Thói hư tật xấu của người Việt: Văn hóa vay mượn, thiếu tự tin, nói láo, thích ăn nhậu

04:21 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Tám, 2015

Không có thì giờ lo
đến văn hóa, đành đi vay mượn
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, năm 1931)

Cả cuộc lịch sử của nước Nam là một cuộc chiến đấu vô hồi, vô hạn đối với người Tàu hoặc bằng võ lực, hoặc bằng ngoại giao, hàng ngày chỉ nơm nớp sợ bị nội thuộc lần nữa. Cái công của các tiên dân ta chống giữ cho non sông đất nước nhà, can đảm vô cùng, kiên nhẫn vô cùng, thật đáng cảm phục. Nhưng cả tinh lực trong nước đều chuyên chú về một việc cạnh tranh để sinh tồn đó, cạnh tranh và một kẻ cường lân(1) hằng ngày nó đàn áp, để cố sinh tồn cho ra một nước độc lập, còn có thì giờ đâu, còn có dư sức đâu mà nghĩ đến việc khác nữa. Cái quan niệm quốc gia bị nguy hiểm luôn nên thường lo sợ luôn chiếm cả tâm tư trí lực, không còn để thừa chỗ ở những quan niệm khác về văn hóa, mỹ thuật. Nói riêng về học thuật thì đã sẵn cái học của Tàu đó, tiêm nhiễm vào sâu từ thuở mới thành dân thành nước, không thể tưởng tượng được rằng ngoài sách vở của thánh hiền còn có nghĩa lý(2) gì khác.

(1) kẻ hàng xóm mạnh.
(2) cái lý thuyết phải theo.

Khi học hỏi người, thường thiếu tự tin
(Nguyễn Trọng Thuật, Điều đình cái án quốc học, năm 1931)

Cách học muốn cho bằng người thì phải biến hóa khác đi. Nay cứ toàn mô phỏng, thấy không thể theo cho bằng được, bèn sinh lòng tự tiện(1), là mình tự khinh cái tài của mình, tự tiện quá rồi tự khí(2), tự bỏ cái tài của mình, cho mình là đồ bỏ. Mà đồ bỏ thật, vì học không có cái gì dùng được như mẫu của người. Cũng vì thế mà bao nhiêu cái hay không còn gì nữa.

Trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng, ta phải hết sức từ bỏ cái căn bệnh cẩu thả, cái tính tự tiện tự khí. Không thì về xã hột lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn, không có cái tinh thần tự giác tự tin. Về kẻ học giả lại cứ tham cận lợi‑(3), nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh, học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc(4).

(1) tự tiện đây là tự coi rẻ minh, khác với tự tiện có nghĩa làm theo ý thích.
(2) tự làm hỏng mình.
(3) lợi ích trước mắt.
(4) cuối cùng vẫn không nắm được.

Nói láo nói linh
(Phan Chu Trinh, Đạo đứcvà luân lý Đông Tây, năm 1925)

Ngày xưa ta nhắm mắt lại, một là văn minh Tàu, hai là văn minh Tàu, bị độc khoa cử làm mờ ám trí khôn đã đành, đến ngày nay đã hé mắt thấy người Tàu vận động nhiều việc rất to tát, như gửi học sinh du học khắp toàn cầu, như bỏ quân chủ lập dân chủ mà cũng an nhiên(1) bất động, nhất thiết chẳng biết gì là gì. Chẳng những thế mà thôi, lại còn mấy anh sang Tàu về nói láo nói linh, chê người nọ người kia mà tự mình xem ra cũng không có bản lĩnh gì cho người ta đủ kính phụ, tinh chất(2) của người Tàu không hề học đến, chỉ khéo đem về một cái láu lỉnh và một cái bao tử trống mà thôi.

(1) điềm nhiên, bình thản.
(2) cái hay cái tốt đẹp.

Chỉ giỏi về văn thù ứng
(Phan Khôi, Khái luận về
văn học chữ Hán ỏ nước ta, năm 1939)

Ở nước ta, kẻ học khi chưa đỗ thì chăm về khoa cử, khi đỗ rồi thì chăm về văn thù ứng(1). Có những người nổi tiếng mà nhan nhản những bài hết tự tặng người này lại dâng người khác, té ra trời phú cho ông ấy cái văn tài lỗi lạc là để đi thù phụng thiên hạ. Vậy nếu tôi nói một ngàn năm nay người An Nam làm văn chữ Hán chỉ chuyên có hai lối khoa cử và thù ứng và trong văn học chỉ sở trường một cách Jeu de mots(1) mà thôi, cũng chẳng quá nào!

(1) giao tiếp, khoản đãi nhau.
(2) chơi chữ.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: