Tìm hiểu thêm về khái niệm tư duy
Tư duy là gì? Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học và nhiều nhà khoa học nghiên cứu Triết học nghiên cứu tư duy dưới góc độ lý luận nhận thức. Lôgíc học nghiên cứu tư duy ở các quy tắc tư duy đúng. Xã hội học nghiên cứu tư duy ở sự phát triển của quá trình nhận thức trong các chế độ xã hội khác nhau. Sinh lý học nghiên cứu cơ chế hoạt động thần kinh cao cấp với tư cách là nền tảng vật chất của các quá trình tư duy ở con người. Điều khiển học nghiên cứu tư duy để có thể tạo ra "Trí tuệ nhân tạo". Tâm lý học nghiên cứu diễn biến của quá trình tư duy, mối quan hệ qua lại cụ thể của tư duy với các khía cạnh khác của nhận thức (1). Ngày nay, người ta còn nói tới tư duy của người máy...
Song, dù là loại tư duy nào thì nó cũng có sự khác biệt căn bản với tư duy con người, ở chỗ: Tư duy của con người mang bản chất xã hội - lịch sử, có tính sáng tạo, có khả năng khái quát và sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện. Tư duy con người được quy định bởi các nguyên nhân, các yêu cầu của quá trình phát triển lịch sử - xã hội, chứ không đừng lại ở mức độ tư duy bằng các thao tác chân tay hay bằng một chương trình đã được lập sẵn. Có thể nói một cách khái quát, các nhà tâm lý học Mác - xít, trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chúng, đã khẳng định: Tư duy là sản phẩm cao cấp của một dạng vật chất hữu cơ có tổ chức cao, đó là bộ não của con người. Trong quá trình phản ánh hiện thực khách quan bằng những khái niệm, phán đoán... tư duy bao giờ cũng có mối liên hệ nhất định với một hình thức hoạt động của vật chất, với sự hoạt động của não người. Trong khi xác đính sự giống nhau giữa tâm lý người và động vật, các nhà tâm lý học Mác - xít cũng chỉ ra sự khác nhau căn bản giữa tư duy của con người và hoạt động tâm lý động vật. Một trong những khác nhau ấy là tư duy con người sử dụng khái niệm để ghi lại những kết quả trừu tượng hoá, tư duy được ra đời do lao động và trên cơ sở của sự phát triển xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, thế giới tự nhiên tác động vào các giác quan tạo ra cảm giác, tri giác và biểu tượng là cơ sở ban đầu của tư duy. Tư duy khái quát những thu nhận của cảm giác bằng những khái niệm và những phạm trù khoa học, mang lại cho chúng ta những quan điểm rộng hơn, sâu hơn những cảm giác trực tiếp. Nhờ trừu tượng hoá mà tư duy đã chỉ ra được những mối liên hệ, quan hệ của rất nhiều sự vật, hiện tượng, nêu ra được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh các mối liên hệ, quan hệ của rất nhiều sự vật, hiện tượng, nêu ra được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh các mối liên hệ, quan hệ nội tại của các sự vật, hiện tượng đó. Và chỉ có khái quát về lý luận mói cho phép tư duy của con người tìm ra bản chất của các sự vật, hiện tượng và các quy luật phát triển của chúng.
Như vậy, tư duy trước hết là sự phản ánh ở trình độ cao bằng con đường khái quát hoá, hướng sâu vào nhận thức bản chất, quy luật của đối tượng. Phản ánh ở đây hiểu theo quan niệm của chủ nghĩa Mác là phản ánh biện chứng, "là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, giữa hoạt động tư duy và hoạt động thực tiễn, như là một quá trình trong đó con người không thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, mà tác động tới nó, cải tạo nó và bắt nó phải phục tùng những mục đích của mình"(2). Đó là phản ánh tâm lý, là sự phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính, các mối quan hệ, liên hệ bản chất, quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng trong biện thực khách quan(3). Theo V.I. Lê nin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, trung thành hơn, đầy đủ hơn, .đi sâu một cách vô hạn, tiến gần đến chân lý khách quan hơn. "Tư duy của người ta - đi sâu một cách vô hạn, từ giả tưởng tới bản chất, từ bản chất cấp một, nếu có thể như vậy, đến bản chất cấp hai... đến vô hạn"(4).
Tư duy là quá trình vận dụng các khái niệm, phạm trù theo những quy luật lôgíc chặt chẽ nhằm đạt đến chân lý. Theo M.N. Sacđacôv "Khái niệm" là “sự hiểu biết những dấu hiệu chung và bản chất của sự vật, hiện tượng của hiện thực"(5). L.X.Vưgốtxki lại cho rằng “Khái niệm" xuất hiện khi hàng loạt các dấu hiệu đã được trừu tượng hoá lại được tổng hợp, “sự tổng hợp trừu tượng trở thành hình thúc cơ bản của tư duy nhờ đó người ta đạt được suy nghĩ về hiện thực bao quanh". Ông còn đi sâu phân biệt hai dạng khái niệm thông thường và khái niệm khoa học. “Khi nói về khái niệm thông thường, chúng ta cho rằng giao tiếp với môi trường xã hội rộng rãi và thiếu hệ thống là chỉ báo cơ bản của điều kiện phát triển nguồn gốc của nó. Các quyết định đối với khái niệm khoa học là chúng được lĩnh hội và phát triển dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ cuả giáo viên và tri thức ở đây được cung cấp cho trẻ em trong hệ thống nhất định"(6). Ở đây, sự khác biệt mang tính quyết định của hai dạng khái tuệ không phải trong nội dung khách quan của chúng mà ở phương pháp và con đường tiếp thu nó. Như vậy, việc cung cấp và việc tiếp thu những tri thức những khái niệm khoa học theo một hệ thống, theo những quy luật lôgíc, chặt chẽ không chỉ giúp trẻ mà ngay cả chúng ta, những người lớn phát triển tư duy được tốt hơn.
Tư duy là quá trình sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần. Theo C. Mác thì cái tinh thần (ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu đó chính là tư duy) chẳng qua là cái vật chất được chuyển vào trong đầu và được cải tạo lại ở trong đó(7). Tư duy còn là quá trình tiến tới cái mới, đề xuất những nhận thức mới, là quá trình không ngừng bổ sung và đổi mới. Quy luật của tư duy thực chất là quy luật của sự phát triển và tìm tòi cái mới. Vấn đề này được Rubinstêin cho rằng: Trong quá trình tư duy, khách thể được tất cả nội dung mới, cứ mỗi lần lật đi, lật lại, nó lại được bộc lộ một khía cạnh mới, tất cả các tính chất mới của nó được làm rõ. Một số tác giả khác lại cho rằng, trong quá trình lập luận, tư duy đạt được những cứ liệu ngày càng mới, vượt ra ngoài phạm vi các điều kiện ban đầu và khi sử dụng các điều kiện này, tư duy đi đến những kết luận ngày càng mới, nhờ chủ đưa các đối tượng ở vị trí ban đầu vào trong các mối liên hệ mới. Mỗi lần như vậy, tư duy tựa như lật ra một khía cạnh mới, phát hiện và rút ra hết được các thuộc tính và quan hệ mới của chúng(8).
Như chúng ta đã biết, nét đặc trưng chung nhất trong phương thức tồn tại của tâm lý người là tư duy với tư cách là một quá trình, một hoạt động. Tư duy với tư cách là một quá trình được xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của M. Xêtrênôv. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Xêtrênôv đã đưa ra luận điểm "cần phải lấy tư tưởng cho rằng hành động tâm lý là một quá trình, một sự vận động tâm lý có mở đầu nào đó, có diễn biến và kết thúc"(9). Từ đây, chúng ta có thể hiểu tư duy được phân chia thành các khâu, các hoạt động. Mà trong các khâu này, mỗi một hành động tư duy sẽ làm biến đổi mối quan hệ của chủ thể với khách thể, kích thích sự diễn biến của tình huống có vấn đề đều kích thích sự chuyển biến tiếp theo của quá trình tư duy. Quá trình tư duy chỉ diễn ra khi xuất hiện vấn đề, nhưng đòi hỏi chủ thể phải ý thức rõ ràng được vấn đề và tiếp nhận nó như một mâu thuẫn cần phải hành động để giải quyết. Theo X L. Rubinstêin, tư duy thường bắt đầu từ một vấn đề hay một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên, sự thắc mắc hay từ một mâu thuẫn nào đó lôi cuốn cá nhân vào hoạt động tư duy. Những vấn đề đó được ông gọi là tình huống có vấn đề. Để một vấn đề trở thành tình huống có vấn đề của tư duy, đòi hỏi chủ thể phải có nhu cầu, mong muốn giải quyết vấn đề đó. Mặt khác, chủ thể cũng phải có tri thức cần thiết có liên quan thì việc giải quyết vấn đề mới có thể diễn ra, quá trình tư duy mới được diễn ra.
Phân tích dưới góc độ lý luận tính hai mặt của quá trình tư duy thống nhất, tác giả Nguyễn Bá Dương (10) đã đi đến nhận định: Quá trình tìm kiếm, phát minh cái mới trong khoa học cũng giống như quá trình tái tạo lại kinh nghiệm của lịch sử - xã hội loài người diễn ra dưới hình thức giải quyết các tình huống có vấn đề. Bản thân mỗi kinh nghiệm lịch sử - xã hội luôn có tính tổng hợp chứa đựng bên trong nó. Điều đó có nghĩa là, nó chính là sản phẩm có tính tổng hòa của hoạt động sáng tạo của xã hội loài người. Từ đó cho thấy, mâu thuẫn cơ bản của sự phát triển trí tuệ loài người là ở chỗ "tư duy một mặt là một quá trình tìm kiếm và phát hiện ra cái mới, cái bản chất, mặt khác nó còn là quá trình tái tạo lại những tri thức, những kinh nghiệm lịch sử - xã hội đã được loài người tích luỹ".
Sơ đồ quá trình tư duy
Quá trình tư duy được nhà tâm lý học Xô - viết K.K. Platônôv phân chia thành các giai đoạn hết sức cụ thể, các giai đoạn này được diễn ra một cách hết sức nhanh, thậm chí như sự tự động hoá. Đặc biệt, trong các giai đoạn này, các thao tác tư duy đều được diễn ra một cách tự động. Trên cơ sở sơ đồ quá trình tư duy do một số nhà tâm lý học Việt Nam xây dựng, chúng tôi xây dựng mô hình các giai đoạn của quá trình tư duy như sau:
(I): Khi giả thuyết bị phủ định, có thể hình thành giả thuyết mới.
(II): Khi hình thành giả thuyết mới vẫn bị phủ định, lúc này cần phải nhận thức lại vấn đề từ đầu. Quá trình tư duymới .
(III): Khi có kết quả, cần phải được kiểm tra lại, đối chiếu lại. Khi xét trong các mối quan hệ với khách thể và nhiệm vụ nó giải quyết, tư duy được xem như một hoạt động. Ở khía cạnh này, tư duy không những có tính quy luật của sự diễn biến theo quá trình (như phân tích, tổng hợp, khái quát) mà còn có cả mặt nhân cách, động cơ chung cho tư duy và mọi hoạt động của con người. Cũng từ góc độ xem xét tư duy như một hoạt động cho phép chúng ta hiểu tư duy không chỉ là sản phẩm của hiện thực khách quan, mà còn là sản phẩm của mối quan hệ qua lại giữa con người với hiện thực khách quan. Bới lẽ, chính mối quan hệ này được thể hiện như một hoạt động. Cũng chính thông qua mối quan hệ này mà các đặc điểm của hoạt động bên ngoài, tính phổ quát của các tháo tác lôgíc trong hoạt động bên ngoài chuyển dần sang cái phát sính bên trong của hoạt động đó. Vì vậy, giữa hoạt động bên ngoài và hoạt động bên trong (tức tư duy) có sự đẳng cấu về cấu trúc. Tư duy như một quá trình và tư duy như một hoạt động - đó là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng mà thôi. Hoạt động tư duy bao giờ cũng đồng thời là quá trình tư duy và quá trình tư duy về một khía cạnh nào đó chính là bản thân hoạt động ấy hay như một thành phần của nó (11).
Để định nghĩa tư duy, chúng tôi nhận thấy các nhà tâm lý học trong nước cũng như nước ngoài, mỗi người có một cách hiểu riêng của mình. X.L. Rubinstêin cho rằng: Tư duy là sự "Thâm nhập vào những tầng mới của bản thể, là giành lấy và đưa ra ánh sáng những cái cho đến nay vẫn giấu kín trong cõi sâu bí ẩn: Đặt ra và giải quyết vấn đề của thực tại và cuộc sống, tìm tòi và giải đáp câu hỏi thực ra nó là như thế nào, câu trả lời đó là cần thiết để biết nên sống thế nào, cho đúng và cần làm gì ?"(12). A. Spiếckin lại cho rằng: Tư duy của con người, phản ánh hiện thực, về bản chất là quá trình truyền đạt gồm hai tính chất: Một mặt, con người hướng về vật chất, phản ánh những nét đặc trưng và những mối liên hệ của vật ấy với vật khác, và mặt khác con người hướng về xã hội để truyền đạt những kết quả của tư duy của mình(13). Từ cách tiếp cận mô hình xử lý thông tin, tác giả Đặng Phương Kiệt quan niệm: "Tư duy là một quá trình tâm trí phức tạp, tạo ra một biểu tượng mới bằng cách làm biến đổi thông tin có sẵn"(14).
Với cách tiếp cận này, tác giả cho rằng, các quá trình tư duy của con người được diễn ra ở đoạn trên cùng của trình tự xử lý thông tin và điều gì sẽ diễn ra khi đạt tới giai đoạn này của quá trình xử lý thông tin thì được gọi là tư duy. Dựa trên cơ sở những mối liên hệ, quan hệ vốn có của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan và lý thuyết phản ánh, tác giả Mai Hữu Khuê cho rằng "Tư duy là quá trình tâm lý phản ánh những mối liên hệ và quan hệ giữa các đối tượng hay các hiện tượng của hiện thực khách quan"(15). Tác giả cho rằng, tư duy khác hẳn với tri giác ở chỗ tư duy không chỉ thực hiện được những bước như đã xảy ra ở tri giác, là tách các phần riêng lẻ của sự vật, mà còn cố gắng hiểu các phần đó có quan hệ với nhau như thế nào. Tư duy phản ánh bản chất của sự vật, và do đó là hình thức phản ánh hiện thực cao nhất. Với việc xem tư duy như là quá trình phân tích, tổng hợp... Nguyễn Đình Trãi cho rằng: Tư duy là quá trình phân tích, tổng hợp, khái quát những tài liệu đã thu được qua nhận thức cảm tính, nhận thức kinh nghiệm để rút ra cái chung, cái bản chất của sự vật(16).
Với tư cách là quá trình nhận thức, tập thể tác giả: Trần Minh Đức, Nguyễn Quang Uẩn, Ngô Công Hoàn, Hoàng Mộc Lan, coi "Tư duy là một quá trình nhận thức, phản ánh những thuộc tính của bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng mà trước đó ta chưa biết” (17).
Phân tích một số quan niệm về tư duy như trên để có thể hiểu sâu thêm định nghĩa của tư duy: Tư duy là quá trình tân lý phản ánh hiện thực khách quan một cánh gián tiếp là khái quát, là sự phản ánh những thuộc tính chung và bản chất, tìm ra những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng mà ta chưa từng biết.
Chú thích
1 X L. Rubinstêin, Cơ sở tâm lý học đại cương,, NXB Giáo dục, Mátxcơva, 1989, tập 1.
2. Từ điển Triết học, NXB Mátxcơva, 1975, tr. 430.
3. Đại học Quốc gia Hà Nội, Tâm lý học đại cương, NXB Giáo dục, 1996, tr.17.
4. V.I. Lê nin, Bút ký triết học, NXB Sự thật, Hà Nội, 1977.
5. M.N. Sacđacôv, Tư duy của học sinh, NXB Giáo dục, H., 1970, tr.43.
6. M.N. Sacđacôv, tư duy của học sinh, NXB Giáo dục, H., 1970, tr.43.
7. V.V. Đavưđôv, Các dạng khái quát hoá trong dạy học, NXB ĐHQG, H.,2000, tr.234, 244.
8. C. Mác, Tư bản, NXB Sự thật, H., 1971 , tập 1 , tr.33.
9. Tâm lý học Liên Xô, NXB Tiến bộ, M., 1978, tr. 282, 275.
10. Nguyễn Bá Dương, Quan niệm tâm lý học về dạy học nêu vấn đề trong tâm lý học Xô - viết, Luận án PTS, 1983.
11. Tâm lý học Liên Xô, NXB Tiến bộ, M., 1978, tr. 277.
12. M.N. Sacđacôv, Tư duy của học sinh, NXB Giáo dục, H., 1970, tr. 9-10.
13. A. Spiếckin, Sự hình thành tư duy trừu tượng trong những giai đoạn phát triển đầu tiên của loài người, NXB Sự thật, H., 1960, tr.28.
14. Đặng Phương Kiệt, Cơ sở tâm lý học ứng dụng, NXB ĐHQG, Hà Nội, 2000, tr.292.
15. Mai Hữu Khuê, Những khía cánh tâm lý của quản lý, NXB Lao động,, H.,1985, tr.153.
16. Nguyễn Đình Trãi, Năng lực tư duy lý luận cho cán bộ giảng dạy lý luan Mác - Lênin ở các trường chính trị tỉnh, Luận án tiến sỹ triết học , 2001 , tr.19.
17. Đại học Quốc gia Hà Nội, Tâm lý học đại cương, NXB Giáo dục, 1996, tr.107.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt