Tổng Biên tập của ba tờ báo công đoàn
Đã ở tuổi 80, nhưng nhà báo Tống Văn Công vẫn miệt mài làm việc. Các bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các trang báo, chạm đến những vấn đề nóng bỏng của thời sự đất nước. Lối viết của ông chừng mực như lối nói của ông, nhưng đằng sau sự từ tốn uyển chuyển của bề mặt con chữ là sự dữ dội của một ngòi bút không dễ thỏa hiệp...
Ở đời thật có nhiều điều để thao thức, nhưng ông nghĩ nhiều về điều gì nhất khi đã có nhiều trải nghiệm của nghề báo cũng như sự từng trải của một đời người?
- Tôi sinh ra trong gia đình cách mạng. Cha tôi tham gia Đảng Cộng sản, bị bắt, tra tấn, sau đó bị quản chế tại nhà. Cha tôi tham gia cướp chính quyền tháng 8.1945, tham gia kháng chiến chống Pháp suốt 9 năm. Tất cả các em tôi (5 người) đều là đảng viên.
Tôi tham gia cách mạng năm 17 tuổi, tham gia quân đội năm 19 tuổi, vào Đảng trong quân đội, 10 tuổi quân mới chuyển sang làm báo. Do đó cả đời tôi gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và hơn 30 năm công tác báo chí, làm phóng viên sau đó làm tổng biên tập lần lượt 3 tờ báo của công đoàn là Lao Động Mới, Người Lao Động, Lao Động. Do đó, tôi hết sức quan tâm đến “sức khỏe” của Đảng và nền báo chí VN.
Tôi vào Đảng vì “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (Hồ Chí Minh).
Tôi vào nghề báo với ý tưởng hoàn toàn tự nguyện làm “cây bút công cụ” tuyệt đối phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Trong quá trình làm việc, va chạm với thực tế có những vấn đề nảy sinh đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi, dần dần tích tụ thành những vấn đề buộc phải suy nghĩ. Tôi sớm nhận ra hai căn bệnh đầu tiên của Đảng sau khi cầm quyền là có một bộ phận xa dần dân và tham nhũng. Tôi đã viết để chống lại hai căn bệnh đó. Nổi bật nhất là cùng anh em cơ quan thường trú miền Nam tổ chức 54 tin bài “Cây caosu kêu cứu” trên báo Lao Động năm 1986, lần đầu tiên một quan chức cao cấp, uỷ viên Trung ương Đảng thua công luận, bị kỷ luật.
Công việc làm báo cũng đặt ra cho tôi những vấn đề phải nghĩ lại. Tôi viết bài báo đầu tiên năm 1952 trên báo Nhân Dân miền Nam (ông Trần Bạch Đằng viết trong hồi ký: “Một trưởng trạm giao liên, anh Tống Văn Công gửi bài đến, tôi thấy đạt, đã kết nạp anh vào đội ngũ Báo Nhân Dân”). Lúc ấy cầm bút, tôi đặt lợi ích cách mạng ở vị trí cao tuyệt đối. Sau này, trong xây dựng cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân, tôi nhận ra phải đặt sự thật cao nhất trong lương tâm người viết báo, không thể vì một áp lực nào mà bóp méo sự thật. Tất nhiên bất cứ quốc gia nào cũng có những sự thật chưa được công bố, chẳng hạn như những bí mật quốc phòng, tin tình báo. Có chuyện khiến tôi bứt rứt mãi về công việc làm báo:
Trong thời chống Mỹ, tôi nhận nhiệm vụ thực hiện chỉ thị của Thủ tướng phê bình Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội không chịu đưa xe chở phân vào sát cửa kho, khiến cho hợp tác xã lá cờ đầu của Hà Tây phải mất hàng trăm công chuyển phân vào kho giữa ngày mùa. Nhưng sự thật là: Theo quy định thì xe vận tải phải chạy trên đường rải đá, không được phép chạy trên ruộng dù cho đất ruộng đang khô khốc, khô nẻ! Tôi xin nhận lỗi về mình, vì viết bài điều tra phê bình mà không nghe, không hỏi nhiều phía. Tuy nhiên ý kiến đó không được chấp nhận. Ngay ông giám đốc Công ty vận tải hàng hóa Hà Nội cũng cho rằng phía công ty phải tiếp thu phê bình để giữ uy tín của Thủ tướng!
Những bài viết của ông với những vấn đề được nêu ra được nhiều người quan tâm, nhưng cũng có khi chịu áp lực từ phía những người chưa hiểu mình. Ông đã từng bị áp lực đến mức sợ hãi hay nản lòng chưa?
- Một ví dụ điển hình, trong vụ chống tiêu cực ở Tổng cục Caosu, khi phóng viên Trương Đăng Lân viết bài báo đầu tiên, ông Tổng cục trưởng gọi trực tiếp cho Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phạm Thế Duyệt, yêu cầu ra lệnh cho Báo Lao Động phải dừng ngay. Anh Phạm Thế Duyệt chỉ gọi điện cho tôi căn dặn phải nắm tài liệu chứng cứ thật chính xác. Họ còn tổ chức họp báo, chi phí cho các nhà báo đi tham quan, nhằm chống lại sự thật.
Khoảng đầu thập niên 90, có lần trong một tháng Báo Lao Động có 4 bài phê bình 4 bộ của Chính phủ. Tôi được mời lên Ban Tuyên huấn Trung ương để góp ý về chuyện này. Tôi nói tất cả các bài báo của chúng tôi phê bình đều chính xác. Các bộ trưởng nếu không đồng ý thì có bài phản biện, chúng tôi sẽ trả lời đúng theo luật pháp. Anh Hữu Thọ cười, đáp: “Hôm nay ban không mời tổng biên tập mà mời đảng viên Tống Văn Công”.
