Thomas Jefferson: Tác giả Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ

01:25 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Bảy, 2017

Ông Thomas Jefferson là một nhà ngoại giao, một nhà lý thuyết chính trị, vị sáng lập ra Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ nhưng ông được ghi nhớ do chức vụ Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ và ông cũng là tác giả “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập”...

Ông Thomas Jefferson đã tin tưởng rằng “những người nào chịu khó lao động trên mặt đất là những người được Thượng Đế chọn lựa”. Xã hội lý tưởng của ông vào thời đại đó là một quốc gia gồm các chủ trại sinh hoạt dưới sự kiểm soát tối thiểu của chính quyền. Ông Thomas Jefferson tin tưởng rằng đa số người dân có thể tự quản và nên giữ cho chính quyền vừa đơn giản, vừa ít phí phạm. Do lòng yêu chuộng Tự Do, ông đã tranh đấu cho các nền tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo và các tự do dân sự khác. Ông mạnh dạn ủng hộ việc thêm vào Hiến Pháp Hoa Kỳ bản Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa Kỳ(the Bill of Rights).

Trong hai nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Jefferson, lãnh thổ Hoa Kỳ đã tăng gấp hai diện tích nhờ mua lại vùng đất Louisiana và Hoa Kỳ đã ở vị thế trung lập trong khi các đạo quân của Napoléon đánh chiếm nhiều nơi tại châu Âu.

Ông Thomas Jefferson còn có nhiều tài năng đặc biệt khác. Ông là một trong các vị kiến trúc sư hàng đầu của thời đại. Chính ông vẽ kiểu cho Điện Capitol của thủ phủ tiểu bang Virginia, vẽ đồ án cho trường Đại Học UVA (University of Virginia) và họa đồ tòa dinh thự Monticello của ông. Ông cũng chơi giỏi đàn vĩ cầm trong các ban nhạc thính phòng và do quý trọng bộ môn Hội Họa, ông đã thu xếp để nhà điêu khắc lừng danh người Pháp Jean Houdon tới Hoa Kỳ nặn tượng cho ông George Washington.

Ngoài ra ông Thomas Jefferson còn là Chủ Tịch của Hội Triết Học Mỹ Quốc (the American Philosophical Society), một tổ chức bao gồm nhiều công cuộc khảo cứu Khoa Học và Văn Hóa. Bộ sưu tập 6,400 cuốn sách của ông đã là phần chính của Thư Viện Quốc Hội thời đó.

Ông Thomas Jefferson là một luật gia xuất sắc, đã đề nghị nhiều đạo luật hữu ích, viết ra nhiều tác phẩm với tinh thần của một công dân cởi mở, thực tiễn, hướng về đại chúng. Chính nhờ ông mà hiện nay tại Hoa Kỳ, hệ thống tiền tệ theo cách tính thập phân được sử dụng.

Ngày nay, mọi công dân Hoa Kỳ thụ hưởng được rất nhiều điều tốt lành phần lớn là do lòng tận tụy của ông Thomas Jefferson đối với các nhân quyền (human rights). Chính ông Thomas Jefferson đã hoạch định một loại chính quyền mà 37 năm về sau, trong bài Diễn Văn tại Gettysburg, ông Abraham Lincoln đã mô tả chính quyền Hoa Kỳ phải là “của Dân, do Dân và vì Dân”.

1- Thuở thiếu thời tại Virginia

Cậu Thomas Jefferson chào đời ngày 13 tháng 4 năm 1743 tại Shadwell, một miền đất đỏ phía tây của hạt Albemarle, Virginia, gần ngọn đồi mà sau này có tòa nhà Monticello. Cha của cậu, ông Peter Jefferson, là một người đo đất có gốc tổ tiên miền Welsh, còn bà mẹ, Jane Randolph, thuộc một gia đình quý tộc cổ của miền Virginia. Thomas là người con thứ ba và là con trai lớn của gia đình gồm 4 trai 6 gái. Phần lớn những người anh chị em này đã chết khi tuổi còn thơ. Thomas đã trải qua 7 năm trong số 9 năm đầu tiên tại Tuckahoe, một nông trại của gia đình Randolph bên bờ sông James, gần Richmond, tiểu bang Virginia.

Năm Thomas lên 9 tuổi, gia đình Jefferson dọn trở về Shadwell và tại nơi này, cậu Thomas đã tập đọc và tập viết tại trường học và cậu cũng được cha dạy kèm. Ông Peter đã dạy cho con học cách câu cá, cách săn bắn gà lôi rừng (wild turkeys), săn hươu nai gần dòng sông Rivanna cùng cách cưỡi ngựa. Cậu Thomas cũng học kéo đàn vĩ cầm và biết yêu chuộng âm nhạc từ dạo đó.

Khi Thomas được 14 tuổi, ông Peter qua đời. Cậu Thomas trở nên gia trưởng vì là con rai lớn trong nhà. Cậu thừa hưởng hơn 1,000 mẫu đất cùng với hơn 20 người nô lệ, trong khi gia sản do người quản gia tên là John Harvie trông nom.

2- Học vấn

Cậu Thomas Jefferson bắt đầu đi học từ khi được 5 tuổi rồi khi lên 9 tuổi, vào ở nội trú trong trường học điều khiển do Mục Sư William Douglas, một vị tu sĩ gốc Tô Cách Lan. Về sau, cậu Thomas còn ghi nhớ rằng các loại bánh nướng trái cây (pies) của ông Douglas ngon tuyệt vời và các bài giảng của ông cũng rất xuất sắc, ngoại trừ về văn học cổ điển.

Ngoài các môn học thông thường, cậu Thomas còn được học về tiếng La Tinh, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp. Sau khi cha chết, Thomas theo học ngôi trường gần Charlottesville của Mục Sư James Maury, một tu sĩ theo Anh Cát Giáo và cũng là một học giả. Cậu được huấn luyện về lòng nhân đạo và về niềm tin vào Thượng Đế nhưng cậu không hoàn toàn tin tưởng vào một tổ chức tôn giáo nào.

Năm 1760, vào tuổi 16, Thomas Jefferson theo học Đại Học Williams and Mary tại Williamsburg. Đây là thủ đô của miền thuộc địa Virginia với dân số thời đó chỉ vào khoảng 1,000 người. Thomas làm quen với xã hội thành thị và trong 2 năm trường, cậu học về Toán học, Văn chương và Triết học với Tiến Sĩ William Small, một học giả gốc Tô Cách Lan. Năm 1762, Tiến Sĩ Small đã thu xếp để Thomas Jefferson học luật với vị Thẩm Phán George Wythe, một trong các vị luật gia uyên thâm nhất của địa phương. Ông George Wythe đã gây ảnh hưởng tới Thomas Jefferson rất nhiều và chính ông Wythe sau này cũng là một trong các vị ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập.

Nhờ sự quen biết với hai ông Small và Wythe, Thomas Jefferson được giới thiệu với Thống Đốc Francis Fauquier. Bốn người này thường trải qua các buổi chiều tại tư dinh của Thống Đốc, bàn luận về thời cuộc cũng như dạo các bản nhạc thính phòng. Cũng nhân dịp này, Thomas Jefferson được gặp Patrick Henry.

Trong thời gian học môn Luật với Thẩm Phán Wythe, Thomas Jefferson đã quan tâm tới sự căng thẳng chính trị giữa nước Anh và các thuộc địa Bắc Mỹ. Cuộc chiến tranh Bẩy Năm (1756-63), hay còn được gọi là cuộc chiến tranh Pháp và người Da Đỏ (the French and Indian War)đã loại người Pháp ra khỏi nước Ấn Độ và lục địa Bắc Mỹ. Người Pháp đã bị người Anh thay thế và thế lực Anh đã lấn át tại phía tây bán cầu và trên các mặt biển. Nước Anh nhờ thế đã thụ hưởng được sự phát triển thương mại trên rất nhiều lãnh thổ. Năm 1760, Vua George III lên ngôi nhưng do sự bất lực của nhà Vua này, đã sinh ra các bất ổn đối với các xứ thuộc địa Bắc Mỹ.

Tại miền Bắc Mỹ, các doanh nhân thường buôn lậu với các kẻ địch và các quốc hội lục địa đã không cung cấp nhân lực và tiếp liệu cho chính quyền Anh trong khi số nợ nần của nước Anh đã tăng lên do việc quản trị các vùng đất mới. Để có tiền, Quốc Hội nước Anh đã thông qua Đạo Luật Tem Thuế (the Stamp Act) vào tháng 3-1765 để gia tăng lợi tức cho nước Anh. Khi đạo luật này được công bố, Thomas Jefferson đã được nghe Patrick Henry dùng lời hùng biện, đả kích sự bất công và cho rằng Quốc Hội Anh không có quyền đánh thuế các thuộc địa Bắc Mỹ. Sau này, Thomas đã kể lại rằng: “Đối với tôi, ông Henry đã nói hùng hồn giống như Thi Hào Homer đã làm thơ vậy”.

Năm 1767, Thomas Jefferson được nhận vào Luật Sư Đoàn và bắt đầu hành nghề luật sư một cách khá thành công. Ông đã chia thời gian qua lại hai địa điểm là Williamsburg và Shadwell. Tại nơi sau này, ông đã vẽ kiểu và trông coi xây dựng tòa nhà Monticello trên một ngọn đồi gần đó.

Thomas Jefferson cưới bà góa phụ Martha Wayles Skelton năm 1772. Bà này là con gái của ông John Wayles, một luật sư danh tiếng sống gần Williamsburg. Theo chuyện kể lại, chính nhờ âm nhạc mà ông Thomas đã chiếm được cảm tình của bà Martha vì một nhân vật khác cũng theo đuổi bà Martha đã phải bỏ cuộc khi nhìn thấy hai người hòa đàn vĩ cầm và dương cầm (harpsicord). Sau đó, gia đình Jefferson đã an cư tại Monticello, dù cho tòa nhà lớn này chưa xây xong. Họ có 1 con trai và 5 con gái nhưng chỉ có hai người con gái sống nổi tới tuổi trưởng thành là Martha (1772-1836) và Mary (1778-1804). Bà Martha Jefferson qua đời năm 1782, sau 10 năm kết hôn. Ông Thomas Jefferson đã không lập gia đình nữa mà lo chăm sóc hai người con gái.

3- Nhà chính trị thuộc địa

Tháng 5 năm 1769, ông Thomas Jefferson được bầu vào Viện Lập Pháp xứ Virginia (the House of Burgesses) và đã phục vụ tại nơi này cho tới năm 1775. Ông Jefferson không phải là một nhà hùng biện nhưng đã tỏ ra là một nhà viết luật nhiều khả năng, với biệt tài dùng tiếng Anh vừa đơn giản, vừa rõ ràng mà các nhà lập pháp khác có kinh nghiệm cũng phải sớm công nhận.

Trong các năm còn trẻ, Thomas Jefferson đã thừa hưởng đất đai của cha để lại, gồm các miền đồi núi Piedmond thuộc xứ Virginia và do đó, đã liên lạc thường xuyên với các người quý tộc Tidewater và được chấp nhận vào giai cấp này, nhưng tư tưởng chính trị của ông Jefferson lại thiên về những người di dân gốc Đức, Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan, là những kẻ khai phá các miền đất hoang thành những nông trại nhỏ. Tới khi được bầu vào Viện Lập Pháp Virginia, ông Jefferson là nhân viên trong nhóm chính trị gia gồm Patrick Henry, Richard Henry Lee và Francis Lightfoot Lee. Những nhân vật này thường tranh cãi với các nhà quý tộc Tidewater trong các buổi thảo luận về các vấn đề giữa nước Anh với các xứ thuộc địa Bắc Mỹ.

Vào các năm về trước, việc chống đối đạo luật Tem Thuế tại các xứ thuộc địa đã khiến cho các vấn đề tài chính của nước Anh không giải quyết được. Vì vậy vào năm 1767, do sự thúc giục của Giám Đốc Ngân Quỹ Charles Townshend, Đạo Luật Townshend đã được thông qua theo đó thuế được đánh lên các món hàng như trà, giấy, thủy tinh, chì, sơn mà người thuộc địa Bắc Mỹ phải nhập cảng từ nước Anh. Để họp bàn chống lại Đạo Luật Townshend, các người yêu nước xứ Virginia thường gặp nhau tại căn phòng Apollo của nhà hàng nổi danh Raleigh Tavern thuộc thành phố Williamsburg, họ chống lại đạo luật kể trên và chủ trương không nhập cảng hàng hóa từ nước Anh.

Năm 1774, việc tranh cãi với nước Anh lại dội lên. Ông Jefferson đã đứng đầu việc tổ chức chống nhập cảng và kêu gọi tất cả các xứ thuộc địa nên họp lại với nhau và cùng bày tỏ phản ứng. Ông được chọn làm đại biểu cho hạt (county) Albemarle tại Đại Hội Virginia lần thứ nhất, rồi từ đại hội này, các đại biểu của xứ Virginia được bầu ra để tham dự Quốc Hội Lục Địa thứ nhất, nhưng vì bị bệnh và không thể tham dự các buổi họp được, ông Thomas Jefferson đã gửi tới Đại Hội các bài viết nói rõ quan điểm của mình đối với cuộc khủng hoảng.

Thomas Jefferson đã lý luận rằng Quốc Hội Anh không có quyền kiểm soát các xứ thuộc địa Bắc Mỹ. Ông đã so sánh các người Anh đầu tiên định cư tại Mỹ Châu giống như những người Saxons đầu tiên tới nước Anh hàng trăm năm về trước, và những người Saxons này đã xuất phát từ miền đất mà ngày nay là nước Đức. Như vậy, các người định cư ban đầu khi tới châu Mỹ, đã dùng tới các quyền tự nhiên (their natural rights) của họ để di dân. Ông Jefferson cho rằng các thuộc địa hiện nay có thể trung thành với nhà Vua Anh vì họ được tự do lựa chọn sự trung thành đó. Vào thời bấy giờ, phần lớn các cư dân của xứ Virginia đã coi các quan điểm của ông Thomas Jefferson là thái quá. Các quan điểm này đã được in vào năm 1774 thành một tập sách mỏng có tên là “Quan điểm tóm lược về các quyền lợi của Bắc Mỹ thuộc Anh” (A Summary View of the Rights of British America).

Mùa xuân năm 1775, ông Thomas Jefferson tham dự Đại Hội Virginia thứ hai (the Second Virginia Convention). Đại Hội này đã chọn ông làm một trong các đại biểu để đi họp tại thành phố Philadelphia. Quốc Hội Virginia đã nhờ ông Jefferson trả lời một bức thư hòa bình của Lord North, vị Thủ Tướng Anh thời đó. Thủ Tướng North đã đề nghị rằng Quốc Hội Anh sẽ không đánh thuế các người định cư tại Bắc Mỹ nếu những người này chịu đánh thuế chính họ. Dù cho thư trả lời đã ôn hòa hơn là tập sách “Quan Điểm” nhưng ông Jefferson đã bác bỏ đề nghị của Thủ Tướng Anh và nhấn mạnh rằng một chính quyền phải được lập nên tại Bắc Mỹ cho các người thuộc địa và không phải cho người Anh. Sau đó, Quốc Hội Lục Địa đã chấp thuận bức thư của ông Jefferson gửi cho Thủ Tướng North.

4- Tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và nhà làm luật Virginia

Tại Quốc Hội Lục Địa, ông Thomas Jefferson đã là một nhân vật dẫn đầu. Sau khi cuộc Chiến Tranh Cách Mạng xẩy ra, ông Jefferson được yêu cầu thảo ra “Bản Tuyên Bố các nguyên do và sự cần thiết phải cầm lấy võ khí” (a Declaration of the Causes and Necessity of Taking up Arms). Quốc Hội sau đó đã thấy rằng bản thảo này “quá mạnh” nên đã nhờ một nhân vật ôn hòa hơn là ông John Dickinson viết ra một bản thay thế nhưng văn bản mới gồm phần lớn các quan điểm của ông Jefferson.

Vào mùa xuân năm 1776, ý kiến của các đại biểu Quốc Hội Lục Địa càng nghiêng về nền Độc Lập của các xứ thuộc địa Bắc Mỹ. Ngày 7 tháng 6 năm đó, Richard Henry Lee thuộc xứ Virginia đã đưa ra một bản nghị quyết nổi danh, đó là “Các Thuộc Địa Liên Hiệp này phải có quyền và phải là các xứ tự do và độc lập” (these United Colonies are, and of right ought to be, free and independent states). Sau đó, Quốc Hội Lục Địa đã chỉ định một ủy ban để soạn thảo ra Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ủy Ban này gồm: Thomas Jefferson, John Adams, Benjamin Franklin, Roger Sherman và Robert Livingston. Ủy ban đồng thanh cử ông Jefferson viết ra bản thảo và đã đồng ý với rất ít thay đổi. Ngày 2 tháng 7, Quốc Hội Lục Địa bắt đầu tranh luận và Bản Tuyên Ngôn Độc Lập được chấp thuận vào ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Bản Tuyên Ngôn Độc Lập là công trình lừng danh nhất của ông Thomas Jefferson. Bản văn đó đã diễn tả được tính hùng biện với lời văn mạnh mẽ theo pháp lý, biện hộ thế đứng của cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ. Bản văn đó cũng xác nhận niềm tin vào các quyền lợi tự nhiên của tất cả mọi người. Các ý tưởng này phần lớn không phải là mới lạ vì theo lời ông Jefferson, mục đích của ông là đặt lương tri của nhân loại vào việc cứu xét đề tài, bằng những lời văn vừa bình dị, vừa cương quyết khiến cho mọi người cùng đồng ý, và bản văn đó cũng là cách mô tả tinh thần độc lập của người Mỹ.


Jefferson xem lại bản nháp Tuyên ngôn Độc lâp với Adams và Franklin.

.

Tháng 9 năm 1776, ông Thomas Jefferson rời khỏi Quốc Hội Lục Địa và sau đó, lại phục vụ tại Viện Dân Biểu Virginia (the Virginia House of Delegates). Ông Jefferson tự nhận không có khả năng phục vụ Quân Đội trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, nhưng lại có thể trở thành một nhà làm luật hữu ích. Chỉ sau 5 ngày phục vụ trong ngành lập pháp, ông Jefferson đã bắt đầu một chương trình cải cách rộng lớn, đầu tiên liên quan tới việc phân phối đất đai.

Tại xứ Virginia, một số người giàu có đã chiếm giữ nô lệ và kiểm soát các vùng đất rộng lớn khiến cho việc phân phối đất đai không công bằng. Chính quyền thuộc địa địa phương lại hạn chế quyền bầu cử và giới hạn các cơ hội giáo dục. Ông Thomas Jefferson được bầu vào Hội Đồng Duyệt Xét (the Board of Revisors). Trong hai năm, ông đã xây dựng được một bộ luật mà ông hy vọng rằng sẽ xóa đi mọi cơ cấu quý tộc cổ xưa và tương lai, để đặt nền móng cho một chính phủ của nhân dân. Giai cấp quý tộc căn cứ vào tài sản và gia đình đã dần dần phải nhường chỗ cho “giai cấp quý tộc của tài năng và đức hạnh”, vì các đạo luật sau của ông Thomas Jefferson : (1) Đạo luật tiêu hủy luật giới hạn về thừa kế (the bill abolishing entails), (2) đạo luật tiêu hủy quyền thừa kế của con trưởng (the bill abolishing primogeniture), (3) đạo luật tự do tôn giáo (the statute for religious freedom) nhờ đó đã bảo đảm sự tự do trí tuệ và phân cách “nhà thờ” và “quốc gia”, hủy bỏ các đặc quyền của “nhà thờ Anh Cát Giáo” (the Anglican church), giới tu sĩ không còn được hưởng lương bổng của chính quyền và người dân Virginia không còn phải đóng thuế để yểm trợ nhà thờ nữa, (4) đạo luật về giáo dục tổng quát (the bill for general education) đã cho phép mọi người, bất kể tài sản hay nguồn gốc chủng tộc, đều được hưởng nền giáo dục miễn phí. Đạo luật về giáo dục này tuy chưa được thông qua ngay, nhưng đã là nền móng cho các hệ thống trường học công lập và thư viện miễn phí của Hoa Kỳ.

Vào các thập niên trước, chỉ những người có đất đai mới có quyền đi bầu cử nhưng nhờ các đạo luật do ông Jefferson đề xướng, các vùng đất rộng lớn được chia nhỏ ra, khiến cho nhiều người đã có đất canh tác và số người đi bầu cũng tăng lên. Ông Thomas Jefferson cũng đưa ra các đạo luật cho phép các di dân có được quốc tịch Mỹ sau khi đã sinh sống tại Virginia hai năm. Ngoài việc cứu xét lại hệ thống luật pháp của xứ Virginia và luật đất đai, ông Jefferson còn sửa đổi cả Hình Luật (Criminal Law). Ông Jefferson còn dự tính chấm dứt chế độ nô lệ nhưng ông đã không làm mạnh vì cho rằng người dân của xứ thuộc địa này chưa sẵn sàng với việc cải cách đó. Dù sao, ông Thomas Jefferson vẫn tin tưởng rằng chế độ nô lệ thì sai nhầm về luân lý và không thể tồn tại vĩnh viễn tại các xứ Bắc Mỹ.

5- Thống Đốc Tiểu Bang và Dân Biểu Quốc Hội

Trong 2 năm 1779 và 1780, Quốc Hội xứ Virginia đã bầu ông Thomas Jefferson làm Thống Đốc tiểu bang 2 lần, mỗi nhiệm kỳ 1 năm. Trong thời gian nhậm chức của ông, xứ Virginia đã phải chịu đựng nhiều hậu quả nặng nề của cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Theo lời yêu cầu của Tướng George Washington, ông Jefferson đã lấy bớt các tài nguyên và nhân lực bảo vệ xứ Virginia để dùng trợ giúp Quân Đội Cách Mạng và trong số các nhân vật tới Virginia tuyển quân, có ông James Monroe và cũng vì thế, hai ông Monroe và Jefferson đã trở nên đôi bạn lâu năm.

Năm 1781, các đoàn quân Anh đánh chiếm xứ Virginia. Miền này đã không thể chống cự được và chính ông Jefferson cũng suýt bị bắt vào ngày 4 tháng 6 năm đó, khi các đội quân của Tướng Banastre Tarleton càn quét miền Monticello. Ngày 2 tháng 6, nhiệm kỳ thống đốc của ông Jefferson chấm dứt. Ông Jefferson bị chỉ trích là đã không thể chống cự được Quân Đội Anh và sự việc này đã làm tổn thương danh dự của ông Jefferson trong nhiều năm, dù cho một cuộc điều tra về sau đã xóa đi sự kết tội này. Sau đó, ông Thomas Nelson Jr. là vị sĩ quan đứng đầu đoàn Dân Quân của xứ Virginia đã thay thế ông Jefferson làm Thống Đốc.

Ông Thomas Jefferson trở lại Monticello, lòng cay đắng và đã quyết định sẽ mãi mãi từ bỏ mọi công vụ. Ông bắt đầu viết tác phẩm: “Ghi chép về Tiểu Bang Virginia” (Notes on the State of Virginia, 1784-85). Đây là cuốn sách chứa đựng rất nhiều dữ kiện của xứ Virginia và nhiều niềm tin và lý tưởng của ông Jefferson.

Tháng 9 năm 1782, bà vợ Martha của ông Jefferson qua đời, đã khiến cho ông vừa điên dại, vừa rối trí. Trong nhiều tháng trường, ông Jefferson đã không cầm bút viết gì cả và nói chuyện với rất ít người quen. Ông đã nói với bạn bè về cái chết của vợ: “một sự kiện duy nhất đã xóa sạch mọi chương trình của tôi và đã đặt tôi vào một khoảng trống mà tôi không còn tinh thần nào để lấp đầy nữa”.

Năm 1783, ông Thomas Jefferson được bầu vào Quốc Hội. Ông nhận nhiệm vụ này bởi vì ông cho rằng công vụ sẽ khiến cho tinh thần ông ra khỏi thảm kịch cá nhân. Trong thời gian làm việc tại Quốc Hội, ông Jefferson lại bận rộn với nhiều công việc làm luật nhưng lần này, trên tầm vóc quốc gia. Ông đã là chủ tịch của nhiều ủy ban. Ông đã viết ra nhiều bản phúc trình quan trọng như:

(1) Phúc trình về chính quyền dùng cho lãnh thổ phía Tây (On Government for the Western Territory): đây là tài liệu căn bản cho sự phát triển của Hoa Kỳ. Ngay từ đầu cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, nhiều xứ thuộc địa đã tranh giành các miền đất thuộc phía tây của rặng núi Appalachian. Dưới sự lãnh đạo của ông Thomas Jefferson, tiểu bang Virginia đã từ bỏ việc giành đất từ năm 1784 và các tiểu bang khác cũng noi theo, nhờ đó Lãnh Thổ Tây Bắc (the Northwest Territory) đã được tạo nên. Sau đó chính quyền đã gặp các vấn đề làm sao xếp đặt và quản trị miền đất mới. Quốc Hội Hoa Kỳ thời đó đã chỉ định hai ủy ban để cứu xét các vấn đề và ông Jefferson đã là chủ tịch của cả hai ủy ban. Năm 1784, ông Jefferson đệ trình một bản dự thảo về cách tổ chức hành chính của các miền đất phía tây theo đó, toàn vùng sẽ được phân chia thành nhiều tiểu bang mới, mỗi tiểu bang sẽ được chấp nhận vào Liên Bang theo căn bản hoàn toàn bình đẳng với 13 tiểu bang nguyên thủy.

(2) Nhận xét về cách thiết lập đơn vị tiền tệ (the Notes on the Establishment of the Money Unit): bản phúc trình này đã đưa tới việc chấp nhận hệ thống thập phân hiện nay của Hoa Kỳ, gồm các loại tiền xu bằng đồng, tiền hào (dime) bằng bạc và tiền Mỹ kim (dollar). Loại tiền 5 xu (nickel) và tiền 2 mỹ kim đã không thuộc đề nghị của ông Jefferson.

Ngoài ra còn có các đạo luật về đất đai năm 1784 và 1785 của ông Jefferson được dùng làm căn bản cho các chính sách đất đai sau này của Hoa Kỳ.

6- Công sứ tại Pháp

Vào tháng 5 năm 1784, Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý cử ông Thomas Jefferson qua nước Pháp để tham gia cùng các ông John Adams và Benjamin Franklin trong việc thương lượng các hiệp ước thương mại. Tới năm sau, do ông Franklin từ chức Công sứ tại Pháp, ông Jefferson được lên kế tiếp chức vụ. Về sự việc này, có người đã hỏi ông Jefferson: “Có phải Ngài đã thay thế ông Franklin không?”, thì ông Jefferson đã trả lời bằng câu: “Thưa không, tôi kế tiếp ông ấy vì không có ai có thể thay thế ông Franklin”. Thực vậy, ông Thomas Jefferson đã là người theo rất gần các đường hướng của ông Benjamin Franklin đáng kính. Ông Jefferson đã lưu lại châu Âu cho tới mùa thu năm 1789 và đã khéo léo thi hành các phương pháp ngoại giao trong hòa bình.

Vào thời điểm này, nước Pháp đang sôi sục vì phong trào Cách Mạng. Các người cải cách đã coi ông Thomas Jefferson là một nhân vật dẫn đầu về Tự Do vì các bài viết chính trị và những cải tiến luật pháp của ông tại xứ Virginia. Hầu Tước De Lafayette, một người đã từng chiến đấu trong cuộc chiến giành Độc Lập của Hoa Kỳ, cũng như các người ôn hòa khác, thường xin các lời khuyên của ông Jefferson nhưng ông Jefferson đã cố gắng đứng ngoài nội tình chính trị của nước Pháp. Dù thế, ông vẫn thảo ra Bản Hiến chương các Dân Quyền (Charter of Rights) đệ trình lên Vua Pháp. Văn kiện này và các tài liệu khác của ông Jefferson đã nghiêng về đường lối ôn hòa bởi vì, mặc dù có cảm tình với cuộc Cách Mạng Pháp do những nguyên nhân tương tự như cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, ông Jefferson nhận thấy rằng đại chúng Pháp chưa sẵn sàng với một chính phủ có nhân dân đại diện giống như tại Hoa Kỳ.

Khi qua nước Pháp, ông Thomas Jefferson đã mang theo cô con gái Martha rồi tới năm 1787, cô Mary cũng sang theo. Cả hai cô con gái này đã theo học trường dòng tại Paris. Cũng trong thời gian phục vụ tại nước Pháp, ông Thomas Jefferson đã đi thăm nhiều nơi tại châu Âu và đã học hỏi được rất nhiều, nhất là về Canh Nông và Kiến Trúc. Ông đã quan tâm tới cách trồng lúa của người dân Ý và đã đưa lén hạt lúa giống về Hoa Kỳ để trồng tại hai xứ South Carolina và Georgia. Ông Jefferson cũng báo cho Quốc Hội Hoa Kỳ biết về sự phát minh ra máy dập (a stamping press), loại máy có thể sản xuất hàng loạt các bộ phận cơ khí. Về kiến trúc, ông Jefferson đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều dinh thự trong đó có Tòa Nhà Maison Carrée tại Nimes, để sau này ông vẽ nên Điện Capitol Mới tại Richmond của tiểu bang Virginia.

Vì muốn làm ổn định các công việc tại Hoa Kỳ, ông Jefferson đã nộp đơn xin rời khỏi nước Pháp vào năm 1789 và ông đã xuống tầu về xứ vào tháng 10 năm đó.

7- Chính Khách của Hoa Kỳ

Trong thời gian ông Thomas Jefferson công tác tại nước Pháp, mọi công dân Mỹ đều bận rộn với việc tổ chức chính quyền. Các nhà chính trị Bắc Mỹ đã hội họp vào năm 1787 và thảo ra Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ (the Constitution of the United States). Trong thời kỳ soạn thảo, ông James Madison, một người bạn, đã gửi tới ông Jefferson một bản thảo và tuy đồng ý với các điểm nêu ra trong bản thảo này, ông Jefferson đã nhấn mạnh rằng bản văn còn thiếu phần ghi các dân quyền. Sau khi Bản Hiến Pháp được đồng thanh chấp thuận, ông James Madison đã bổ túc bằng 10 tu chính án, văn kiện này về sau trở nên Đạo Luật Dân Quyền (the Bill of Rights).

Ông Thomas Jefferson cùng với hai cô con gái trở về Monticello, Virginia, trước lễ Giáng Sinh năm 1789, khi đó Bản Hiến Pháp đã được thông qua và Tổng Thống George Washington đang chờ đợi ông với chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao trong Nội Các mới. Ông Jefferson đã nhận nhiệm vụ này sau một thời gian do dự.

Ông Thomas Jefferson đã là vị Bộ Trưởng Ngoại Giao đầu tiên của Hoa Kỳ và trong suốt thời gian tại chức, ông Jefferson đã là trung tâm của một cơn lốc chính trị vừa phức tạp, vừa cay đắng. Sự khác biệt về chính kiến đã xẩy ra giữa ông Jefferson và ông Hamilton, Bộ Trưởng Ngân Khố và về sau, với ông John Adams.

Ông Alexander Hamilton (1755-1804) sinh ngày 11-1-175l tại đảo Nevis, miền Tây Ấn thuộc Anh, với cha mẹ gốc Pháp và Tô Cách Lan. Khi được 15 tuổi, cậu Alexander được gửi theo học tại trường King’s College (ngày nay là Đại Học Columbia). Ông Hamilton đầu quân vào đại đội Pháo Binh của tiểu bang New York, sớm mang lon Đại Úy rồi được giới thiệu với Tướng George Washington. Từ năm 1777 tới 1781, ông Alexander Hamilton đã phục vụ trong bộ tham mưu của Tướng George Washington với cấp bậc Trung Tá.

Trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng, ông Hamilton chủ trương rằng quốc gia Hoa Kỳ cần phải có một chính quyền trung ương thật mạnh, được cai trị bởi những người quý tộc có nguồn gốc hoặc giàu có, hoặc gia thế, và ông tin tưởng rằng chế độ Quân Chủ giới hạn như của nước Anh là một hình thức chính quyền tốt đẹp nhất. Cùng với các ông James Madison và John Jay, ông Alexander Hamilton đã viết một loạt bài luận văn chính trị và ký tên là Nhóm Liên Bang (the Federalist). Các luận văn này ngày nay được coi là các bài bình luận cổ điển về Hiến Pháp (Federalist Papers). Ông Hamilton cũng đồng ý việc Quốc Hội nhận lãnh các món nợ nần của các tiểu bang trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng. Đề nghị này đã gây nên các phản đối mãnh liệt, nhất là tại tiểu bang Virginia và các tiểu bang phía nam, là các nơi đã trả hết nợ. Các tiểu bang này không muốn trả nợ giùm cho các địa phương khác.

Trái ngược với ông Alexander Hamilton thiên về chính quyền trung ương Liên Bang, ông Thomas Jefferson lại tin tưởng mãnh liệt vào quyền lợi của tiểu bang. Ông Hamilton thân Anh Quốc thì ông Jefferson lại ưa thích cuộc Cách Mạng Pháp. Ông Jefferson chống đối các chương trình nâng đỡ kỹ nghệ và vận chuyển đường biển của ông Hamilton vì ông muốn Hoa Kỳ là một quốc gia của các nhà nông. Đề nghị của ông Hamilton về Ngân Hàng Quốc Gia (national bank) cũng làm cho ông Jefferson lo ngại, cho rằng một ngân hàng như vậy sẽ đưa đến việc đầu cơ tài chính và làm tổn thương các quyền lợi của nông dân. Cuối cùng, Tổng Thống George Washington đã thiên về ý kiến của ông Hamilton và chấp thuận việc thành lập Ngân Hàng Quốc Gia.

Ông Jefferson đã làm phát triển lý thuyết “cấu tạo giới hạn” (strict construction) theo đó chính quyền trung ương chỉ nên có các quyền hạn được nói rõ trong Bản Hiến Pháp, trong khi ông Hamilton đáp lại bằng cách “cắt nghĩa rộng rãi” (loose interpretation) của Hiến Pháp theo đó những gì mà Hiến Pháp Hoa Kỳ không rõ ràng chối bỏ thì chính quyền trung ương có thể thi hành. Hai nhân vật trái ngược nhau này đã là các nhà lãnh đạo của hai đảng phái chính trị đầu tiên của Hoa Kỳ: đảng Liên Bang (the Federalists) theo các nguyên tắc của ông Hamilton và đảng Dân Chủ-Cộng Hòa (the Democratic Republicans) với ông Jefferson để rồi về sau trở thành đảng Dân Chủ ngày nay (the modern Democratic party).

Mặc dù các bất đồng và thù hận rõ ràng đối với ông Alexander Hamilton, ông Thomas Jefferson vẫn ở trong Nội Các cho tới cuối năm 1793 vì lòng trung thành đối với Tổng Thống George Washington.

Đối với các chính sách đối ngoại, Tổng Thống Washington thường ủng hộ đường lối của ông Jefferson nhưng lại muốn Hoa Kỳ đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp giữa hai nước Anh và Pháp. Ông Jefferson về mặt đối ngoại cũng đã cố gắng vận động nước Anh từ bỏ các đồn lũy nằm trong Lãnh Thổ Tây Bắc, đồng thời với việc đòi hỏi lưu thông tự do dành cho các tầu thuyền trên dòng sông Mississippi.

Vào cuối nhiệm kỳ Tổng Thống thứ nhất của ông George Washington, ông Jefferson đã cùng các nhân vật nội các khác yêu cầu Tổng Thống Washington lãnh thêm một nhiệm kỳ thứ hai, trong khi nội tâm của ông lại quá chán nản với công việc hành chính và muốn vượt thoát ra khỏi “nghề làm chính trị đáng ghét”. Cuối cùng, ông Jefferson đã van nài được Tổng Thống Washington chấp thuận đơn xin từ chức của ông.

Tháng giêng năm 1794, ông Jefferson trở lại Monticello, hy vọng tìm lại hạnh phúc nơi các người bạn hàng xóm và sách vở, bận rộn với các công việc nông trại và có thời giờ sống cho mình. Nhưng cuộc sống ẩn dật này đã không kéo dài được lâu. Các người Dân Chủ-Cộng Hòa đã ủng hộ và đề nghị ông Thomas Jefferson làm ứng viên, ra tranh cử chức vụ Tổng Thống với ông John Adams, một ứng viên của đảng Liên Bang. Cuối cùng, ông Adams đã nhận được 71 phiếu cử tri và được bầu làm Tổng Thống. Ông Jefferson đứng thứ hai và theo luật lệ thời bấy giờ, đắc cử Phó Tổng Thống. Trong thời gian tại chức này, ông Jefferson đã không hoạt động tích cực được vì các nhân viên hành chính cao cấp phần lớn thuộc đảng Liên Bang. Ông Jefferson bèn tìm cách củng cố đảng Dân Chủ-Cộng Hòa và đã đạt được sự ủng hộ của các nông gia cỡ nhỏ, các người định cư biên giới và giới lao động miền Bắc. Liên lạc giữa hai ông Jefferson và ông Adams càng trở nên căng thẳng cho đến khi cả hai nhân vật này tuyệt giao với nhau vào năm 1800.

Trong thời gian làm Phó Tổng Thống và do chủ tọa Thượng Viện, ông Thomas Jefferson đã viết ra cuốn “Sách Hướng Dẫn các Thực Hành Nghị Viện” (Manual of Parliamentary Practice) mà ngày nay, Quốc Hội Hoa Kỳ còn sử dụng nhưng với hình thức đã được sửa đổi.

Vào nhiệm kỳ Tổng Thống của ông John Adams, đã có nhiều chỉ trích chính quyền từ các báo chí và các diễn giả. Để hạn chế các cuộc tấn công này, Quốc Hội Hoa Kỳ của thời đó đã thông qua vào năm 1798 bốn biện pháp gọi là “Các đạo luật ngoại kiều và chống nổi loạn” (the Alien and Sedition Acts). Các biện pháp này gồm : (1) Đạo luật quốc tịch (Naturalization act) : người ngoại quốc phải cư ngụ tại Hoa Kỳ đủ 14 năm mới được phép nhập tịch, (2) Đạo luật ngoại kiều (alien act) : cho Tổng Thống có quyền trục xuất các ngoại kiều nào bị xét là “nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của Hoa Kỳ”, (3) Đạo luật ngoại kiều thù nghịch (alien enemies act, ngày nay còn áp dụng) : khiến cho các công dân của một quốc gia thù địch có thể bị trục xuất hay bị cầm tù trong thời chiến, (4) Đạo luật chống nổi loạn (sedition act) : cho phép kết án nặng nề các kẻ âm mưu hay có hành động chống chính quyền.

Tại khắp nơi, dân chúng đã lên tiếng phản đối các đạo luật kể trên vì các đạo luật này tước đi các tự do ngôn luận và báo chí, nhất là của đảng Dân Chủ-Cộng Hòa và ông Jefferson đã đứng đầu công cuộc chống đối các hạn chế đó. Ông Jefferson và ông James Madison đã bí mật giúp đỡ việc soạn thảo ra các “Nghị Quyết năm 1798” (the Resolutions of 1798) của các Viện Lập Pháp Virginia và Kentucky theo đó, các tiểu bang có quyền vô hiệu hóa các hành động của Liên Bang bị coi là vi hiến. Mục đích của các nghị quyết này là xét lại giá trị của các đạo luật đã được chính quyền Liên Bang thông qua để bảo vệ các quyền lợi của tiểu bang và duy trì các tự do cá nhân. 30 năm về sau, ông John Calhoun đã áp dụng quan điểm này vào lý thuyết vô hiệu hóa các đạo luật liên bang (theory of nullification of federal laws).


Hình ảnh Jefferson trên tờ 2 USD

.

8- Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ

Năm 1800, các đảng viên đảng Dân Chủ-Cộng Hòa lại chỉ định ông Jefferson làm ứng viên Tổng Thống và Thượng Nghị Sĩ Aaron Burr của tiểu bang New York làm ứng viên Phó Tổng Thống. Đảng Liên Bang tái đề cử Tổng Thống John Adams và chọn nhà ngoại giao Charles C. Pinckney của tiểu bang South Carolina đứng chung liên danh. Các đảng viên Liên Bang đã cảnh cáo dân chúng Mỹ rằng ông Jefferson là một nhà “cách mạng”, một kẻ vô chính phủ và một người không có đức tin. Một tu sĩ của miền Connecticut đã viết để ám chỉ ông Jefferson: “tôi không tin rằng Thượng Đế sẽ để một kẻ vô thần ngồi trên đầu của Quốc Gia”. Nhưng đảng Liên Bang đã chia rẽ nội bộ. Ông Hamilton đã cãi nhau với ông Adams và đã viết ra tập sách mỏng chỉ trích. Thêm vào đó là ảnh hưởng của đạo luật ngoại kiều và chống nổi loạn, tất cả đã làm lợi cho đảng Dân Chủ-Cộng Hòa.

Tới kỳ kiểm phiếu, ông Jefferson giành được 73 phiếu cử tri so với 65 phiếu của ông Adams. Các người thuộc đảng Dân Chủ-Cộng Hòa đã ăn mừng nhưng rồi họ lại sớm thất vọng khi biết tin mỗi cử tri Dân Chủ-Cộng Hòa đã bỏ một phiếu cho ông Jefferson và một phiếu cho ông Burr, như vậy hai ông này đã bằng phiếu nhau dù rằng ý định của cử tri đoàn là bầu ông Jefferson làm Tổng Thống. Tới lúc này, Viện Dân Biểu (the House of Representatives) phải đứng ra dàn xếp. Viện này lại gồm phần lớn những người thuộc đảng Liên Bang, họ ưa thích ông Burr hơn bởi vì họ cho rằng ông Burr dễ điều khiển hơn ông Jefferson. Nhưng ông Hamilton lại bất tín nhiệm ông Burr hơn là ông Jefferson, nên dùng ảnh hưởng khiến cho đa số đảng viên Liên Bang ủng hộ ông Jefferson. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng diễn ra vào ngày 17-2-1801, đã khiến ông Burr trở thành Phó Tổng Thống. Về sau, đã có một tu chính án theo đó mọi cử tri trong cử tri đoàn phải bỏ một phiếu cho chức vụ Tổng Thống và một phiếu khác cho chức vụ Phó Tổng Thống.

Ông Thomas Jefferson là vị Tổng Thống Hoa Kỳ đầu tiên được bầu trong cuộc tranh cử lưỡng đảng, vị đầu tiên tuyên thệ nhậm chức tại Thủ Đô D.C. và làm việc tại Tòa Bạch Cung (the White House). Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Jefferson đã nói năng ôn hòa hơn lúc tranh cử. Ông tuyên bố rằng: “mọi khác biệt về ý kiến không phải là sự khác biệt về nguyên tắc” và sau một thời gian ngắn, các thành viên thuộc đảng Dân Chủ-Cộng Hòa đã phải chấp nhận nhiều ý tưởng của các đảng viên Liên Bang.

Do không là một diễn giả hùng biện, ông Thomas Jefferson là vị Tổng Thống đầu tiên gửi Thông Điệp Hàng Năm (annual message) tới Quốc Hội, phương thức này đã được các Tổng Thống về sau noi theo cho tới năm 1913, khi Tổng Thống Woodrow Wilson lập lại thủ tục trình bày các vấn đề quốc gia trước Quốc Hội.

Sau lễ nhậm chức, ông Thomas Jefferson dọn vào “Tòa Nhà của Tổng Thống” (the President’s House), nơi này được xây cất nhưng chưa xong hẳn. Ông Jefferson đã cảm thấy cô đơn trong một dinh thự mà theo lời ông mô tả là “một tòa nhà bằng đá, đủ lớn để chứa hai Hoàng Đế, một vị Giáo Hoàng và một vị Lạt Ma”. Do bà vợ Martha của ông Jefferson đã qua đời hơn 18 năm về trước, bà Martha Randolph, con gái của ông, đôi khi phải đóng vai bà chủ nhà trong các cuộc tiếp tân và người cháu của ông Jefferson tên là James Randolph đã là đứa bé đầu tiên chào đời tại nơi này. Công việc trong Nhà Trắng này thường phải nhờ tới bà Dolley Madison, bà vợ ông Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Tại Tòa Bạch Cung, ông Thomas Jefferson đã giữ lại người đầu bếp gốc Pháp và cố gắng làm giản dị các nghi thức, cho phép các quan khách bắt tay Tổng Thống thay vì cúi đầu, và trong các bữa ăn, ông Jefferson đã dùng tới loại bàn tròn để mọi người đều cảm thấy quan trọng ngang nhau.

Khi nắm quyền hành Tổng Thống, ông Thomas Jefferson chủ trương rằng chính quyền Liên Bang nên đóng vai trò càng nhỏ càng hay và với sự giúp đỡ của Bộ Trưởng Ngân Khố Albert Gallatin, một chính sách kinh tế giới hạn được thi hành. Chính quyền giảm bớt các ngân khoản của các bộ sở, đặc biệt là của Lục Quân và Hải Quân.

Ông Thomas Jefferson cũng cho rằng các chức vụ liên bang nên được căn cứ vào sự xứng đáng (merit). Vì các văn phòng cao cấp đều do đảng viên Liên Bang nắm giữ, ông Jefferson đã thấy rằng “các chức vụ bỏ trống vì tử vong rất ít, còn vì từ chức thì không có”, nên ông Jefferson đã tìm cách loại ra một số người thuộc đảng Liên Bang và thường chỉ định người thay thế thuộc đảng Dân Chủ-Cộng Hòa khiến cho vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông, phần lớn các chức vụ quan trọng của Quốc Gia lại do đảng viên Dân Chủ-Cộng Hòa phụ trách. Điều này đã trở thành “hệ thống hư hỏng” (spoils system) và bị chỉ trích.

Trong thời gian làm Tổng Thống, ông Thomas Jefferson đã duyệt xét lại rất nhiều đạo luật, công bố nhiều tu chính án. Ông Jefferson cũng tìm cách kiểm soát Tối Cao Pháp Viện nhưng không thành công, trong khi đó Tối Cao Pháp Viện lại có thể tuyên bố một đạo luật đã được thông qua bởi Quốc Hội là vi hiến, điều này đã làm cho ngành Tư Pháp có thêm quyền hành, rồi các vụ truy tố quan tòa đã khiến cho về sau có quy định rằng các thay đổi chính trị sẽ không ảnh hưởng tới nhiệm kỳ của các vị thẩm phán.

9- Chiến tranh với Tripoli và việc bành trướng lãnh thổ

Vào cuối thể kỷ 18, bọn cướp biển Barbary thuộc miền Bắc Phi thường hay tấn công các tầu buôn của nhiều quốc gia, đòi tiền chuộc hay tiền đóng góp. Trong vòng 10 năm, Hoa Kỳ đã phải nạp triều cống cho xứ Tripoli tới 2 triệu mỹ kim. Sự kiện này đã khiến ông Thomas Jefferson luôn nhắc nhở chính phủ Hoa Kỳ phải có các hành động trừng phạt các quân cướp biển. Năm 1801, Tripoli đánh phá các tầu buôn Hoa Kỳ để đòi thêm tiền. Hạm đội của Hoa Kỳ vào thời đó còn nhỏ và yếu, nhưng đã vây hãm các hải cảng của Tripoli, oanh tạc các pháo đài và bắt buộc các bọn cướp biển phải kính nể các tầu thuyền mang lá cờ Mỹ. Đây là cuộc chiến tranh đầu tiên của quốc gia Hoa Kỳ với một nước khác, tuy chưa mang lại các thắng lợi cụ thể vào thời gian đó, nhưng đã khiến cho uy tín của Hải Quân Hoa Kỳ được tăng thêm.

Ngay từ thời phục vụ tại Quốc Hội, ông Thomas Jefferson đã rất quan tâm tới vùng đất phía tây của dòng sông Mississippi. Vào đầu năm 1803, Tổng Thống Jefferson đã giành được một số tiền 2,500 mỹ kim của Quốc Hội để thám hiểm lãnh thổ trải dài từ miền đất Ohio tới tận bờ biển Thái Bình Dương.

Ông Jefferson đã chọn lựa người bí thư trẻ tuổi của ông là Đại Úy Meriweather Lewis đứng đầu công cuộc thám hiểm. Đại Úy Lewis lại mời một người bạn cộng tác là Trung Úy William Clark. Đây là hai sĩ quan đã quen thuộc với các sắc dân da đỏ và có nhiều kinh nghiệm tại các miền biên giới. Trước khi đoàn thám hiểm ra đi, có tin đồn rằng Vua Napoléon của nước Pháp đã bán cho Hoa Kỳ miền đất Louisiana bao la, vì thế cuộc thám hiểm này sẽ là tìm hiểu lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Các kế hoạch thám hiểm đã được nghiên cứu kỹ. Đại Úy Lewis học cách vẽ bản đồ và cách xác định kinh tuyến và vĩ tuyến. Đoàn thám hiểm sẽ đi theo dòng sông Missouri tới tận ngọn, rồi băng qua Rặng Núi Phân Chia Lục Địa (the Continental Divide), sau đó men theo dòng sông Columbia tới cửa sông. Mùa đông năm 1803-04, đoàn thám hiểm tập họp tại Illinois, gần St. Louis, gồm hai nhà lãnh đạo là Lewis và Clark, 14 binh sĩ, 9 người dân biên giới từ Kentucky, hai người Pháp chèo thuyền và một anh hầu tên là York.

Ngày 14-5-1804, đoàn thám hiểm bắt đầu theo dòng sông Missouri, qua Iowa, tới vùng Yellowstone ngày 26-4-1805 rồi tới thác nước Great Falls của miền Missouri vào ngày 13-6. Sau đó vào ngày 25, họ tới Three Forks, nơi hội tụ của 3 dòng sông và họ đã đặt tên cho 3 con sông này là Madison, Jefferson và Gallatin. Khi đi men theo dòng sông Jefferson lớn nhất, đoàn thám hiểm đã tới xứ của người da đỏ Shoshone, vượt rặng núi cao Bitterroot và tới được dòng sông Clearwater. Sau 18 tháng trường vượt núi, lội sông, ngày 7-11-1805, đoàn thám hiểm này đã tới được cửa sông Columbia, bên bờ Thái Bình Dương.

Ngày 23-3-1806, đoàn thám hiểm Lewis và Clark quay trở lại nhưng theo hai lối : Trung Úy Clark đi theo dòng sông Yellowstone và Missouri còn Đại Úy Lewis men theo nhánh Marias của dòng sông đó và cuối cùng, họ đã gặp nhau tại St. Louis vào ngày 23-9-1806 sau 2 năm, 4 tháng, 9 ngày với hành trình dài 9,650 cây số.

Nhờ cuộc thám hiểm của Đại Úy Lewis và Trung Úy Clark, các người định cư và buôn bán da thú đã lần theo con đường thám hiểm kể trên để đi về hướng tây và cũng nhờ đó mà sau này Hoa Kỳ đòi quyền sở hữu miền đất Oregon.

Cũng vào nhiệm kỳ của Tổng Thống Thomas Jefferson, dân số thuộc lãnh thổ Tây Bắc (the Northwest Territory) tăng lên rất nhanh. Năm 1803, tiểu bang Ohio tham gia vào Liên Bang và là tiểu bang thứ 17. Năm 1804, chính quyền Hoa Kỳ lại khuyến khích việc định cư tại phía tây bằng cách cắt các mảnh đất rộng 130 mẫu (hectares) xuống còn 65 mẫu để bán cho dân chúng và người nào có được 80 mỹ kim tiền mặt đều có thể đặt mua một nông trại miền biên giới.

Tổng Thống Thomas Jefferson đã thực hiện được nhiều công trình nhưng thành tích lớn lao nhất của ông là đã mua được Lãnh Thổ Louisiana (the Louisiana Territory). Đây là một sáng kiến mới để mở mang bờ cõi mà không phải dùng đến chiến tranh như cách làm của các quốc gia cổ của châu Âu.

Lãnh Thổ Louisiana là một miền đất rộng bao la, nằm giữa dòng sông Mississippi và rặng núi Rocky, được chuyển nhượng do một hiệp ước từ nước Pháp sang nước Tây Ban Nha vào năm 1762. Tới đầu thế kỷ 19, nước Pháp là quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới nên vào năm 1800, Hoàng Đế Napoléon đã bắt ép nước Tây Ban Nha yếu hèn phải trả miền đất New Orleans và lãnh thổ Louisiana cho Đế Quốc Pháp. Đây là một tin rất xấu đối với các nông gia Mỹ. Các người Mỹ định cư tại phía tây rặng núi Appalachians rất thèm muốn thành phố New Orleans vì quốc gia nào chi phối được thành phố này sẽ kiểm soát được dòng sông Mississippi. Các nông gia miền tây của lãnh thổ Hoa Kỳ vào thời đó mong muốn làm chủ được dòng sông lớn lao này bởi vì nhờ có dòng sông, họ đã chuyên chở gia súc, ngũ cốc cùng các sản phẩm khác.

Khi miền đất Louisiana thuộc về nước Tây Ban Nha, điều này không là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng nếu lãnh thổ này thuộc về nước Pháp thì nền dân chủ và việc bành trướng của Hoa Kỳ sẽ bị de dọa. Ngoài ra nước Pháp lại là cường quốc số một, Hoa Kỳ không dễ gì xin được các ân huệ. Nhưng, nước Anh đã đánh thắng nước Pháp trên mặt biển, làm tan biến giấc mộng đế quốc thuộc địa của Napoléon. Hải quân Anh đã làm chủ Đại Tây Dương, gây khó khăn cho nước Pháp trong việc kiểm soát các miền đất thuộc Bắc Mỹ. Ông Công sứ Hoa Kỳ tại Pháp thời bấy giờ là Robert Livingston đã nêu rõ điểm này với Vua Napoléon và sau đó, Hoàng Đế Pháp quyết định bán đi lãnh thổ Louisiana.

Vào năm 1803, Tổng Thống Jefferson đã được Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản 2 triệu mỹ kim để “chi xài đặc biệt”. Ông Jefferson liền cử ông James Monroe sang Pháp giúp Công sứ Livingston thương lượng với nước Pháp. Trước khi ông Monroe tới Paris, ông Livingston đã đề nghị với vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp là Talleyrand để mua một cách khiêm nhường thành phố New Orleans thì được ông Talleyrand hỏi bằng câu: “Ông trả giá bao nhiêu cho cả vùng Louisiana?”, điều này đã làm cho ông Livingston ngỡ ngàng.

Ông James Monroe tới nước Pháp với ủy quyền của Tổng Thống để mua thành phố New Orleans và vùng Florida, với số tiền không quá 10 triệu mỹ kim, nhưng lại được đề nghị mua tất cả vùng lãnh thổ thuộc Pháp với giá tiền khoảng 15 triệu mỹ kim. Mặc dù hai nhà ngoại giao Mỹ này không có thẩm quyền chi ra một số tiền to lớn đến như thế nhưng họ cũng đã ký kết hiệp ước mua bán vào ngày 30-4-1803. Lãnh thổ mua được rộng 2,292,139 cây số vuông, gần bằng diện tích của Hoa Kỳ vào thời đó.

Khi được biết tin việc mua đất đó hoàn thành, Tổng Thống Thomas Jefferson đã phải bàng hoàng, ông lo lắng không rõ chính phủ theo Bản Hiến Pháp, có quyền nhận thêm lãnh thổ rộng lớn này vào Liên Bang hay không? Dù còn nghi ngại sự hợp hiến trong việc sát nhập một vùng đất quá rộng lớn như thế, Tổng Thống Jefferson vẫn đệ trình hiệp ước mua bán lên Thượng Viện Hoa Kỳ và bản hiệp ước đã được phê chuẩn với phiếu thuận là 24 trên 7. Ông Jefferson về sau đã nói đùa rằng ông đã “làm giãn Bản Hiến Pháp tới khi Văn Bản này bị rạn nứt”.

Nhờ thành tích của Tổng Thống Jefferson, từ tháng 12 năm 1803, lá cờ Hoa Kỳ đã tung bay trên thành phố New Orleans và nhờ việc mua đất đai, Hoa Kỳ đã kiểm soát được dòng sông Mississippi và diện tích của Hoa Kỳ đã tăng lên gấp đôi. Trước vấn đề này, quan điểm của các nhân viên nội các đã khác biệt nhau. Các đảng viên Liên Bang thuộc miền Tân Anh Cát Lợi (the New England Federalists) tỏ ra tức giận vì nhiều tiểu bang mới sát nhập vào Hoa Kỳ sẽ làm tăng thêm số phiếu tại Thượng Viện, như vậy có lợi cho các tiểu bang miền Nam và miền Tây. Về sau, người Mỹ đã nhận rõ rằng giá tiền để mua Lãnh Thổ Louisiana chỉ là một phần rất nhỏ bé so với giá trị thực của miền đất đó.

10- Nhiệm kỳ Tổng Thống lần thứ hai

Năm 1804 có cuộc bầu cử Tổng Thống. Đất nước thịnh vượng đã là một lý do để ông Thomas Jefferson được dễ dàng đề cử và đảng Dân Chủ-Cộng Hòa đã chọn ông Thống Đốc tiểu bang New York là ông George Clinton làm ứng viên Phó Tổng Thống.

Vào lúc này, một nhóm các đảng viên Liên Bang thuộc miền đông bắc đã e ngại việc mở rộng đất nước sẽ làm yếu đi vị trí và ảnh hưởng của miền Tân Anh Cát Lợi. Họ muốn bầu ông Aaron Burr làm Thống Đốc New York để ông Burr mang tiểu bang New York cùng với miền Tân Anh Cát Lợi tách ra khỏi Liên Bang Hoa Kỳ. Ông Alexander Hamilton là người đã làm thất bại âm mưu này.

Ông Aaron Burr (1756-1836) sinh tại Newark, New Jersey, vào ngày 6-2-1756, là con của Mục Sư Aaron Burr, vị Viện Trưởng Đại Học New Jersey (ngày nay là Đại Học Princeton) và là cháu của nhà thần học danh tiếng theo đạo Calvin tên là ông Jonathan Edwards. Do cha mẹ chết sớm, ông Aaron Burr và người em gái Sarah được một người chú nuôi dạy.

Khi ông Burr đang theo học Luật Khoa thì cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ xẩy ra, ông đã tham gia vào Quân Đội Cách Mạng và phục vụ ban tham mưu của Tướng George Washington trong một thời gian ngắn. Ông Burr là một sĩ quan dễ mến và có tài nhưng ông đã từ chức vì thiếu sức khỏe và cũng vì bất mãn với chính trị. Ông được nhận vào Luật Sư Đoàn New York năm 1782 và hành nghề Luật Sư khá thành công. Ông Burr cưới góa phụ của một sĩ quan Anh và có một con gái tên là Theodosia.

Từ năm 1784, ông Aaron Burr đã giữ nhiều chức vụ của tiểu bang rồi tới năm 1791, trở thành Thượng Nghị Sĩ sau khi đánh bại người cha vợ của ông Hamilton là Tướng Philip Schuyler.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1804, đảng Liên Bang đã thất bại. Ông Thomas Jefferson đoạt được 162 phiếu cử tri, so với 14 phiếu dành cho ứng viên đảng Liên Bang là ông Charles C. Pinckney, một luật sư từ miền Charleston, South Carolina. Như vậy nhiệm kỳ Tổng Thống thứ hai của ông Thomas Jefferson đã bắt đầu mà “không có một cụm mây đen nào ở chân trời”, theo như lời ông Jefferson nói, thế nhưng bão táp đã kéo đến.

Cũng vào năm 1804, cựu Phó Tổng Thống Burr đã gặp thất bại cay đắng trong cuộc tranh cử chức Thống Đốc tiểu bang New York. Ông Burr cho rằng chính ông Alexander Hamilton đã ảnh hưởng xấu tới các cơ hội chính trị của ông do các lời gièm pha, vì vậy ông Aaron Burr đã thách một cuộc đấu súng với ông Hamilton. Ông Hamilton bất đắc dĩ phải nhận lời. Sáng sớm ngày 11 tháng 7 năm 1804, tại Weehawken trên bờ sông Hudson thuộc tiểu bang New Jersey, hai chính khách Hamilton và Burr đã chĩa súng vào mặt nhau. Phát súng đầu tiên đã làm ông Hamilton bị thương rồi qua đời vào ngày hôm sau.

Cái chết của ông Hamilton đã làm ô danh ông Burr. Ông Burr còn bị truy tố về tội sát nhân tại New York và New Jersey. Ông Burr còn trù liệu một âm mưu tại miền Tây Hoa Kỳ vào năm 1806. Với sự trợ giúp của một người Ái Nhĩ Lan giàu có lập nghiệp trên một hòn đảo của dòng sông Ohio với ý định tuyển quân và chiếm cứ một vùng ở phía tây của miền Mississippi. Tướng James Wilkinson, Thống Đốc Lãnh Thổ Louisiana, đã trình bày cuộc âm mưu này với Tổng Thống Jefferson. Tổng Thống Jefferson đã cho lệnh bắt ông Burr, đưa về Richmond và xét xử về tội phản loạn. Nhưng vị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện là ông John Marshall (1755-1835) đã cứu xét vụ án này quá hạn hẹp khiến cho bồi thẩm đoàn tha bổng ông Aaron Burr.

Tháng 3 năm 1803 nổ ra cuộc chiến tranh giữa hai nước Anh và Pháp. Tổng Thống Jefferson nhận thấy rằng nhiệm vụ chính của ông là giữ cho Hoa Kỳ ở ngoài cuộc chiến. Vào thời đó, hải quân Anh và Pháp tìm cách đánh phá các tầu biển của nhau, kết quả là phần lớn công cuộc thương mại giữa châu Âu và miền Tây Ấn lọt vào tay các nhà buôn Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, hai ngành thương mại và đóng tầu phát triển rất nhanh, cần đến hàng ngàn thủy thủ, những người này phần lớn tới từ miền Tân Anh Cát Lợi song cũng có nhiều kẻ đào ngũ từ các tầu thuyền của nước Anh. Cũng vào thời gian này, nước Anh cần tới nhiều thủy thủ nên các tầu biển của Anh thường chặn bắt các tầu biển Hoa Kỳ trên biển cả để tìm xét các thủy thủ Anh đào ngũ. Nhưng làm sao phân biệt dễ dàng giữa một người Anh và một người Mỹ, vì vậy hàng ngàn người Mỹ đã bị bắt và bị cưỡng bách đưa vào Hải Quân Anh.

Cuộc chiến tranh tại châu Âu giữa nước Anh và nước Pháp càng gia tăng cường độ, càng khiến cho cả hai phe lâm chiến không quan tâm đến quyền lợi của các quốc gia trung lập. Bằng đạo luật Berlin và Milan năm 1806 và 1807, Napoléon công bố rằng nước Pháp sẽ bắt giữ tất cả các tầu thuyền hướng về hay từ các hải cảng của nước Anh, trong khi đó chính phủ Anh ra lệnh phong tỏa các hải cảng của Pháp và của các nước đồng minh với Pháp.

Tháng 6 năm 1807, chiếc tầu chiến Anh Leopard đã chặn con tầu Hoa Kỳ tên là Chesapeake, đòi tìm xét các lính đào ngũ. Hạm trưởng của tầu Mỹ đã không tuân lệnh nên tầu Anh Leopard đã tấn công tầu Mỹ.

Tổng Thống Thomas Jefferson lúc đó biết rằng Hoa Kỳ chưa được chuẩn bị về chiến tranh và không rõ nên thiên về nước Anh hay nước Pháp. Cách đối phó của ông Jefferson là đóng cửa thị trường Mỹ đối với hàng hóa của cả hai nước và cũng không bán tiếp liệu của Hoa Kỳ cho hai nước Anh và Pháp đó. Năm 1807, đạo luật “Cấm Vận” (the Embargo Act) đã cấm chỉ việc xuất cảng từ Hoa Kỳ và ngăn cản các con tầu biển Mỹ đi vào các hải cảng ngoại quốc.

Lệnh cấm vận đã làm thiệt hại Hoa Kỳ hơn là gây tổn thất cho hai nước Anh và Pháp. Hàng ngàn con tầu biển của Mỹ nằm bất động, thủy thủ và công nhân đóng tầu thất nghiệp, hàng xuất cảng chất đống trong các nhà kho. Kinh tế của miền nam Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại khiến cho ông Jefferson bị mất đi các sức ủng hộ. Vào thời kỳ này, nhiều người Mỹ đã không tôn trọng pháp luật, nạn buôn lậu phát triển. Chính phủ Hoa Kỳ vì thế phải tăng cường việc phòng thủ bờ biển.

Trước sự việc nan giải này, Tổng Thống Thomas Jefferson càng ngày càng phải thiên về việc kiểm soát của Liên Bang và ông đã bình luận rằng : “Luật cấm vận này chắc chắn là một vấn đề gây rắc rối nhất mà chúng tôi phải giải quyết”. Sau 14 tháng, nhiều người thấy rằng luật cấm vận đã không gây được ảnh hưởng nào đối với cả hai nước Anh và Pháp. Dân chúng Mỹ phản đối khiến cho Quốc Hội phải xét lại sự việc vào tháng 3 năm 1809 và thông qua một đạo luật mền dẻo hơn (the Non-Intercourse Act).

Vào năm 1808, nhiều người mong đợi ông Jefferson ra tranh cử một lần nữa nhưng ông Thomas Jefferson đã từ chối, vì muốn theo gương của ông George Washington là rút lui sau hai nhiệm kỳ. Ông Thomas Jefferson cũng nói rõ cho mọi người biết là ông ước mong ông James Madison sẽ là vị Tổng Thống kế tiếp. Và ông Madison đã thắng cử dễ dàng.

11- Các năm về cuối

Ông Thomas Jefferson rời khỏi chức vụ Tổng Thống vào năm 1809, lúc 65 tuổi. Ông đã cảm thấy tự do khi dùng thời giờ cho các bạn bè, sách vở, thư từ, đất đai . . . và để vun trồng “các sự theo đuổi trầm lặng của Khoa Học”. Ông đã viết: “Không một người tù nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn tôi khi tôi trút được gánh nặng quyền lực”.

Ông Thomas Jefferson đã trải qua 15 năm cuối của cuộc đời, góp công vào việc thành lập Đại Học Virginia (UVA) tại thành phố Charlottesville, khai trương vào năm 1825.

Ông Thomas Jefferson đã đóng góp rất lớn lao vào các nguyên tắc của nền Dân Chủ Hoa Kỳ. Cùng với Tổng Thống George Washington, ông Jefferson là một trong các nhân vật vĩ đại của cuộc Cách Mạng Bắc Mỹ mà danh tiếng đã vang lừng trên khắp Thế Giới. Ông Jefferson đã ủng hộ các Quyền của Con Người, các tự do ngôn luận, tôn giáo và báo chí và cũng vì tôn trọng nền tự do sau này mà ông đã phải chịu đựng nhiều vụ nói xấu của các tờ báo vô trách nhiệm.

Ông Thomas Jefferson còn là một nhà canh nông. Ông đã phát minh ra một thứ máy cày (mold board plow) được nông dân Mỹ dùng trong nhiều năm. Ông đã đưa loại máy đập lúa từ châu Âu vào Hoa Kỳ và khuyến khích ông Robert Mills trong việc phát triển loại máy gặt (mechanical reaper). Ông cũng là một trong các người chủ trương phương pháp luân canh.

Là một nhà khoa học, ông Thomas Jefferson khuyến khích việc phát minh ra “thì kế” (stopwatch = đồng hồ bấm), không những được dùng trong các cuộc chạy đua mà còn trong các công cuộc khảo sát thiên văn. Ông cũng là người đặt niềm tin vào tầu ngầm và về y tế, là một trong các nhân vật quan trọng chấp nhận chủng ngừa đậu mùa. Các con cháu của ông cũng đồng lòng chủng ngừa như ông.

Về kiến trúc, ông Thomas Jefferson đã vẽ kiểu cho Tòa Nhà Monticello 35 phòng của ông. Đây là một trong các dinh thự lịch sử đẹp nhất của Hoa Kỳ. Ông cũng đã vẽ kiểu Điện Capitol của Thủ Phủ Richmond và các tòa nhà ban đầu của Đại Học Virginia. Về các dụng cụ dùng trong nhà, ông Thomas Jefferson đã nghĩ ra các loại ghế xếp, ghế đu đưa, cùng cải tiến nhiều vật dụng khác. Ông thường được gọi là “Người Cha của Văn Phòng Bằng Sáng Chế” (the Father of the Patent Office) bởi vì đạo luật đầu tiên về phát minh, sáng chế đã được ông giám sát.

Ông Thomas Jefferson qua đời vào ngày 4 tháng 7 năm 1826, đúng 50 năm sau ngày Tuyên Bố Độc Lập của Hoa Kỳ và cùng tạ thế vào ngày này là người bạn cũ và cũng là đối thủ chính trị của ông: ông John Adams.

Ông Thomas Jefferson đã được chôn cất bên cạnh vợ của ông tại Monticello. Trên mộ chí của ông, mọi người đã đọc được hàng chữ mà trước kia, ông đã viết ra cho thợ khắc mộ bia : “Nơi đây an nghỉ Thomas Jefferson, tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ, của Đạo Luật Virginia về Tự Do Tôn Giáo và là Người Cha của Đại Học Virginia”.

Đây là những thành tích vẻ vang mà chính ông Thomas Jefferson đã đánh giá cao hơn Chức Vụ Tổng Thống Hoa Kỳ.

(Nguồn: Vietscience)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hòa hợp dân tộc

    29/04/2019Nguyễn Hòa Bình (tổng hợp)Tháng 4 của Hoa Kỳ là một ngày tháng đáng lưu ý của lịch sử. Cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861. Bốn năm sau vào ngày 9 tháng 4-1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng Grant của miền Bắc...
  • 3 vị Tổng thống vĩ đại nhất Hoa Kỳ

    05/07/2017Bùi Quang MinhTrong số các đời tổng thống Mỹ qua hơn 200 năm lịch sử, Abraham Lincoln, George Washington và Franklin D. Roosevelt được nhiều học giả đánh giá là có những cống hiến to lớn nhất cho nước Mỹ...
  • Phương pháp học tập cổ điển của các cha đẻ nước Mỹ

    02/11/2016Nguyễn Minh HiểnTrước khi đi vào dạy về Hiến pháp và Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, anh Josheph nói trước tiên về phương pháp học tập của các vị cha đẻ của nước Mỹ. Đa số họ đều là những người không học qua trường lớp chính thống, họ tự giáo dục chính họ và soạn ra bản hiến pháp bất hủ đặt nền móng cho nước Mỹ bây giờ...
  • Vai trò của Hội Tam Điểm trong lịch sử chính trị Mỹ

    04/10/2016Hoàng Anh TuấnKhi tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ, có một điều đáng chú ý là các nguyên tắc, sứ mệnh của Hội Tam Điểm (Freemasonry) có dấu ấn đặc biệt quan trọng từ việc đặt nền móng cho nước Mỹ từ thuở sơ khai đến sự phát triển sau này.
  • 10 sự thật thú vị về ngày quốc khánh Mỹ

    01/07/2016Hải AnhNgày độc lập của nước Mỹ thực chất là 2/7 theo một sử gia, lễ hội xúc xích lớn nhất năm cũng rơi vào 4/7 là hai trong 10 điều đặc biệt về quốc khánh ở xứ cờ hoa...
  • Bài phát biểu tuyệt vời của Tổng thống Mỹ Obama trước sinh viên, trí thức Việt Nam

    27/05/2016Bài phát biểu của một người nước ngoài, một người Mỹ, đặc biệt là của Tổng thống Mỹ. Xin mời hãy đọc và đọc lại nhiều lần!
  • Trí thức và sự tiến bộ của xã hội

    06/02/2016Nguyễn Tiến DũngKhái niệm “trí thức” xuất phát từ vụ án Dreyfus nổi tiếng ở Pháp cách đây hơn một thế kỷ (1894-1906), trong đó sĩ quan Dreyfus bị kết án phản quốc bằng các chứng cứ giả...
  • 235 năm thành lập Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ

    08/06/2013Hà Văn ThịnhTrong hàng ngàn năm lịch sử loài người kể từ khi có nhà nước, lịch sử nước Mỹ (tính từ thời điểm công bố Tuyên ngôn Độc lập – 4.7.1776) là một trong những trang sử có rất nhiều những điểm lạ kỳ, độc đáo. Do khuôn khổ của một bài báo, những ghi chép sau đây hướng tới vài phác họa nhỏ về những điều ‘hổng giống ai’ nhưng rất đáng để suy ngẫm ấy...
  • xem toàn bộ