Tìm định nghĩa nghệ thuật cộng đồng

11:04 SA @ Thứ Hai - 30 Tháng Ba, 2009

Ở Việt Nam, khái niệm “nghệ thuật cộng đồng” bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ với các dự án gắn liền với cộng đồng của các họa sĩ. Tuy nhiên, những người tham gia vào nó vẫn còn lúng túng khi định nghĩa về nghệ thuật cộng đồng.

Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nghệ thuật cộng đồng được dịch từ "Community Art" hay còn được gọi là "nghệ thuật xuất phát từ cộng đồng", là một loại hình nghệ thuật được đặt nền tảng trong một cộng đồng. Các sản phẩm nghệ thuật từ loại hình này có thể thuộc bất cứ dạng nghệ thuật nào và đặc điểm của chúng chính là sự tương tác hoặc đối thoại với cộng đồng. Cụm từ này được hình thành từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, Canada, lreland và Úc.

Ở Việt Nam, khái niệm "nghệ thuật cộng đồng" đã xuất hiện khá lâu, nhưng gần đây mới bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý. Năm 1992, họa sĩ Lê Bá Đảng đã có một cuộc triển lãm độc đáo khác thường tại làng Bích La Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Hơn 50 bức tranh đã được trưng bày trong một không gian đình miếu làng quê. Triển lãm này có sự giúp đỡ của nhiều họa sĩ trẻ và nhân công địa phương. Có thể xem ông là người khởi xướng nghệ thuật cộng đồng sớm nhất ở Việt Nam. Tiếp theo là đạo diễn trẻ Phan Ý Ly với dự án "Cuộc đời tôi - cách nhìn của tôi"(tháng 10 - 2007). Chị tổ chức những buổi trò chuyện và chia sẻ, sau đó trao những chiếc máy quay cho 7 đứa trẻ để chúng tự bộc lộ về cuộc sống của mình ở khu vực bãi giữa sông Hồng, nơi 19 hộ gia đình sống trên thuyền và nuôi thân bằng đủ mọi việc. Với dự án này, chị đã đạt được “giải đúp” của Ngân hàng Thế giới trong Ngày Sáng tạo Việt Nam (năm 2006). "Con đường gốm sứ" ven sông Hồng do nhà báo Nguyễn Thu Thủy khởi xướng cũng là một kiểu tương tự đầy tính cộng đồng ở cả hai nghĩa: tập hợp các họa sĩ tham gia, phục vụ cho lợi ích cộng đồng (dự án được ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt ngày 19/4/2007 và chính thức triển khai ngày 23/10/2007).

Tuy nhiên, những người tham gia dường như vẫn còn lúng túng khi định nghĩa nghệ thuật cộng đồng. Theo người viết, từ "cộng đồng" đơn giản được hiểu theo hai nghĩa: "nghệ thuật vì cộng đồng""nghệ thuật được thể hiện bằng cộng đồng". Ở nghĩa thứ nhất, nghệ thuật cộng đồng làm nên sự năng động trong đời sống tinh thần của một vùng miền nào đó tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đẹp nơi công cộng, mang lại niềm tự hào và cải thiện thị hiếu của công chúng. Ở nghĩa thứ hai, nghệ thuật cộng đồng không có khái niệm ai là tác giả và tác phẩm là gì, nơi đây, các nghệ sĩ có tâm huyết và có cùng một động cơ nhất định đã chung tay làm nên một tác phẩm. Vì vậy, nó kích thích sáng tạo cho các nghệ sĩ. Và với mong muốn đi tìm một định nghĩa xác đáng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với một số gương mặt tiêu biểu trong giới làm nghệ thuật cộng đồng.

Nghệ thuật cộng đồng và nghệ thuật công cộng có gì khác nhau về bản chất? Hay chỉ khác nhau ở tên gọi?

Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân: Có chút khác biệt. Nghệ thuật công cộng (Pulic Art) là nghệ thuật cho các địa điểm công cộng, thường chỉ nói tới các tác phẩm đặt, để hoặc diễn ra ở các địa điểm đó. Nghệ thuật cộng đồng (Art for Community) là nghệ thuật dành cho một cộng đồng địa phương cụ thể. Nó có thể bao gồm cả các hoạt động nghệ thuật của cộng đồng đó. Ví dụ, các dự án cho trẻ em, người già ở khu phố, làng hay xã tham gia.

Bản chất của hai loại nghệ thuật này là mang nghệ thuật đến người dân, nâng cao chất lượng thẩm mỹ cho môi trường, mức hưởng thụ nghệ thuật của dân chúng, nâng cao chất lượng sống của địa phương và cộng đồng. Nhiều nước như Mỹ, Canada, lreland, Úc còn có họa sĩ cộng đồng, tức người chăm lo cho nghệ thuật của địa phương đó và người dân sống ở đó cho phù hợp với nhu cầu, lịch sử, nguyện vọng của người dân.

Họa sĩ Ngô Lực: Nghệ thuật cộng đồng hay nghệ thuật công cộng chẳng có gì khác nhau. Thực chất những tên gọi này đã có từ rất lâu trên thế giới. Và nếu chỉ dựa vào cái tên gọi để nhận xét cũ mới thì tôi nghĩ rằng sẽ thật sự thiếu sót. Ngày nay, khi phương tiện tiếp cận thay đổi, nghệ sĩ có nhiều công cụ để tiếp cận nghệ thuật nhiều hơn và đương nhiên, những tư duy tiếp cận cũng phải thay đổi theo để phù hợp với từng vấn đề và mở rộng những tính năng hữu ích nhất của công cụ.

Nhà nghiên cứu Phạm Trung: Về tên gọi nghệ thuật cộng đồng và nghệ thuật công cộng, rõ ràng là khác nhau. Mặc dù ởViệt Nam gần đây, một số người có sự nhầm lẫn chút ít về nội hàm 2 hình thức nghệ thuật này. Có thể thấy, nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật cộng đồng đều xuất phát từ sự phát triển văn minh của xã hội con người và có nguồn gốc từ rất lâu. Tuy nhiên, nghệ thuật công cộng thường được hiểu là các hình thức nghệ thuật như tượng đài, kiến trúc quảng trường, công viên, điêu khắc ngoài trời... gắn với các sinh hoạt công cộng của một cộng đồng xã hội nào đó. Nghệ thuật cộng đồng theo cách hiểu và thực hành như ta thấy ở trên thế giới và một số nghệ sĩ Việt Nam đang thực hiện là phát triển một thứ nghệ thuật vì cộng đồng, đặt trên nền tảng cộng đồng, đưa nghệ thuật vào trong đời sống xã hội, kích thích sáng tạo và đồng sáng tạo của các thành viên liên quan đến sự kiện.

Sở dĩ, nhiều năm gần đây nghệ thuật cộng đồng ở các nước phương Tây được đề cập nhiều là do nguyên nhân xã hội của nó: Có lẽ do sự phát triển xã hội phương Tây giai đoạn hậu công nghiệp quá thiên về lý tính, thực dụng cho nên con người đã nảy sinh nhu cầu tìm kiếm, gắn kết các quan hệ cộng đồng bù đắp lại những căng thẳng, khủng hoảng của con người cá nhân cô độc.

Mặt khác, nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật trong xã hội hiện đại đã không còn đóng khung trong các không gian triển lãm bảo tàng, các phòng trưng bày tranh mà các nghệ sĩ muốn nghệ thuật của mình tiếp cận gần hơn với công chúng, với những địa điểm, môi trường linh hoạt hơn. Trong khi tham dự vào các hình thức nghệ thuật công cộng, công chúng vừa đóng vai trò thưởng thức vừa đồng sáng tạo, liên kết cộng đồng.

Đó là ở phương Tây, đời sống cá nhân và tính biệt lập phát triển mạnh nên con người có nhu cầu tất yếu là tìm kiếm, liên kết cộng đồng thông qua đó kích thích sự sáng tạo. Còn ở Việt Nam, tôi thấy chúng ta vẫn sống trong môi trường xã hội văn minh nông nghiệp, tâm lý tiểu nông, làng xã gắn kết phường hội còn rất mạnh, tính cộng đồng rất đậm (thậm chí nhiều khi hạn chế, đánh mất tự do cá nhân của các thành viên trong cộng đồng). Do đó, chỉ dựa vào mặt cơ sở xã hội để lý giải về nhu cầu xã hội (lối sống, tâm lý, phong tục...) dẫn đến nguyên nhân phát triển các hiện tượng làm mỹ thuật cộng đồng là không chắc chắn lắm. Các lễ hội thôn quê từ hàng trăm năm nay vẫn là nghệ thuật đầy tính cộng đồng đó thôi. Chỉ có thể coi các hiện tượng làm mỹ thuật cộng đồng hiện nay ở Việt Nam là những hướng tìm kiếm bản thân của các nghệ sĩ trong việc làm thế nào để đưa nghệ thuật gần hơn với đời sống công chúng. Và cũng cần phải thấy rằng, do giáo dục thẩm mỹ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên đại bộ phận nhân dân còn rất e dè khi tiếp xúc với mỹ thuật, âm nhạc cổ điển, bởi vì họ không hiểu... Do đó, ý định của các nghệ sĩ làm mỹ thuật cộng đồng là đáng trân trọng, tuy rằng, ý nghĩa của các công việc là không có gì mới.

Họa sĩ Đinh Khắc Thịnh bên tác phẩm Huyền sử, đặt tại bờ biển Lăng Cô, Huế, năm 2005.

Vậy thế nào là nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa? Có nên đưa ra một định nghĩa cụ thể để thống nhất các hành vi thể hiện nhằm đưa nó trở về đúng bản chất thực của nó?

Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân: Không nên đưa ra định nghĩa nào cứng nhắc và cũng không bao giờ có thể “thống nhất các hành vi thể hiện”. Nếu các họa sĩ làm giống nhau thì làm nghệ thuật làm gì. Cái ta cần là sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ, tính độc đáo của nghệ thuật, các sáng kiến của nghệ sĩ đưa nghệ thuật tới công chúng, tới cộng đồng. Thí dụ dự án của các anh Bảo Toàn và Lương Xuân Đoàn giúp trẻ em làm một tranh gốm khổng lồ, hay dự án vẽ xe rác, vẽ xích-lô nhân Festival Huế cũng là những dự án nghệ thuật cộng đồng, nghệ thuật công cộng rất hay.

Họa sĩ Ngô Lực: Đối với tôi, có lẽ định nghĩa nghệ thuật là điều không thể. Nhưng có thể tạm hiểu một cách đơn giản, nghệ thuật cộng đồng là nghệ thuật mà tất cả những vấn đề ý niệm, hành vi, những hình ảnh đều nhằm hướng tới cộng đồng nào đó một cách trực tiếp hay gián tiếp. Cộng đồng đôi khi có thể hiểu là một tác phẩm có nhiều nghệ sĩ cùng làm hoặc hỗ trợ nhau làm, xóa bỏ cái gọi là độc bản, xóa bỏ ranh giới giữa tác giả và tác phẩm, giữa tác phẩm và khán giả. Tất cả được hòa quyện lại với nhau, tạo ra tính giao tiếp từ đó nảy sinh ra ý niệm và cảm xúc ngay trong thực tại, không giới hạn hình thức hay phương tiện thể hiện.

Họa sĩ Phạm Huy Hùng: Mỗi họa sĩ có một cách làm khác nhau. Nghệ thuật vốn đã là như vậy, nếu giống nhau chỉ là làm bánh một khuôn. Không nhất thiết phải xem nghệ thuật cộng đồng tại Việt Nam có đúng bản chất gốc của nó hay không. Cái cần phải xem là nó có kích thích được tự do sáng tạo của nghệ sĩ và nhất là có lợi cho cộng đồng hay không.

Nhà nghiên cứu Phạm Trung: Điều quan trọng là nghệ thuật phải có sức lôi cuốn, thông điệp phải có sức thuyết phục thì mới nói đến vai trò tác động của nghệ sĩ đến cộng đồng được. Nếu tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ không sâu sắc, nội dung thể hiện không có tính sáng tạo cá nhân mà lại a dua, cóp nhặt, chắc chắn những tìm tòi nghệ thuật sẽ không có sức lan tỏa đủ để dẫn đến hiệu ứng đồng sáng tạo.

Mỗi hình thức nghệ thuật đều có công chúng riêng của mình và rõ ràng thời gian sẽ sàng lọc các giá trị, các nghệ sĩ. Những gì không xuất phát từ tâm trạng cá nhân, nhu cầu xã hội thì không có được thông điệp tinh thần sâu sắc, dù có được “làm màu, quảng cáo” rùm beng cũng sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng trong thời buổi tràn ngập thông tin này. Và Nhà nước nên để mỹ thuật cộng đồng phát triển như một trong những hoạt động bình thường của cơ thể mỹ thuật đang sống, chỉ có cá nhân nghệ sĩ đối diện, đối thoại với công chúng thông qua nghệ thuật của mình.

Liệu nghệ thuật cộng đồng có đem lại điều gì mới mẻ cho nghệ thuật, xã hội và công chúng Việt Nam ? Mỹ thuật cộng đồng có góp phần nâng cao tầm vóc mỹ thuật người Việt trong mắt bạn bè quốc tế không ? Và liệu có cần một sự định hướng cho nghệ thuật cộng đồng phát triển ?

Họa sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quân: Rõ ràng, nghệ thuật công cộng, nghệ thuật cộng đồng đã và sẽ đem lại những điều mới mẻ cho mỹ thuật Việt Nam. Xã hội và công chúng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án này. Các đô thị sẽ có dấu ấn riêng hấp dẫn. Ví dụ các vườn tượng quốc tế ở Huế dần trở thành địa chỉ văn hóa, du lịch hấp dẫn, người dân hằng ngày được "chơi đùa" với các tác phẩm điêu khắc. Các trại điêu khắc quốc tế là nhằm phát huy sáng tạo. Nếu hành chính hóa, chế tài hóa, chúng sẽ trở thành các “vụ làm ăn” (như nhà điêu khắc Nguyễn Hiền, người từng chủ trì tới 4 trại điêu khắc quốc tế đã cảnh báo). Không nên chưa làm đã lo mình là gì “trong mắt bạn bè quốc tế”. Ta làm hay thì tự nhiên người ta sẽ quý mến. Mỹ thuật không phải là cuộc thi thành tích. Tôi thấy nên lo việc người dân được hưởng thụ mỹ thuật ra sao chứ đừng lo "tầm vóc quốc tế" vội. Các dự án nghệ thuật cần được các hội đồng chuyên môn độc lập thẩm định, tránh tình trạng bao cấp như xây tượng đài, tránh việc ăn chia giữa các nghệ sĩ làng nhàng, cơ hội "làm kinh tế" bằng nghệ thuật công cộng, nghệ thuật cộng đồng. Khi đó chất lượng sẽ tốt hơn nhiều. Còn nếu nói đến một định hướng cho nghệ thuật cộng đồng, theo tôi, điều trước mắt là bảo đảm tự do sáng tạo cho nghệ sĩ.

Họa sĩ Ngô Lực: Lợi cho cộng đồng hay không, hãy để cộng đồng trả lời. Cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng, một đất nước hướng tới cộng đồng càng nhiều thì đó là một đất nước phát triển. Một đất nước có những người biết nghĩ về cộng đồng là một đất nước văn minh. Chẳng có một nhà nước nào lại không muốn cộng đồng mình phát triển về nhận thức và ý thức về cộng đồng xung quanh. Vậy nên, sự định hướng lớn nhất hiện nay là hướng tới cộng đồng.

Họa sĩ Phạm Huy Hùng: Công chúng lúc nào cũng cần được hưởng lợi, cần được cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong tình hình bây giờ, nghệ thuật cộng đồng xem ra gần gũi với những điều đó hơn cả. Nghệ thuật cộng đồng dù đang lẻ tẻ, manh mún và tự phát nhưng cũng có hiệu quả. Chỉ e khi có định hướng, có chính sách, chế tài, thì chính sách và chế tài đó lại chạy theo hoặc chặn đầu nó. Tuy nhiên, để phát triển, để khỏi tự phát, buộc phải có một hội đồng thẩm định đảm bảo tự do sáng tạo cho nghệ sĩ, đảm bảo tác phẩm có lợi cho cộng đồng và phải bỏ bao cấp.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Underground thế giới lộn ngược

    25/03/2009Trang Nghiêm – Huy LinhBài viết này muốn đề cao một tinh thần nghệ thuật độc lập. Đó là sự tìm tòi, bung phá, thể nghiệm, sự dũng cảm của các nghệ sĩ khi bỏ qua những yếu tố thương mại, thị trường để thực hiện bằng dược những ý tưởng nghệ thuật đầy sáng tạo của mình.
  • Bàn thêm về thuộc tính của nghệ thuật

    08/05/2007Nguyễn Thị ThưMỹ học trước Mác đã đề cập đến các góc độ khác nhau về thuộc tính của nghệ thuật. Mỹ học duy tâm khách quan cho rằng nghệ thuật mang tính chất thần linh, huyền bí. Platôn, nhà triết học Hy Lạp cổ đại quan niệm nghệ sĩ là những người đặc biệt, do thần linh đầu thai xuống trần gian để làm bạn với cái đẹp.
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...