Tìm hiểu thêm về giải thưởng Nobel Hòa bình thế giới năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba

10:19 CH @ Thứ Bảy - 16 Tháng Mười, 2010
Việc đánh giá một con người để tôn vinh, để chỉ trích, phê phán hay yêu ghét sẽ phản ánh mức độ nhân văn, mức độ văn minh, tiến bộ trong mỗi chúng ta.

Vào thời đại văn minh, XH tiến bộ, kẻ xấu xa, gây hại cho nhân loại rất sớm bị nhân dân tiến bộ vạch mặt hoặc buộc phải ẩn nấp trong bóng tối còn những người anh hùng, ưu tú cũng rất sớm được phát hiện, tôn vinh để cống hiến và tỏa sáng. Còn ở những nơi lạc hậu, phản động, những kẻ thù của dân tộc hay những người có công lao/các nhà văn hóa lớn bị lên án hay tôn vinh rất muộn. Thậm chí, người ưu tú thường sớm gánh chịu khủng bố, giam cầm, giáng những tai họa lên cuộc đời chứ chẳng còn biết đến sự tôn vinh nào. Sự muộn mằn trong đánh giá đúng con người đã để lại bao bi kịch cho cá nhân cho đến tận cuối đời, như ở nước ta có Nguyễn Du, các nhà văn sĩ cách mạng, đến trên thế giới những kẻ như Hitle (Đức), Stalin (Nga), Giang Thanh (Trung Quốc), Polpot (Campuchia), Pinoche (Chi lê) từ việc vạch trần bản chất đến trừng trị chúng đều hết sức muộn mằn và vất vả...


Xã hội ta đang hội nhập thế giới văn minh. Chúng ta đã từng nhanh nhạy, kịp thời trong việc tôn vinh con người giống như nhân loại đang làm như trong trường hợp sự kiện Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields (tương đương giải thưởng Nobel về Toán học). Nhưng sự kiện vinh danh giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay, các thông tin được cung cấp tới bạn đọc có khối lượng hạn chế đã làm cho nhiều người không nắm được về nhân vật nhận giải nhiều như các phản ứng, các chỉ trích, tuyên bố sau đó của Bộ Ngoại giao, chính phủ Trung Quốc mà về thực chất là thể hiện sự khác biệt trong quan điểm đánh giá một con người - ông Lưu Hiểu Ba.

Trên tinh thần thận trọng và công bằng trong việc nhìn nhận, đánh giá con người, nhiều bạn đọc đã liên hệ với chungta.com để tìm hiểu rõ hơn về Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm nay. Ủy ban Nobel Hòa Bình Nauy năm nay chọn và tôn vinh ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc, hiện đang trong tù. Chính phủ Trung Quốc phản ứng quyết liệt, phản đối sự tôn vinh ông Lưu Hiểu Ba. Chúng tôi tôn trọng các quan điểm đó, dù ở tầm vóc giải thưởng của nhân loại hay của một chính phủ, hay cá nhân; tất cả chúng không ảnh hưởng đến quyền đánh giá và kết luận tôn vinh cá nhân của mỗi người.

Mỗi đánh giá cá nhân là dịp để các bạn soi mình vào những giá trị phổ quát chung của nhân loại chứ không phải thù hằn con người. Kinh nghiệm cho thấy, để ý theo dõi kỹ việc tranh cãi, chỉ trích trong đánh giá con người giữa "tiểu nhân"/ "đại nhân", "văn hóa"/ "vô văn hóa", "phản động"/ "yêu nước", "chính nghĩa"/ "phi nghĩa"... các bạn sẽ nhận ra chân lý và điều chỉnh ý kiến của mình đồng thời nhận ra người nào là có văn hóa, là đại diện hy sinh cho những giá trị tiến bộ... Kẻ nào không tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, quyền con người mà chỉ vì quyền lợi cục bộ của chính mình, kẻ đó không có tình thương yêu và công lý. Như mẹ Teresa người Ấn Độ (đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1979) đã nói rất đúng rằng: "Nếu chỉ mải đi phán xét người khác, ta sẽ không có thời gian để yêu thương họ". Bởi vậy chúng ta luôn cần đến sự yêu thương hơn là sự phán xét, nhất là phán xét con người ta còn chưa biết đến sự nghiệp, đến tinh thần, cốt cách, nhân cách hay tác phẩm của họ.

Qua bài viết này, Chungta.com xin trả lời một số câu hỏi bạn đọc nêu ra cho chúng tôi nhằm cung cấp một cái nhìn của chúng tôi cho sự kiện giải Nobel Hòa Bình 2010 và hiểu thêm về nhân vật được giải thưởng này tôn vinh...

  1. Giải Nobel Hòa bình 2010 như thế nào?
  2. Giải Nobel Hòa bình là gì?
  3. Những ai đã được giải Nobel Hòa bình tôn vinh?
  4. Vì sao giải Nobel Hòa bình hay bị gây tranh cãi?
  5. Ông Lưu Hiểu Ba là ai? Ông đã làm điều gì để được tôn vinh?
  6. Tính chất ôn hòa trong quan điểm Lưu Hiểu Ba về hợp tác với chính phủ trong cải cách chính trị qua 2 bài viết tham khảo:

1. Giải Nobel Hòa bình 2010 như thế nào?

Ngày 8/10/2010, nhà hoạt động Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), 54 tuổi, đã giành được giải Nobel Hòa bình năm 2010.



Trong tuyên bố giải của Ủy ban Nobel Hòa Bình Nauy nêu rõ:

"Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ông đã tham gia các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989. Ông là tác giả hàng đầu của Hiến chương 08, công bố vào dịp kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn nhân quyền Liên Hiệp Quốc."

"Một năm sau, ông Lưu bị án tù 11 năm cộng thêm hai năm mất quyền chính trị vì chống lại quyền lực nhà nước. Ông Liu luôn nói rằng các mức án này vi phạm hiến pháp và nhân quyền căn bản của Trung Quốc. Qua bản án hà khắc dành cho ông, ông Lưu đã là biểu tượng tiêu biểu nhất cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền ở Trung Quốc."

Trước khi trao giải, chính phủ Trung Quốc đã cảnh cáo Ủy ban Nobel Hòa bình không trao giải cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba bởi nó đi ngược lại nguyên tắc của giải Nobel Hòa bình "thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc" và việc trao giải cho một tên tội phạm có thể gửi đi những thông điệp sai trái, tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nauy.


Chủ tịch Ủy ban Nobel tại Oslo (Nauy), Thorbjørn Jagland công bố hôm 8/10/2010 rằng ‘Trong hơn hai thập niên, ông Lưu Hiểu Ba đã là người phát ngôn mạnh mẽ cho nhân quyền tại Trung Quốc’.

2. Giải Nobel Hòa bình là gì?

Giải Nobel Hòa bình (Nobels fredspris) là một trong năm nhóm giải thưởng ban đầu của Giải Nobel được trao hàng năm. Theo nguyện vọng trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel hòa bình nên được trao "cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình".

Giải Nobel Hòa bình hàng năng sẽ được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Nhiều người cho rằng Nobel muốn loại trừ việc các chính phủ nước ngoài có thể thao túng Giải Nobel Hòa bình, vì vậy ông đã chọn Quốc hội Na Uy, vốn không chịu trách nhiệm về quan hệ đối ngoại.

Hàng năm Ủy ban Giải Nobel Na Uy tiếp nhận các đề cử cho Giải Nobel Hòa bình từ các cá nhân đủ tiêu chuẩn, những người từng được nhận giải, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, giáo sư đại học (của một số chuyên ngành nhất định), các thẩm phán quốc tế và cuối cùng là các cố vấn đặc biệt của Ủy ban. Có năm có tới gần 200 cá nhân hoặc tổ chức được đề cử.




3. Những ai đã đoạt giải Nobel Hòa bình tôn vinh?

Trong hơn 100 năm qua đã có 98 cá nhân đã được vinh danh giải Nobel Hòa bình theo danh sách nêu dưới đây:

Thập niên 2000 (11 người)
- 2010: Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc) vì cuộc đấu tranh trường kỳ và bất bạo động nhằm đòi nhân quyền cơ bản ở Trung Quốc
- 2009: Barack Obama (Mỹ) vì nỗ lực phi thường để tăng cường đối ngoại quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc
- 2008: Martti Oiva Kalevi Ahtisaari Viipuri (Phần Lan) vì những nỗ lực đặc biệt của ông ở nhiều châu lục và hơn 3 thập kỷ để giải quyết các xung đột quốc tế để giải quyết một cuộc xung đột kéo dài lâu năm ở Kosovo
- 2007: Al Gore (Mỹ), Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu, vì hoạt động cảnh báo về thay đổi khí hậu
- 2006: Mohammad Yunus (Bangladesh), Ngân hàng Grameen, vì tham gia chống đói nghèo
- 2005: Mohamed ElBaradei (Ai Cập), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), vì những nỗ lực ngăn chặn sử dụng hạt nhân vào mục đích quân sự
- 2004: Wangari Muta Maathai (Kenya), nhà hoạt động môi trường, phát triển bền vững và quyền con người
- 2003: Shirin Ebadi (Iran), nhà đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em
- 2002: Jimmy Carter (Mỹ), hoạt động vì quyền con người và giải quyết xung đột quốc tế
- 2001: Kofi Annan (Ghana), Liên Hiệp Quốc, vì những nỗ lực cho một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn
- 2000: Kim Dae Jung (Hàn Quốc), Tổng thống Hàn Quốc, người khởi xướng bình thường hóa quan hệ với Bắc Triều Tiên

Thập niên 1990 (14 người)
- 1999: Tổ chức Thầy thuốc không biên giới (Médecins Sans Frontières), vì những hoạt động nhân đạo trên các châu lục
- 1998:John Hume (Bắc Ireland), David Trimble (Bắc Ireland) - Đồng tác giả của hiệp định hòa bình cho Bắc Ireland
- 1997: Jody Williams (Mỹ), Tổ chức Quốc tế cấm mìn (International Campaign to Ban Landmines), vì những nỗ lực vận động cấm và quyét sạch mìn cá nhân
- 1996: Carlos Filipe Ximenes Belo (Đông Timo),José Ramos-Horta (Đông Timo), Hoạt động vì độc lập cho Đông Timo
- 1995: Joseph Rotblat (Anh), Hội nghị Pugwash về Khoa học và các Vấn đề của Thế giới (Pugwash Conferences on Science and World Affairs) - Đấu tranh giải giáp vũ khí hạt nhân
- 1994: Yasser Arafat (Palestine), Shimon Peres (Israel), Yitzhak Rabin (Israel), vì nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Trung Đông
-1993: Nelson Mandela (Nam Phi), Frederik Willem de Klerk (Nam Phi): Chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Apacthai trong hòa bình và thành lập nền móng cho một nền cộng hòa ở Nam Phi
- 1992: Rigoberta Menchú (Guatemala), Nhà hoạt động vì quyền bình đẳng cho người thiểu số
- 1991: Aung San Suu Kyi (Myanma), Đấu tranh bất bạo động vì tự do và quyền con người
- 1990: Mikhail Sergeyevich Gorbachyov (Liên Xô), Góp phần chấm dứt chiến tranh lạnh.Bình thường hoá quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ,Tây Âu

Thập niên 1980 (8 người)
- 1989: Đạt-lại Lạt-ma (Tây Tạng), Đấu tranh bất bạo động vì tự do của Tây Tạng
- 1988: Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (United Nations Peacekeeping Forces) - Tham gia giải quyết nhiều cuộc xung đột từ năm 1956
- 1987: Óscar Arias (Costa Rica)- Đề xướng thỏa thuận hòa bình tại Trung Mỹ
- 1986: Elie Wiesel (Mỹ) - Nhà văn, người sống sót sau Thảm họa diệt chủng người Do Thái
- 1985: Các thầy thuốc quốc tế chống chiến tranh hạt nhân (International Physicians for the Prevention of Nuclear War) - Vận động chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân
- 1984: Tổng giám mục Desmond Tutu (Nam Phi) - Nhà hoạt động chống chủ nghĩa Apacthai
- 1983: Lech Wałęsa (Ba Lan)- Nhà hoạt động đấu tranh vì quyền con người tại Ba Lan
- 1982: Alva Myrdal (Thụy Điển), Alfonso García Robles (Mexico): Đại diện Đại hội đồng giải trừ quân bị tại Liên Hiệp Quốc
- 1981: Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR)
- 1980: Adolfo Pérez Esquivel (Argentina) - Luật sư đấu tranh vì quyền con người

Thập niên 1970 (12 người, 1 người từ chối giải)
- 1979: Mẹ Teresa (Ấn Độ), Vận động chống đói nghèo
- 1978: Anwar al-Sadat (Ai Cập), Menachem Begin (Israel) - Đồng tác giả hiệp định hòa bình giữa Ai Cập và Israel
- 1977: Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) - Vận động chống lại các hình thức tra tấn
- 1976: Betty Williams (Anh), Mairead Corrigan (Anh) - Sáng lập viên Phong trào hòa bình Bắc Ireland
- 1975: Andrei Dmitrievich Sakharov (Liên Xô) - Nhà khoa học đấu tranh vì quyền con người
- 1974: Seán MacBride (Mỹ), Satō Eisaku (Nhật Bản)
- 1973: Henry Kissinger (Mỹ), Lê Đức Thọ (Việt Nam) (từ chối nhận giải) : Đồng tác giả Hiệp định Paris 1973
- 1971: Willy Brandt (Tây Đức) - Khởi xướng chính sách Ostpolitik
- 1970: Norman Borlaug (Mỹ), Nhà nghiên cứu tại CIMMYT (Centro Internacional de Mejoramiento de Maíz y Trigo)

