Tìm lại Phan Khôi
Phan Khôi chỉ là một trong vô vàn ông tú của lịch sử khoa cử Việt Nam, nhưng là một trong những nhà báo vĩ đại giai đoạn 50 năm đầu của báo chí Việt Nam.
Ông tú Phan Khôi làm rất nhiều việc, kinh qua mọi thể tài của văn chương Việt Nam thời kỳ đầu: làm thơ, viết văn xuôi, sưu tầm thơ, bình luận thơ, dịch thuật, viết bài giảng dạy Hán văn độc tu, sau này còn viết nghiên cứu ngôn ngữ (Việt ngữ nghiên cứu), nhưng trước sau ông vẫn là một nhà báo vĩ đại, bắt đầu từ Nam Phong (có thể là cả Đăng cổ Tùng báo) cho tới Giai Phẩm. Phan Khôi là một “người của các tạp chí” điển hình, một “nhà báo toàn tòng”.
Mấy đặc điểm trong sự nghiệp báo chí Phan Khôi: ông cộng tác với những tờ báo quan trọng nhất của mỗi thời kỳ, ông luôn luôn có một địa vị phải nói là “ngôi sao” trong làng báo Việt Nam, ông đặc biệt hay cãi, có mặt ở trong mọi cuộc tranh luận lớn nhất của báo chí (ngay cả khi không lên tiếng thì ông vẫn cứ là trung tâm của cuộc tranh cãi, như lần Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đòi “chém” Phan Khôi vì coi ông là một cái “tai nạn”, hồi đầu những năm 1930); ở khía cạnh này thái độ của ông nhiều khi đi đến mức cực đoan, thách thức: “Cái đời tôi, chẳng có làm gì hết, chỉ có chực chỉ trích mà thôi, – thì họ làm gì tôi?” (trích từ một bài báo năm 1932); nhưng đặc biệt nhất là lúc nào ông cũng có vị thế hết sức độc lập: từ báo Trung Lập ông vẫn viết bài chỉ trích Phụ nữ Tân văn là tờ báo vô cùng “sủng ái” ông, trả nhuận bút cho ông ở mức rất cao. Phan Khôi cũng luôn luôn tự nhận mình là một người học trò còn đang phải học hỏi: “Tôi tự phận tôi cũng như là một người thất học từ thuở nhỏ” (trích từ một bài báo năm 1932).
Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1932 (Lại Nguyên Ân biên soạn, NXB Tri Thức) mới in tiếp tục cho chúng ta một hình dung về hành trình Phan Khôi độc đáo, sau các tập 1928, 1929, 1930, 1931 bắt đầu in từ năm 2003 cho tới nay, bộ sách quý giá ở nhiều phương diện nhưng gần như không có tiếng vang gì trên báo chí ngày nay. Dường như người ta không còn mấy để ý tới lịch sử và sự lộ diện trở lại của các nhân vật bấy lâu nay bị chìm lấp đầy bất công nữa. Điều bất công này càng lớn hơn khi mà Phan Khôi là một trong những bộ óc độc đáo nhất, uyên bác nhất, tỉ mỉ nhất từng tồn tại trong lịch sử trí thức Việt Nam.
Trong rất nhiều năm, giới nghiên cứu miền Bắc gần như không quan tâm tới Phan Khôi (cũng như hàng loạt tác giả quan trọng khác), trong khi một số tờ tạp chí lớn của Sài Gòn trước 1975 từng dành các số chuyên đề để tưởng niệm Phan Khôi. Điều này, xét cho cùng, cũng có lý: Phan Khôi được xếp vào “tứ đại” làng báo Sài Gòn trước 1945 (xem thêm Phụ nữ Tân văn, Phấn son tô điểm sơn hà, Thiện Mộc Lan, Thời Đại & NXB Văn Hoá Sài Gòn, 2010).
Đặc biệt, đầu năm 1959 Phan Khôi qua đời ở miền Bắc thì chỉ vài tháng sau đó tại Sài Gòn tờ Giáo dục Phổ thông (số 38) đã có một số đặc biệt về Phan Khôi, trong đó có bài viết quan trọng của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý mang tên Ông Phan Khôi với nhân văn chủ nghĩa.
Đặc điểm coi nhẹ báo chí mà chỉ trọng tài liệu sách là một nguyên do quan trọng khiến trong rất nhiều năm, địa vị của Phan Khôi trong lịch sử văn học Việt Nam không thực sự tương xứng với tài năng và công trình học thuật của ông (bên cạnh một nguyên nhân nữa là sự cọ xát liên tục của ông với mọi ngọn gió trái chiều trong tư tưởng và sinh hoạt văn nghệ). Ở một nền nghiên cứu luôn luôn coi trọng sách in hơn báo chí, và cũng để bị mất mát quá nhiều di sản báo chí, như Việt Nam, công cuộc nhìn nhận Phan Khôi được tiến hành một cách vô cùng thận trọng và chậm chạp.
Tìm lại Phan Khôi, ngoài việc tìm lại trước tác (nhất là trên báo chí) của ông, còn là tìm lại một khí phách. Câu của Phan Khôi, “nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết”, gần như đã trở thành một khẩu hiệu: với người trí thức, độc lập tư tưởng là quyền, nhưng đồng thời cũng là một nghĩa vụ.
Ngày nay, ngoài bộ Tác phẩm đăng báo đã ra được năm tập, ta còn được đọc nhiều bài báo của Phan Khôi trong bộ 13 năm tranh luận văn học của linh mục Thanh Lãng (NXB Văn Học và hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM, 1995) và sưu tập Sông Hương tuần báo ra ngày thứ bảy (1.8.1936 – 27.3.1937), Phạm Hồng Toàn sưu tầm, tuyển chọn, Đông Tây & NXB Lao Động, 2009. Đây mới chỉ là một phần trong tổng số trước tác Phan Khôi; con người Phan Khôi còn đa dạng hơn thế nhiều; vả lại, Phan Khôi mới chỉ là một trong những gương mặt cần được tìm lại trong văn học sử…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh