Thần giao cách cảm có thật hay không?

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
12:05 CH @ Thứ Tư - 29 Tháng Giêng, 2014

Thần giao cách cảm (telepathy) là khả năng đọc ý nghĩ người khác hay trao đổi thông tin trực tiếp giữa các bộ não. Nó là một trong bốn hiện tượng ngoại cảm, bao gồm thần giao cách cảm, thấu thị (hay thấu thính), tiên tri và hậu tri. Vấn đề đặt ra là nó có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

Những trường hợp điển hình

Trong một thí nghiệm kinh điển, Morley của Viện Victoria, Mỹ, cho kiến vào các bình chứa khác nhau, sao cho chúng không thể liên lạc bằng âm thanh, thị giác, mùi hay rung động (kiểu liên lạc thường gặp ở kiến). Tuy nhiên dường như chúng vẫn có thể truyền tin cho nhau, qua “giác quan thứ chín”, theo lời nhà nghiên cứu.

Chú khỉ thứ 100 là câu chuyện thú vị về khả năng truyền ý nghĩ của khỉ. Theo giới ngoại cảm học thì một chú khỉ trên đảo Koshima, Nhật Bản, học được cách rửa khoai tây bằng nước biển trước khi ăn và dạy cho khỉ trong đàn cách giữ vệ sinh đó. Ngay lập tức kiến thức lan truyền tức thời qua ‘thần giao cách cảm” và nhiều khỉ trên quần đảo Nhật Bản biết rửa khoai tây!

Ấn tượng nhất là thí nghiệm về “cảm xúc” thực vật. Trong đó, một người được bố trí đập phá cây trước một cái cây khác. Đo đạc cho thấy, trước cảnh tàn sát, hoạt tính điện của “cây nhân chứng” gia tăng dữ dội. Sau đó rất nhiều người được bố trí đi ngang qua cây “nhân chứng”. Đúng như mong đợi, khi người tàn sát cây xuất hiện, hoạt tính điện của cây nhân chứng lại thay đổi ghê gớm: dường như cây đã nhận dạng được kẻ sát nhân! Căn cứ vào đó mà một số người kết luận thực vật cũng có thể có cảm xúc và tình cảm, một quan niệm thực ra là sai lầm.

Các lý giải thường gặp

Một số lý thuyết đã được đề xuất để giải thích thần giao cách cảm, như trường sinh học, năng lượng hay thông tin sinh học - một trường vật chất mới hoàn toàn khác các trường vật lý đã biết. Nhược điểm lớn nhất của chúng là thiếu cơ sở khoa học và bằng chứng thực nghiệm. Bản chất của trường đó là gì, cường độ mạnh yếu thế nào, cơ chế tương tác với các sinh thể ra sao, chúng từ đâu xuất hiện và khi sinh thể chết thì chúng mất đi đâu là những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp.

Quan niệm của nhà vật lý Bohm về thực tại không định xứ của cơ học lượng tử cũng thường được viện dẫn. Theo đó thì một thực tại có thể đồng thời ở nhiều vị trí không thời gian khác nhau, nên hai bộ não có thể cùng chia sẻ một ý nghĩ. Tuy nhiên đó là thực tại của thế giới lượng tử, tức thế giới vi mô, chứ không phải của thế giới sinh thể mà ta vẫn thấy hàng ngày.

Lý thuyết ý thức tập thể của nhà phân tâm học Jung cũng thường được diễn giải sai lầm như một cơ chế truyền ý nghĩ giữa các bộ não. Theo đó thì mọi bộ não đều kết nối với nhau qua “ý thức tập thể”. Nếu không thì tại sao ngay từ bé, chúng ta đều sợ rắn? Không lạ khi Jung là người ủng hộ các hiện tượng dị thường rất nhiệt thành.

Cách lý giải mới


Nhà sinh học Rupert Shaldrake, chuyên gia về thần giao cách cảm.

Vật lý sự sống đưa ra một cách lý giải mới cho thần giao cách cảm. Đó là quan niệm điện từ sinh học. Theo đó thì mọi ý nghĩ đều có cơ sở vật chất là các hoạt động điện hóa tại các tế bào thần kinh trong não. Theo định luật cảm ứng điện từ, các xung điện hóa đó sẽ tạo ra sóng điện từ trong và xung quanh não. Phép đo từ não đồ để nghiên cứu não và chẩn đoán bệnh dựa trên thực tế đó. Đồng thời, qua một số hiện tượng cộng hưởng, như cộng hưởng Schumann, các tín hiệu điện từ sinh học đó có thể tách khỏi nhiễu và lan truyền vòng quanh trái đất qua ống dẫn sóng giữa tầng điện ly và mặt đất, tương tự sóng phát thanh. Thực nghiệm đã đo được các sóng 10m và 37,5m, gần dải sóng đài phát thanh hay dùng. Về nguyên tắc, một nhà ngoại cảm có thể thu và giải mã các sóng này, dẫn tới khả năng “đọc ý nghĩ”. Hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein trong các hệ sinh học, mà khoa học đang tìm được những bằng chứng xác thực, cho phép cơ thể đo được các tín hiệu rất nhỏ yếu đó.

Tuy những suy luận trên không phải không có hạt nhân hợp lý, nhưng yếu tố quyết định phải là bằng chứng thực nghiệm. Không được thực nghiệm khẳng định thì đó chỉ là một trong nhiều giả thuyết về thần giao cách cảm mà thôi. Đáng tiếc là cho đến nay, hầu như khoa học chưa thu được một bằng chứng đủ tin cậy nào để khẳng định thần giao cách cảm có thật.

Giải mã các hiện tượng đã nêu

Trong thí nghiệm Morley, nếu quả thật kiến vẫn liên lạc được với nhau, nhiều khả năng là nhờ các kênh điện từ. Chú khỉ thứ 100 đơn giản chỉ là huyền thoại, tức chỉ là sản phẩm bịa tạc. Trong thí nghiệm phá cây, cần lưu ý rằng khoa học đã thấy rằng trước khi chết, khả năng sinh thể phát tín hiệu điện từ tăng gấp hàng ngàn lần so với bình thường. Đó là thời khắc lóe sáng cuối cùng trước khi vụt tắt. Do sự cộng hưởng mà hoạt tính điện của cây nhân chứng cũng gia tăng mạnh mẽ. Việc nhận dạng người phá cây cũng được giải thích như vậy. Đó chỉ là những hoạt động vật lý thuần túy, chứ thực vật thì không thể có tình cảm hay cảm xúc, như có người lầm tưởng khi thuật lại thí nghiệm này.

Thần giao cách cảm có thật hay không?

Câu trả lời của khoa học là chúng ta chưa biết. Khả năng động thực vật có thể liên lạc qua nhiều kênh thông tin thì đã rõ, với nhiều bằng chứng ủng hộ. Ngoài ra một số động vật cũng có khả năng cảm nhận được động đất, nhà sập hay một số tai biến khác trước khi chúng xẩy ra. Nhiều khả năng động vật bậc thấp đo được biến động địa từ hay sóng hạ âm thường xuất hiện trước các tai biến. Vấn đề chưa rõ là con người có khả năng đọc ý nghĩ người khác hay không. Cho đến rất gần đây, qua thí nghiệm Ganzfield, được thiết kế để thực hiện thần giao cách cảm có kiểm soát (ngăn chặn can nhiễu và sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác), vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận về tính xác thực của nó. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục cải tiến qui trình Ganzfield và thử nghiệm nhiều hơn nữa, may ra chúng ta mới có cơ hội tìm ra lời giải.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Các hiện tượng dị thường là gì?

    28/01/2014Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngCác hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology)...
  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...