Tổng quan triết học Hegel (Kỳ 1)

10:58 CH @ Thứ Bảy - 30 Tháng Sáu, 2018

I. Khái quát về triết học Hegel

Có thể nói rằng, kể từ Hegel, triết học bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của con người sống trong lịch sử và tạo nên lịch sử. Trước đây Platon và Aristote, với quan niệm về một vũ trụ có bản tính bất biến và vĩnh cửu, đã không quan tâm tới lịch sử. Hay nói đúng, thời gian đối với họ có nghĩa lý gì khi mà mọi vật muôn đời vẫn thế?

Đến Descartes và Kant, triết học được xem đã chuyển qua một hướng khác, hướng của con người nỗ lực giành lại quyền làm chủ thiên nhiên và đề cao tự do của con người. Tuy nhiên, con người của Descartes và Kant vẫn còn lầm lì quá, thế giới của họ vẫn còn tĩnh quá. Phải đợi tới Hegel, ta mới thấy thế giới thực sự chuyển động, thời gian mới trôi chảy một cách liên tục và con người mới rõ mặt là chủ nhân đã tác tạo nên vũ trụ và lịch sử của chính mình. Cho nên điểm son trong triết học Hegel chính là ở chỗ đã khám phá ra con người và thế giới đang hình thành và tiến hóa trong thời gian.

Thế nhưng trước khi đi sâu vào tư tưởng của Hegel, thiển nghĩ cần phải lưu ý ngay ở đây rằng: Triết Hegel là một triết học duy tâm và lịch sử của vũ trụ vạn vật, nói cho cùng chỉ là lịch sử của Tinh Thần trên đường tự giác mà thôi.


Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) là một nhà triết học người Đức.

.

1. Chủ trương duy tâm của Hegel

Hegel chủ trương rằng chỉ có một thực tại duy nhất là Tinh Thần Tuyệt Đối (hay Ý Tưởng Tuyệt Đối) là căn nguyên phát sinh ra tất cả vũ trụ vạn vật. Đó là thực tại duy nhất và tự tại chứ không có bất cứ ai tác tạo nên. Nó là một thực thể thuần nhất nhưng lại chứa bên trong một mầm mâu thuẫn. Chính mầm mâu thuẫn ấy đã khiến Ý Tưởng Tuyệt Đối phải rời bỏ trạng thái thường tịch nguyên thủy, tự tha hóa để bước vào lịch trình hiện tượng hóa.

Lịch trình này trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn khoáng vật, thực vật, động vật rồi đến người. Ở giai đoạn khoáng vật Ý Tưởng Tuyệt Đối hầu như còn đắm chìm trong thứ vật chất vô tri giác, còn bị tha hóa một cách trầm trọng nên ta không thấy có chút dấu vết gì khả dĩ gọi là có tự do trong loài đất đá. Đến giai đoạn thực vật, ý niệm tự do mới phảng phất xuất hiện, bởi lẽ loài cây cỏ đã tỏ ra có khả năng lựa chọn, chẳng hạn lựa chọn để hướng về phía có mặt trời. Tới loài động vật thì ý niệm tự do đã phát triển vượt xa hẳn loài thực vật. Và đến người thì ý niệm đó phát triển trọn vẹn. Đây cũng là giai đoạn con người có ý thức về mình và giác ngộ rằng chính Tinh Thần đã tác tạo nên tất cả mọi mặt.

Vậy là sau khi rời bỏ trạng thái nguyên thủy, chuyển vào lịch trình hiện tượng hóa, Tinh Thần Tuyệt Đối theo luật mâu thuẫn, biến thành vô số lịch trình biện chứng, mỗi lịch trình luôn luôn gồm có 3 nhịp: Chính đề, Phản đề và Tổng đề. Cứ như thế Ý Tưởng xuất hiện thành muôn và hiện tượng trong vũ trụ.

Tuy nhiên lịch trình hiện tượng hóa của Tinh Thần Tuyệt Đối không phải là một đường thẳng mà là một đường vòng tròn ốc bởi vì Ý Tưởng ở trạng thái uyên nguyên (chính đề), sau khi chuyển vào các hiện tượng (phản đề), tiến đế cực độ thì lại sẽ quay trở về trạng thái uyên nguyên thuần nhất (hợp đề). Trạng thái uyên nguyên trước kia vì nay đã được bồi dưỡng bởi những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình hiện tượng hóa và cuối cùng tự giác được rằng “mình là Tuyệt Đối”.

Như thế chúng ta thấy rằng, khởi thủy Tinh Thần chưa tự biết mình. Tinh Thần chỉ đạt được tự giác, sau khi đã trải qua cuộc tiến hóa trong lịch sử. Cho nên mọi thực tại (thế giới vật chất, văn minh, nghệ thuật, triết lý, tôn giáo, nhà nước…) chỉ là những biểu lộ của Tinh Thần trong lịch sử tiến về tự giác mà thôi. Vậy khi Tinh Thần tìm hiểu thế giới bên ngoài thì không có nghĩa là Tinh Thần đã hiểu những gì khác với mình, mà thực ra chỉ là tìm hiểu chính mình qua những biểu lộ ra bên ngoài. Thường tình, chúng ta chỉ biết mình là kẻ sáng tạo khi đứng trước tác phẩm đã hoàn thành của mình, thì ở đây cũng vậy, tinh thần cũng chỉ có thể tự giác khi đứng trước những hình thái tồn tại khác nhau của mình ở trong vũ trụ.
Tóm lại, nói gì mặc lòng, triết Hegel bản chất vẫn là một triết học duy tâm. Bởi vì đối với Hegel, chỉ có Tinh Thần Tuyệt Đối là thực thể duy nhất và là nguồn gốc uyên nguyên của mọi sự trên đời này.

.

2. Logic biện chứng của Hegel

Logic học là một môn học nhằm xác định những quy luật và hình thức tư duy chính xác trong việc nhận thức chân lý. Thế nhưng từ logic hình thức của Aristote bước sang logic biện chứng của Hegel, chúng ta thấy có một khác biệt lạ lùng: logic hình thức thì “tĩnh” phản ánh thế giới hoàn toàn im lìm, bất động còn logic biện chứng lại “động” phản ánh thế giới luôn luôn biến đổi khác với trước. Logic hình thức đặt nền tẳng trên nguyên lý đồng nhất và tối kị mâu thuẫn. Trái lại, logic biện chứng lại đề cao nguyên lý mâu thuẫn, coi mâu thuẫn như là điều kiện của mọi tiến bộ trong vũ trụ.

Hegel quan niệm rằng sự vật nào cũng luôn luôn biến dịch theo luật biến chứng, tức theo một quá trình gồm 3 nhiệp: chính đề (tức quyết thể), phản đề (hủy thể) và hợp đề (hủy thể của hủy thể). Như vậy, mâu thuẫn xuất hiện ở nhịp hai để phá vỡ tình trạng hiện có, đưa sự vật đến một tình trạng hoàn hảo hơn. Chẳng hạn tình trạng mù chữ (chính đề) phải bị hủy đi bằng sự học đọc học viết (phản đề) thì ta mới trở thành người biết chữ (hợp đề). Nhưng tình trạng mới biết đọc biết viết sẽ bị vượt qua để tiến tới một tình trạng có kiến thức cao hơn. Do đó, mọi vật muốn tiến bộ, phải hủy tình trạng cũ để đạt đến tình trạng mới; rồi lại hủy tình trạng mới để đạt đến tình trạng mới hơn nữa… Cứ thế sự vật biến dịch đến vô tận cho đến khi Tinh Thần Tuyệt Đối tự giác mình là Tuyệt Đối.

Vậy không có vật nào giữ mãi ở trạng thái lầm lì, bất biến. Dù là đất đá vô tri giác cũng vẫn thay đổi như thường. Dù là đất đá vô tri giác cũng vẫn thay đổi như thường. Cho nên có thể quyết rằng mọi vật, nhanh hay chậm, bao giờ cũng đổi ra khác. Và động lực biến chúng ra thành khác chính là do ở sức mâu thuẫn ẩn chứa trong mỗi sự vật.

Nhưng theo Hegel, các sự vật sau khi tiến qua chính đề và phản đề để đạt tới tình trạng hoàn hảo hơn ở hợp đề thì chân lý trong mỗi trường hợp đó cũng chỉ là một chân lý phiến diện, thiếu hụt, chưa tròn đầy. Bởi vì mỗi hợp đề như vậy rồi sẽ trở thành một chính đề mới và sẽ lại bị hủy bởi một phản đề khác. Cho nên cái chân lý lý tưởng, đối với Hegel, phải là một chân lý “toàn diện”. Cái chân lý ấy chỉ xuất hiện ở tận cùng lịch sử, ở một “nhịp ba tối cao”, bao trùm hết mọi đối nghịch và mâu thuẫn trong vũ trụ. Đó là lúc, sau khi trải qua hết cuộc hành trình của số kiếp, Tinh Thần Tuyệt Đối nhận ra mình: nhận ra rằng mình là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn và biến dịch ở đời, mình là tác giả của mọi vật trong vũ trụ.

(Còn nữa)


Về tác giả:
Lê Tử Thành, sinh năm 1942 tại Đà Nẵng

.
  • Bút hiệu: Lê Hồng Đức, Trường Thành, Quan Điểm, Vạn Lý, Nguyễn Thị Ngọc Thắm
  • Đã cộng tác với các tạp chí: Bách Khoa, Tư Tưởng, Nghiên cứu Việt Nam, Văn Học, Thiện Mỹ, Trình Bày, Văn Mới...
  • Tốt nghiệp cao học triết học (thạc sĩ) tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1966.
  • Giảng dạy triết học phương Tây, Logic học, Phương pháp luận nghiên cứu Khoa học (ở bậc Đại học và sau Đại học)
  • Trước 1975: Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Cần Thơ, Đại học Vạn hạnh, Đại học Tây Ninh.
  • Sau 1975: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Cần Thơ, Đại học Kinh tế, Đại học Luật, Đại học Kiến trúc, Đại học Mở Bán công, Đại học Văn Lang, Đại học Hùng Vương, Đại học Văn Hiến, Đại học Bình Dương, Đại học Yersin Đà Lạt
.
* Tác phẩm đã xuất bản:
  • Đại cương triết học cận đại (1973)
  • Đưa vào triết học (1973)
  • Tìm hiểu Logic học (1991)
  • Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học (1991)
  • Nhập môn Logic học (2004)
  • Người đàn bà huyền thoại (2013)
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư tưởng biện chứng của Hegel và sự kế thừa của triết học Marx

    21/02/2018Kiều Anh VũNghiên cứu lịch sử triết học trước Marx, chúng ta biết rằng triết học cổ điển Đức (từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX) là một trong những nền triết học phát triển cao, ảnh hưởng lớn tới triết học hiện đại, đặc biệt là triết học Marx...
  • Tôi nghi ngờ ông Hegel

    07/11/2014Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh)Tôi được người bạn tặng cho bộ Mỹ Học (2 tập) của Heghen. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi có mở ra rồi đóng lại ngay, vì thấy khó hiểu, đọc cả một trang mất một lúc, nhưng nếu ai nói tóm tắt lại thì không tóm tắt được, nhất là hiểu được Triết qua... bản dịch tiếng Việt. Triết khó vì cái gì?
  • Thử tìm hiểu triết học pháp quyền của Hegel (*)

    19/09/2013Mai SơnCác nguyên lý của triết học pháp quyền của Hegel là một trong vài tác phẩm kinh điển trong lịch sử của triết học chính trị, bàn luận về hầu hết mọi chủ đề liên quan đến đời sống thực hành của con người. Chính vì tính chất “thực hành” đó mà cuốn sách thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà phê bình, và cũng bị phê phán từ đủ mọi hướng...
  • Triết học cổ điển Đức từ Kant đến Hegel

    17/12/2009Trần Đức ThảoBiện chứng pháp duy tâm của Hegel là thành tích cao nhất của tư tưởng cận đại trước Marx. Triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và Anh, kinh tế học Anh, đó là ba nguồn gốc chính của chủ nghĩa Marx.
  • Một vài suy nghĩ về vai trò triết học Hegel và “ý niệm tuyệt đối” của ông

    16/09/2008Vũ HùngTriết học Hêgen là một thứ "chủ nghĩa duy tâm thông minh", có những "hạt nhân hợp lý" và rất có giá trị, trở thành một trong những tiền đề trực tiếp của chủ nghĩa Mác, được các học giả và các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đánh giá rất cao...
  • Những tư tưởng cơ bản của Hegel về logic học với tính cách là logic biện chứng

    29/08/2006TS. Nguyễn Đình TườngĐiểm xuất phát triết học của Hegel là sự đồng nhất duy tâm giữa tư duy và tồn tại hay là ý niệm tuyệt đối. Nói một cách khác Hegel là nhà triết học duy tâm khách quan, nghĩa là đối với ông tư tưởng của chúng ta không phải là sự phản ánh thế giới hiện thực khách quan, trái lại những sự vật và hiện tượng trong thế giới là sự thể hiện của ý niệm tuyệt đối, mà ý niệm này tồn tại trước khi thế giới xuất hiện...
  • Về cặp phạm trù “cái phổ quát - cái đặc thù - cái đơn nhất” trong phép biện chứng của Hegel

    27/08/2006TS. Phạm Chiến KhuĐối với các nhà triết học cũng như những người quan tâm đến triết học, hầu như không có cặp phạm trù nào trong phép biện chứng của Hegellại dễ bị hiểu sai và xa lạ như cặp phạm trù "cái phổ quát - cái đặc thù - cái đơn nhất"...
  • Thông diễn học của Hegel

    24/04/2006Ts. Lê Tuấn Huy (dịch)Hermeneutics hiện thường được dịch là "chú giải học". Tuy nhiên, nhánh học thuật này, với ý nghĩa đương đại, đã không còn bó hẹp trong việc chú giải Kinh thánh hay văn bản như trước, mà là sự thông đạt lẫn nhau từ sự diễn dịch tư tưởng, lý luận...
  • xem toàn bộ