Người kinh doanh kiểu Ông Thầy Giáo
Đã đụng vào kinh doanh bất kể kinh doanh món gì, người ta đều phải nghĩ tới trước tiên là cái việc làm sao kinh doanh cho có lời. Phải có lời, thì những mục đích thứ hai, thứ ba, thứ n... (hoạt động từ thiện phúc lợi xã hội, bảo trợ nghệ thuật, nâng cao dân trí v.v... ) mà doanh nhân ôm ấp mới có cơ thực hiện được bằng không là nói suông hoặc mơ mộng hão.
Thế nhưng không ít lần, trong những cuộc vui bạn bè hoặc trên những diễn đàn có thừa sự nghiêm túc, ông vẫn nói rằng trước nay mình kinh doanh theo kiểu cách của một ông thầy giáo. Nghĩa là ông luôn dành ưu tiên số một vào việc chăm lo sản phẩm mình sao cho nó có thể phụng sự khách hàng một cách tốt nhất, bồi bổ trí tuệ và tâm hồn của họ “không nở chiều dọc thì cũng nở bề ngang”. Đạt được điều có lợi cho sự phát triển nhân cách cái đã, mọi cái khác đến sau, đến muộn, hoặc có thể không đến thì cũng chẳng sao.
Ông là người làm sách - nói theo giọng thật xưa là “ông chủ xuất bản”, nói theo giọng xưa vừa vừa là “đầu nậu sách”, nói theo giọng qua văn bản nghị định bây giờ là “đối tác liên kết trong xuất bản”- đương nhiên, sản phẩm kinh doanh của ông là những cuốn sách. Sách - ông thầy giáo, hai vế này có vẻ rất gắn bó với nhau không có gì khiến quốc dân “đồng bào” phải bất ngờ trước phát ngôn nói trên. Nhưng trong thực tế thì cũng mấy người làm sách lại làm sách theo kiểu một ông thầy giáo như ông - Lê Nguyên Đại, cựu Giáo sư Trường Trung học Lê Quý Đôn (Sài Gòn), Giám đốc Công ty Sách Thời Đại. Chính vì thế suốt mấy chục năm qua, ông nhận được sự vì nể của giới làm sách ở Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung. Người ta liệt ông vào hàng “đại gia, bởi cái tâm và cái tầm”. Thì, cứ nhìn vào dòng sách chủ lực mà ông đã làm sẽ thấy: Đó không phải những cuốn sách để giải trí, có thể đọc một lần rồi bỏ, đó cũng không phải những tác phẩm văn chương ăn khách của những tác giả đã và đang được coi là thời thượng. Sách ông làm là loại sách biên khảo nghiên cứu, sách tư tưởng, sách triết học. Tóm lại là loại sách mà một khi đã cầm trên tay, người đọc sẽ có hai lựa chọn: Hoặc gấp lại ngay lập tức, không đọc hoặc phải chấp nhận một cuộc vật lộn trí tuệ với những trang sách màu xám. Vấn đề đáng nói chính là ở chỗ ấy: Trong thời buổi mà người ta càng ngày càng trở nên uể oải và ghẻ lạnh với sách cũng như với việc đọc sách làm sách “mềm” đã khó mong có nhiều người mua người đọc, đằng này ông lại làm rặt một loại sách “cứng” nên thường rất lâu mới có thể hoàn vốn được (có những cuốn in 1.000 bản, ông phải bán ròng rã tới 5 năm mới hết). Có thể suy luận. Hoặc phải là người có một tiềm lực tài chính hùng hậu thì mới dám “chơi sang” kiểu anh hai Sài thành như vậy, hoặc phải là người quá thiết tha với việc góp sức truyền bá tinh hoa tư tưởng ra cộng đồng (bằng sách) thì mới chấp nhận kiểu kinh doanh mạo hiểm đến thế. Dường như Lê Nguyên Đại là người hội được cả hai yếu tố này.