Thập niên 1960 (5 người)
- 1969: Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization)
- 1968: René Cassin (Pháp) - Chủ tịch Tòa án nhân quyền Châu Âu (Cour européenne des droits de l'homme)
- 1965: Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF)
- 1964: Martin Luther King, Jr. (Mỹ) - Nhà vận động đấu tranh cho quyền con người của người da đen ở Mỹ
- 1963: Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (Mouvement international de la Croix-Rouge et du Croissant-Rouge)
- 1962: Linus Pauling (Mỹ)- Nhà khoa học vận động cấm thử vũ khí hạt nhân
- 1961: Dag Hammarskjöld (Thụy Điển) - Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc (truy tặng)
- 1960: Albert John Lutuli (Nam Phi) - Chủ tịch đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC)

Thập niên 1950 (7 người)
- 1959: Philip Noel-Baker (Anh)- Nỗ lực suốt đời vì hòa bình và hợp tác quốc tế
- 1958: Dominique Pire (Bỉ) - Lãnh đạo tổ chức công giáo giúp đỡ người tị nạn
- 1957: Lester B. Pearson (Canada) - Tham gia giải quyết cuộc Khủng hoảng kênh đào Suez
- 1954: Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR)
- 1953: George Marshall (Mỹ)- Khởi xướng Kế hoạch Marshall
- 1952: Albert Schweitzer (Pháp) - Thành lập Bệnh viên Lambarene ở Gabon
- 1951: Léon Jouhaux (Pháp)
- 1950: Ralph Bunche (Mỹ)- Trung gian hòa bình ở Palestine (1948)

Thập niên 1940 (4 người)
- 1949: Lord Boyd Orr (Anh)- Tổng giám đốc Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO)
- 1947: Hội đồng hỗ trợ bè bạn (Friends Service Council) (Anh), Ủy ban hỗ trợ bè bạn Hoa Kỳ (American Friends Service Committee) (Mỹ)
- 1946: Emily Greene Balch (Mỹ), John Raleigh Mott (Mỹ) - Chủ tịch danh dự Liên đoàn phụ nữ quốc tế vì hòa bình và tự do (Women's International League for Peace and Freedom), Chủ tịch Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (Young Men's Christian Association)
- 1945: Cordell Hull - Một trong những người khởi xướng thành lập Liên Hiệp Quốc
- 1944: Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế
(Mouvement international de la Croix-Rouge et du Croissant-Rouge)

Thập niên 1930 (8 người)
- 1938: Phòng quốc tế Nansen cho các người tị nạn (Office international Nansen pour les réfugiés) (Thụy Sỹ)
- 1937: Robert Cecil (Anh) - Sáng lập và chủ tịch Cuộc vận động hòa bình quốc tế (International Peace Campaign)
- 1936: Carlos Saavedra Lamas (Argentina)- Chủ tịch Hội Quốc Liên
- 1935: Carl von Ossietzky (Đức) - Nhà báo đấu tranh vì hòa bình
- 1934: Arthur Henderson (Anh) - Chủ tịch hội nghị giải trừ quân bị của Hội Quốc Liên
- 1933: Sir Norman Angell (Anh) - Thành viên Ủy ban điều hành Hội Quốc Liên
- 1931: Jane Addams (Mỹ), Nicholas Murray Butler (Mỹ) - Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ quốc tế vì hòa bình và tự do (Women's International League for Peace and Freedom), Tham gia thúc đẩy Công ước Kellogg-Briand
- 1930: Nathan Söderblom (Thụy Điển) - Lãnh đạo giáo hội

Thập niên 1920 (11 người)
- 1929: Frank Billings Kellogg (Mỹ)- Sáng lập Công ước Kellogg-Briand
- 1927: Ferdinand Buisson (Pháp),Ludwig Quidde (Đức) - Sáng lập và chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế, Đại biểu tại nhiều hội nghị hòa bình
- 1926: Aristide Briand (Pháp), Gustav Stresemann (Đức) - Tham gia Thỏa ước Locarno
- 1925: Sir Austen Chamberlain (Anh), Charles Gates Dawes (Đức) - Tham gia Thỏa ước Locarno, Cha đẻ của Kế hoạch Dawes
- 1922: Fridtjof Nansen (Na Uy) - Đại diện Thụy Điển tại Hội Quốc Liên, Cha đẻ của Hộ chiếu Nansen dành cho người tị nạn
- 1921: Hjalmar Branting (Thụy Điển), Christian Lous Lange (Na Uy)- Thủ tướng Thụy Điển, đại diện Thụy Điển tại Hội Quốc Liên, Tổng thư ký Liên minh nghị viện quốc tế (Inter-Parliamentary Union)
- 1920: Léon Bourgeois (Na Uy) - Chủ tịch Hội đồng của Hội Quốc Liên

Thập niên 1910 ( 5 người)
-1919: Woodrow Wilson (Mỹ) -Tổng thống Mỹ, một trong những người thúc đẩy sự ra đời của Hội Quốc Liên
- 1917: Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (Mouvement international de la Croix-Rouge et du Croissant-Rouge)
- 1913: Henri La Fontaine (Bỉ), Chủ tịch Cơ quan thường trực hòa bình quốc tế
- 1912: Elihu Root (Mỹ), Khởi xướng nhiều thỏa ước hòa giải quốc tế
- 1911: Tobias Michael Carel Asser (Hà Lan), Alfred Hermann Fried (Áo)- Sáng lập Hội nghị Quốc tế về Luật cá nhân ở Den Haag, Tác giả Die Waffen Nieder
- 1910: Cơ quan thường trực hòa bình quốc tế (Bureau international permanent de la paix)

Thập niên 1900 ( 13 người)
- 1909: Auguste Beernaert (Bỉ), Paul-Henri-Benjamin d'Estournelles de Constant (Pháp)- Thành viên Tòa án trọng tài Quốc tế (Cour Internationale d'Arbitrage), Sáng lập và chủ tịch nhóm nghị sĩ Pháp tham gia phán xử quốc tế
-1908: Klas Pontus Arnoldson (Thụy Điển), Fredrik Bajer (Đan Mạch) - Sáng lập Hiệp hội hòa bình và phán xử Thụy Điển, Chủ tịch danh dự Cơ quan thường trực hòa bình quốc tế
- 1907: Ernesto Teodoro Moneta (Ý), Louis Renault (luật gia) (Pháp) - Chủ tịch Liên đoàn hòa bình Lombardi, Giáo sư Luật Quốc tế
- 1906: Theodore Roosevelt (Mỹ)- Tổng thống Mỹ, tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình
- 1905: Bertha von Suttner (Áo) - Chủ tịch danh dự Cơ quan thường trực hòa bình quốc tế
- 1904: Viện Luật Quốc tế (Institut de Droit International) (Bỉ)
- 1903: William Randal Cremer (Anh)- Thư ký Liên đoàn trọng tài quốc tế (International Arbitration League)
- 1902: Élie Ducommun (Thụy Sỹ), Charles Albert Gobat (Thụy Sỹ)- Thư ký danh dự Cơ quan thường trực hòa bình quốc tế (Bureau international permanent de la paix)
- 1901: Henry Dunant (Thụy Sỹ), Frédéric Passy (Pháp) - Sáng lập Phong trào Chữ thập đỏ Quốc tế (Mouvement international de la Croix-Rouge), Sáng lập và chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc tế (Société d'arbitrage entre les Nations)


4. Vì sao giải Nobel Hòa bình hay bị gây tranh cãi?

Giải Nobel Hòa bình là hạng mục gây nhiều tranh cãi nhất trong hệ thống Giải Nobel. Nhược điểm lớn nhất của việc xét trao Giải Nobel Hòa bình có lẽ là việc đánh giá tiêu chuẩn của các ứng cử viên. Nếu như ở các giải Nobel khác như Giải Nobel Văn học hay các giải Nobel về khoa học, các ứng cử viên thường chỉ được xét giải sau hai hoặc ba thập kỉ những đóng góp của họ ra đời, thì đóng góp của các ứng cử viên cho Giải Nobel Hòa bình thường chỉ xét ngay trong năm đó hoặc trong khoảng thời gian ngắn xung quanh thời gian xét giải, phụ thuộc vào những diễn biến chính trị của đóng góp. Vì vậy đã có nhiều trường hợp sau khi được trao Giải Nobel Hòa bình, cá nhân hoặc tổ chức nhận giải lại tham gia vào việc phát động các cuộc chiến tranh hoặc chạy đua vũ trang, đi ngược lại với tiêu chí giải thưởng. Đó là trường hợp của Theodore Roosevelt, tổng thống Mỹ, được trao giải năm 1906, sau khi được trao giải đã mở rộng không ngừng lực lượng Hải quân Hoa Kỳ và dùng vũ lực đàn áp đẫm máu các cuộc nổi dậy của người dân Philippines chống lại quân đội chiếm đóng Mỹ. Một trường hợp khác là Shimon Peres, được trao giải năm 1994, lại được coi là một trong những nhân vật "diều hâu" nhất của chính trường Israel và là người ủng hộ tích cực việc sử dụng vũ lực đàn áp người Palestine.

Thực tế những thập kỷ gần đây, sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy thường xuyên là đối tượng của nhiều nghiên cứu, tranh cãi và phê phán. Những phê phán chủ yếu lập luận rằng Nobel Hòa bình là giải thưởng mang tính chính trị, không thực sự ảnh hưởng đáng kể đến hòa bình trong nước và quốc tế. Điều đó đúng một phần và Fracis Sejersted, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy trong những năm 1990, đã thừa nhận: “Ủy ban quan tâm tới các hiệu ứng tích cực mà việc trao giải thưởng cho người được lựa chọn có thể đem lại bởi ngài Nobel muốn giải thưởng này có tác động chính trị. Nói đơn giản, trao giải thưởng hòa bình là một hành vi chính trị”. Việc tôn vinh cá nhân hay tổ chức nào đó của Ủy ban Nobel là một quan điểm riêng của Ủy ban mang tính toàn cầu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của một vấn đề, nâng cao vị thế của một cá nhân hoặc tổ chức, thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, thu hút sự chú ý của quốc tế tới các vụ đàn áp và tăng sức ép giải phóng một dân tộc hoặc quốc gia.

Lịch sử trao giải Nobel Hòa Bình theo di chúc của Nobel như sau:

- Từ năm 1901 tới 1945, 33 trong số 43 giải được trao cho những người có đóng góp cho tình hữu nghị giữa các nước và cho việc giải trừ quân bị. Duy nhất vào năm 1935, Ủy ban Nobel để tâm tới tình hình chính trị nội bộ nước Đức đã trao giải cho Carl von Ossietzky, một nhà báo chống Đức Quốc xã.

- Từ năm 1946 tới 2008, 17 trong số 69 giải thưởng được trao cho những người hoạt động vì hòa bình liên quốc gia và giải trừ quân bị.

16 trong 69 giải thưởng được trao những cá nhân liên quan đến đấu tranh hòa bình, đặc biệt là các cá nhân bất đồng chính kiến, hoạt động nhân quyền trong các quốc gia có vấn đề về dân chủ, tự do, nhân quyền.

Chính các giải thưởng vinh danh cho các nhà hoạt động nhân quyền của Ủy ban Nobel là điều gây tranh cãi nhiều hơn bởi nó có vẻ đi xa so với Di chúc của Nobel còn các quốc gia khác lại coi điều này là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia mình, việc tôn vinh cá nhân không đem lại tốt đẹp mà chỉ toàn hậu quả tiêu cực đối với họ. Ủy ban Nobel lại cho rằng qua việc trao giải, nhiều cá nhân, vấn đề sẽ được truyền thông thế giới soi vào, chính phủ các nước sẽ phải xử sự thận trọng và đúng đắn hơn với các vụ đàn áp chính trị và vi phạm nhân quyền, và nếu họ tôn trọng quyền cơ bản của con người, tự chấp nhận những thay đổi đau đớn để tiến tới dân chủ thì thực sự hiệu quả tích cực kỳ vọng của giải thưởng sẽ đạt được.

Nhưng trường hợp các chính phủ phản ứng tiêu cực lại kết quả trao giải, bộc lộ sự cực đoan cầm quyền như sách nhiễu các nhà hoạt động nhân quyền, đẩy mạnh sự đàn áp, gia tăng bắt giữ người chống đối, tấn công vũ trang người nổi loạn thì vừa gây thêm khó khăn, thử thách với cá nhân được tôn vinh, lại vừa làm tầm vóc của vấn đề nhân quyền tại quốc gia đó lớn hơn và thế giới cần vinh danh nhiều hơn với các cá nhân đấu tranh thay đổi dân chủ bằng biện pháp hòa bình tại quốc gia ấy. Dẫu sao, việc tôn vinh một cá nhân lại là "bài trắc nghiệm" cho tầm vóc và bản chất của một chính thể.

Ngoài ra, Ủy ban Giải Nobel Na Uy còn bị chỉ trích vì đã bỏ qua nhiều nhân vật chính trị nổi tiếng đã có những đóng góp lớn cho hòa bình thế giới, đó là Mahatma Gandhi, Steve Biko hay César Chávez. Trong đó trường hợp của lãnh tụ Ấn Độ Gandhi đã gây tranh cãi không chỉ trong dư luận mà còn trong chính nội bộ Ủy ban, rất nhiều lần đã đề cử Gandhi nhưng rồi đến trước khi ông bị ám sát năm 1948, Mahatma Gandhi đã không bao giờ được trao giải.

5. Ông Lưu Hiểu Ba là ai? Ông đã làm điều gì để được tôn vinh?

Ông Lưu Hiểu Ba là một nhà hoạt động nhân quyền (human right activist), bất đồng chính kiến với chính phủ Trung Quốc hiện nay, một tác giả, một giáo sư Đại học Bình dân Bắc Kinh. Tên tuổi ông lần đầu tiên xuất hiện trước công luận vào năm 1989, khi xảy ra sự kiện đẫm máu ở quảng trường Thiên An Môn.



Ông Lưu sinh năm 1955 tại Trường Xuân, Cát Lâm - thành phố công nghiệp đông bắc Trung Quốc trong một gia đình trí thức. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Cát Lâm và chuyển tới Bắc Kinh tiếp tục học tập. Ông nhận bằng tiến sĩ Đại học Bình dân Bắc Kinh và làm công tác giảng dạy tại đây. Cuối năm 1988, ông làm khách mời thỉnh giảng tại trường Đại học Columbia, Mỹ.

