sòm giữa quân ta quân nó nhưng quanh đi quẩn lại chỉ rặt những là quân mình!
Xin cảm ơn ông.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn