Tác động địa chính trị của giá dầu giảm

08:53 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Mười Hai, 2014

Giá dầu đã giảm hơn 25% trong năm tháng qua, xuống mức dưới 80 USD một thùng. Nếu giá dầu tiếp tục được giữ ở mức này, nó sẽ có tác động quan trọng — một số tốt, một số xấu — tới nhiều nước trên thế giới. Nếu nó tiếp tục giảm, mà nhiều khả năng sẽ như thế, những hệ quả địa chính trị đối với một số nước sản xuất dầu mỏ có thể sẽ là bi kịch.

Giá dầu luôn phụ thuộc vào kỳ vọng về nguồn cung và cầu trong tương lai của những người tham gia thị trường. Vai trò của những kỳ vọng này khiến thị trường dầu mỏ trở nên khác biệt với hầu hết các thị trường khác.

Chẳng hạn như trong thị trường rau tươi, giá cả phải cân đối cung và cầu cho vụ mùa hiện tại. Ngược lại, các nhà sản xuất dầu mỏ và những người khác trong ngành này có thể rút nguồn cung khỏi thị trường nếu họ cho rằng giá dầu sẽ tăng sau đó, hoặc họ cũng có thể xuất thêm nguồn cung trên thị trường nếu họ nghĩ giá dầu sẽ giảm.

Các công ty dầu mỏ trên thế giới rút nguồn cung khỏi thị trường bằng cách giảm sản lượng khai thác dầu. Những nhà sản xuất dầu mỏ cũng có thể hạn chế nguồn cung bằng cách trữ dầu tồn kho trong các tàu chở dầu trên biển hoặc tại các cơ sở lưu trữ khác. Ngược lại, các nhà sản xuất có thể cung thêm lượng dầu trên thị trường bằng cách gia tăng khai thác hoặc lấy từ kho dự trữ.

Những kỳ vọng thị trường phản ánh qua giá dầu hiện nay cho thấy lượng cầu thấp hơn và nguồn cung cao hơn trong tương lai. Lượng cầu thấp phản ánh sự yếu kém của hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở châu Âu và Trung Quốc, và quan trọng hơn là những thay đổi công nghệ về lâu về dài, những công nghệ làm tăng hiệu quả nhiên liệu của xe hơi và đặt nền móng cho việc sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng phi dầu mỏ khác. Sự gia tăng lượng cung dầu mỏ tiềm năng trong tương lai phản ánh sản lượng dầu mới được sản xuất bằng phương pháp fracking,[i] sự phát triển của khai thác cát dầu (tar sand)[ii] ở Canada, và quyết định cho phép các công ty dầu mỏ nước ngoài phát triển các nguồn năng lượng trong nước của Mexico.

Những thay đổi trong cung và cầu nói trên cho thấy giá dầu trong tương lai sẽ thấp hơn so với những mức giá mà những người tham gia ngành công nghiệp này mong đợi chỉ vài tháng trước đây. Một số thay đổi gần đây về lượng cung và cầu mong đợi trong tương lai có thể đã được dự báo trước đó. Nhưng không cách nào biết được khi nào những thái độ và trông đợi đó thay đổi. Sự biến động lịch sử của giá dầu phản ánh những sự chuyển dịch tâm lý này cũng như sự thay đổi trong thực tế khách quan.

Giá dầu hiện nay cũng liên quan đến lãi suất dự đoán trong tương lai. Cụ thể hơn, các nhà sản xuất dầu có một sự lựa chọn đầu tư: Họ có thể tăng sản xuất bây giờ, bán dầu bổ sung với mức giá hiện tại và đầu tư số tiền thu được ở mức lãi suất dài hạn hiện tại, hoặc họ có thể để dầu lại trong lòng đất như một khoản đầu tư.

Tỉ lệ lãi suất thấp khuyến khích các nhà sản xuất ngừng khai thác dầu. Khi lãi suất trái phiếu dài hạn thấp bất thường như hiện nay tăng lên trong vài năm tới, các nhà sản xuất sẽ hứng thú hơn trong việc tăng nguồn cung dầu và đầu tư khoản thu nhập có được với mức lãi suất cao hơn. Trừ khi những kỳ vọng về các nguyên tắc cơ bản của cung và cầu tương lai thay đổi, sự gia tăng lãi suất sẽ khiến giá dầu giảm hơn nữa.

Giá dầu thấp là tin tốt cho nền kinh tế Mỹ, bởi nó đồng nghĩa với việc thu nhập thực tế cao hơn cho người tiêu dùng nước này. Ở Mỹ, giá dầu thấp hơn đang chuyển thu thập thực tế của những nhà sản xuất dầu mỏ sang các hộ gia đình, điều này làm tăng nhu cầu ngắn hạn bởi tỉ lệ tiêu dùng của các hộ gia đình cao hơn của các công ty dầu mỏ. Tương tự, giá dầu thấp cũng thúc đẩy tổng cầu ở châu Âu, châu Á, và các khu vực nhập khẩu dầu khác.

Những quốc gia thiệt hại lớn nhất do giá dầu giảm bao gồm một số nước không phải bạn bè và đồng minh của Mỹ, như Venezuela, Iran, và Nga. Những nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu để hỗ trợ cho chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là các chương trình trợ cấp (transfer programs) lớn. Dù giá dầu 75 hay 80 USD một thùng, chính phủ các nước này sẽ có một khoảng thời gian khó khăn trong việc hỗ trợ các chương trình dân túy mà họ cần để duy trì sự ủng hộ của công chúng.

Dù Ả-rập Xê-út và một số các quốc gia vùng Vịnh cũng là những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn, họ lại khác những nhà sản xuất khác ở hai điểm chính yếu. Một là, chi phí khai thác dầu của họ rất thấp, đồng nghĩa với việc họ vẫn có thể sản xuất có lợi nhuận ở mức giá hiện tại, hoặc thậm chí là ở một mức giá thấp hơn nhiều. Thứ hai, nguồn dự trữ tài chính khổng lồ cho phép họ tài trợ cho các hoạt động trong nước và quốc tế của họ trong thời gian dài, bởi họ đang tìm cách chuyển đổi nền kinh tế để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu.

Việc giá dầu tụt giảm hơn nữa có thể có những hậu quả địa chính trị lớn. Giá dầu ở mức 60USD một thùng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng, nhất là đối với nước Nga. Tổng thống Vladimir Putin sẽ không thể tiếp tục duy trì chương trình trợ cấp cho người dân vốn hiện đang duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với ông. Iran và Venezuela cũng sẽ phải chịu những hệ quả tương tự.

Chưa rõ liệu các quốc gia này có thể vượt qua được sự sụt giảm giá dầu đáng kể và kéo dài trong tương lai hay không. Trái lại, hiển nhiên các nước nhập khẩu dầu đã và sẽ tiếp tục được hưởng lợi lớn.

Martin Feldstein là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, Chủ tịch danh dự của Cục Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ, chủ trì Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Ronald Reagan từ năm 1982 đến năm 1984. Năm 2006, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Tình báo nước ngoài của Tổng thống Bush, và năm 2009, ông được bổ nhiệm vào Ban Cố vấn Phục hồi Kinh tế của Tổng thống Obama. Hiện ông là thành viên Ban giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Ủy ban Ba bên, và Nhóm 30 (Group of 30), một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận nhằm tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Biên dịch:Nguyễn Huy Hoàng, Biên tập:Lê Hồng Hiệp| Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

———————–

[i]Fracking là phương pháp khai thác dầu từ đá phiến sét bằng kỹ thuật ép vỉa thủy lực – ND.

[ii] Cát dầu là một loại tích tụ hắc ín (nhựa đường), một dạng dầu mỏ có tỉ trọng và độ nhớt cao – ND.

Nguồn: Nghiencuuquocte.net

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tư duy địa kinh tế - địa chính trị

    23/05/2016Nguyễn Trần BạtGần 30 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, khoảng thời gian đủ dài để một đất nước phát triển tới tầm cao mới về chất, nhưng Việt Nam vẫn không thể phát triển, trái lại vẫn mắc kẹt trong những tình thế kinh tế - chính trị bất lợi. Nguyên nhân của tình trạng này có phần rất lớn thuộc về trách nhiệm của công tác hoạch định chiến lược phát triển kinh tế...
  • Biển Đông: Khi 'cáo' đã rắp tâm 'thò chân'

    24/10/2014Duy ChiếnRất có thể, việc cấp tốc cải tạo và xây dựng trên các bãi đá ngầm như Gạc Ma, Chữ Thập... nằm trong ý đồ chiến lược của TQ đặt công luận quốc tế vào việc đã rồi trước khi Tòa án quốc tế ra phán quyết...
  • Chống độc quyền trong nền kinh tế

    16/09/2014Nguyễn Trần BạtVề mặt lý thuyết, hiện tượng độc quyền ở Việt Nam là hiện tượng phức hợp vì nó là một hiện tượng có nguồn gốc chính trị, có dấu hiệu kinh tế và cả dấu hiệu hình sự. Để chống độc quyền ở Việt Nam, Chính phủ phải giải quyết một số bài toán...
  • Liệu Putin có thể sống sót?

    07/08/2014George Friedman, Nguyễn Phương Tú dịchNhiều người cho rằng Vladimir Putin điều hành nước Nga như một kẻ độc tài, từng uy hiếp và loại trừ những kẻ chống đối, đồng thời tạo ra một mối đe dọa lớn đối với những nước xung quanh. Đó là một quan điểm hợp lý, nhưng có lẽ nó cần được suy xét lại trong hoàn cảnh những sự kiện gần đây...
  • Nhân tài chính trị - Lời giải cho bài toán phát triển

    08/07/2014Nguyễn Trần BạtNhững bài toán chính trị truyền thống bao giờ cũng chứa đựng trong nó những yếu tố riêng biệt của từng thời đại và do đó, nhà chính trị buộc phải giải các bài toán chính trị truyền thống bằng những lực lượng trong thời đại của mình trên cơ sở tính đến những nhân tố riêng biệt đó. Trong trường hợp của Việt Nam, một nhân tài chính trị cần phải giải quyết sáu vấn đề căn bản nhất - đó là định vị Việt Nam trong tiến trình phát triển của thế giới, xây dựng hệ tư tưởng kinh tế Việt Nam, xây dựng hệ tư tưởng quân sự Việt Nam, xây dựng chương trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa bên cạnh Trung Quốc, xây dựng tầng lớp thượng lưu và đội ngũ trí thức trong xã hội Việt Nam và thừa nhận các giá trị phương Tây...
  • Khôn khéo, nổi giận và sức mạnh của đất nước

    27/06/2014Lệ Quyên thực hiện"Không có bất kỳ bài toán nào dễ xung quanh vấn đề Trung Quốc. Nó sẽ đeo đẳng lâu dài với số phận dân tộc chúng ta, và chúng ta buộc phải suy nghĩ về nó như là một thuộc tính để cấu tạo ra điều kiện sống của dân tộc mình" - chuyên gia Nguyễn Trần Bạt trao đổi với phóng viên Người Đô Thị về việc gia cường sức mạnh quốc gia bên cạnh mối quan hệ mang tính địa chính trị với Trung Quốc...
  • Tài nguyên địa chính trị của Việt Nam

    09/06/2014Vũ Hồng LâmTài nguyên địa chính trị là một khái niệm ít được dùng nhưng bản thân tài nguyên địa chính trị lại được khai thác và sử dụng thường xuyên. Vận mệnh của một dân tộc, sự thịnh suy của một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên địa chính trị của quốc gia ấy, vào khả năng khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này...
  • Lào, Campuchia đã vượt Việt Nam rồi

    04/04/2014Tâm An (Thực hiện)Cơ sở hạ tầng, chất lượng nhân lực, chính sách cũng như những tồn tại vấn đề tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật... là những rào cản thu hút FDI...
  • xem toàn bộ