Và ông còn có thêm một điều nữa, ấy là cái nét ương ngạnh trực ngôn vốn đã nằm sẵn trong huyết mạch của người dân xứ Quảng “hay cãi”. Mới đây thôi, trong cuộc họp Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam mà ông và một người làm sách tư nhân nữa ở Sài Gòn có vinh dự đứng chân ủy viên - ông tuyên bố thẳng thừng: "Nhiệm kỳ sau tui thôi, không làm nữa. Hôm rày đến giờ, tui đi họp rất đều đặn bay ra bay vô bằng tiền của vợ, không như các vị đi họp bằng tiền của Nhà nước. Vậy mà tui thấy các cuộc họp toàn bàn chuyện đâu đâu không đem lại ích lợi thiết thực chi cho những người làm xuất bản hết. Cho tui thôi!" Cái kiểu nói vỗ mặt ấy - ở đây chưa bàn tới chuyện đúng, sai - tất nhiên sẽ làm cho kha khá vị có chức sắc cảm thấy khó vào, nhưng ông mặc kệ, cần phải nói thì cứ nói. Mà thực ra, nói như vậy vẫn còn là nhẹ nhàng êm ái. Nhiều lần, trên các phương tiện báo, đài, ông đã lên tiếng gay gắt trước những vấn đề bất cập của nền xuất bản Việt Nam. Những người chịu trách nhiệm quản lí xuất bản có hiểu đúng “xuất bản” nghĩa là gì không? Trong số những người đứng đầu các nhà xuất bản hiện nay có bao nhiêu vị đủ năng lực để hành xử hợp lí với những quyền hạn mà Luật Xuất bản đã cho họ? Các nhà xuất bản đang làm gì, họ làm xuất bản hay chủ yếu là bán giấy phép xuất bản? Các biên tập viên xuất bản có thực sự làm công việc biên tập và có đủ trình độ làm công việc biên tập hay không. Họ có tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm để nói “không” trước những bản thảo không đạt yêu cầu mà đối tác liên kết gửi đến, hay họ vì cái lợi trước mắt mà tiếp tay cho sự ra đời của nhan nhản các loại sách rác? v.v... và v.v... Và đây là kết luận xanh rờn của ông về nền xuất bản quốc nội hiện tại: Hoàn toàn nghiệp dư, và còn phải nỗ lực rất lâu mới có thể trở thành chuyên nghiệp được! (Nhưng cũng có lần, sau khi đã phát biểu tương tự, ông nói với bạn bè: “ Mình chê là xuất bản thiếu chuyên nghiệp, không chừng chính bản thân mình cũng đầy sự thiếu chuyên nghiệp cũng nên.” Người viết bài này tin rằng câu nói ấy chính là cái giật mình một cách thành thật, và... đáng yêu, của một người luôn đau đáu trăn trở với nghề.)
Sau năm 1975 , Lê Nguyên Đại là một trong số những tư nhân đầu tiên làm sách tại Sài Gòn, và vì thế, cho đến bây giờ, khi nhiều người khác đã thôi nghề, Công ty Sách Thời Đại của ông chắc chắn thuộc vào hàng có thâm niên nhất trong giới xuất bản phi công lập. Hơn ba mươi năm trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân cầu, bao nhiêu sự thay đổi đã diễn ra, thế nhưng cách thức để làm ra những cuốn sách của ông vẫn vậy. Công ty Sách Thời Đại của ông thực chất là một công ty gia đình, hoạt động dưới sự điều hành của một mình ông. Giúp ông trong việc khai thác đề tài hoặc những việc liên quan tới bản quyền, trước nay chỉ có hai người, một ở Nha Trang, một ở Đà Lạt. Không sử dụng một “co” biên tập cố định, tuỳ theo từng cuốn sách hoặc từng mảng đề tài cụ thể mà ông nhờ tới những người biên tập thích hợp, và thường là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Điều này, về mặt nào đó, đảm bảo loại trừ đến mức tối đa những sai sót - từ ngớ ngẩn tới trầm trọng - mà các biên tập viên “phổ thông” ở các nhà xuất bản hiện nay vẫn vấp phải khi xử lí những bản thảo thuộc dòng sách biên khảo, tư tưởng, triết học. Thêm nữa, khi nhìn vào các ấn phẩm của Công ty Sách Thời Đại, dễ nhận thấy là Lê Nguyên Đại rất chú trọng đến việc phải có Lời giới thiệu/ Lời tựa cho cuốn sách. Ông quan niệm rằng đó chính là một kênh trợ giúp và hướng dẫn rất cần thiết để người đọc có thể thâm nhập sâu hơn vào hệ giới tư tưởng của cuốn sách. Trong trường hợp cuốn sách là bản in mới của tác phẩm đã in, thì yêu cầu này càng trở nên cần thiết hơn: Qua Lời giới thiệu/ Lời tựa (mới) mà người đọc có thể hình dung về cuốn sách nhờ lần in đầu của nó, có thể hiểu được giá trị của nó ở thời điểm “nó xuất hiện, có thể đối chiếu nó với thời điểm hiện tại để nhìn ra lí đo tại sao nó tiếp tục tồn tại.” (Khá nhiều người làm sách - kể cả các nhà xuất bản lẫn tư nhân - bỏ qua khâu này, vì thế lại thêm một nguyên cớ để Lê Nguyên Đại phàn nàn về sự thiếu chuyên nghiệp của nền xuất bản quốc nội).
Cứ như vậy, trung bình một năm Công ty Sách Thời Đại cho ra đời khoảng trên dưới 100 đầu sách - con số này không nhỏ nếu ta so sánh với số lượng sách loại A (sách nằm trong kế hoạch chủ động sản xuất hàng năm) lúa nhiều nhà xuất bản hiện nay. Và, như đã nói, đó đều là loại sách rất kén chọn người đọc, rất khó và rất lâu thu hồi vốn, bất chấp việc chúng là những cuốn sách thực sự có giá trị. Chẳng nói đâu xa, ba tập sách trong bộ “Phê Phán” của Kant, cuốn “Hiện tượng học tinh thần” và cuốn “Bách khoa thư các khoa học triết học 1 : Khoa học logic” của Hegel, mà Lê Nguyên Đại làm và cho ra mắt trong hai, ba năm gần đây đã đủ là ví dụ. Phàm là người đã qua Đại học ở ta, ai cũng biết đến tên tuổi của Kant và Hegel, hai ông khổng lồ của nền triết học cổ điển Đức. Nhưng biết, là biết... vầy vậy, biết qua một ít kiến thức kiểu tất yếu được trình bày trong sách giáo khoa triết học, mà những kiến thức này cũng chỉ là dạng toát yếu của các sách giáo khoa triết học của nước ngoài. Người Việt Nam có khả năng đọc được hai ông bằng tiếng Đức rất hiếm hoi; Nếu nói quá lên thì có thể bảo rằng thật ra chúng ta chẳng biết gì nhiều về Kant và Hegel! May sao, ngoài Phó giáo sư Phan Ngọc đã dịch cuốn Triết học Hegel từ nguyên bản tiếng Đức năm 1976, còn có ông Bùi Văn Nam Sơn là người từng học triết tại Đức, từ khi về nước đã âm thầm dịch Kant và Hegel với mong muốn cung cấp cho những ai yêu thích triết học tư tưởng của hai triết gia vĩ đại dưới dạng chính văn. Mong muốn ấy đã trở thành hiện thực với sự góp sức của Lê Nguyên Đại. Hiểu rằng mình may mắn được gặp một người uống nước triết học Đức tận nguồn, ông đã bỏ ra một số tiền rất lớn để trả bản quyền dịch thuật cho nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn và cho ấn hành 5 tập sách dày đến… choáng váng. Ông cũng thừa biết ông số tiền ấy sẽ bị “ngâm” trong một thời gian rất dài - vì trong thời buổi này con người ta có nhiều thứ cần phải được ưu tiên tiêu tiền hơn là mua sách triết, và đó là điều bất lợi đối với người kinh doanh - nhưng ông chấp nhận. Cái lí của ông ở đây là: Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt việc tự bằng lòng với những nhận thức lớt phớt; để hội nhập với phương Tây một cách có hiệu quả, hãy đi từ việc tìm hiểu nền móng tư tưởng của họ bằng cách đọc vào chính văn của những triết gia giữ sứ mệnh kiến tạo các giá trị cơ bản của tư duy phương Tây.
Không ảo tưởng rằng thiên hạ sẽ vồ vập Kant và Hegel (như đã từng vồ vập “Bóng đè” hay “Cánh đồng bất tận”, chẳng hạn) nhưng Lê Nguyên Đại tin là vẫn có những ai đó tự nguyện ép mình vào sự “tra tấn tinh thần” cực kỳ khổ nạn với những tác phẩm triết học kinh điển do người làm sách là ông ấn hành. Những cuốn sách “khó khăn” ấy sẽ là hành trang cần thiết đối với họ trên đường học tập và nghiên cứu - như tên một tác phẩm của học giả Đặng Thai Mai. Và như thế nghĩa là nỗ lực của ông sẽ không bị bỏ phí.
Lê Nguyên Đại là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nên cũng có bạn bè thuộc nhiều ngành nghề, nhiều giới xã hội, nhiều lứa tuổi. Bản thân người viết bài này, về tuổi tác chỉ đáng ở hàng con cháu, song vẫn được ông xem như bạn vong niên, vẫn chung bàn nhậu với ông mỗi lần vào Sài Gòn công tác. Một trong những nguyên tắc được Lê Nguyên Đại “quán triệt” suốt bấy lâu nay là: Khi nhậu, có thể nói đủ mọi chuyện, từ chuyện thời sự xã hội đến chuyện hậu trường văn nghệ và học giới, nhưng tuyệt nhiên không bàn chuyện làm ăn. Có lẽ chính nhờ nguyên tắc này mà tôi có dịp biết nhiều chi tiết hơn về cuộc đời ông: Một thanh niên xứ Quảng rời quê nghèo vào Sài Gòn lập nghiệp và đã lập nghiệp được bằng sự nỗ lực vươn lên của chính mình một sinh viên có may mắn được thụ giáo với những nhà nghiên cứu triết học tên tuổi như Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Đăng Thục v.v... và nhờ thế mà biết yêu cái vẻ đẹp màu xám của triết học, một ông thầy giáo luôn trăn trở với sứ mệnh bồi đắp tâm hồn và trí tuệ cho học trò thông qua những cuốn sách có giá trị. Và trên phương diện cuối cùng này, tôi tin rằng, những ấn phẩm mang thương hiệu Thời Đại của Lê Nguyên Đại chính là sự nối dòng của những ấn phẩm mang thương hiệu An Tiêm, Lá Bối lừng danh ngày trước. Đó là những cuốn sách có giá trị giúp mỗi người đọc tự nâng cao cái cogito - cái Tôi tư duy – của chính mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005