Ngày 4/6/1989, khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, ông Lưu từ Mỹ về nước sớm để tham gia thương thuyết giữa sinh viên biểu tình và quân đội, nhờ đó thuyết phục sinh viên rời quảng trường, cứu sống hàng trăm người. Ngày 6/6/1989, ông bị bắt bỏ tù 18 tháng với tội danh "phản cách mạng". Ông được thả tháng 1/1991, bị cấm giảng dạy. Sau đó, ông vẫn tiếp tục viết các bài luận ủng hộ tự do ngôn luận, nhân quyền tạo được sự chú ý rộng rãi. Năm 1995, ông bị giam giữ tại gia, cách ly 3 năm cải tạo lao động do phát biểu chỉ trích về hệ thống chính trị tại Trung Quốc. Tháng 10/1999, ông được tự do và tiếp tục viết các tiểu luận mang tính phê phán.



Ông tham gia dự thảo Hiến chương 08 kêu gọi cải cách chính trị ở Trung Quốc (một bản hiến chương có nội dung tương tự Hiến chương 77năm 1977 của các trí thức Czech và Slovakia, kịch gia Vaclav Havel khởi xướng). Hiến chương được hơn 300 người ủng hộ thuộc giới học giả, nghệ sĩ, luật sư... Ngay trước khi Hiến chương 08 được công bố tháng 12/2009, ông Lưu bị bắt ngày 8/12/2009 và ngày 25/12/2009, ông bị xét xử kín tại tòa và nhận bản án hình sự 11 năm tù với tội danh "công khai phỉ báng chính quyền, kích động người khác lật đổ chính quyền". Toàn bộ các chứng cứ buộc tội là Bản hiến chương 08 và khoảng chục bài tiểu luận của ông có nội dung chỉ trích chính quyền đăng trên mạng trong giai đoạn 2005 đến 2007. Hành vi viết và phát tán các tài liệu này cho người khác xem được tòa án coi là nguy hiểm và ông phải gánh chịu mức án nặng nề nhất. Trên thực tế, các bài tiểu luận của ông đều nhấn mạnh thay đổi chính trị chỉ có thể tiến hành dần dần và bằng phương thức hòa bình. Lưu Hiểu Ba không được phép phát biểu tại tòa nên ông đã chuẩn bị trước các tuyên bố của mình trong bản Tuyên bố tối hậu : “trong hai thập niên vừa qua… tôi đã luôn bày tỏ quan điểm rằng cải cách chính trị Trung Quốc phải diễn ra từ từ, hòa bình, có trật tự và có kiểm soát. Tôi cũng đã liên tục phản đối cuộc cải cách cấp tiến một bước, và càng phản đối cách mạng bạo lực“. Trước khi bị bắt, ông cũng đã nhắc đến kết cục sẽ đến với mình: "Tôi đã từ lâu biết rằng khi một trí thức độc lập đứng lên trước một nhà nước độc tài, bước đầu tiên để đi đến tự do là phải bước vào tù”. Chính vì vậy, Lưu Hiểu Ba là người bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, người đi đầu trong việc chỉ trích chính quyền Trung Quốc.

Lưu Hiểu Ba là nhân vật nổi tiếng nhất trong vô số người chỉ trích chính quyền Trung Quốc bị bắt giam. Ông là một ứng cử viên thích hợp cho giải Nobel Hòa Bình 2010, một giải vốn có truyền thống vinh danh những nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi đổi mới chính trị một cách hòa bình. Các cá nhân tương tự đã dành giải Nobel Hòa Bình trước đây như Carl von Ossietzkyngười Đức (1955); Andrei Sakharov người Nga (1975), Đạt la lạt mangười Tây Tạng (1989), Lech Walesa người Ba Lan (1983) và Aung San Suu Kyingười Miến Điện (1990).

Tất nhiên, việc tôn vinh ông với giải Nobel Hòa bình 2010 bị chính phủ Trung Quốc phản ứng quyết liệt, coi đây như là phương Tây can thiệp nội bộ, tìm cách phá huỷ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.



Tuyên bố tối hậu” của Lưu Hiểu Ba trước khi bị kết án 11 năm tù


Lưu Hiểu Ba, 23.12.2009

Tháng sáu năm 1989 là một bước ngoặt quan trọng trong đời tôi. Tôi đã từng là một giáo sư khả kính, một nhà trí thức công cộng, được mời phát biểu ở nhiều nơi, kể cả ở Châu Âu và Hoa Kì. Trước sau như một, tôi luôn luôn tự đòi hỏi mình phải phát biểu trung thực, chịu trách nhiệm về lời nói của mình và giữ đúng phẩm cách – trong cuộc sống cá nhận cũng như trong trước tác. Năm 1989, tôi rời Hoa Kì về nước để tham gia phong trào [sinh viên vì dân chủ, rốt cuộc đã bị đàn áp đẫm máu ngày 4 tháng 6]. Tôi đã bị bỏ tù vì “ tội tuyên truyền và xúi giục những hoạt động phản cách mạng”. Thế là tôi mất luôn chức danh giáo sư mà tôi rất gắn bó, mất luôn khả năng công bố và phát biểu công khai ở Trung Quốc. Một giáo sư bị mất chức, một tác giả bị tước quyền phát biểu, một trí thức bị phủ nhận mọi khả năng phát biểu trước công chúng… dù là với tư cách cá nhân hay là để xây dựng một nước Trung Quốc mở cửa ra thế giới và cởi mở với các cuộc cải cách, suốt ba mười năm chỉ vì đã công khai đưa ra những chính kiến khác và đã tham gia một phong trào dân chủ hòa bình, thật là bi ai !

Hai mươi năm sau, những oan hồn của đêm mồng 4 tháng sáu vẫn chưa được yên nghỉ. Còn tôi, vì chọn con đường chính kiến khác sau sự kiện 4-6, nên ở trại giam Tần Thành ra, năm 1991, tôi đã bị tước quyền phát biểu công cộng trên đất nước của chính mình ; tôi chỉ có thể phát biểu trên các media ngoại quốc, với cái giá phải trả là bị theo dõi trong suốt nhiều năm, rồi bị quản chế (từ tháng năm 1995 đến tháng giêng 1996) sau đó là bị đưa vào trại lao cải (từ tháng mười 1996 đến tháng mười 1999). Hôm nay, tuổi ngoài 50, một lần nữa tôi bị ấn xuống hàng ghế bị cáo bởi một chính quyền bị ám ảnh bởi ý niệm “ kẻ thù ”. Song dù sao chăng nữa, với cái chế độ đã cướp đoạt tự do của tôi, tôi muốn nói với họ rằng tôi vẫn giữ vững niềm tin mà tôi đã biểu thị trong tuyên bố tuyệt thực ngày 2 tháng sáu hai mươi năm về trước : tôi không có kẻ thù và cũng không căm thù. Những nhân viên công an đã theo dõi tôi, bắt giữ và tra hỏi tôi, những kiểm sát viên đã khởi tố tôi, những quan tòa đã kết án tôi đều không phải là kẻ thù của tôi. Tôi không chấp nhận bị theo dõi, bị bắt giam, bị khởi tố, bị kết án, song tôi tôn trọng nghề nghiệp và nhân thân của tất cả những viên chức ấy, trong đó có những quan chức của viện kiểm sát, ngày 3 tháng chạp mới đây, đã tỏ ra trung thực và tôn trọng đối với tôi.

Bởi vì căm thù có thể làm biến chất trí khôn và sự sáng suốt ; hệ tư tưởng địch-ta có thể làm nhiễm độc đầu óc của nhân dân, kích động những sự tranh giành vô độ, hủy hoại sự khoan hòa và lý trí của xã hội, ngăn cản không cho dân tộc vươn tới tự do và dân chủ. Vì thế mà tôi mong muốn vượt qua số phận cá nhân mình để chú tâm trước hết vào sự phát triển của đất nước, vào tiến trình của xã hội, ứng phó với sự thù nghịch của chính quyền bằng tấm lòng đại lượng để hóa giải căm thù trong tình thương.

Người ta thường cho rằng chính nhờ đường lối cải cách và cởi mở mà đất nước ta đã phát triển, xã hội ta đã tiến hóa. Theo tôi, sự cởi mở đã bắt đầu ngay khi từ bỏ chủ trương “đấu tranh giai cấp là thống soái” của thời Mao. Ngay từ lúc đó, đã tập trung nỗ lực vào sự phát triển kinh tế và hài hòa xã hội. Sự từ bỏ đấu tranh giai cấp, trong chừng mực nào đó, đã dẫn tới một sự khoan hòa nhất định, sự chung sống hòa bình giữa những lợi ích và giá trị khác nhau. Kinh tế đã hướng về thị trường, văn hóa trở thành đa dạng hơn, việc duy trì trật tự đã từng bước tuân thủ pháp luật. Có được những điều ấy là nhờ quan niệm “kẻ thù” đã phai mờ đi. Ngay cả trong chính trị là lãnh vực chậm tiến bộ nhất, chính quyền đã tỏ ra khoan hòa hơn đối với sự đa dạng trong xã hội, đã giảm bớt sự trấn áp đối với những tiếng nói bất đồng và thay đổi tên gọi sự kiện 1989, từ “phản loạn” trở thành “rối loạn chính trị”.

Sự suy giảm quan niệm về kẻ thù phải đánh đổ khiến cho chính quyền từng bước chấp nhận tính chất phổ quát của các quyền con người. Năm 1998, chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn với thế giới là họ sẽ phê chuẩn hai công ước quốc tế lớn của Liên Hiệp Quốc về các quyền con người [trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị], đó cũng là một cách tương trưng để công nhận các giá trị ấy. Năm 2004, Quốc hội đã sửa đổi Hiến pháp bằng cách, lần đầu tiên, ghi câu này vào Hiến pháp : “ Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền con người”, tỏ ra rằng các quyền con người đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của luật pháp Trung Quốc. Đồng thời, chính quyền đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt “con người ở trung tâm” đường lối chính trị của mình, phải “tạo ra một xã hội hài hòa”, tất cả những điều này là bước tiến trong quan niệm của Đảng cộng sản về chính quyền.

Bản thân tôi đã cảm nhận những thay đổi ấy từ ngày tôi bị bắt. Tôi vẫn cho rằng tôi vô tội và nói rằng những lời cáo buộc tôi là vi hiến, nhưng trong thời gian một năm qua bị giam cầm, trải qua hai nhà tù và các cuộc thẩm tra của 4 công an, 3 kiểm sát và 2 thẩm phán, phương pháp của họ vẫn tỏ ra kính trọng, không bao giờ họ vượt quá thời hạn hỏi cung và họ không hề ép cung. Thái độ của họ là ôn hòa, chừng mực, thậm chí nhân hậu. Ngày 23 tháng sáu, tôi được chuyển từ nơi quản chế sang Trại giam 1 Bắc Kinh, là nơi năm 1996 tôi đã bị giam giữ, tại đây tôi đã nhận thấy nhà cửa, thiết bị cũng như phương pháp quản lý đã có những cải thiện đáng kể.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi càng tin tưởng rằng những tiến bộ chính trị ở Trung Quốc sẽ không ngừng ở một chỗ. Tôi thực sự lạc quan về sự xuất hiện một nước Trung Quốc tự do trong tương lai, bởi vì không một sức mạnh nào có thể ngăn chận được khát vọng tự do của con người. Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một Nhà nước pháp quyền, đặt quyền con người lên hàng đầu. Tôi cũng hi vọng rằng những tiến bộ ấy sẽ thể hiện trong việc xử lí hồ sơ của tôi ; tôi mong rằng các hội thẩm viên sẽ tuyên án một cách công chính – một bản án có thể đứng vững trước tòa án của Lịch sử. Nếu tôi phải tìm xem trong hai mươi năm qua, điều gì là trải nghiệm tốt đẹp nhất của tôi, thì đó là tôi đã nhận được mối tình vô tư trong sáng của vợ tôi, Lưu Hạ. Vì vậy mà tôi viết những dòng thư này cho Lưu Hạ:


Lưu Hiểu Ba - Lưu Hạ

Hôm nay, em sẽ không được dự phiên tòa xử anh, nhưng anh muốn nói với em, em yêu quý của anh, anh tin chắc rằng tình yêu mà em dành cho anh vẫn không có gì thay đổi. Nhờ đó, em yêu, anh sẽ có đủ bình tĩnh để đối mặt với phiên xử sắp tới, mà không một chút hối tiếc về những chọn lựa của mình, và lạc quan chờ đợi ngày mai. Anh hi vọng rằng một ngày kia, nước ta sẽ trở thành đất nước của tự do ngôn luận, mọi công dân có quyền lên tiếng một cách bình đẳng, mọi giá trị, tư tưởng, tín ngưỡng, chính kiến đều có thể chung sống và thi đua với nhau một cách công bằng. Rằng trên đất nước này, tư tưởng đa số và tư tưởng thiểu số sẽ được bảo hộ như nhau, đặc biệt là những tư tưởng khác với tư tưởng của những người cầm quyền. Rằng mọi quan điểm chính trị đều có thể được trình bày công khai để nhân dân chọn lựa, rằng mọi công dân đều có thể phát biểu mà không phải e sợ, không gặp nguy cơ bị truy bức vì công bố một chính kiến khác. Anh cũng mong rằng anh là người cuối cùng trong cái danh sách dài đặc những nạn nhân vào tù vì trước tác của mình, mong rằng không còn ai sẽ bị kết án vì ý kiến của mình.

Tự do phát biểu là nền tảng của các quyền con người, là cơ sở của mọi tình cảm nhân tính, là mẹ của chân lí. Tiêu diệt tự do phát biểu là chà đạp các quyền con người, là bóp nghẹt mọi tình cảm nhân tính, là bịt miệng chân lí.

Cho dù tôi vô tội mà vẫn bị kết án vì đã làm rạng danh quyền tự do phát biểu được Hiến pháp quy định, vì đã đảm nhiệm tới cùng các nghĩa vụ xã hội của một công dân Trung Quốc, tôi không có điều gì oán thán…

Cảm ơn mọi người !


Hai tiếng “cách mạng” thiêng liêng ấy

Lưu Hiểu Ba

Trần Quốc Việt dịch từ Popular Protest and Political Culture in Modern China, Second Edition, edited by Jeffrey N. Wasserstrom and Elizabeth J. Perry. Westview Press, 1994

Phần 1

Ở Trung Quốc cộng sản, không có từ nào thiêng liêng hơn hay phong phú hơn về sự phẫn nộ chính đáng và sức mạnh đạo đức cho bằng từ “cách mạng”. Nhân danh cách mạng, chế độ chuyên chế độc đảng và nền độc tài cá nhân được xác lập. Thường xuyên, nhân danh cách mạng, các phong trào chính trị vô nhân đạo được phát động. Nhân danh cách mạng, cá nhân bị tước đi tất cả các quyền họ đáng lẽ được hưởng. Nhân danh cách mạng, nền kinh tế bị huỷ diệt và nền văn hoá lịch sử bị lụi tàn. Tên của cách mạng thậm chí còn được dùng trong dịch vụ vệ sinh – trong việc diệt trừ ” bốn sinh vật có hại”, qua đó cúng ruồi và chim sẻ trên bàn thờ cách mạng.

Người Trung Quốc đương thời quá say mê cách mạng, quá tôn sùng cách mạng. Mỗi người và mọi người đều vừa là nạn nhân vừa là người truyền bá của từ này – cách mạng: “Cách mạng công xã Paris”; “Cách mạng Tháng Mười”; “Cách mạng năm 1911″; “Cách mạng dân chủ cũ”; “Cách mạng dân chủ mới”; “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”; “Cách mạng cộng sản”; “Trường kỳ cách mạng dưới chuyên chính vô sản”; “Đại cách mạng văn hoá”; “Cải cách là một cuộc cách mạng sâu sắc.” Người Trung Quốc đương thời gọi mỗi sự thay đổi trong xã hội hoặc là “cách mạng” hay là “phản cách mạng”. (Ví dụ, phong trào phản kháng năm 1989 được sinh viên nói đến như là “Đại cách mạng ủng hộ dân chủ và chống độc tài”; còn chính quyền lại xem đấy là “cuộc bạo loạn phản cách mạng”). Dù bày tỏ lòng biết ơn hay bất mãn, mọi người đều mượn tên của cách mạng để tăng thêm sức mạnh chính nghĩa cho lời nói của mình. Sự vay mượn này thậm chí đạt đến mức độ là người ta sẵn sàng nói: “cách mạng gia đình”, “cách mạng hôn nhân”, “cách mạng bùng nổ trong hồn người”, cũng như “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “chủ nghĩa lãng mạn cách mạng”, “chủ nghĩa hiện thực cách mạng”, “văn học cách mạng”, “vợ chồng cách mạng”, “con cháu cách mạng”, “người thừa kế cách mạng”. Chính nghĩa cách mạng tự thân nó không cần đến điều kiện tiên quyết nào; trái lại, cách mạng là điều kiện tiên quyết cho chính nghĩa của bất kỳ sự gì khác. Bất kỳ ai hay bất kỳ chuyện gì, ta chỉ cần gán cho nó cái tên “cách mạng” là nó tự nhiên thành tiến bộ và thành chan chứa tình cảm chính đáng. Không ai nghi ngờ hay thậm chí hỏi: Thực ra cách mạng là gì?Hỏi cũng chả có lợi mà cũng chẳng cần phải hỏi. Tất cả những gì chúng ta làm và tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều là vì “tiến hành cách mạng đến cùng”!

Bất luận dù ta xét đến gốc từ nguyên và ý nghĩa hiện nay của từ hay mối liên quan về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể của sự áp dụng cụ thể, thực tế của từ này, từ cách mạng không thể nào dịch, như một từ hoàn toàn tương đương, ra tiếng Anh “revolution.” Trong tiếng Anh, từ “revolution” có ba nghĩa rạch ròi: (1) quay tròn; (2) Sự thay đổi lớn, cơ bản trong xã hội; và (3) việc sử dụng bạo lực để tạo ra sự chuyển giao quyền lực chính trị.[1] Đáng chú ý là, trong tiếng Anh, từ “cách mạng” không hàm chứa nhiều liên tưởng về chính nghĩa thiêng liêng như từ cùng nghĩa trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc, nghĩa xưa nguyên thuỷ của từ “cách mạng” là mệnh trời mà các hoàng đế vay mượn hay chấp nhận để mở đầu một triều đại mới; từ này mang một ý nghĩa thiêng liêng và là sự biện minh liên quan đến việc thực hiện ý trời.

Trong thời hiện đại, dù trong “cuộc cách mạng chưa hoàn tất” của Tôn Trung Sơn hay trong “tiến hành cách mạng đến cùng” của Mao Trạch Đông, từ cách mạng gợi lên một ý nghĩa hết sức thiêng liêng và một chính nghĩa thái quá. Đặc biệt kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền, “cách mạng” đã trở nên một từ thiêng liêng, thuần tuý. Ví dụ, “cách mạng vô sản là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa công bằng nhất, sâu sắc nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”. “Cách mạng” có sự công bằng cố hữu, bất khả xâm phạm như “các quyền tự nhiên” trong lịch sử gần đây của phương Tây. Khi chúng ta xem xét cấu tạo của từ này, chúng ta thấy rằng cách mạng là sự kết hợp động từ và túc từ. “Cách” là động từ, nghĩa là “thay đổi, loại trừ, hủy bỏ, tước đi.” Còn từ “mạng,” nghĩa là “mệnh trời, mệnh lệnh, sinh mạng.” Hợp chung lại với nhau, “cách mạng” có nghĩa là “thay đổi xã hội” hay “cách cái mạng của ai đó.” Chẳng hạn, “cách chức” ám chỉ đến “huỷ bỏ một chức vụ” hay “tước đi các quyền hành”. Như thế, ngay cả khi ta chỉ xem xét các từ hợp thành không thôi, từ “cách mạng” trong tiếng Trung Quốc luôn có một giá trị về chính nghĩa không-thể -nào-bị -hoài – nghi và một giá trị về sự thiêng liêng không-thể -nào-bị -báng -bổ. Đây là một trong những từ được dùng thường xuyên nhất trong kho từ vựng của Đảng Cộng sản.

Ở Trung Quốc sau năm 1949, khi được xét đến từ các góc độ về xã hội học, văn hoá, và tâm lý tập thể, từ “cách mạng” đã ám chỉ đến sự công bằng, đúng đắn, đức hạnh, vận may, và thiêng liêng. Nó cũng ám chỉ đến quyền lực cao nhất; sở hữu được cuộc cách mạng là đã giành được điều mà Tony Saich (trong Chương 12) gọi là “vốn biểu tượng.” Thật không thể nào bày tỏ sự nghi ngờ hay chống đối lại “cách mạng” được. “Cách mạng” ám chỉ đến sự tận tụy, hy sinh, can đảm, không ngại hiểm nguy, lý tưởng, và cảm tình lãng mạn. Nó ám chỉ đến sự trường tồn và sức sống tràn trề. Tất cả những gì ta phải làm là chỉ cần nói “vì cách mạng…” Nó luôn luôn chứng tỏ một ý chí sắt đá, một sự sẵn sàng “chết chín lần không tiếc”. “Cách mạng” ám chỉ đến công bằng và lẽ phải của “đau khổ quá tất sinh ra căm thù sâu sắc”, của đổ máu bạo lực, và của cuộc đấu tranh tàn nhẫn. “Cách mạng” thôi thúc căm thù và bần hàn. Nếu có cách mạng, tất phải có căm thù. Hễ ai nghèo nhất thì cũng cách mạng nhất. Vì thế Mao Trạch Đông gọi cuộc cách mạng do ông lãnh đạo là “một phong trào của những kẻ khốn cùng”. “Cách mạng” ám chỉ đến tính chất không nhân nhượng, không thoả hiệp, không khoan dung, không hợp tác – công lý cực đoan không biểu lộ lòng vị tha; càng cực đoan, càng quá khích, càng chuyên chế thì lại càng cách mạng. Lòng trung thành của ta không thể nào dao động trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Cách mạng” ám chỉ rằng nổi dậy là chính đáng; rằng hành động cá nhân rất mờ nhạt trước vầng thái dương là hành động được thực hiện nhân danh cách mạng. Cho dù cách hành xử có tàn bạo đến đâu, hành động có mù quáng và thiếu cân nhắc đến đâu, phong trào có vô lý đến đâu -nếu nó có thể được gán cho tên “cách mạng”, thì nó trở nên hợp lý và có thể được thực hiện một cách lạnh lùng.

Trong hệ thống giáo dục của Đảng Cộng sản, nỗi ám ảnh về “cách mạng” đã khiến ta đánh mất lòng nhân đạo và lý trí của mình, đánh mất đi lương tâm xã hội và lòng độ lượng của mình, đánh mất đi những tiêu chuẩn cơ bản nhất về phải và trái, và ngay cả đánh mất đi sự phân biệt giữa thiện và ác. “Cách mạng” đã khiến chúng ta phát điên. “Cách mạng” đã khiến chúng ta ngột ngạt. “Cách mạng” đã khiến chúng ta hư hỏng đến nỗi chúng ta mất đi khả năng cảm thấy tôn kính, sợ hãi, hay khiêm nhường. Phong trào phản đối năm 1989 lại một lần nữa đã chứng tỏ rằng “cách mạng” vẫn thắng thế. Nọc độc của “cách mạng” ngấm quá sâu trong lòng chúng ta, do đó chúng ta thường xuyên trở thành những vật hy sinh vô thức cho sự nghiệp công bằng cách mạng. Chúng ta vẫn còn say đắm với “cách mạng”.

Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột

Mặc dù chúng ta đã trải qua sự tàn ác chưa từng có của “Phong trào chống hữu khuynh” và “Đại cách mạng văn hoá”, chúng ta vẫn còn không thật sự ý thức về sự rùng rợn và tàn độc của “cách mạng”.

Dù mười năm cải cách đã làm dịu đi tính chất thiêng liêng của “cách mạng” và làm suy yếu nền văn hoá chính trị đã được xây dựng trên nền tảng của cuộc đấu tranh giai cấp, chúng ta vẫn còn tôn thờ “cách mạng” trong tận xương tuỷ. Chúng ta vẫn là “những người thừa kế cách mạng”. Ngay khi chúng ta nhập vào một phong trào chính trị lớn, lòng say mê “cách mạng” của chúng ta chợt dâng cao; ngay khi lửa cách mạng được thắp lên, nó cháy bùng lên thành ngọn lửa cao ngất trời thiêu tan mọi thứ. Bất luận là phong trào thuộc về cực hữu hay cực tả, chuyên chế hay dân chủ, tiến bộ hay phản động, “cách mạng” đều thay thế tất cả. Từ trong bất kỳ khuynh hướng nào cũng đều có thể khích động lòng tôn thờ “cách mạng” cuồng nhiệt của chúng ta. Phong trào năm 1989 một lần nữa là cuộc “cách mạng vĩ đại” của quần chúng tiến bước tới dân chủ. Cho dù kết cục của nó có bi kịch, đẫm máu, nhiệt tình cách mạng vốn nằm im lìm trong gần mười năm lại một lần nữa trỗi dậy làm chủ chúng ta; cuối cùng, nó lại bộc lộ sinh lực và năng động của nó. Đây là một cơ hội làm lay động đất trời. Tất cả mọi người đều muốn lợi dụng cơ hội này để tạo nên kỳ tích, một thành tựu thật lớn để gây ấn tượng cho bao thế hệ đến sau.

Các sự kiện trong tháng Năm năm 1989 khiến ta nhớ đến lời tuyên bố nổi tiếng của Lenin: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và những người bị bóc lột”.[2] Các đám đông kéo đến Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình và diễu hành thoạt đầu đi bộ đến; rồi sau đến từng nhóm đi xe đạp, xe ba bánh, và sau cùng đến bằng xe máy và ô tô. Tiếng máy xe nổ ầm ĩ, cờ phướn phất phới, biểu ngữ giăng đầy, hết khẩu hiệu này đến khẩu hiệu khác được đua nhau hô vang trời, đâu đâu cũng thấy dấu hiệu chữ “V” (tượng trưng cho “chiến thắng”), và những nụ cười nở rộng trên khuôn mặt mọi người – tất cả những yếu tố này đã tạo nên bầu không khí hân hoan như thể đây là một cuộc trình diễn nghệ thuật ngoài trời. Một biểu ngữ khổng lồ, dài hàng chục mét, căng ngang Viện Bảo tàng Lịch sử Cách mạng, hiển hiện chỉ một từ “Thức tỉnh”. Những sinh viên tuyệt thực tiếp tục đổ vật xuống; các bác sĩ trong áo choàng trắng chạy lui chạy tới như con thoi, và tiếng còi hụ của các xe cứu thương rú lên liên hồi. Cảm giác bi kịch về cái chết cho chính nghĩa đang đến gần càng tăng thêm bầu không khí phấn khích như trong cuộc trình diễn của Quảng trường. Các sự kiện liên hoan trên Quảng trường, trong đó sinh viên đại học là các diễn viên chính, đã thu hút các nông dân, công nhân, binh lính, cán bộ, thương gia, nhà doanh nghiệp, trí thức, và có cả một vị giáo sư tóc bạc chống gậy đi lần bước qua những hàng người đang bày tỏ sự ủng hộ của họ dành cho sinh viên. Một phụ nữ về hưu luống tuổi, mặt in hằn những vết nhăn, ngồi trên chiếc xe ba bánh do con trai kéo. Bà cũng làm dấu hiệu chữ “V” tượng trưng cho chiến thắng. Những em học sinh trung học và tiểu học mang biểu ngữ và giơ cao nắm đấm ủng hộ các anh chị của mình. Những cháu bé học mẫu giáo, theo sự hướng dẫn của các cô giáo họ gọi là “các cô”, vẫy những lá cờ ba cạnh rực rỡ, cũng hòa mình vào niềm vui chung. Rồi đến những vị tu hành đầu cạo trọc, mình mặc áo sòng, vừa tụng kinh vừa gõ “cá gỗ”. Tất cả các nhân tố đa dạng này đan quyện vào nhau khiến cho người ta có cảm tưởng sai lầm rằng đây là một cuộc cách mạng sắp sửa thành công. Tất cả điều này làm đậm đà thêm bầu không khí hân hoan. Quảng trường tưng bừng như trong những ngày lễ Quốc khánh hay trong ngày lễ Quốc tế Lao động hằng năm, lại càng giống như một quảng trường nơi các đám đông mừng vui đổ xô về ngay giữa khi một “cuộc cách mạng” đang diễn ra. Quả thật phong trào phản kháng năm 1989 đã làm cho mỗi người tham gia đều hân hoan nhảy múa trong niềm hoan hỷ phấn chấn. Khởi đầu vào ngày 1 tháng Mười năm 1949, khi Mao Trạch Đông dẫn đầu buổi lễ thành lập nhà nước, từ đấy hằng năm những lễ hội tương tự đều diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn. Cách đây bốn mươi năm, Mao Trạch Đông, lòng đầy tự tin, tuyên bố cách mạng thành công; bốn mươi năm sau, những nhà lãnh đạo trẻ của sinh viên đại học và các trí thức nổi tiếng, lòng cũng ngập tràn tự tin, đang nôn nao chờ đợi thời khắc thành công của cuộc cách mạng “mới nhất”. Chúng ta tưởng rằng chế độ độc tài của Đặng Tiểu Bình thật sự có thể đến hồi cáo chung ở ngay giữa lòng cuộc cách mạng long trời lở đất này; chính quyền của chế độ chuyên chế độc đảng thật sự có thể sụp đổ giữa “rừng” cánh tay đưa lên. Có bao nhiêu bậc anh hùng trong thời điểm đó mơ tưởng đến những vai trò họ muốn đóng sau khi họ đạt danh tiếng? Bầu không khí cách mạng hân hoan ấy khiến ta không thể nào nhìn thẳng vào hiện thực chính trị của Trung Quốc và vào sự ổn định của chế độ cai trị của Đảng Cộng sản. Không chỉ đơn thuần là Đảng Cộng sản nắm chặt trong tay toàn bộ guồng máy chính quyền cũng như nắm quân đội mấy triệu người; mà cũng đúng là, qua mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã giành được sự ủng hộ của nhân dân. Chúng ta lại lầm tưởng sự bất mãn trong nhân dân về một số vấn đề liên quan đến cải cách là sự mất hy vọng hoàn toàn vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Chúng ta nghiêng về ý kiến cho rằng, với sự ủng hộ của quần chúng, Triệu Tử Dương sẽ thay thế Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào đánh giá hợp lý những thành công và những thất bại của mười năm cải cách và tự do hoá về kinh tế. Chúng ta những nhà trí thức nổi tiếng, xuất phát từ quyền lợi riêng của mình (từ sự xuống giá của tri thức trước cơn thuỷ triều đang lên của hàng hoá đến mức sống tương đối sút kém của giới trí thức, vân vân), đã hưởng ứng sự hoài nghi trong nhân dân về các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” rồi phóng đại ý nghĩa của nó lên thành sự hoài nghi chung cho tất cả các chính sách quản lý của Đặng Tiểu Bình. Thực tế cho thấy, mặc dù nhân dân có bất mãn về một số vấn đề liên quan đến cải cách và mặc dù các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” đã hơi làm sút giảm uy tín của Đặng Tiểu Bình, nhưng nhân dân vẫn thừa nhận rằng trong thời của Đặng Tiểu Bình (ngược lại với thời đấu tranh giai cấp của Mao Trạch Đông) toàn bộ mọi nỗ lực đều được tập trung vào việc phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Điều này đã tạo ra sự ủng hộ sâu rộng trong nhân dân và tạo ra một tính chính danh vững chắc và thực tế. Sự suy giảm lòng dân và tính chính danh thực tế do các chiến dịch “bài trừ tham nhũng” và “chống tự do hoá về kinh tế” chủ yếu giới hạn trong giới trí thức. Còn quần chúng chỉ đòi hỏi là họ làm ra tiền và mức sống của họ được tăng dần lên. Khi những yêu cầu này được đáp ứng, quần chúng không muốn từ bỏ hoàn toàn chính quyền hiện nay, hay bác bỏ hoàn toàn các chính sách cai trị của Đặng Tiểu Bình. Khách quan mà nói, so với thời Mao Trạch Đông, những thay đổi ở Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình – sự tiến bộ của chính đảng cai trị và sự thức tỉnh trong ý thức của quần chúng – đã làm kinh ngạc thế giới. Những thay đổi và tiến bộ to tát mà mười năm cầm quyền của Đặng Tiểu Bình đã mang đến cho Trung Quốc lớn lao hơn những thay đổi và tiến bộ mà mười năm của Mao Trạch Đông có thể tạo ra. Chúng ta không thể, chỉ vì sự độc tài của Đặng Tiểu Bình, mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của cải cách. Chế độ cai trị chuyên chế của Đảng, việc bắn chết dân, sự chuyên chính – tất cả những cái này đều là những cái ác cần phải sửa đổi, nhưng khi chúng ta đối diện với những thực tế của Trung Quốc, chúng ta thừa nhận rằng sự sửa đổi này phải từ từ, ôn hoà, và lâu dài. Chúng ta không chỉ phải dựa vào áp lực chính trị từ nhân dân mà thậm chí cũng phải dựa nhiều vào sự tự cải cách của Đảng Cộng sản. Nếu áp lực chính trị trong nhân dân vượt quá khả năng thật sự của những kẻ đang nắm quyền để chịu đựng được áp lực này, phản ứng nó gây ra sẽ không đẩy nhanh sự tự cải cách của Đảng Cộng sản và quá trình dân chủ hóa. Ngược lại, nó sẽ làm gián đoạn hay làm trì hoãn quá trình này. Bài học từ cuộc đổ máu của ngày 4 tháng Sáu rõ ràng đã nói lên điều này.

Hơn nữa, sau ngày 4 tháng Sáu, Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng khôi phục lại trật tự xã hội. Đảng Cộng sản một lần nữa giành lại sự kiểm soát chặt chẽ về tình thế. Điều này chứng tỏ quyền lực của Đặng Tiểu Bình không chỉ dựa vào trấn áp bạo lực và khủng bố đẫm máu. Quyền lực này cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân tích luỹ được trong mười năm cải cách. Máu của ngày 4 tháng Sáu hoàn toàn không đảo ngược sự ủng hộ này trong nhân dân. Đặng Tiểu Bình chỉ cần tiếp tục kiên trì cải cách và phát triển kinh tế. Nếu Đảng Cộng sản kiên trì hoàn thiện chính mình, chế độ cai trị của Đặng Tiểu Bình chắc chắn không đổ nhào bất ngờ được. Hiện thực trước ngày 4 tháng Sáu, sự kiện về cuộc Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu, và thực tế về sự thực hiện cương quyết các cải cách sau ngày 4 tháng Sáu tất cả đều bộc lộ một sự thật, mà chúng ta, những người tham gia trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu, về mặt cảm tính không muốn chấp nhận, nhưng về mặt trí thức chúng ta phải chấp nhận, đó là ở Trung Quốc ngày nay con đường ít tổn thất nhất để tiến tới dân chủ hóa và hiện đại hóa là con đường tự cải cách của Đảng Cộng sản. Áp lực chính trị từ xã hội dân sự chỉ có thể đẩy mạnh một cách chừng mực sự tự cải cách loại này. Một chút bất cẩn thậm chí cũng có thể dẫn tới một bi kịch còn lớn hơn bi kịch của ngày Bốn tháng Sáu. Vì chúng ta đã nhìn thấy được hiện thực chính trị Trung Quốc đúng như thực trạng của nó hiện nay, chúng ta hãy quay trở lại phong trào phản kháng năm 1989. Chúng ta bắt đầu nhận thấy rằng, do bị chính nghĩa cách mạng quyến rũ, chúng ta đã từ bỏ lý trí của chúng ta. Chúng ta không có cách nào biết được một cách khách quan là trong gần một triệu người tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn thời ấy có bao nhiêu người hoàn toàn bất mãn với các cải cách. Có bao nhiêu người biết rằng bốn mươi năm bi kịch ở Trung Quốc đã xảy ra là do những thái quá điên cuồng của chế độ chuyên chế? Có bao nhiêu người tham gia được hướng dẫn bởi một khái niệm dân chủ rõ ràng và chắc chắn? Ảo vọng được tạo ra từ sức sống của phong trào trong thời điểm đó đã khiến chúng ta không để tâm đến những hậu quả kinh khủng phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào và cũng đã khiến lòng tin của chúng ta vào chính nghĩa dân chủ ngày càng trở nên xa cách với hiện thực chính trị và lòng tin ấy trở thành sự suy đoán vô lý rằng dân chủ sắp sửa ngự trị ở Trung Quốc.

Do được sinh ra từ mười năm cải cách, Phong trào ngày Bốn tháng Sáu thấy mình trong một môi trường tự do nhất kể từ năm 1949, và môi trường này vừa được khích lệ bởi khuynh hướng dân chủ hoá toàn cầu, vừa lại xem mình được bảo vệ bởi những yêu cầu về nhân quyền của các nước dân chủ phương Tây; phong trào chống lại chế độ chuyên chế và kêu gọi dân chủ một cách chính nghĩa quá đáng. Bi kịch là ở chỗ chúng ta chỉ ý thức theo đuổi dân chủ, ý thức sự thật là dân chủ hoá là một khuynh hướng toàn cầu và là chiều hướng tương lai của Trung Quốc, ý thức đến công luận như được diễn tả qua các đám đông ồn ào ở Quảng trường, ý thức rằng cả thế giới đồng lòng ủng hộ chúng ta như được chứng tỏ qua cảnh vô số các phóng viên nước ngoài xúm xít quanh chúng ta; chúng ta một lần nữa lại bị choáng ngợp bởi chính nghĩa của chủ nghĩa lý tưởng lãng mạn. Chúng ta quá chính nghĩa, quá táo bạo, và quá tự tin. Chúng ta quá say sưa. Vì thế, chúng ta quên hẳn một điều là hiện thực Trung Quốc thiếu những điều kiện cho sự hình thành bất ngờ một xã hội dân chủ. Chúng ta không ý thức rằng, mặc dù dân chủ hoá chính trị là điều cần phải có trước tiên cho công cuộc hiện đại hoá của Trung Quốc, nhưng nó hoàn toàn không phải là điều kiện trước tiên duy nhất. Nếu không có dân chủ hoá về chính trị, các cải cách hiện nay ở Trung Quốc không thể nào lâu dài và sâu sắc được. Nhưng nếu trọng tâm cải cách chỉ nghiêng quá nhiều sang tự do hoá về chính trị, thì không thể nào tạo ra sự thay đổi theo chiều hướng dẫn đến cải cách và hiện đại hoá. Ở Trung Quốc ngày này, dân chủ hoá không phải là liều thuốc tiên, vì Trung Quốc thiếu những điều kiện thích hợp. Không những chỉ đúng là do nắm chắc quyền lực chính trị, Đảng Cộng sản không thể chấp nhận một hệ thống chính trị thực thi quyền hành đa đảng (hay đa nguyên về chính trị); mà còn đúng là quần chúng vẫn chưa hiểu đủ thấu đáo các quyền dân chủ nên không thể sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ mình trong cuộc đấu tranh cho quyền cá nhân. Qua sự thất bại của phong trào, chúng ta càng thấy rõ một điều là chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người được gọi là “những người lính dân chủ”, và “các ngôi sao dân chủ”, chỉ hiểu dân chủ trên giấy tờ và trên lý thuyết mà không có kiến thức “khả thi” về dân chủ hành động, thật sự. Chúng ta không hiểu cách thiết lập và thực thi dân chủ như một hệ thống chính trị hay như một tập hợp tổng quát các thủ tục pháp lý. Giáo sư Phương Lệ Chi, người được xem là Sakharov của Trung Quốc, đã từ bỏ một cơ hội rất lớn để sử dụng các biện pháp pháp lý nhằm bảo vệ nhân quyền cơ bản của ông ngay cả trước phong trào phản kháng năm 1989. Vụ ông bị công an ngăn cản không cho đến tham dự bữa tiệc do tổng thống Mỹ Bush mời đã trôi qua gần như hoàn toàn không ai hay biết. Lưu Tân Nhạn, người được mệnh danh là lương tâm của Trung Quốc, có những quan điểm chính trị khác với quan điểm chính trị của phong trào. Trong thời gian trước phong trào phản đối năm 1989, ông vẫn nhất mực bảo vệ chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội và ủng hộ khái niệm “Loại Trung thành thứ Hai”.[3]Vì lẽ ấy, khả năng xuất hiện một lực lượng đối lập nổi tiếng, từ tập thể các trí thức vẫn chưa học xong bài học vỡ lòng về dân chủ này, là cực kỳ thấp. Phong trào phản kháng năm 1989 được sinh ra từ những nhân tố tổng hợp này chỉ có thể là sự thể hiện tượng trưng cho một ý thức đã định hình. Dân chủ chúng ta theo đuổi trong suốt phong trào lại quá trống rỗng, quá cảm tính, và không vượt qua được giai đoạn phấn khích, lãng mạn của những khẩu hiệu sáo rỗng và chủ nghĩa lý tưởng của ý thức mới thành hình của chúng ta. Phần lớn những phương tiện và cách thức chúng ta sử dụng để động viên quần chúng đều là những thứ đã được chính Đảng Cộng sản dùng đến nhiều lần trước đây. Chúng ta theo đuổi sự thay đổi trên phạm vi lớn, song lại sáo rỗng, giật gân, và chúng ta không muốn đưa ra những yêu cầu từng điểm một, cụ thể, cũng như không sẵn sàng thật sự thực hiện tầm nhìn của mình. Điều này khẳng định là chúng ta vẫn còn không hiểu rằng dân chủ hoá không chỉ là một lý tưởng, không chỉ là một cảnh tượng hoành tráng; nó còn là một quá trình thật sự, cụ thể, rất chi tiết, thậm chí đến cả tẻ nhạt để xây dựng và áp dụng những thủ tục dân chủ. Về nhiệm vụ cụ thể để thực sự tạo ra một xã hội được điều hành một cách dân chủ và hoạt động tốt, chúng ta cũng giống như Đảng Cộng sản: cả hai ta đều phải bắt đầu từ đầu.

Những ngày vui cách mạng ấy, tuy làm lay động cả thế giới song do được nâng đỡ bởi chính nghĩa dân chủ lớn lao nhưng lại trống rỗng của chúng ta, đã dẫn chúng ta đi sai đường. Đối với chúng ta, những trí thức nổi tiếng, lúc nào hai tiếng dân chủ cũng ở trên đầu môi, dân chủ hoá ra là một nỗ lực phức tạp hơn chúng ta tưởng.

________________________________________

[1]Những cắt nghĩa rất tường tận nhưng rất khác về mặt cấu trúc đối với sự hiểu biết của Tây phương về từ “cách mạng”, và những cách hiểu này đã thay đổi theo thời gian. Xem Raymond Williams, Keywords: A Vocabulary of Culture and Society (Oxford: Oxford University Press, 1983), revised edition, pp. 270-274; Mona Ozouf, “Revolution,” trong François Furet and Mona Ozouf, eds., A Critical Dictionary of the French Revolution (Cambridge: Harvard University Press, 1989), pp. 806-817; và John Dunn, “Revolution,” trong Terrence Ball et al., eds., Political Innovation and Conceptual Change (Cambridge: Cambridge University Press, 1989), pp. 333-351. Ed.

[2]Stephan T. Possony, ed., The Lenin Reader (Chicago: Henry Regnery, 1966), p. 349. Ed.

[3]Xem Jonathan D. Spence, The Search for Modern China (New York: Norton, 1990), p. 726, mô tả ngắn gọn ý niệm về sự trung thành của Lưu Tân Nhạn. Đặc điểm chính của loại trung thành này là niềm tin rằng những người ủng hộ Đảng có thể nên chỉ trích những hành động sai trái cụ thể của các quan chức mà họ không bị xem là không trung thành; những sự chỉ trích như vậy, nhà báo này cho rằng, thực sự củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc thay vì làm Đảng suy yếu.

Phần 2 - Hy sinh trước bàn thờ chính nghĩa

Theo đuổi những thay đổi ngoạn mục, đáng kinh ngạc tất dẫn đến sự khuấy động tình cảm quá khích. Đỉnh cao của sự sôi nổi tình cảm quá khích là sự từ bỏ tập thể sinh mệnh của mình cho các hành động anh hùng. Vì cuộc đua tài, vì dân chủ, vì tự do, chúng ta sẵn sàng tiến đến bàn thờ của chính nghĩa – rồi đến của hy sinh. Trong tháng Năm năm 1989, sinh viên tổ chức một đợt tuyệt thực tập thể với hơn một ngàn người tham dự. Phong trào không được hướng dẫn bởi lý tưởng của bất kỳ cá nhân nào mà bởi chủ nghĩa quá khích tình cảm. Bất kỳ ai quá khích đều trở thành đối tượng chú ý của mọi người. Khắp nơi -trong những lời tuyên bố của các sinh viên tuyệt thực và trong những lời tuyên bố của mỗi nhóm ủng hộ những người tuyệt thực, trong “rừng” biểu ngữ và trong các khẩu hiệu, trên những áo thun của các sinh viên tuyệt thực đeo khăn tang trắng trên đầu -ta có thể thấy những dòng chữ này: “Chúng ta làm nên lịch sử bằng sinh mệnh của mình”; “Chúng ta dùng chính dòng máu tươi của ta để mở đầu một kỷ nguyên mới cho nhân dân Trung Quốc”; “Vì thế hệ tương lai ta nhất định không tiếc gì cả”; “Máu rơi trên cổng thành của tổ quốc là lệ tưới cho đất màu mỡ”; “Thà chết còn hơn không có tự do”. Tại những trung tâm chỉ huy của sinh viên ở Quảng trường, họ liên tục phát thanh lời thề: “Đầu có thể rơi, máu có thể đổ, nhưng tự do dân chủ bất diệt”. Nhạc điệu buồn bã của bài hát chính thức, “Quốc tế ca”, của Đảng Cộng sản Trung Quốc; bầu không khí tử vì đạo càng lúc càng nặng nề; và tinh thần hy sinh tất cả quyện lẫn vào nhau hoàn toàn. Từ viết thư bằng chính máu mình rồi đến viết di chúc, các sinh viên qua đó đo lòng quyết tâm của mình cho sự nghiệp bằng những cái chết được thêu dệt ra. Hình ảnh xả thân vì chính nghĩa này làm xúc động mọi người ở Quảng trường. Tiếng hú còi sầu thảm của các xe cứu thương tưởng như xé trời xanh báo hiệu trước cái chết có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Các xe cứu thương, đèn đỏ loé sáng, chạy hối hả trên con đường “huyết mạch” do các sinh viên trong các đội trật tự công cộng (giăng tay nối nhau) tạo ra. Vẻ mặt của những người gần chết nằm trên cáng, cảnh các bác sĩ trong áo choàng trắng, cảnh các y tá la to và ra dấu cho đám đông “tránh ra” – hết thảy đều chứng minh tấn bi kịch của sự hy sinh sinh mệnh tập thể. Tình cảnh cảm động của mười hai sinh viên Trường Kịch Trung ương nhịn uống nước vượt trội hơn cả tình cảnh của những người tuyệt thực, do thế, mười hai sinh viên này trở thành những thần tượng trên Quảng trường. Qua mọi phương tiện tuyên truyền, và nhờ đám đông chứng kiến, họ được nâng cao lên và rồi được đặt lên trên bàn thờ của sự hy sinh vì chính nghĩa để nhấn mạnh đến cảnh chết cho chính nghĩa này. Hình ảnh đẹp nhất và xúc động nhất này của Trung Quốc ở cuối thế kỷ hai mươi đã thoả mãn mặc cảm chết cho chính nghĩa tiềm tàng quá lâu trong lòng người dân. Nếu như một vài sinh viên đòi tự thiêu không được thuyết phục từ bỏ hành động như thế, những ngọn đuốc sống chết cho chính nghĩa sẽ thật sự thắp sáng trên Quảng trường, và lời dạy đạo đức thánh hiền từ xưa, “huỷ mình để giữ trọn khí tiết”, ngày nay ắt vẫn còn có ý nghĩa.

Hành vi hiến thân cuồng tín này và tinh thần hy sinh này xuất phát từ ý nghĩa sứ mệnh cao cả mà xã hội ban cho sinh viên. Những sinh viên trẻ này, cảm nhận mình được toàn xã hội ủng hộ, cảm thấy mình là hiện thân của chính nghĩa. Hơn nữa, những người dân trong mọi tầng lớp xã hội cũng đều tôn kính họ như hiện thân của chính nghĩa. Khi ý thức chính nghĩa này càng ngày càng trở nên cực đoan hơn, ngoại trừ chính quyền lòng dạ sắt đá, không có ai còn đủ tỉnh táo để tự hỏi: kết cục của những biểu hiện cực đoan này rồi sẽ đi về đâu? Như thể toàn bộ xã hội đã khẳng định, qua các hành động của họ, những sinh viên trẻ nên đứng ra gánh vác trên đôi vai tập thể của họ trách nhiệm thiên định, to tát là hãy cứu Trung Quốc ra khỏi nanh vuốt của bạo quyền. Ý nghĩa sứ mệnh bị phóng đại và ý nghĩa hùng tráng về cảnh mình đang-làm-nên lịch sử đã khiến sinh viên mất khả năng tự kiềm chế và tự biết mình. Họ không biết là đôi vai non của họ hoàn toàn không thể gánh vác một trách nhiệm nặng nề đến như thế. Bị lôi cuốn trước sức quyến rũ chính nghĩa càng lúc càng mạnh, các sinh viên, qua việc thế chấp sinh mệnh của mình, đã khai chiến một cuộc kháng cự liên tục leo thang và vô ích chống lại chính quyền. Tưởng chừng như chỉ qua hy sinh tính mạng của mình ta mới làm cho chính quyền động lòng, chỉ qua hành động xả thân ta mới có thể làm cho quần chúng thức tỉnh, và chỉ qua cái chết ta mới đạt được chính nghĩa hay mới có đủ tư cách để tượng trưng cho chính nghĩa. Cho nên không lạ gì là sau khi nghe một số người chỉ trích các sinh viên là đã quá hăng và quá dũng cảm khiến lý trí và phán xét bị lu mờ, Sài Linh, thủ lãnh cao nhất ở Quảng trường và sau này đã trốn thoát được ra nước ngoài, đáp lại với vẻ bình thường: “Tại Quảng trường vào thời điểm đó dũng cảm đơn thuần là tiêu chuẩn”. Điều đó có nghĩa là, hãy đừng màng đến hiện thực, hãy từ bỏ lý trí, chúng ta chỉ cần dũng cảm, chỉ cần sẵn sàng hy sinh quên mình; chúng ta là những hào kiệt của phong trào phản đối năm 1989. Điều đáng tiếc là, sau khi phong trào phản đối năm 1989 bị trấn áp bằng lưỡi lê và xe tăng, người ta đọc lướt qua danh sách những người lãnh đạo trong phong trào ngày Bốn tháng Sáu nhưng chẳng tìm thấy dù chỉ một Đàm Tự Đồng đương thời. Những ai được tôn là anh hùng trong những khoảnh khắc hồi hộp nhất của phong trào cũng như những ai lãnh đạo xem mình là anh hùng, sau ngày Bốn tháng Sáu, đều lần lượt bị xử ở toà án của đạo lý và lẽ phải. Nhân dân không thể nào chịu đựng nổi sự thật là cả nước đã chờ đợi một bậc anh hùng chết cho chính nghĩa thế mà chẳng thấy xuất hiện một ai. Nhiệt tình của chúng ta đã hoài phí. Máu của chúng ta đã đổ ra vô ích.

Trong sự theo đuổi xả thân này và trong tâm lý tập thể của sự chờ đợi một đấng anh hùng hy sinh vì chính nghĩa, ta có thể thấy sự thành công to lớn về xã hội hoá Đảng Cộng sản. Thấy được phong thái của những người nối gót theo những tiền nhân chết cho chính nghĩa, người ta không thể nào không nghĩ đến những đảng viên Đảng Cộng sản, những người, vì sự ra đời của nước Trung Quốc mới, đã hoạt động bí mật trong những thời kỳ dài. Lời bào chữa được viết ra từ trong tù của Vương Đào Quân và Trần Tử Minh, trong đó cả hai đều đề cập đến những hành động đáng khâm phục trong sự nghiệp chân chính mà thế hệ trước của Đảng Cộng sản đã thực hiện trước ánh dao của đao phủ thủ có thể được coi là các tấm gương cho thế hệ sau này. Bắt đầu từ lúc chúng ta vào trường tiểu học, chúng ta đã nghe những câu chuyện về Lưu Hồ Lan và Đổng Tồn Thụy[1]; chúng ta đã biết lời tuyên bố của Mao Trạch Đông: “Sinh cao cả, tử vinh quang”. Bài ca đội thiếu niên tiền phong có tên là “Luôn luôn sẵn sàng”. Sẵn sàng cho cái gì? Sẵn sàng dâng hiến đời mình cho Đảng Cộng sản. Nói chung, do ở trường hay dạy là bầu máu nóng trong người nên sẵn sàng tuôn trào ra cho cách mạng, nên chúng ta tin rằng ta chỉ cần cống hiến đời mình và dũng cảm hy sinh mình là đủ để mang lại lẽ phải và công bằng cho mọi ngưòi (và chính lẽ phải này có thể đảm bảo cho ta lưu danh muôn thuở). Chúng ta chỉ không xem xét rằng tất cả những gì mà máu tươi và cái chết này đã thiết lập là một chính quyền chuyên chế, dã man. Mao Trạch Đông, hô hào tinh thần hy sinh và kêu gọi mọi người “thứ nhất, không sợ gian khổ, thứ hai không sợ chết”, thì cũng chẳng khác gì hơn là một tay bạo chúa giết người. Chúng ta đã không nhận thức ra rằng chính nghĩa này – được hình thành chính từ sự dại dột cống hiến đời mình và hy sinh đời mình- đã khiến chúng ta tin rằng để thực hiện một cuộc cách mạng, tất cả những gì chúng ta cần là can đảm chứ không phải phán xét; tất cả những gì chúng ta cần là nhiệt tình chứ không phải lý trí; quá khích chứ không phải thoả hiệp; cảnh tượng đẹp đẽ huy hoàng chứ không phải lưu tâm đến những sự việc đời thường. Nhận xét của Sài Linh “can đảm là tiêu chuẩn” có thể được hiểu ở nghĩa rằng dũng cảm là chính nghĩa hay, chính xác hơn, đó là chính nghĩa tự cho mình đúng làm ta tin chúng ta có thể tiến tới dân chủ mà không hiểu những trách nhiệm kèm theo của dân chủ, chúng ta có thể đòi hỏi tự do mà không hiểu trách nhiệm của tự do. Hay nói cách khác, chính nghĩa ấy khiến chúng ta hiểu dân chủ là nhiệt tình dâng hiến đời mình và dũng cảm hy sinh; hiểu dân chủ là nhiệt tình cao ngất, là cảnh tượng hùng tráng của các đám đông lớn, là vô vàn những khẩu hiệu. Đơn thuần là chúng ta không quen biết rằng dân chủ là sự thiết kế, thực hiện, vận hành của một hệ thống hợp lý. Dân chủ có mặt trái của nó. Dân chủ hoàn toàn không lãng mạn như lý tưởng chúng ta tán dương; dân chủ là đời thường, thậm chí tầm thường. Có lẽ chỉ qua học phí trả bằng máu chúng ta mới có thể ý thức được rằng can đảm không phải là chính nghĩa và kháng cự không phải là dân chủ.

Chính nghĩa của chuyện ta muốn làm gì thì làm

Trong bốn mươi năm, chúng ta đã không có bất kỳ trải nghiệm chính trị dân chủ nào; mắt và tai chúng ta chỉ nghe thấy toàn quá nhiều những cuộc đấu tranh tàn ác và những mưu chước thâm độc của chính quyền chuyên chế. Ngay khi chúng ta bắt đầu cuộc cách mạng của mình, chúng ta trở nên cực kỳ tự phụ – như thể chúng ta đã quay trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hoá là khi chúng ta cảm thấy mình là những người cách mạng nhất. Rồi ngay khi chúng ta gia nhập vào phong trào phản kháng năm 1989, chúng ta lại tự xem mình là những người dân chủ nhất. Dù sao, phải chăng chúng ta đã không tuyệt thực vì dân chủ, hết mình vì dân chủ và hy sinh cho dân chủ? Điều này làm cho chúng ta càng chắc chắn hơn rằng hành vi của chúng ta có chính nghĩa cao nhất. Tiếng nói của chúng ta trở thành chân lý duy nhất. Chúng ta cảm thấy như thể chúng ta sở hữu quyền lực tuyệt đối. Chân lý trở thành điều tuyệt đối đúng mà không chấp nhận sự chất vấn; chính nghĩa trở thành chuyện ta muốn làm gì thì làm; dân chủ trở thành đặc quyền; Quảng trường trở thành một nơi kỳ diệu mà tại đấy chân lý được phán xét, quyết tâm được thử thách, tình cảm được tôi luyện, công lý được mở rộng, và các quyền con người được thực thi. Những kẻ không đến Quảng trường hay chỉ trích Quảng trường đều là lũ hèn nhát bất lương, chống dân chủ. Phong trào đã biến Quảng trường thành một tiêu chuẩn để phán xét mọi người. “Tôi đã ở Quảng trường một thời gian” và “Tôi đã từng đến Quảng trường” trở thành những mật khẩu của ý thức dân chủ và của lương tâm xã hội.

Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta có thể làm những gì chúng ta thích. Quản lý sinh viên thay thế trật tự xã hội của đảng chính trị. Các đội trật tự công cộng trở thành công an giao thông. Thẻ sinh viên trở thành thẻ đa dụng – với thẻ này, chúng ta có thể đi xe không cần mua vé, đi ăn chẳng cần trả tiền, chặn xe lại tuỳ hứng, lục xét hay tra hỏi bất kỳ người đi bộ nào có vẻ khả nghi, tuỳ tiện phung phí tiền bạc do các công dân đóng góp, bất cần vệ sinh, khạc nhổ lung tung, xả rác tuỳ thích, đại tiện và tiểu tiện khắp nơi, thậm chí cả trét phân người lên trên các cửa sổ của xe buýt công cộng và chả thèm quan tâm gì đến các thủ tục pháp lý. Chỉ cần con dấu của bộ chỉ huy Quảng trường, chúng ta có thể tuyên bố mình đã kết hôn- đây được gọi là “đám cưới dân chủ ở Quảng trường”. Chúng ta có thể tự ý phá hoại tài sản công cộng, xì hơi các lốp xe buýt công cộng, rồi tuyên bố một cách tự tin rằng làm như thế để đập tan âm mưu của chính quyền. Quảng trường Dân chủ thành Quảng trường nơi ta muốn làm gì thì làm. Đó là một Quảng trường mà mùi phân và nước tiểu bốc lên và lan ra nồng nặc; đó là Quảng trường nơi rác chất cao như núi.

Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ chúng ta không thể thoả hiệp hay hợp tác mà có thể thích thì tạo bè phái, lập ra các tổ chức, tự phong vương, thi nhau đặt tên các nhóm của chúng ta là Liên hiệp Tự trị Tối cao, Nhóm Tuyệt thực, Nhóm Đối thoại, Liên hiệp Tối cao Ngoại vụ, Liên minh các Nhà báo, Đội Quyết tử, Đội Phi hổ, Đội quân Tây lộ, Đội quân Thiếu nhi vân vân. Không ai chịu nhường ai, và không ai quản lý ai. Lời người xưa, “ai cũng có thể trở thành Nghiêu Thuấn” đã trở thành “ai cũng có thể trở thành chính khách”. Ai cũng có một triết lý chính trị riêng. Quảng trường, nơi nhìn vào ta tưởng chừng các đám đông đoàn kết như một, thực ra là nơi có nhiều chia rẽ, nơi ai cũng xem mình là một chính quyền có chủ quyền riêng biệt. Cho dù nếu có đạt đến thoả thuận, song nếu muốn ta chẳng cần phải tôn trọng thoả thuận ấy. Cho dù ta có đưa tay lên để bỏ phiếu tán thành một quyết định về đường lối, ta có thể bác bỏ quyết định ấy ngay khi ta rời khỏi nơi họp và rồi, nhân danh chính nghĩa, cuối cùng ta lại thực hiện quyết định ấy. Giữa các trường và giữa các tổ chức, có những bức tường không thể vượt qua được. Tâm trạng xem mình là người thông thái nhất này làm mọi người trong phong trào cực kỳ tự phụ. Giấy phép ưu tiên đường (right-of-way) trở thành dấu ấn đặc quyền. Những ai có quyền phân phát giấy phép ưu tiên đường dường như có quyền quyết định ai có thể gia nhập cách mạng và ai có đủ tư cách tham gia dân chủ. Phong trào của chúng ta tập hợp được rất nhiều người và đã khơi dậy nhiệt tình rất cao, song chúng ta không thể nào có những quyết định hợp lý về đường lối; chúng ta thấy mình rơi vào tình trạng mơ hồ về quyết định đường lối. Giá không phải vì chính quyền thường xuyên có những quyết định sai lầm, từ đó ta có cơ hội đoàn kết lại với nhau, chúng ta có lẽ thật sự trở thành một đám đông mù quáng không có phương hướng.

Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Thế là bây giờ lòng chúng ta có thể chất đầy căm thù, như ta cầm chiếc áo sơ mi đẫm máu mà tố cáo Đảng Cộng sản tàn ác; ta nghiến răng chửi mắng họ; ta chế giễu tính cách của kẻ khác; ta tham gia vào những cuộc đả kích cá nhân đầy ác ý. Chúng ta có thể nhiếc mắng ai đó là đồ ngu, ai đó là kẻ lùn tịt, ai đó là thứ ngốc nghếch. Chúng ta có thể tuyên bố xử bắn ai đó, luộc ai đó trong vạc dầu, chôn sống ai đó, bắt ai đó phải tự tử, bắt ai đó phải trở về nhà với gia đình; chúng ta còn nói xấu những ai không thuộc giống nòi của chúng ta. Thái độ của chúng ta là thô lỗ và vô lý, thậm chí đến mức chúng ta phải choảng lẫn nhau; chúng ta có thể mượn tên của chính nghĩa để bày tỏ những phàn nàn cá nhân không đáng; chúng ta có thể không thích chấp nhận bất kỳ những ai đứng ra làm trung gian bất kể địa vị hay cá nhân của họ, chúng ta có thể theo một đường lối cứng rắn không thoả hiệp, không khoan nhượng, và không hợp tác – quá khích mù quáng, hận thù mù quáng- đến nỗi phong trào phản kháng đã leo thang từ những yêu cầu sửa sai cụ thể, đến sự hận thù muốn lật đổ chính quyền và tống cổ Đặng Tiểu Bình đi. Đồng thời chúng ta tự đẩy mình vào một tình thế không có lối thoát, chúng ta buộc chính quyền, mà lập trường ban đầu của họ là đối thoại và thoả hiệp, vào hoàn cảnh chẳng đặng đừng là dùng quân đội đàn áp phong trào ôn hoà. Cùng với chính quyền, mà chịu trách nhiệm về tội ác bắn giết nhân dân, phải chăng chúng ta, “những chiến sĩ dân chủ”, những người rất tự tin về chính nghĩa của mình, những người góp phần tạo ra bi kịch đẫm máu cuối cùng ấy lại chẳng chịu trách nhiệm đạo đức nào hay sao? Căm thù, quá khích, không khoan nhượng – đây chính xác là những phẩm chất cách mạng Mao Trạch Đông đã kêu gọi một cách rất tự tin; đây chính xác là nơi tập trung toàn bộ cốt lõi của văn hoá chính trị đấu tranh giai cấp. Cách mạng phải được tiến hành một cách không giao động đến cùng. Bất kỳ ai ủng hộ triệt tiêu căm thù hay muốn đạt đến thoả thuận thông qua thoả hiệp và nhân nhượng là kẻ hèn nhát, là tên phản bội, hay là tên cướp có học vị. Kết quả là lời thề của chúng ta quyết tử để bảo vệ Thiên An Môn -quyết tâm của chúng ta để sống hay chết với Quảng trường -trở thành sự thương lượng, thoả hiệp, và rút lui ôn hoà lần cuối cùng khi mối đe doạ của tử thần thật sự đến.

“Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Bây giờ, chúng ta nói láo thản nhiên, tung tin đồn ngay giữa thanh thiên bạch nhật; gặp những ai quan tâm liền khẳng định việc nói láo của mình là đúng; tuyên bố một cách vô trách nhiệm: “Đặng Tiểu Bình đã chết”; “Lý Bằng đã bỏ chạy”; “Dương Thượng Côn bị thương”;”Triệu Tử Dương đã trở lại”; “Vạn Lý đã lập chính phủ mới ở Canada”; “Mười hai cán bộ của Hội đồng Nhà nước đã tuyên bố rút lui ra khỏi chính phủ hiện nay”; “Quảng Đông và các khu tự trị thiểu số đã tuyên bố Độc lập”; “Binh đoàn Hai Mươi Bảy và Ba Mươi Tám bắt đầu giao chiến”; vân vân. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, trở thành nơi hội tụ và phát tán các lời nói láo và các tin đồn. Lời nói láo càng láo thì càng được nói đến, còn tin đồn có nguồn gốc càng không chắc chắn thì bất ngờ trở thành lực đẩy của phong trào. Chúng làm cho những hành động quá khích dường như hợp lý hơn, nâng cao hy vọng chiến thắng hão huyền của nhân dân, và khiến chúng ta không tài nào biết được chuyện gì thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc. Sau ngày 4 tháng Sáu, các “chiến sĩ dân chủ” chạy thoát ra nước ngoài đã cố ý bóp méo các sự việc để phóng đại lên sự tàn bạo và độc ác của Đảng Cộng sản và qua đó tạo cho mình hình ảnh anh hùng của những con người đã vượt thoát ra được cơn tắm máu; họ đã làm hoen ố bề mặt nhuộm máu của Quảng trường Thiên An Môn và lừa dối dư luận quốc tế. Dòng thời gian thăng trầm dần dần đã trả sân khấu ban đầu này lại cho lịch sử, và sau khi nhân dân có thể hiểu đúng phong trào phản đối năm 1989, những hậu quả tàn nhẫn cùng bi kịch do các lời nói láo và các tin đồn năm xưa tạo ra sẽ tan dần đi.

Trước có cách mạng; giờ có dân chủ”. Chúng ta có thể coi trọng chỉ tự do ngôn luận của riêng mình thôi, trong khi đó tước đi ở những người khác quyền tự do ngôn luận này. Chúng ta chẳng khác gì Mao Trạch Đông trước đây, không cho phép tồn tại bất kỳ ý kiến nào khác với mình. Còn về các hành động của chúng ta, chúng ta chỉ có thể hình dung ra sự ủng hộ của những kẻ khác dành cho cho các hành động của chúng ta thôi; ngoài ra không ai có thể được chỉ trích các hành động của chúng ta. Về điểm này, giống công an Đảng Cộng sản, chúng ta buộc các nhà báo không được chụp những hình nào không có lợi cho chúng ta hay có thể tổn hại đến hình ảnh của chúng ta. Khi các nhà báo la to lên “tự do báo chí” và vẫn chụp hình, chúng ta liền giật phăng một cách thô bạo các máy ảnh từ tay các nhà báo, rồi mở máy ảnh rút phim đưa ra ngoài ánh sáng. Chúng ta đôi lúc còn đập tan tành các dụng cụ chụp hình của các nhà báo. Chúng ta chỉ nghĩ đến các quyền và sự an toàn riêng của mình. Bất kỳ hành vi nào đe dọa đến sự an toàn và các quyền của chúng ta, cho dù hành vi ấy có chính đáng hay hợp pháp, chúng ta đều quyết tâm chấm dứt nó. Để chính quyền không thể lợi dụng một hành động phá hoại tài sản công cộng như là cái cớ để đè bẹp phong trào, chúng ta đã áp giải ba người đã làm bẩn bức chân dung của Mao Trạch Đông treo tại Quảng trường đến sở công an, kết quả là họ bị Đảng Cộng sản kết án tù 20 năm, 18 năm, và 15 năm. Phải chăng họ đã không thực thi chính các quyền của họ? Phải chăng họ thật sự đáng ở tù?

Thậm chí điều bi kịch hơn cả là chính nghĩa tự cho mình đúng của phong trào phản kháng năm 1989 đã gần như là mối đe dọa cho mọi người. Những người có ý khiến khác biệt đều trở nên im lặng dưới áp lực của chính nghĩa tự cho mình đúng này. Những ai không dám nói khác và không muốn tham gia vào phong trào cuối cùng cũng xuống đường vì họ sợ bị xem là tên hèn nhát hay kẻ phá bĩnh. Cuộc tuyệt thực biến các sinh viên đại học thành các vị thánh cách mạng không ai có thể chỉ trích được. Ở mức độ nào đó, ta có thể nói rằng cuộc tuyệt thực của sinh viên không chỉ đặt cho chính quyền vào một tình thế khó xử; mà cũng đặt cho xã hội một vấn đề khó xử. Khi người ta nhìn thấy cảnh các sinh viên trẻ trả giá bằng chính sinh mệnh của mình để chống lại chính quyền chuyên chế, thử hỏi có ai đành lòng nói “không”? Những ai có thể nói “không”, hay những ai mà cõi lòng họ không bị xúc động trước quyết tâm như thế, đều không có lương tâm. Những ai nghi ngờ tấm lòng thành thật tuyệt đối của sinh viên đều là kẻ đồng loã với chính quyền. Cuộc tuyệt thực đã khiến cho đa số mọi người tạm thời bỏ quên lý trí và đã khiến một thiểu số rất nhỏ tuy vẫn còn giữ được lý trí nhưng lại trở nên im lặng. Ngay cả đến một vài người còn tỉnh táo cũng băn khoăn phải chăng sự bình thản của mình biết đâu là biểu hiện của sự thiếu lòng trắc ẩn cơ bản.

Dân chủ được ca tụng trong suốt phong trào phản kháng năm 1989 chỉ có một lượng rất nhỏ chính nghĩa hợp lý, thực tế. Trong suốt phong trào, chúng ta đã điên cuồng theo đuổi chính nghĩa trừu tượng, mù quáng mà bỏ rơi chính nghĩa hợp lý, đích thực.

Ước gì ngày Bốn tháng Sáu là “chính nghĩa” mù quáng cuối cùng

Thất bại của phong trào phản kháng năm 1989 không chỉ ở đổ máu, ở những cái chết sau đó, và ở đợt trấn áp dữ dội phong trào quần chúng tự phát, mức độ lớn; thất bại cũng ở sự thù nghịch mãnh liệt phát sinh từ sự leo thang liên tục của phong trào. Sự leo thang này dẫn tới việc trì hoãn quá trình cải cách và làm suy yếu lòng tin tưởng của nhân dân vào chế độ Đặng Tiểu Bình. Đồng thời nó cũng làm gián đoạn quá trình mà qua đó Đảng cai trị dần dần dân chủ hoá và cải cách chính mình, vì thế Trung Quốc phải chịu sự đảo ngược toàn bộ sự tự cải cách của Đảng. Bầu không khí thư giãn vào đầu năm 1989 không còn nữa, thay thế vào đó là bầu không khí thù nghịch, căng thẳng, và khủng bố. Sau ngày 4 tháng Sáu, năm 1989, việc tái tổ chức kiểm soát chính trị đã khiến nền kinh tế trì trệ. Khái niệm đấu tranh giai cấp được đề cao trở lại đã làm cho cải cách chính trị trở thành một vấn đề rất nhạy cảm. Tử khí dưới thời Mao Trạch Đông lại bay lơ lửng trên mặt đất bao la của Trung Quốc. Mối căm thù chôn vùi trong lòng của quần chúng từ sự kiện đẫm máu này sẽ bộc phát ra ngay khi cơ hội đến. Mặc dù Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì đường lối cải cách và Chuyến Công du miền Nam của ông đã kích thích sự tăng trưởng trong phát triển kinh tế, nhưng sự kiểm soát chính trị chặt chẽ theo sau các sự kiện ngày 4 tháng Sáu đã dẫn đến sự phát triển không bình thường trong quá trình hiện đại hoá Trung Quốc, và việc Triệu Tử Dương bị tước quyền bảo đảm rằng cuộc đấu đá quyền lực theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình sẽ rất nguy hiểm. Do Triệu Tử Dương, một người có lương tâm mạnh mẽ, bị tước quyền, khủng hoảng đã xuất hiện xung quanh cuộc chuyển giao quyền lực mà đáng lẽ ra nên êm thắm và ổn định. Tâm lý “tận cùng thế kỷ” hơi hoang tưởng đã khiến người dân chỉ nghĩ đến chuyện thu vén càng thật nhiều (từ cuộc cải cách vẫn đang còn) trước khi tai ương giáng xuống. Quần chúng ý thức sâu sắc rằng cơ may cuối cùng gắn liền với sức khoẻ của Đặng Tiểu Bình. Nếu cơ may này bị bỏ lỡ, họ sẽ trở thành những con tốt hy sinh vô nghĩa trong thế giới hỗn loạn sẽ theo sau cái chết của Đặng Tiểu Bình. Cái sợ hoang tưởng ám ảnh “tận cùng thế kỷ” này không thể biến mất đơn thuần chỉ qua phát triển kinh tế. Đồng thời, các nỗi sợ về chính trị của chính Đảng cầm quyền không thể biến mất và mối căm thù của quần chúng cũng không thể dịu đi qua ổn định xã hội hay qua kinh tế phồn thịnh hay nâng cao mức sống. Các nỗi sợ về chính trị của Đảng cầm quyền và cái sợ hoang tưởng “tận cùng thế kỷ” của quần chúng đã làm cho viễn cảnh Trung Quốc có thể tiến bước êm thắm và không ngừng tới một xã hội dân chủ và hiện đại hoá là chuyện rất không tưởng. Nếu Đảng cầm quyền và toàn thể nhân dân không chấm dứt sự căm thù lẫn nhau của họ ngay từ bây giờ để đạt đến hợp tác xã hội,[2] lòng căm thù và nỗi sợ hãi của hai bên sẽ không thể nào tan biến được. Khi ngày mất của Đặng Tiểu Bình cận kề, những căm thù và sợ hãi này sẽ trở nên càng ngày càng không đội trời chung hơn, từ đấy đưa đến những biến động xã hội nhanh hơn thay vì chậm hơn.

Vì vậy, chấm dứt thù địch, từ bỏ sợ hãi, đạt đến hợp tác xã hội, và đưa Trung Quốc tiến êm thắm và không ngừng đến xã hội hiện đại, dân chủ không thể chỉ phụ thuộc vào việc Đảng cầm quyền quyết tâm thực hiện tự cải cách và thay đổi hình ảnh của Đảng trong lòng dân; thực hiện những mục tiêu này cũng còn phụ thuộc vào hợp tác của các nhóm đối lập trong nhân dân. Nhờ sự hợp tác này, tự cải cách có thể dần dần thành công. Ổn định hiện nay ở Trung Quốc có lẽ là cơ hộ cuối cùng của chúng ta. Đảng cầm quyền phải thừa nhận rằng (1) dân chủ hoá chính trị của chính Đảng không chỉ là chiều hướng được lương tâm nhân dân tán đồng mà đó cũng là khuynh hướng chung của các sự kiện trên thế giới và rằng (2) tốt nhất là Đảng nên tự ý thức mà thay đổi mình còn hơn là buộc phải thay đổi do tác động từ các yếu tố bên ngoài. Người duy nhất có thể cứu Đảng Cộng sản là chính Đảng Cộng sản. Nếu Đảng dần dần, từng bước một, cải cách mình và tiến đến dân chủ hoá, Đảng Cộng sản sẽ tồn tại. Nhưng nếu Đảng tiếp tục duy trì chế độ chuyên chế độc đảng, Đảng Cộng sản sẽ lụi tàn. Đồng thời, các nhóm đối lập trong nhân dân không nên đẩy Đảng ra khỏi vị trí cầm quyền; ngược lại, trong khi Đảng Cộng sản đang thực hiện tự cải cách, những nhóm này nên khuyến khích những thay đổi dưới sự cầm quyền của Đảng. Đối với Đảng cầm quyền và đối với quần chúng, đây là sự chọn lựa chín chắn nhất trong giai đoạn đổi thay toàn diện và mau lẹ.

Trong suốt quá trình này, Đảng cầm quyền nên nghiêm túc cân nhắc việc đi lá bài chính trị – lá bài ngày Bốn tháng Sáu. Không ai có thể né tránh mãi sự đánh giá lại vụ Thảm sát ngày Bốn tháng Sáu. Lá bài ngày Bốn tháng Sáu phải được đưa ra. Vấn đề rất quan trọng là – lá bài này được đi như như thế nào? Và khi nào ta nên trình bài ra? Như một sửa sai bất ngờ sau cái chết của Đặng Tiểu Bình? Hay ngay từ bây giờ Đảng cầm quyền từ từ giảm bớt niềm bất mãn và oán hận tích tụ trong lòng dân về vụ ngày Bốn tháng Sáu? Nên chăng cho tiến hành điều tra khẩn cấp vụ đổ máu này để truy cứu trách nhiệm hình sự? Hay nên chăng cứ hoãn cuộc điều tra lại? Tôi cho rằng chọn lựa khôn ngoan nhất là cách sau cùng. Không cần thiết phải có các bình luận xã hội, không cần tổ chức họp hành to tát, và không cần công bố trước dân chúng. Tất cả những gì cần làm là hãy bồi thường kín đáo cho thân nhân của các nạn nhân ngày Bốn tháng Sáu; thả tất cả những tù nhân chính trị ngày Bốn tháng Sáu; hồi phục các chức vụ cũ cho những người bị đối xử bất công vì ngày Bốn tháng Sáu; dần dần thuyên chuyển công tác rồi xuống chức những kẻ đã ngoi lên quyền lực từ máu của ngày Bốn tháng Sáu; và cho phép những người trốn ra nước ngoài vì ngày Bốn tháng Sáu an toàn trở về nước. Tất cả điều này, tôi tin, là phần cần thiết cho sự thay đổi hình ảnh của Đảng cầm quyền, là phần của sự dân chủ hoá của Đảng, là phần của những gì sẽ thu phục được lòng dân. Nếu Đảng cầm quyền không bắt đầu ngay từ bây giờ, nếu sau cái chết của Đặng Tiểu Bình có nhà chính trị nào đấy dựa vào sự sửa sai bất ngờ về những sai lầm ngày Bốn tháng Sáu để tranh đoạt quyền lực, thì tai hoạ không chỉ có thể sẽ xảy đến cho nhà chính trị này, mà còn cho cả Trung Quốc. Những hậu quả bùng phát từ sự sửa sai bất ngờ nằm ở ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Cơn lũ thù hận sẽ dìm chết tất cả những kẻ nào muốn dự phần trong bữa tiệc máu ngày Bốn tháng Sáu. Ở Trung Quốc tương lai, nói cách khác, những ai ra trận với ánh đao gươm sáng lạnh, vì muốn dẹp tan bao bất bình oan trái của ngày Bốn tháng Sáu, biết đâu có thể gây ra một cơn đổ máu khác còn lớn hơn, còn tàn nhẫn hơn nhiều. Biết đâu lại là một lần tắm máu.

Ở Trung Quốc ngày nay, năm năm sau vụ đổ máu ngày Bốn tháng Sáu…, trong một Trung Quốc đang đầy lo sợ thời điểm tận cùng của thế kỷ- có nhiều việc cần phải được hòa giải. Tôi không biết liệu chúng ta những sinh viên đại học và trí thức, những người đã nhập vai những bậc thánh cách mạng và vai các ngôi sao dân chủ trong hai tháng trời có thể đánh giá lại một cách hợp lý, bình tâm, công bằng và thực tế những gì chúng ta đã làm và đã suy nghĩ trong năm 1989; tôi không biết liệu chúng ta có thể đối diện với hiện thực Trung Quốc đang có nhiều cuộc khủng hoảng xuất hiện từ khắp mọi phía mà thấy lòng mình còn đủ can đảm để theo đuổi kiên trì kế hoạch khả thi cho cải cách lâu dài bắt đầu từ những chi tiết nhỏ nhất. Nếu được như vậy, thì cho dù sức ta có tàn kiệt, máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ không chảy đi hoài phí – máu vẫn còn đặc hơn nước lã. Còn không được như vậy, thì cao nhất máu của ngày Bốn tháng Sáu sẽ có thể nuôi béo những kẻ hút máu chẳng còn biết xấu hổ.

Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là chính quyền cuối cùng của Trung Quốc trong đó mỗi người đều tự xem mình là chính khách.

Uớc gì ngày Bốn tháng Sáu là cảnh tượng hoành tráng của chính nghĩa mù quáng tự cho mình đúng cuối cùng của Trung Quốc.

Lưu Hiểu Ba

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Nhân quyền và thời đại

    10/12/2018Hà Văn ThịnhTrong các vấn đề “xung đột giữa những nền văn minh”, vấn đề nhân quyền luôn tạo nên sự bất đồng và khác biệt sâu sắc. Nguyên nhân chỉ có một: Cách hiểu và cách giải thích của mỗi cá nhân, mỗi nền văn hóa, mỗi chế độ Nhà nước hoàn toàn không giống nhau. Để hướng đến sự đồng nhất về Nhân quyền, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 10-12 hằng năm để tôn vinh và nhắc nhở các giá trị của Nhân quyền.
  • Tuyên ngôn Nhân quyền Liên hợp quốc (10-12-1948)

    10/12/2010Công bố bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.
  • Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

    03/11/2010Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupDân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình...
  • Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (*)

    08/12/2008Ngày 10 – 12 – 1948, Liên Hợp quốc công bố bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền. Bản Tuyên Ngôn thể hiện các khát vọng và mục tiêu hướng tới của toàn nhân loại đã được nhà nước Việt Nam long trọng cam kết thực hiện.
  • Ngẫm nhân ngày nhân quyền thế giới

    14/04/2008Nguyễn Tất ThịnhĐời sống và Dân trí ngày càng cao hơn nhưng Tam Dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) luôn là thách đố, là mục tiêu, là thước đo về trình độ phát triển xã hội...
  • xem toàn bộ