Rồi anh thân tình nói theo kiểu với bạn bè: “Tao hỏi mày, một Chính phủ mà trong một tháng có 4 bộ bị phê phán như vậy thì còn đâu uy tín trong và ngoài nước?”. Cho tới nay tôi vẫn giữ quan điểm của mình: Nếu Chính phủ tiếp thu và sửa chữa những điều các báo phê bình xác đáng thì uy tín không mất đi mà còn tăng cao và quan trọng hơn là đất nước phát triển thuận lợi.
Tuy nhiên áp lực dữ dội nhất là khi tôi viết bài “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ” với bút danh Thiện Ý. Ngay hôm sau đã có đồng nghiệp phản ứng cho rằng đây là bài viết của một kẻ phản động ở nước ngoài. Tôi nghĩ điều mình tâm huyết xây dựng, bảo vệ Đảng, nếu bị coi là của một tên phản động thì đâu còn giá trị gì. Nếu để yên thân thì tốt nhất là làm thinh, mọi việc sẽ qua, tôi không phải chịu trách nhiệm gì. Nhưng là một đảng viên vì Đảng mà viết, tôi thấy mình phải công bố tên thật và dám chịu trách nhiệm.
Tôi nói với các đồng chí yêu cầu tôi kiểm điểm việc viết bài: “Khi bức xúc phải viết bài là lúc tôi dám sẵn sàng chết để Đảng sống và vững mạnh trong lòng dân tộc”. Tết năm 2010, tôi có dịp gặp đồng chí Trương Tấn Sang, lúc ấy là Thường trực Ban Bí thư và xin hỏi: “Có tin cho biết, đồng chí đánh giá bài viết đó của tôi là chân thành xây dựng Đảng?”. Đồng chí Trương Tấn Sang vui vẻ đáp: “Đúng vậy! Nhưng khi viết đồng chí cân nhắc sao cho có sức thuyết phục hơn nữa”. Tôi nói, khi viết, tôi luôn đặt quyền lợi của dân tộc, của đất nước lên cao nhất!
Ông đã từng đặt vấn đề về một thảm họa suy đồi đạo đức đang diễn ra, nhưng căn nguyên từ đâu vẫn chưa được tìm ra thật rõ ràng hoặc không thẳng thắn nhận diện nó. Nếu không tìm thấy nguyên nhân thì làm sao trị liệu được?
- Đây là vấn đề rất lớn cần phải có sự nghiên cứu của nhiều người. Nhìn về hiện tượng thì thấy thế này, thời chống Pháp nhân dân ta thật là tốt. Tôi sống trong nhiều vùng giải phóng Nam Bộ, đêm không cài cửa. Người ta đối với nhau đúng tình nghĩa đồng bào, các má ưu tiên chăm sóc cho “mấy đứa Bắc kỳ” nhiều hơn vì tụi nó xa nhà. Năm 1954, tập kết ra Bắc, suốt 3 năm đầu tôi đóng quân ở nhiều vùng khác nhau và nhận thấy đồng bào miền Bắc cũng tốt như miền Nam, lại còn có điều đáng quý hơn là, đang đói nghèo mà không hề tiếc khi cần chăm sóc cho bộ đội miền Nam. Vào Hà Nội tôi cảm nhận đúng là người dân của thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Hai mươi năm sau, nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân - tác giả “Sống như anh”) từ Nam ra Bắc bảo tôi: Văn hóa người Hà Nội đã biến mất. Không còn cảnh các học sinh xuống xe đạp giở mũ cúi đầu trước xe tang, mà khắp nơi những lớp trẻ văng tục, chửi thề. Năm 1975, anh em miền Bắc vào tiếp quản đều có chung cảm nhận trẻ con miền Nam rất lễ phép, các cô gái miền Nam dịu dàng. Nay thì cả hai miền đều giống nhau, thuần phong mỹ tục biến mất, hủ tục tăng lên, tệ nạn tăng lên, tội ác tăng lên. Vậy phải có quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật” của Đại hội VI để nhìn nhận tìm nguyên nhân từ thể chế, từ xã hội. Rất tiếc là chúng ta chỉ tìm những nguyên nhân trực tiếp mà lẩn tránh nguyên nhân sâu xa.
Một thói tật nổi bật khác là không dám nói thật, tức là luôn luôn chịu áp lực phải nói dối.
Điều này đã được nhiều người mổ xẻ, trong đó có các đảng viên và là nhà văn nổi tiếng nhất của đất nước miêu tả rất sâu sắc như: Nguyễn Khải, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi... Vì sao sợ nói thật và tìm cách nói dối? Vì không thực hiện tự do tư tưởng, tự do phản biện theo như quan điểm của Hồ Chí Minh: “Tự do tư tưởng hóa ra là tự do phục tùng chân lý”. Sợ sự thật, nói dối, trốn tránh trách nhiệm là mở cửa cho các thói tật tha hóa con người không sợ bị trừng phạt.
Chúng ta thường đổ cho mặt trái của cơ chế thị trường nảy sinh tiêu cực, mà không thấy rằng tất cả các quốc gia tiên tiến văn minh đều từ nền kinh tế thị trường. Cần phải thấy rằng nền kinh tế thị trường của chúng ta chưa hoàn chỉnh, do chúng ta chưa hoàn chỉnh nhà nước pháp quyền và chưa có một xã hội dân sự mạnh mẽ. Cả ba vấn đề đó được xem là ba chân kiềng cho một xã hội lành mạnh, thượng tôn luật pháp, công khai minh bạch, thải loại tham nhũng, tội ác, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã, chủ nghĩa tư bản thân hữu, sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích...
- Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân