Tờ giấy 'đóng ấn Đền Trần'

11:55 SA @ Chủ Nhật - 19 Tháng Năm, 2013

Thoán còn khá trẻ, là người tỉnh lẻ, tốt nghiệp đại học xã hội nhân văn loại trung bình, ra trường được vào ngay cơ quan Nhà nước ở Hà nội, về nguyên lý: nếu chẳng giỏi giang gì, có ngồi chơi xơi nước cũng có lương sống được hơn chán vạn người lao động chân tay, được chúng bạn cùng quê xưa xem là giỏi, là hơn người lắm rồi. Thực ra Thoán do ngô nghê không biết rằng nhờ bố mẹ có 'chút này chút nọ’ mới được thế, nên càng thêm tin vào vận may...

''Đã được 4 năm trôi qua, Thoán vẫn mang chức danh ‘chuyên viên bậc 3’… nhìn ngang dọc các bậc liền anh liền chị trong cơ quan thì toàn người thuộc dạng : dù sông cạn đá mòn…dù xẻ núi bạt rừng….luôn nung nấu cái chức vụ ! Cái tinh thần đó nhiễm nhanh vào Thoán. Cũng bởi nỗi khi về quê ai cũng hỏi : dạo này đã được thăng quan tiến chức đến đâu rồi, nghe mà sốt ruột. Người quê hễ cứ nói đến ai học đại học, lại ở Thủ đô là mặc nhiên ngay là ‘cán bộ’ có địa vị. Phịa đại ra mình có chức vụ, tưởng là ngon chuyện ư ? Không đâu, họ hàng chỉ đợi câu như thế, đổ đến nhờ vả lúc í mới lòi ra là nhân viên quèn thì có mà xấu mồ xấu mả lắm. Mà bảo là người 'không quan trọng' được là xuôi chuyện ư? Thoát ly làm cán bộ tận trên Thủ đô, thế mà làng nước không có ai đến nhờ vả thì cũng là ‘mang tiếng họ hàng lắm’ !


Rồi ‘thời’ cũng đến! Năm nay Thoán đến lượt được Sếp phân công đi Đền Thánh Trần mang về 10 tờ đóng ấn triện. Chả là việc này đã thành ‘nề nếp thiêng’ của cơ quan : đầu năm, ra Giêng, Sếp trực tiếp chỉ định 1 người làm việc này, đi lễ đền Thánh Trần mang được một số lượng tờ đóng ấn triện của Đền Thánh Trần về nộp đủ , để Sếp dùng nó làm phần thưởng đặc biệt cho các cấp dưới. Ai được Sếp phát thì năm mới có thể yên tâm: ít thì cũng không bị xáo trộn, nhiều sẽ được nâng đỡ. Trong bữa rượu đầu năm, Sếp thường cởi mở mà giả lả : Ai đi lễ hội mà tự có cái tờ giấy bản đó, đem Nó về cất trong tủ nhà mình, hay bày trên bàn làm việc, liệu nhờ thế có được cất nhắc hay ban phát gì không ? Hãy nhìn ti vi, hãy đến tận nơi mở mắt ra xem kẻ nào, loại người nào vẫn dẫm đạp nhau để có được Nó? Họ có hơn gì không ? Liệu các quan có tự làm thế với mình mà được thăng tiến không ? Nhưng Nó nên được mang về cơ quan , được chính tay quan trên ban cho, hiện thực hóa cho thì mới có ý nghĩa, mới bội phần thiêng liêng! Nghe chửa ?! Kẻ nào nghi ngờ: có Nó mà vẫn không có lộc thì nên tự trách mình là không biết tôn ti trên dưới mà thôi, nghe chửa ?! Thánh nhân ở xa trên Trời, còn lộc thì ở đâu, quyền trong tay ai, dấu nào mới có tác dụng ? Thế mà ngu xi không chịu hiểu thì dù năm nào cũng lăn lộn nơi đền thiêng đi nữa thì nên về tự tát vào cái đầu của mình cho nó văng chút u tối ra, nghe chửa ?! Mọi người trong cơ quan trừ khi quyết đi khỏi cơ quan, chứ nếu còn xác định, ít nhất vẫn là người biên chế trong năm thôi thì thấu hiểu cái ‘triết lý sâu sắc’ bất di bất dịch đó của Thủ trưởng lắm lắm mà tự giác không thể khinh nhờn !

