Chống độc quyền trong nền kinh tế
Hỏi: Thưa ông, báo Vietnamnet đang triển khai một chuỗi bài về vấn đề chống độc quyền. Chúng tôi muốn có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này. Trong thông điệp đầu năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói về quyết tâm chống độc quyền của Việt Nam. Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam hiện nay ông thấy quyết tâm đấy đã được thực hiện đến đâu?
Trả lời: Về mặt lý thuyết, hiện tượng độc quyền ở Việt Nam là hiện tượng phức hợp vì nó là một hiện tượng có nguồn gốc chính trị, có dấu hiệu kinh tế và cả dấu hiệu hình sự. Để chống độc quyền ở Việt Nam, Chính phủ phải giải quyết một số bài toán chứ không phải chỉ có một bài toán.
Hỏi: Ông có thể nói rõ tại sao lại có dấu hiệu hình sự?
Trả lời: Độc quyền trong điều kiện của thế giới hiện đại có dấu hiệu hình sự, bởi vì phải sử dụng nhiều biện pháp phi chính thống, phi luật pháp mới có thể cấu tạo ra trạng thái độc quyền trong điều kiện cả thế giới chống độc quyền. Ví dụ, tập đoàn Microsoft đã bị kiện nhiều lần về tình trạng độc quyền do các sản phẩm của họ chiếm một tỷ trọng thị trường quá lớn. Độc quyền là một hiện tượng bị ngăn chặn toàn cầu. Ngăn chặn độc quyền là bảo vệ bản chất tự do của nền kinh tế.
Chúng ta đang kêu gọi, vận động thế giới thừa nhận chúng ta là nền kinh tế thị trường, chúng ta phải nhớ rằng cái cốt yếu nhất của kinh tế thị trường là chống độc quyền. Chống độc quyền là để duy trì động lực của nền kinh tế thị trường, tức là đảm bảo để thị trường có thể dịch chuyển một cách tự do. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường là một nền kinh tế tự do mà độc quyền là phi tự do, cho nên nếu vẫn tồn tại hiện tượng độc quyền trong một nền kinh tế thì nền kinh tế ấy không thể trở thành nền kinh tế thị trường.
Hỏi: Theo ông, liệu có phải do vấn đề lịch sử không?
Trả lời: Tôi cho rằng không phải do vấn đề lịch sử. Mọi cái đều có giá trị lịch sử, nhưng lịch sử không giữ địa vị ghê gớm trong trạng thái phức hợp của hiện tượng độc quyền. Độc quyền không phải là một hiện tượng kinh tế đơn giản. Nó là hệ quả của một hiện tượng xã hội và chính trị, thậm chí cả văn hóa nữa.
Hỏi: Ông có thể nói rõ hơn, vì sao ở Việt Nam độc quyền lại hợp pháp, lại chính thống và được Nhà nước bảo hộ trong một thời gian dài?
Trả lời: Tôi cho rằng nói như thế là oan cho Nhà nước. Nhà nước chúng ta buộc phải bảo hộ. Nhà nước chúng ta không có lịch sử để xây dựng một nền kinh tế thị trường. Hay nói cách khác, Việt Nam không có nền kinh tế thị trường, kể cả đến thời điểm hiện nay. Chúng ta phải xin mới được thừa nhận là nền kinh tế thị trường, mà trên thực tế cũng chưa ai chịu, chỉ có những nước không có kinh tế thị trường công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Hỏi: Nhưng các nước như Đức, Hàn Quốc, Singapore họ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đấy thôi?
Trả lời: Nếu nói như thế là chúng ta không hiểu vấn đề. Sự công nhận một nền kinh tế là kinh tế thị trường của các nhà chính trị khác với sự xác nhận được thể hiện trong các Hiệp định song phương, đa phương. Tôi có thể công nhận kinh tế của anh là kinh tế thị trường, nhưng khi ký với anh thì tôi vẩn phải cẩn thận. Thế giới rất lịch sự, họ biết cách công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để động viên Việt Nam, nhưng họ cũng biết cách ngăn chặn sự lợi dụng của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn của thị trường. Nếu chúng ta sử dụng các ngôn ngữ ngoại giao để nói về tiêu chuẩn thị trường của nền kinh tế thì chúng ta sẽ không bao giờ mô tả được nền kinh tế thị trường thực sự.
Chúng ta nói về kinh tế thị trường là chỉ nói thuần túy về kinh tế, nhưng như thế chưa đủ. Ví dụ, cho đến bây giờ chúng ta vẫn đang vận động Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1995 và trước đó bỏ cấm vận đối Việt Nam từ năm 1993, nhưng bỏ cấm vận là một khái niệm phức hợp và nó có những cấp độ bỏ cấm vận khác nhau. Thị trường cũng vậy, họ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường trong lĩnh vực buôn bán nông sản, nhưng trong lĩnh vực buôn bán vũ khí thì chưa chắc. Vì nhu cầu tuyên truyền cho nên đôi khi chúng ta gói các sự kiện vào một gói cho dễ nhìn, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Vũ khí sát thương là một thị trường. Vẫn còn cấm vận vũ khí sát thương có nghĩa là Việt Nam chưa phải là một nền kinh tế thị trường trong thị trường ấy.
Trở lại câu chuyện độc quyền, tại sao chúng ta lại cần sự độc quyền ấy? Bởi vì chúng ta có một cấu trúc chính trị buộc phải bênh một ai đó. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để xử lý những tập đoàn kinh tế như Vinashin, Vinalines, VNPT. Đôi khi chúng ta có cảm giác toàn bộ sức chú ý chính trị của cả hệ thống chính trị chỉ để giải quyết câu chuyện kinh tế nhà nước. Và chúng ta huy động tất cả những nhà kinh tế không chuyên nghiệp để giải quyết các vấn đề kinh tế chuyên nghiệp. Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề độc quyền rất khó, vì chúng ta vốn có một cấu trúc xã hội, một cấu trúc chính trị, một cấu trúc kinh tế buộc phải độc quyền ở một số khía cạnh mà chủ yếu liên quan đến các lực lượng kinh tế nhà nước.
Hỏi: Nếu trong trường hợp Việt Nam không độc quyền thì các nhóm lợi ích - những người muốn bảo vệ sự độc quyền - sẽ làm thế nào?
Trả lời: Chuyện nhóm lợi ích tôi chưa muốn đặt vào đây. Hiện nay ở Việt Nam tất cả những sự thảo luận về nhóm lợi ích chủ yếu vẫn là bàn xung quanh cái vỏ của nó. Theo tôi, nhóm lợi ích về bản chất là đa nguyên. Bởi vì khi anh thừa nhận có nhóm lợi ích là anh thừa nhận có người bảo trợ chính trị cho nó. Ở mọi nơi trên thế giới đều thế chứ không phải chỉ có Việt Nam. Bởi vì tất cả các nhóm lợi ích đều đi tìm kiếm bảo trợ chính trị khi nào còn nhà nước. Tại sao chúng ta lại cần các xí nghiệp nhà nước? Để làm cho Nhà nước có những sức mạnh tức thời trong những lúc cần thiết nào đó người ta buộc phải có các lực lượng kinh tế của nhà nước. Rất nhiều người kêu gọi phải tư nhân hóa ngay, đấy là suy nghĩ của những người không chín chắn về chuyện này. Phải có khuynh hướng tư nhân hóa một nền kinh tế, nhưng không phải cứ thế là có ngay một nền kinh tế tư nhân. Chúng ta không thể dùng cái cày cũ để cày tiếp được nữa, nhưng chúng ta cũng không thể đẽo cái cày khác ở giữa đường được nên chúng ta đành phải mượn cái cày của người khác. Chúng ta mượn các yếu tố thị trường để cày thửa ruộng Việt Nam trong giai đoạn xây dựng một nền kinh tế thị trường nửa vời như thế này. Còn cái cày của nền kinh tế phi thị trường cũ chúng ta cũng không vứt bỏ được, cho nên chúng ta buộc phải có định hướng xã hội chủ nghĩa đằng sau. Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là vừa cày bằng máy, vừa phải vác theo một cái cày cổ điển để phòng lúc cần.
Độc quyền còn tồn tại trong nền kinh tế của chúng ta là vì thế, tức là nó cần cho các công việc khá chính đáng nếu xét theo lợi ích chung xã hội. Đấy không phải là những lợi ích thông minh, không phải là cách thức thông minh, nhưng không thể nói là không chính đáng được. Củ khoai không phải là một thực phẩm thông minh, nhưng nó rất cần cho người đói. Chúng ta không làm thơ về củ khoai trong thời đại này được, nhưng chúng ta vẫn phải cất giấu nó để đề phòng. Độc quyền ở ta có động cơ chính đáng như thế.
Còn nhóm lợi ích cũng là một phức hợp, nó có hai tầng, thứ nhất là các nhóm lợi ích chính thống. Ví dụ, các tỉnh khác nhau là những nhóm lợi ích chính thống khác nhau. Hải Phòng và Quảng Ninh là hai nhóm lợi ích, nếu Quảng Ninh khai thác cảng tốt thì Hải Phòng không còn lợi thế về cảng nữa. Chúng ta xây sân bay Cát Bi là tốt, nhưng nếu chúng ta đầu tư vào làm sân bay Vân Đồn thì liệu sân bay Cát Bi có vấn đề không? Đấy là những nhóm lợi ích mà tôi gọi là nhóm lợi ích tương đối chính thống. Còn bên dưới sự chính thống ấy là các nhóm lợi ích khác, các nhóm đầu tư cho các dự án công khai. Cuộc đấu tranh giữa các nhóm lợi ích cần sự bảo trợ chính trị cho nó. Lực lượng để bảo trợ chính trị cho các nhóm lợi ích không nằm trong mặt bằng công khai của các nhóm, mà nó nằm ở mặt bằng dưới. Cái đó chính là tiền đề cho đa nguyên chính trị.
Có một nhà chính trị cấp trưởng ban của Đảng hỏi tôi về vấn đề này, tôi nói: nếu các anh sa lầy vào việc thảo luận các nhóm lợi ích một cách công khai thì các anh rơi vào bẫy của nó. Các nhóm lợi ích không nằm ở tầng công khai, mà nằm ở dưới đó, bởi vì nó là động lực để tạo ra đa nguyên chính trị. Nếu như chúng ta thừa nhận các nhóm lợi ích là công khai thì đến lúc nào đó, giở trang sau ra là thành đa nguyên chính trị. Cho nên trong cuộc đấu tranh chính trị này nếu người cầm trịch không đủ trí tuệ rất dễ sa vào bẫy. Chính vì những lẽ đó mà tôi mới nói độc quyền là một khái niệm phức hợp.
Hỏi: Ông nói độc quyền sẽ bảo vệ lợi ích của nhà nước ở một mặt nào đấy, nhưng nhìn vào tình trạng độc quyền của chúng ta hiện nay thì không phải thế?
Trả lời: Tôi không bao giờ nói độc quyền bảo vệ lợi ích nhà nước. Độc quyền bảo vệ nhiều cấp độ lợi ích, trong đó có lợi ích nhà nước.
Hỏi: Nhưng rất nhiều người nhìn thấy rõ ràng sự độc quyền trong nền kinh tế hiện nay đang mang lại những hậu quả phản tác dụng, đi ngược lại những mong muốn ban đầu của nhà nước?
