Thăng trầm phong thủy

08:59 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Bảy, 2008

Trong vô số tinh hoa còn phảng phất mơ hồ do những lớp người đi trước văn minh để lại, thì thuật phong thủy đáng kể là thứ cực kỳ vất vả thăng trầm. “Từ Nguyên” viết “phong thủy là cách xem địa thế phương hướng đất nhà ở hoặc đất phần mộ. Người ta căn cứ vào đó để luận lành dữ tốt xấu về nhân sự”. Xưa cũng như nay, nhân sự quan trọng vào bậc nhất vẫn là danh vọng là tiền tài. Phong thủy được nhiều người khát khao tin bởi nó là cái thuật tương đối chú trọng vào việc dò tìm ra cách phát phú phát quý, ngõ hầu nhanh chóng biến một người bình thường trở thành vinh hoa khác thường.

Tất nhiên, ở những thời loạn lạc lung tung sinh tử, phong thủy cũng bi đát bế tắc lắm. Các “kham dư gia” (một cách gọi khác cho các nhà phong thủy học) lang thang nhớn nhác đi lại đầy đường, gần giống các nam nữ diễn viên đi dự liên hoan phim chưa được ban tổ chức kịp thời bố trí khách sạn. Ở vào cái thời mạt của bần hàn ấy, mạng người là nhất. Cơm chỉ mong đủ no, áo chỉ mong đủ mặc. Binh lửa thiêu đốt khắp nơi nhà cửa hoang tán phiêu dạt, dương trạch lồ lộ còn không người sở hữu nói gì đến âm phần ở sâu ba thước đất. Thế rồi hết động thì đến tĩnh, con người dịu dàng trở lại bình hòa an cư, mà an cư vững chắc nhất không gì bằng được một cái nhà. Gia đình bé thì căn phòng, công ty lớn thì trụ sở. Chung cư cao cấp mọc lên như nấm, vừa lừa vừa bán chưa kịp xây đã hết chỗ đặt mua. Giá đất mặt tiền đường Đồng Khởi một mét vọt lên xấp xỉ gần trăm triệu. Người sống đã mê man sướng rồi thì người chết hiển nhiên cũng phải khang trang. Dân tình nhiều vùng cằn cỗi bão lụt, vẫn hoành tráng xây cả thành phố nghĩa địa. Cũng trệt cũng lầu, cũng tả Thanh Long ốp đá xanh cũng hữu Bạch Hổ gắn cẩm thạch trắng. Trên cái nền rừng rực của danh vọng tiền tài ấy, đương nhiên phong thủy vùn vụt lên ngôi.

Thực ra công năng của phong thủy là khá rộng, tuy nó không đi dò tìm long mạch của tình yêu tình bạn, nhưng nó đâu chỉ bó hẹp trong danh lợi của dăm đạo lý. “Thuyết văn giải tự” nói “Kham là thiên đạo, Dư là địa đạo”. Thể của nó là khí. Dụng của nó là nước là gió. Kể cả ở hai cảnh giới âm dương, bất cứ một sinh thể trong trắng lành mạnh nào muốn tồn tại bắt buộc phải thanh thoát tụ khí. Mà muốn đắc khí (có thể hiểu là Đạo) thì không gì bằng điều hòa cho được phong hoặc thủy. Con người ta sống bám nhờ tự nhiên, hoặc nương thế đất hoặc theo hình trời. Sâu xa, phong thủy không phải là chuyện vớ vẩn huyền hoặc.

Phong thủy hoàn toàn không phải là đặc sản chuyên biệt của Tầu, Tây cũng có mà Ta cũng có. Kim tự tháp Ai Cập trục chính luôn chạy đúng theo hướng Nam Bắc. Các linh trụ trấn yểm Obelisk từ lâu đã xuất hiện trên vùng đất người Maya cổ đại. Trụ sở Bộ quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc khét tiếng là đồ hình bát quái đổ lật ngửa. Tuy xuất xứ từ Trung Quốc nhưng phong thủy học vào ta đã được Việt hóa một cách thượng thặng tinh tế. Đời nhà Lê, ông Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao huyện Nghi Xuân (Nghệ An) lừng danh là thầy địa lý cực giỏi. Chứng kiến ông chọn đất điểm huyệt, nhiều thầy Tầu lăn ra mà tâm phục khẩu phục. Tương truyền, sách ông Tả Ao viết hay không kém gì kinh “Thanh Nang” đời Tần, bộ “Bình xa ngọc xích” đời Hán, nó chỉ hơi thiếu uyên bác kỹ lặng nếu so với kiệt tác “Táng Kinh” của đại tông sư Quách Phác nhà Tấn mà thôi. Và cũng giống như đa phần các thiêng liêng kinh điển, sách của ông Tả Ao đã thất truyền. Là cát bụi lại trở về cát bụi. Ngày nay, đám lăng nhăng hậu sinh hành nghề địa lý, đi đến đâu kiếm ăn cũng lấp lửng khoe là trong tráp có dấu giếm sách này, cốt huyênh hoang dụ xôi dụ thịt. Ca dao Việt bật cười “Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy địa lý hàm răng không còn”.

Bây giờ thái bình thịnh trị, xã hội nhan nhản người tài, nhỡ có vào hiệu sách lớn nào là mênh mông thấy lòe loẹt sách phong thủy xanh đỏ. Chưa ra đến cửa, đã rầm rập gặp “phong thủy gia”, com lê com táo cao đạo, ca táp lích kích những là thướng Lỗ Ban rồi tróc long, rồi la bàn. Nhà chung cư xây đã có khuôn, ban công ngó thẳng vào ô văng hàng xóm cũng bầy đặt chuyện Minh Đường tụ thủy. Hỡi ơi, lăng Ly Sơn của Tần Thủy Hoàng quy mô to lớn phương vị tuyệt đúng. Tiền Chu Tước có dòng sông Vị cuồn cuộn chảy, hậu Huyền Vũ có núi xanh mướt nghìn trượng cao. Mỗi ngách mỗi cửa có bạt ngàn bùa chú trấn yểm. Thế nhưng nó được xây trên xương máu của bẩy mươi vạn dân công binh lính nên cái giấc mộng vạn thế đế vương chưa đầy hai đời đã tuyệt hậu.

Ông Trương Tử Phòng, ngoài chuyện là một chính trị gia lỗi lạc, còn là một nhà phong thủy cao tay ấn đã từng khuyên “Tiên tích đức, hậu tầm long” (Chứa đức trước đã rồi sau hãy tìm đất). Lời khuyên đơn giản này bị các doanh nhân đang trúng cổ phiếu lùng sục đi mua biệt thự hoặc các quan chức thăng tiến đang hồ hởi xây sửa lại mộ ông bà coi là lời vớ vẩn lạc hậu bàn lùi.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ngũ hành và khoa học

    09/11/2015PhD. Nguyễn Thế HùngHọc thuyết Ngũ Hành có vài ngàn năm tuổi. Cái tuổi đó được xem là bền vững. Nhưng Học thuyết ấy rất huyền bí, bị khoa học hiện đại xem là nhảm nhí, đôi khi phản khoa học nữa. Thực tế, chúng ta đang quay lưng lại với Ngũ Hành và quay lưng lại với một "khái niệm văn hóa đã và đang bền vững"...
  • Luận thêm về thuyết Ngũ hành

    19/06/2008PhD. Nguyễn Thế HùngMột cách tự nhiên nhất và khoa học nhất chúng ta có thể hỏi: Tại sao cổ nhân cứ qui các vật, các khái niệm trên đời này về Ngũ hành? Tại sao phép gán đó lại có thể là chỗ dựa cho các tư duy? Tại sao thầy thuốc dùng Ngũ hành lại có thể chẩn bệnh chính xác, chữa bệnh hiệu quả?
  • Mê phong thủy như… Doanh nhân

    30/05/2008Đức HiềnNói đến phong thủy, người ta nghĩ ngay đến sự huyền bí đậm chất Đông phương, liên quan nhiều đến tâm linh và những yếu tố có vẻ “siêu nhiên” trong đời sống con người. Những tưởng những con người hiện đại như doanh nhân sẽ “miễn nhiễm” với những yếu tố thần bí này, hóa ra không. Thậm chí, không ai tin và áp dụng phong thủy triệt để như doanh nhân...
  • Thuyết âm dương - ngũ hành trong “Hải thượng y tông tâm lĩnh” của Lê Hữu Trác

    11/05/2007Đoàn Quang ThọThuyết âm dương - Ngũ hành sau khi vào Việt Nam đã được các nhà tư tưởng Việt Nam tích cực tiếp nhận và vận dụng hết sức sáng tạo trong thực tiễn. Một trong những tấm gương tiêu biểu của sự vận dụng sáng tạo thuyết âm dương - ngũ hành vào việc phát triển nền y học nước ta là đại danh y, nhà lý luận y học Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, với tác phẩm y học đồ sộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh,gồm 28 tập, 66 quyển.
  • Sự thật về thuật phong thủy?

    07/01/2007Đỗ Hoàng GiangKhổ lắm, nói mãi, nhàm tai... nhưng có vẻ như chẳng mấy ai biết rõ cái bí mật này, mà có biết vẫn... dịđoan mới lạ!Rõ ràng là quan điểm gió- nước của người xưa nặng về mê tín dị đoan, xây dựng theo trí tưởng tượng để tự an ủi về những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và tai hại mà tri thức thời ấy không thể giải thích nổi...
  • Sự hình thành và phát triển học thuyết âm dương ngũ hành trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc

    26/06/2006Trần Thị HuyềnHọc thuyết âm dương ngũ hành không những được nhiều trường phái triết học tìm hiểu lý giải, khai thác mà còn được nhiều ngành khoa học khác quan tầm vận dụng. Có thể nói, ít có học thuyết triết học nào lại thâm nhập vào nhiều lĩnh vực của tri thức và được vận dụng để lý giải nhiều vấn đề của tự nhiên, xã hội như học thuyết này...
  • xem toàn bộ