Thổn thức từng tiếng... Thầy ơi!

06:31 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Mười, 2019

Xem thêm:

.

Vĩnh biệt Thầy ! Thầy của con.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Lê Hải An.

.
Gia đình con 2 đời được làm học trò gia đình Thầy. Bố con là học trò của nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, con may mắn được làm học trò của Thầy.
Thầy là người cực kì quan trọng, là người ảnh hưởng phần lớn đến cách đối nhân xử thế, đạo đức, tư duy, cách làm việc của con bây giờ.

.
Những năm học ĐH năm thứ 3 con đã nghe khóa trên đồn nhau về các môn học của Thầy An rất khó. Và Thầy rất khó tính. Khi được Thầy dạy cho môn đầu tiên là Karota thì ấn tượng đầu tiên của con là mọi thứ đều rất rõ ràng rành mạch và con quyết định ngay sẽ theo Karota. May mắn được Thầy hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, được gần thầy nhiều hơn, con hiểu ra rằng thầy không hề khó tính mà cực vui vẻ dễ gần. Nếu hiểu Thầy hơn thì cái gọi là khó tính đấy là sự làm việc nghiêm túc. Thầy rất ghét làm thì ít báo cáo thì hay. Muốn hỏi Thầy 1 câu hỏi mà ko suy nghĩ trước khi hỏi, Thầy hỏi lại vài vấn đề mà ú ớ thì Thầy sẽ không trả lời nữa mà bảo về tìm hiểu thêm. Nhưng nếu hỏi Thầy :" Thầy ơi em hỏi cái ABC, em đã tìm hiểu thấy nó XYZ mà em vẫn không hiểu" thì Thầy sẽ nhẫn nại dành cả buổi để giải thích cho kì hiểu mới thôi. Chẳng may dốt quá mà không hiểu nữa thì Thầy lại vơ hết đồ trên bàn :" Đây nhé, cái bao thuốc là cái A, cái gạt tàn là cái B, cái bao thuốc và cái gạt tàn quan hệ với nhau..." Cứ như vậy giữa thầy trò dường như không có khoảng cách. Thầy đối xử với mọi người luôn kính trên nhường dưới. Thầy rất giỏi nhưng luôn khiêm tốn. Làm việc với Thầy, mọi việc khó đến mấy, deadline gấp đến mấy, đi hỏi người khác thì toàn:" Cái này khó lắm chú không làm được đâu", vào hỏi Thầy thì lúc nào Thầy cũng cười cười :"Cái này đơn giản, cứ bình tĩnh". Những lúc như vậy con học được cách đối mặt và vượt qua khó khăn.


Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Lê Hải An

.

Thầy luôn luôn chăm chỉ với 1 cường độ cực cao, 3h sáng email 15p sau có email trả lời, 5h sáng email cũng 15p sau có email trả lời, sau này ngồi với Thầy hỏi "Thầy không mệt hả Thầy", Thầy chỉ cười "Dần dần rồi nó quen". Trước ngày con đi phỏng vấn xin việc PVEP, Thầy gọi đến nhà đưa cho con 3 tờ giấy A4 chép tay các từ tiếng Anh dễ gặp trong phỏng vấn, rồi ngồi cả tối giảng cho con từng từ để mai con đi phỏng vấn, tối hôm đó 10h30 Thầy mới ăn cơm. Ngày con được gọi đi làm, con vừa chạy từ tầng 3 xuống tầng 1 vừa hú, gọi điện khoe Thầy. 2 năm đầu mới đi làm, chuyên môn còn yếu, Thầy bắt cứ thứ 7 là xách laptop vào phòng Thầy ngồi làm việc, giúp thầy xử lý số liệu, Thầy dạy thêm cho. Lúc đó thầy đã lên Hiệu trưởng, 1 ngày bất chợt lên phòng thầy cuối tuần, thấy Thầy đang ngồi kí bằng tốt nghiệp cho sinh viên ra trường vừa luyện nghe Tiếng Anh và phát âm, con cảm phục Thầy luôn luôn vì công việc, không để 1 khoảng thời gian chết.

.

24 tuổi con lên hỏi ý kiến Thầy rằng con muốn lấy vợ, buột miệng hỏi ngày xưa bao giờ thì Thầy lấy vợ, Thầy trả lời xong 2 thầy trò phá lên cười, thế là vợ con lấy được chồng. Đám cưới của con Thầy cũng có mặt, mẹ con về hưu cũng có Thầy đến chia tay. May mắn 1 lần nữa con lại được Thầy hướng dẫn làm luận án Thạc sĩ, lúc đó dầu khí đang đi xuống, vợ mới sinh Tép, con phải làm nghề tay trái là đi bán cá cảnh, nhiều lúc tưởng như không thể cố được nữa, còn 2 tuần phải xong để nộp lên Hội đồng, con xin phép Thầy cho con từ bỏ, Thầy luôn động viên và tìm giải pháp, cuối cùng con cũng bảo vệ thành công. Có 1 điều mà mãi sau này con mới hiểu và ngộ ra, lúc con bảo vệ đồ án tốt nghiệp thì khi đọc nhận xét Thầy bảo đồ án của con tiệm cận đến 1 luận văn Thạc sĩ, nhận xét luận văn Thạc sĩ thì bảo tiệm cận đến 1 luận án Tiến sĩ. Ngay sau nhận xét của Thầy, cả 2 lần tất cả các thầy trong hội đồng đều phản bác và chỉ ra các thiếu sót của con, lúc đó con thầm trách các thầy nhưng sau này con mới hiểu, Thầy làm vậy để con biết mình là ai, con tự mãn quá sớm, để bây giờ con luôn biết quý và trân trọng những gì con đạt được nhưng con không thỏa mãn bản thân mà luôn cố gắng hơn nữa. Đến sau này khi làm tay trái bán cá cảnh, thỉnh thoảng đến nhà chơi Thầy lại cười cười bảo Cô " Thằng Phương là dầu vượt khó".

.
Ngày Thầy lên Thứ trưởng, con thực sự vui sướng và tự hào, lên nhà chúc mừng thầy, lúc về Thầy tiễn anh em ra tận thang máy, con nhờ anh Mẫn chụp cho em bức ảnh với Thầy "Từ bây giờ chắc khó gặp Thầy, chụp với thầy cái, bao giờ Thầy lên Bộ trưởng thì chụp tiếp". Ai ngờ đó là bức ảnh cuối cùng con được chụp chung với Thầy. 2 Thầy trò đứng cạnh thang máy, chân Thầy còn đi dép lê. Thầy ơi... Ngày Thầy được lên làm Bí thư Đảng ủy Bộ giáo dục, khấp khởi trong lòng, ấm rồi, chắc rồi, thế mà... Thầy ơi ...

.
Ngày 17.10.2019, cái ngày oan nghiệt. Ban đầu nghe tin Thầy gặp nạn, con chỉ cho là bọn nào đăng vớ vẩn, nhưng 1 lúc sau rất nhiều anh em bạn bè gửi tin nhắn hỏi con, "có phải Thầy của em không" thì con mới biết, thôi hỏng rồi. Không kìm được nước mắt Thầy ạ, sao đột ngột thế, sao phi lý thế, thật sự đến tận bây giờ nhiều lúc con cũng vẫn không cảm xúc, vì con không tin nó là thật, cái sự thật nghiệt ngã quá Thầy ạ. Thầy ơi...

.
Cả buổi sáng hôm đấy ruột như lửa đốt vì không có tí thông tin gì thêm. Đến chiều nghe tin thầy được đưa về 108. Con và anh Mẫn chạy ngay lên viện, lòng vẫn thầm ước thầy chỉ ngã thôi, bác sĩ người ta đang cứu. Những đích đến lại là nhà xác bệnh viện, thấy Cô ở đấy, thôi hỏng rồi...

.
3h chiều công an đọc kết luận giám định pháp y. Người ta đọc chi tiết lắm, tả từng vết rách trên quần áo, tả từng cái xương gãy, tim con nghẹt lại, không thể cầm lòng mà đứng nghe tiếp được nữa Thầy ơi. Hiện thực nó dã man quá. Thầy chịu đau đớn quá. Tội Thầy quá Thầy ơi. Người tốt như Thầy sao phải chịu cái chết nó đau đớn thế. Xót xa lắm Thầy ơi.

.
Công an đọc xong báo cáo. Bàn giao cho gia đình. Cô và Um cũng được mọi người đưa về. Mọi người cũng về hết. Trời chiều hôm đó mưa. Thê lương quá Thầy ạ. Mọi người về hết. Còn mình Thầy nằm lại đấy một mình, trong cái nhà lạnh như băng đấy. Chua xót quá Thầy ơi. Con với anh Mẫn cứ ngồi đấy nhìn nhau, lại nhìn trời, không cảm xúc, vì sự việc nó nhanh quá, đột ngột quá, khó tin quá... Chiều muộn người ta về hết, rồi 2 anh em cũng phải về. Thế là Thầy chính thức nằm lại đấy 1 mình. Tội Thầy quá Thầy ơi.

.

.
Thứ 7 lên nhà Thầy, rất nhiều người có mặt, vẫn căn nhà đấy, bàn ghế đấy, chưa phát tang nên cũng không có ảnh có bát hương, con muốn thắp cho Thầy 1 nén hương mà cũng bất lực, nhà đông người mà không ai nói chuyện với nhau, trống trải, trống rỗng quá Thầy ạ.
Chủ nhật người ta dựng bàn thờ cho Thầy từ sáng, vẫn không ảnh, không hương, Thầy vẫn nằm ở 108 một mình. Trống rỗng.

.

Mẹ con khi biết tin thì chỉ hét lên và khóc, bố con thì chỉ lắp bắp được " Tội quá, tội quá". Vợ con thì bảo anh ơi từ ngày Thầy mất hôm nào em cũng mê sảng, em bị ám ảnh quá. Đối với nhà con, Thầy là ruột thịt, gia đình con như mất đi 1 người thân.

.
Hôm nay, con được nhìn Thầy 2 lần cuối, người mà mới chỉ vừa đây thôi còn cười cười với con, bây giờ không được nữa rồi Thầy ơi. Hôm nay, con cùng Cô và các Em, cùng tất cả gia đình anh em bạn bè, hơn 500 Đoàn trong và ngoài nước, hơn 1000 học trò của Thầy sau hơn 20 năm cống hiến đến để tiễn Thầy đi nốt chặng đường cuối cùng. Khi người ta gọi loa mọi người vào làm lễ truy điệu, nhìn thấy cái cảnh hàng nghìn người chạy từ khắp các nẻo về nhà tang lễ, chắc Thầy cũng thấy ấm lòng. Con thấy chỉ có 1 từ để miêu tả về cách Thầy sống với mọi người, đó là : Chuẩn Chỉnh.

.

L
.


Rất đông người tới đưa tiễn thứ trưởng Lê Hải An. Ảnh: Dân Trí, Vietnamnet

.

Cái giây phút cuối cùng, người ta đẩy Thầy vào phòng hỏa táng. Màn hình tivi tắt phụt. Kết thúc một đời người. Thầy chính thức về với cát bụi. Từ nay con không còn được gọi Thầy nữa rồi Thầy ơi. Chua xót quá. Đau lòng quá. Con thương Thầy lắm Thầy ơi. Tội Cô và các em quá Thầy ơi.
.
Cả đời Thầy đã cống hiến nhiều rồi, Thầy nghỉ đi Thầy ạ. Vĩnh biệt Thầy. Thầy An của con.

.

Học trò của Thầy
Con Phương


KHÚC TIỄN BIỆT MỘT NGƯỜI TỬ TẾ
(Nguyễn Thị Hồng)
.
Người nằm đó
Dưới gốc cây
Như một cái rễ trắng
Nổi
Rễ cây
Sao lại màu trắng
Trong khi
Tất cả chúng
Màu đen
Rễ cây
Sao lại nổi
Trong khi
Tất cả chúng
Ẩn nấp sâu trong bóng tối
Đó là lý do
Cho khúc tiễn biệt này
Thôi
Người hãy về trời
Nơi có thành phố vàng
Cho sư tử vàng
Ung dung dạo bước...
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nghĩ về người thầy giáo và quan hệ thầy - trò

    16/11/2017Đào Ngọc ĐệCó người bảo: "Thầy giáo là người chở đò qua sông", ý nói: Học trò thường quên ơn thầy, cô; người đời không quan tâm đến các cô giáo, thầy giáo. Lời cảm thán đó phần nào có cơ sở thực tế. Nhưng...
  • Thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

    07/10/2016Minh NghĩaĐời tôi sung sướng nhất được làm học trò thầy Hoàng Đạo Thúy. Thầy sinh năm 1900 trong một gia đình trí thức truyền thống ở Hà Nội, ông thân sinh sớm từ quan về dạy học. Bước vào đời, thầy chọn nghề giáo. Sự nghiệp của thầy bắt đầu từ năm 1920, thầy sớm nổi tiếng về đức độ, trên kính dưới nhường, trí tuệ uyên thâm...
  • Thư gửi thầy giáo

    20/11/2015Lê HoàngĐến giờ phút này em mới dám cầm bút viết thư cho thầy. Không phải vì em bận (em còn bận gì nữa đâu!), không phải vì em lười, mà vì em cần có thời gian tìm ra con đường của mình...
  • Một người thầy giáo trong ký ức của tôi

    16/11/2015Nguyễn Tất ThịnhKhi đó tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi, đang ở nơi sơ tán cùng với mẹ là Quân y sĩ trưởng của một Quân y viện chuyển về đây tá túc từ ngày đầu Mĩ leo thang bắn phá Miền Bắc… Tiếng là được đi cùng mẹ không phải đến nơi trại mẫu giáo tập trung, nhưng mẹ gần như không có thời giờ để quan tâm đến tôi...
  • Bài thơ cuối cùng của thầy giáo Hoàng Đạo Thúy

    24/12/2010Trần Kiến QuốcNgày 15/4/1946, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Trường Cán bộ Việt Nam (tiền thân là Quân chính kháng Nhật) được đổi thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, thực hiện đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Người đã bổ nhiệm ông Hoàng Đạo Thuý, một nhà giáo yêu nước, nguyên Trưởng phòng thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) làm Hiệu trưởng...
  • Thầy giáo - Thầy thuốc

    02/05/2009Nguyễn Thị Thùy Dương

    “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy” Thầy giáo đối với người Việt ta từ ngàn xưa đóng một vai trò rất quan trọng. Truyền thống tôn sư trọng đạo từ lâu đã đi sâu vào đời sống văn hóa Việt Nam. “Một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy”, Thầy giáo không chỉ quan trọng với mỗi người mà quan trọng với cả một quốc gia và một nền văn hóa....

  • Người kinh doanh kiểu Ông Thầy Giáo

    16/12/2008Hoài NamĐã đụng vào kinh doanh bất kể kinh doanh món gì, người ta đều phải nghĩ tới trước tiên là cái việc làm sao kinh doanh cho có lời. Phải có lời, thì những mục đích thứ hai, thứ ba, thứ n... (hoạt động từ thiện phúc lợi xã hội, bảo trợ nghệ thuật, nâng cao dân trí v.v... ) mà doanh nhân ôm ấp mới có cơ thực hiện được bằng không là nói suông hoặc mơ mộng hão...
  • xem toàn bộ