Thực chất của viễn di sinh học

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
09:12 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Viễn di sinh học (psychokinesis/telekinesis) là khả năng dùng tâm trí tác động lên thế giới vật chất mà không dùng đến các tương tác vật lý đã biết. Ví dụ điển hình của viễn di sinh học là dùng ý nghĩ làm cong thìa hay tác động lên bộ phát số ngẫu nhiên. Uri Geller người Israel mà TT&VH đã viết hay Nina Kalugina (1926-1990) người Nga là những nhà tâm linh nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này...



Uri Geller người Israel


Nina Kalugina

Được xem là người có nhiều khả năng tâm linh, nhất là viễn di sinh học, Nina Kalugina được nghiên cứu tại Liên Xô trong một thời gian dài. Trong chiến tranh lạnh, một bộ phim đen trắng về khả năng làm di chuyển đồ vật bằng “sức mạnh tâm trí” của bà đã được phổ biến trên toàn thế giới, đem lại nỗi hào hứng ghê gớm cho những người ủng hộ, nhất là khi họ biết bộ phim được làm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Thí nghiệm nổi tiếng nhất được Kalugina thực hiện tại một phòng thí nghiệm tại Leningrad ngày 10/3/1970. Đã nghiên cứu khả năng di chuyển đồ vật, nay người ta yêu cầu bà dùng ý chí tác động lên tim ếch trong dung dịch nuôi. Nhà y khoa nổi tiếng Sergeyev là một trong số những nhà khoa học chứng kiến thí nghiệm. Ông nói Kalugina có thể điều khiển tim ếch đập nhanh hoặc chậm, thậm chí ngừng đập.

Nhiều cá nhân và tổ chức nghi ngờ đã phê phán thí nghiệm, như Quỹ giáo dục James Randi (nhà ảo thuật lặp lại mọi trò lừa giả danh tâm linh của Uri Geller, người đặt ra giải thưởng một triệu USD cho bất cứ ai thực hiện được một khả năng tâm linh dưới sự kiểm soát của ông năm 1999. Hiện tiền được gửi tại một ngân hàng New York và thời gian thử nghiệm kéo dài tới 2010) hay Ủy ban điều tra các tuyên bố dị thường Ý. Họ cho rằng thời gian chuẩn bị lâu và thí nghiệm thực hiện tại khách sạn giúp Kalugina dễ dàng lừa gạt. Việc không có giới ảo thuật tham gia thí nghiệm càng khiến sự nghi ngờ tỏ ra có lý. Ngoài ra là ước vọng chiến thắng trong cuộc “chiến tranh tâm linh”, giống như thắng trong chiến tranh vũ trụ hay trong chạy đua vũ trang.

Tác động lên bộ phát ngẫu nhiên

Đáp lại những chỉ trích như trên, giới tâm linh tổ chức các thử nghiệm có kiểm soát, như tác động lên bộ phát số hay sự kiện ngẫu nhiên. Điển hình nhất là nhà vật lí Helmut Schmidt, mà sự trung thực và sáng tạo trong tổ chức thí nghiệm được cả các đối thủ kính trọng. Một nhà nghiên cứu khác là Robert Jahn và phòng thí nghiệm tại ĐH Princeton. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của hai ông đều không thỏa mãn cả người ủng hộ lẫn người phản đối.

Qua hàng triệu lần ấn nút bộ phát số với nhiều nhà tâm linh, Schmidt thu được khác biệt tuy tin cậy về mặt thống kê, nhưng cực kì nhỏ, chỉ là 50.5% so với 50% của xác suất ngẫu nhiên. Còn trong phòng thí nghiệm của Jahn, sau 114 triệu lần thử nghiệm, chỉ thu được tỉ lệ 50.2%. Sai khác tuy nhỏ, nhưng tin cậy về mặt thống kê, nên Schmidt và Jahn tuyên bố viễn di sinh học là sự thật, tuy khá hiếm thấy.

Giới nghi ngờ không đồng ý như vậy, vì hai ông chưa tính tới các sự biến tự phát. Chẳng hạn trong một sô diễn truyền hình, nhà tâm linh nói sẽ dùng sức mạnh tâm trí làm đồng hồ của khán giả ngừng chạy. Vài chục phút sau, hàng chục người gọi điện thông báo, quả thật đồng hồ họ đã hỏng. Đó là “tâm linh”? Hoàn toàn không, đó chỉ là các sự biến tự phát: trong hàng triệu người xem ti vi, nhất định nhiều người sẽ hỏng đồng hồ, một kết quả chỉ mang tính thống kê thuần túy.

Các nhà khoa học còn phát hiện nhiều khiếm khuyết trong cách tổ chức thí nghiệm của Schmidt, Jahn và nhiều nhà nghiên cứu khác. Đây là vấn đề rất khó tránh, vì tổ chức một thí nghiệm đứng trên mọi chỉ trích hầu như là không thể trong lĩnh vực dị thường. Đó là một trong những lí do mà khoa học chưa thu được một bằng chứng không thể bác bỏ về các hiện tượng lạ.

Kết luận

Là một trong những đối tượng của bộ môn cận tâm lý, cùng ngoại cảm, viễn di sinh học là mối quan tâm hàng đầu của giới nghiên cứu chuyên ngành. Trong các “thử nghiệm tại thực địa” thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thường thu được kết quả rất ấn tượng nhưng không được các nhà khoa học chấp nhận. Còn trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, kết quả chưa vượt qua được xác suất ngẫu nhiên hay các sự biến tự phát. Vì thế giới khoa học có thẩm quyền chưa chấp nhận tính hiện thực của viễn di sinh học.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...