Ai đến lượt được Sếp phân công đi thì lòng vui hơn mở hội, vì ngầm định ai được như thế thì đương nhiên là được Sếp phát cho một tờ, và trong năm sẽ có cơ hội chắc chắn. Tuy Thoán năm nay được thay mặt cơ quan, lĩnh chỉ lệnh của Sếp đi Đền Thánh Trần, nhưng qua việc đọc báo nghe đài Nhà nước thấy năm nào các quan rất lớn đến thường dân đều ùn ùn đổ về Đền Thánh Trần, nên vốn tư duy ngô nghê, đã dần nặng lòng mê tín vào số vận mạnh hơn ‘triết lý của Sếp’… chưa kể cũng không thực phục cái chức của Sếp đang mang, nghĩ cũng ‘thường thôi’ so với cái chức vụ cực nhớn mà các Quan cụ Trung ương vẫn mang đến đủ mặt trong lễ hội cơ mà !



….Bơ phờ chầu chức sớm trước ‘giờ thiêng’…chen lấn từng bước, đạp bằng từng bộ phận….cũng tiếp cận được nơi mua bán Nó. Trước kia Thoán còn chút mơ hồ về tờ giấy bản đóng dấu ấn này, nhưng đến nơi đây, thời điểm này Thoán bị thuyết phục hoàn toàn : nếu Nó không thiêng không quý hóa sao cả vạn người đa phần là có tiền có học, thậm chí có quyền chức rồi vẫn chịu xả thân vất vả quyết giành giật, thậm chí trèo lên cả đồ thờ tế để có được Nó đến như thế ?! Suy nghĩ đó làm nổi lên tính tham vốn sẵn, tính phòng xa tủn mủn của kẻ ‘tiểu nông gia truyền’… Thoán bèn mua thêm 1 tờ ‘thật xịn’ giành riêng cho mình. Về nộp Sếp đủ 10 như được giao. Sếp bảo: để lên bàn, và lim dim mắt hỏi một câu ngắn gọn : đồng chí có thỉnh gì không ?Thoán hơi cúi đầu trả lời : Dạ không ạ, rồi xin phép bước ra. Hôm sau ngày đẹp giao ban, Sếp ban 10 tờ giấy đóng ấn triện cho 10 người, trong số đó không có Thoán. Mọi người hơi đánh mắt ngó qua Thoán dò xét thái độ, và đương nhiên các biểu hiện liti của Thoán đều không qua được sự quan sát tinh vi của Sếp: Thoán như không tỏ vẻ gì cả, nhưng mép vẫn hơi gợn lên vẻ cả cười ngô nghê….

Rốt cuộc cuối năm ấy Thoán bị đánh tụt xuống ‘chuyên viên bậc 2’ và bị điều chuyển đi chi nhánh xa chả có bổng lộc nước non gì. Người ta thường nghe Sếp ngợi ca : quá hay cái việc lãnh đạo tiền bối nào nghĩ ra thiết lập những địa điểm, chi nhánh công tác phi kinh tế ‘chó ăn đá gà ăn sỏi’ như ở cơ quan mình ! Để ai ai cũng phải biết thế nào là bổng lộc quý nhường nào !

Quá hay cho ai đã nghĩ ra cái việc ‘phát ấn đền Trần’ để thử lòng người và làm thiêng liêng hơn cho cái quyền chức của những người như Sếp ! Thánh thật !


Đúng là sự u mê là vòng 'kim cô' của tâm trí!
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Xin Ấn đền Trần – Văn hóa hay mê tín?

    18/02/2011TS. Lê Thị ChiêngTín ngưỡng Thánh Trần bắt đầu có từ bao giờ, cho đến nay chưa ai làm rõ được nhưng chắc chắn chỉ xuất hiện sau khi Trần Hưng Đạo qua đời. Một người đức độ tài ba như Trần Hưng Đạo ắt “sinh vi tướng, tử vi thần” là điều không phải ngạc nhiên, mà đã là thần thì nên thờ. Cho nên đền thờ trần Hưng Đạo (Kiếp Bạc) bao giờ cũng tấp nập người đến cầu con, cầu của, cầu an...