Trả lời: Nói như thế là không đúng. Không phải độc quyền luôn luôn bảo vệ các lợi ích tiêu cực. Bởi vì độc quyền đã giúp chúng ta thắng Mỹ. Những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh Đông Dương vẫn còn kéo dài cho đến bây giờ. Thượng nghị sĩ John McCain và Nhà trắng đang bàn về việc bỏ cấm vận bỏ vũ khí sát thương, đang bàn về việc châm trước cho Việt Nam một số tiêu chuẩn về nhân quyền để gia nhập TPP. Tất cả những chuyện như vậy là di họa của chiến tranh Đông Dương. Lịch sử liên tục và không bị ngắt đoạn bởi bất kỳ cái gì. Bây giờ chúng ta vẫn đang phải tiếp tục giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương. Những vấn đề chúng ta đã giải quyết ở Campuchia, đó chính là kết quả của chiến tranh Đông Dương. Chúng ta đang giải quyết vấn đề với người Trung Hoa, đấy cũng là giải quyết kết quả của chiến tranh Đông Dương, bởi chúng ta nợ Trung Quốc để tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương và bây giờ là lúc họ đòi. Do tầm nhìn lịch sử, do vội nên có thể quên mặc áo ra đường. Chính trị cũng có những lúc vội quên cả mặc áo. Vội là vì chúng ta thực hiện một cuộc chiến tranh, chúng ta tự tha thứ cho mình những sơ suất có tính chất pháp quyền. Trạng thái ấy kéo dài và cho đến bây giờ người Việt mới bắt đầu đi những bước đầu tiên để giải quyết hậu quả của chiến tranh Đông Dương trong các quan hệ chiến lược.
Giới trí thức cấp tiến đôi khi có những đòi hỏi bức xúc. Tôi không nghĩ điều đó là xấu, bởi vì giục giã người ta phải chạy thì không có gì xấu. Tuy nhiên, chỉ giục người ta chạy khi ở trên đường bằng, còn lúc người ta ở bên mép vực thì phải để ý, nếu giục quá mà người ta sa chân xuống thì người ta cũng lôi cổ cả mình xuống luôn.
Hỏi: Các nhà cấp tiến thì yêu cầu chúng ta phải giải quyết nhanh bài toán độc quyền, còn ông thì nói bài toán độc quyền này không thể giải quyết vội vàng. Vậy theo ông hình dung thì việc giải quyết vấn đề độc quyền phải có những lộ trình thế nào?
Trả lời: Phải cải cách một cách toàn diện xã hội Việt Nam, từ chính trị, văn hóa đến kinh tế. Phải nói rằng so với những năm 1980 xã hội Việt Nam hiện nay tốt hơn nhiều, đó là kết quả của một cuộc cải cách rất tích cực. Nói không thấy gì là không đúng, là phủ nhận một số thành quả. Tôi là một trong những ví dụ được hưởng lợi thật sự từ chính sách đổi mới và mở cửa.
Hỏi: Đó là một cuộc phá rào trong kinh tế của chúng ta ở giai đoạn ấy?
Trả lời: Không phải phá rào. Đó là một cuộc cải cách chính trị thật sự. Phá rào là một cách dùng chữ sai mà một số người gán cho thời kỳ ấy. Phải nói rằng đó là một quá trình thể nghiệm chính trị rộng lớn trong lĩnh vực kinh tế để tìm ra một quyết định có quy mô toàn diện đối với cải cách kinh tế. Những người cộng sản Việt Nam đã tìm ra được một đáp án rất hay là không thể cải cách kinh tế nếu không đồng thời cải cách chính trị, và họ gọi cuộc cải cách chính trị của họ là đổi mới tư duy. Họ gọi một cách khiêm tốn và kín đáo để tránh khiêu khích người láng giềng chưa kịp làm điều ấy.
Về mặt chính trị, phải nói rằng Trung Quốc đang lạc hậu so với chúng ta. Trung Quốc không có những trạng thái tự do ngôn luận như ở Việt Nam đang có. Ở Trung Quốc không có nhiều ngân hàng tư nhân như Việt Nam. Việt Nam là kết quả của những thể nghiệm kinh nghiệm không chỉ của người Trung Quốc mà của cả người Nga. Việt Nam là sự trộn lẫn ba thứ, phương Tây, Trung Quốc và Nga. Nga là khía cạnh những kinh nghiệm xây dựng khu vực bất hợp pháp của một nền kinh tế, mà đấy là một giải pháp. Tôi có tiếp xúc với tổng thống Hungary ở những khóa đầu của thời kỳ mở cửa, ông ấy nói rằng đôi khi chúng tôi mắt phải nhắm hờ, phải tảng lờ một số khu vực để nó phát triển, bởi vì nếu không tảng lờ chính trị đối với nó thì nó không phát triển được. Người Hungary vào giai đoạn đầu tiên của chính sách cải cách đã dùng giải pháp tảng lờ như thế. Ông ấy còn định lượng là khu vực được tảng lờ để cho nó phát triển chiếm 36% tỷ trọng của nền kinh tế. Còn Trung Quốc là sự kết hợp một cách cưỡng bức giữa xây dựng một nền kinh tế với giữ gìn sự độc quyền lãnh đạo của đảng với một ý chí mạnh mẽ. Kinh nghiệm giữ gìn vai trò của đảng chủ yếu được xây dựng từ Trung Quốc. Chắc chắn trong hàng chục năm tới, nếu đảng cộng sản Trung Quốc vẫn còn tồn tại thì chúng ta vẫn phải học cách của họ. Bởi vì Trung Quốc sợ nhất Đảng cộng sản Việt Nam sụp đổ. Đảng cộng sản Việt Nam sụp đổ là một tấm gương của sự sụp đổ ngay bên nách Trung Quốc. Nếu để điều đó xảy ra có nghĩa là Trung Quốc chứng minh rằng mình không có năng lực điều khiển chính trị đối với các quốc gia ở ngay sát nách, tức là nó thể hiện tính không có sức mạnh chính trị của nền chính trị Trung Quốc, cho nên Trung Quốc buộc phải kiểm soát được sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Có lẽ họ cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam để kiểm soát chuyện ấy. Họ có nhu cầu để kiểm soát cho họ, và họ có nhu cầu hỗ trợ cho mình kiểm soát. Cho nên việc hợp tác giữa những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam là một tất yếu.
Hỏi: Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn loay hoay với việc xóa bỏ độc quyền, đồng ý rằng nó sẽ cần có thời gian, nhưng đến 2018 chúng ta sẽ phải thực hiện đúng cam kết với WTO?
Trả lời: Trên thế giới này WTO không đủ uy lực để bắt tất cả mọi đối tượng tham gia thực hiện các cam kết. Cam kết của WTO giống như việc một người vợ chưa cưới giữ lời hứa chung thủy. Tất nhiên người ta không phản bội nhau, nhưng người ta có thể trì hoãn các lời hứa. Năm 2018 không phải là lúc chúng ta trả bài WTO về vấn đề cam kết độc quyền. Biết đâu đến 2018 WTO lại giải thích hiện tượng độc quyền theo một định nghĩa khác.
Khuynh hướng bảo hộ mậu dich bắt đầu quay trở lại nhiều nơi trên thế giới. Bảo hộ mậu dịch chính là biểu hiện lỏng hơn, biểu hiện nhẹ nhàng hơn hay là biểu hiện thị trường hơn của khái niệm độc quyền. Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ bế tắc trong chuyện thực hiện các cam kết ở thời điểm 2018. Vấn đề là người Việt Nam có xây dựng nổi nền kinh tế thị trường không. Bởi vì muốn xây dựng nền kinh tế thị trường thì phải có một lộ trình xóa bỏ độc quyền. Cho nên thủ tướng có đưa ra chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, đặt trong đó trọng tâm là tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trọng tâm của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là cổ phần hóa, tức là tư nhân hóa ở một mức độ phù hợp với các định nghĩa của Việt Nam. Việc này vất vả, không dễ thực hiện và cũng khó thành công rực rỡ như mong muốn, nhưng chắc chắn nó cũng sẽ nhúc nhích để chứng tỏ là nó còn thở và chưa chết. Một nền kinh tế chỉ cần thở và chưa chết đã là một cái khó trong điều kiện hiện nay.
Hỏi: Nhiều người nói rằng vấn đề độc quyền sẽ làm trì trệ nền kinh tế?
Trả lời: Độc quyền tức là tiêu diệt động lực của nền kinh tế thị trường, tức là không cạnh tranh hay là cạnh tranh hạn chế làm tốc độ phát triển chậm lại. Chống độc quyền tức là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, do đó làm cho nền kinh tế phát triển thuận lợi hơn.
Hỏi: Có một ví dụ rất cụ thể của Việt Nam trong vấn đề chống độc quyền, là vấn đề hạ tầng viễn thông. Khi mới chỉ có Vinaphone và Mobiphone thì người dân phải sử dụng với giá đắt, nhưng khi có thêm mạng Vietel thì có một cuộc cách mạng về viễn thông?
Trả lời: Đấy không phải là cách mạng. Có một bà gánh một gánh cá mới đến chợ bán thì cá ở chợ sẽ rẻ đi đôi chút. Sự xuất hiện của Vietel giống như sự xuất hiện của một bà bán cá mới và hiện tượng giảm giá là phản ứng rất bản năng của cái gọi là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên nó chỉ là trạng thái ban đầu. Vietel, Vinaphone và Mobiphone đều là sở hữu nhà nước, khi Đảng thấy rằng cả ba mạng này không được cạnh tranh với nhau để gây thất thoát, để thu lợi thì sẽ có sự hợp tác. Ở nước chúng ta đã có sự ký kết hợp tác giữa tòa án, chính phủ và viện kiểm soát với nhau bất chấp nguyên lý tam quyền phân lập, một nguyên lý cổ điển của nền chính trị nhân loại. Chúng ta đã từng có sự hợp tác như vậy thì sự hợp tác giữa ba mạng điện thoại di động cũng có thể có. Bây giờ người ta đã thừa nhận hôn nhân đồng tính thì sự hợp tác giữa ba mạng viễn thông của nhà nước hoàn toàn có thể xảy ra. Hợp tác giữa ba mạng viễn thông nhà nước với nhau là hiện tượng đồng tính trong kinh tế.
Hỏi: Để tránh những hiện tượng đồng tính ấy thì chúng ta phải làm gì?
Trả lời: Chúng ta phải có luật chống độc quyền. Luật chống độc quyền tức là chống các liên minh kinh tế tạo ra hiện tượng độc quyền trên thị trường. Luật ấy chính là bộ máy động lực để duy trì tính tự do của một nền kinh tế thị trường.
Hỏi: Tại sao việc ấy chúng ta không làm được?
Trả lời: Không làm được vì làm là tự tiêu diệt mình. Nhà nước chúng ta vừa là cầu thủ lại vừa là trọng tài, chúng ta không thể nào đưa ra luật qui định rằng nếu có một cái còi trên miệng thì không được đá bóng. Thủ tướng vừa là tổng tư lệnh của một nền kinh tế, vừa là tư lệnh của một khu vực kinh tế. Thủ tướng chịu nhiều sức ép. Một mặt là sức ép quốc tế trong việc xây dựng một môi trường tốt để có thể chống độc quyền, tức là xây dựng nền kinh tế thị trường. Nhưng mặt khác, các cơ quan kinh tế trung ương lại gây sức ép với Thủ tướng là phải làm thế nào để chúng tôi tồn tại. Điều hành một nền kinh tế nhà nước rất tốn kém. Để bành trướng khu vực kinh tế ấy phải tiêu tốn phần lớn năng lượng của toàn bộ nền kinh tế. Cho nên, Chính phủ giống như một người bị giằng xé giữa một biển mênh mông những người đàn bà đẹp với bà vợ thân yêu của mình là nền kinh tế quốc doanh. Đấy là cái kẹt của Chính phủ và Thủ tướng. Thủ tướng không chống độc quyền được. Chống độc quyền thì khu vực quan trọng mà thủ tướng làm tư lệnh sẽ gặp khó. Nhưng nếu không chống độc quyền thì các khu vực khác và các nền kinh tế thế giới sẽ phản đối thủ tướng vì thủ tướng không tạo cho nó các quyền tự do.
Hỏi: Vậy cuối cùng chúng ta có muốn chống độc quyền không?
Trả lời: Chúng ta chống, nhưng chúng ta kéo dài sự chống ấy cho đến khi nào nó gặp các điểm thuận lợi. Đó chính là nghệ thuật cải cách chính trị, kinh tế và văn hóa ở những nước như Việt Nam.
Hỏi: Như ông nói thì chính sách của nhà nước ta với việc xử lý bài toán độc quyền là đúng đắn?
Trả lời: Không đúng đắn mà thực tế. Thực tế và đúng đắn là hai khái niệm khác nhau. Nó thực tế và tất yếu, không phải là phù hợp. Phù hợp tức là sắp đặt được. Ở đây chúng ta không sắp đặt được. Chính phủ không sắp đặt được, Thủ tướng muốn cũng không làm được, đành phải kéo lê tình trạng này, không có cách gì khác.
Phân tích của tôi còn chưa đặt Việt Nam vào trong toàn bộ những sự phức tạp của nền kinh tế thế giới. Ví dụ người Mỹ cần Việt Nam cho nên rủ rê Việt Nam vào TPP. Đòi hỏi của TPP trong những giai đoạn như hiện nay sẽ khác với những đòi hỏi công bằng hay khách quan vào những lúc khác. Việt Nam tranh thủ vào lúc này trong khi vẫn còn những vấn đề về nhân quyền, về độc quyền, đấy là thực tế quốc tế, thực tế địa chính trị. Cho nên cải cách là phải dọ dẫm những áp lực được áp đặt lên trên một xã hội.
Hỏi: Khi nhà nước có quyết định về độc quyền thị trường vàng, có một doanh nhân đã nói rằng sự độc quyền sẽ tạo ra môi trường cho những quả trứng mafia nở. Những quả trứng này sẽ điều khiển nền kinh tế và đưa cả nền chính trị theo chiều hướng bất lợi mà chúng ta không kiểm soát được. Ông nghĩ thế nào về ý kiến đấy?
Trả lời: Ý kiến ấy không sai những cũng không đúng. Có rất nhiều nền kinh tế không độc quyền, rất thị trường, nhưng những quả trứng mafia vẫn chất từng rổ. Ví dụ, Yakuza ở Nhật, Ngũ đại gia đình ở New York, v.v. và rất nhiều thứ tương tự ở Nga. Mafia là những virus Ebola tồn tại trong tất cả các thực thể kinh tế trên thế giới này, kể cả nền kinh tế độc quyền và không độc quyền. Khi virus ấy phát tác, nó sẽ điều khiển nền kinh tế. Lúc nào những lực lượng mafia cũng điều khiển một nền kinh tế, và chúng ta gọi nó là nhóm lợi ích. Mọi chính phủ phải đủ thông thái để chống lại sự điều khiển của các tập đoàn mafia. Chúng ta không thể tiêu diệt các tập đoàn mafia để môi trường sạch sẽ hoàn toàn để Chính phủ có thể điều hành một nền kinh tế đầy hoa thơm cỏ lạ. Chính phủ buộc phải đối đầu với mafia.
Chúng ta phải có lý thuyết, nếu chúng ta nhầm lẫn giữa quản lý kinh tế với quản lý xã hội thì chúng ta không quản lý được. Nếu chúng ta muốn quản lý mafia thật sự thì không quản được. Mafia là một thuộc tính của xã hội, nó có ở mọi nền kinh tế. Nó có trước hết ở kinh tế, sau đó len lỏi vào chính trị. Khi nó len lỏi vào chính trị thì nó trở thành yếu tố thao túng chính sách. Tất nhiên thao túng chính sách cũng nhằm mục tiêu kinh tế. Mafia ít có những tham vọng ngoài kinh tế, nhưng nó thực hiện bằng mọi cách để thao túng kinh tế, kể cả gây chiến tranh giữa các quốc gia. Nhiều cuộc chiến tranh ở trên thế giới này là kết quả của hoạt động mafia. Mafia là một yếu tố có thực trong cuộc sống, tùy mức độ khác nhau mà nó chi phối, điều khiển và thao túng các cấp độ khác nhau của một nền chính trị. Hiện nay mafia đang tác động đến nền chính trị của chúng ta qua khái niệm mà Đảng ta gọi một cách thân thiện là nhóm lợi ích.
Định nghĩa không đúng và mô tả không đúng sẽ hướng dẫn một chuỗi hành động không đúng. Mafia không phải là địch để săn đuổi, mafia là các yếu tố tiềm ẩn. Lúc đầu nó là những con sán nằm yên lặng trong các thớ, các mô khác nhau của cơ thể. Nó có năng lực to lên để giải quyết các vấn đề và sau đó lại thu gọn lại. Nó tồn tại vĩnh viễn. Rất nhiều những tên tuổi, những dự án được mô tả một cách đẹp đẽ là những dự án mafia. Nhiều mafia mang lại cho ngân sách là những nguồn thu khổng lồ đã được biểu dương, thậm chí được phong anh hùng.
Hỏi:Nghĩa là phải nhìn nhận mafia một cách đúng đắn và tích cực hơn?
Trả lời: Phải nhìn nhận thực tế hơn mới có thể nghĩ ra được biện pháp chung sống. Tiêu diệt không phải dễ. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc cũng định tiêu diệt, nhưng so những cái mà người Trung Quốc có với những gì Tập Cận Bình tiêu diệt được giống như người chữa vảy nến, chữa được những vết trên mặt chứ không chữa được gốc của bệnh. Trung Quốc cũng là một nền kinh tế mà mafia thao túng. Đảng cộng sản Trung Quốc buộc phải thực hiện những chiến dịch khổng lồ để khắc phục, hạn chế. Có lẽ đến bây giờ chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng việc cạo rửa tham nhũng và mafia khó hơn nhiều so với việc chi phối hệ thống điều khiển nó. Hay nói cách khác, người ta chỉ có thể tiêu diệt mafia trên cơ sở các công cụ có được từ việc xây dựng nền kinh tế thị trường. Chống độc quyền chính là một trong những công cụ như vậy.
Hỏi:Vậy một trong những việc cơ bản của chống độc quyền là chúng ta phải tư nhân hóa những lĩnh vực kinh tế độc quyền hiện nay?
Trả lời: Không làm thế được. Chúng ta phải mô tả được nền kinh tế đã. Lỗi lớn nhất của nhà nước chúng ta hiện nay là không mô tả nổi nền kinh tế Việt Nam mà tôi gọi là không có tổng phổ kinh tế. Khi thảo luận tại Ban Kinh tế Trung ương, tôi có nói với đồng chí Trưởng ban là Đảng ta và các nhà khoa học kinh tế của chúng ta cần phải xem việc mô tả tổng phổ kinh tế như là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi vì nếu không mô tả được tổng phổ kinh tế một cách đơn giản, phù hợp với năng lực kinh tế học của các nhà chính trị bình dân hiện nay thì chính phủ không có công cụ để điều hành nền kinh tế. Cái mà tôi muốn bàn là mô tả tổng phổ kinh tế như thế nào để bất kỳ thủ tướng nào cũng đủ năng lực để sử dụng nó mà điều hành nền kinh tế.
Hỏi: Ông có nhìn thấy ở Việt Nam mình bóng dáng của những người có thể thay đổi được tình huống?
Trả lời: Nhiều người chờ đợi tôi nói rằng tôi đã nhìn thấy, và cũng có nhiều người không muốn tôi nói ra điều ấy. Phải nói thật là tôi không nhìn thấy chứ không phải tôi không muốn nói ra. Tại sao tôi nói tôi không nhìn thấy là bởi vì cơ cấu hạ tầng xã hội của chúng ta không đủ ổn định để hiện hình các tiêu chuẩn được gọi là nhân tài. Chọn một nhân tài chính trị chính là chọn một nhà lãnh đạo, chọn một nhà lãnh đạo chính là chọn tiêu chuẩn để lựa chọn nhà lãnh đạo ấy. Chúng ta có một xã hội chưa ổn định, các tiêu chuẩn văn hóa đạo đức không ổn định cho nên đôi khi chúng ta chọn nhầm. Chúng ta khó xác lập hệ tiêu chuẩn vì xã hội không phát triển về mặt văn hóa để có độ ổn định về tiêu chuẩn văn hóa.
Hỏi: Bây giờ chúng ta không có những tiêu chuẩn về văn hóa, chúng ta cũng không có những tiêu chuẩn về kinh tế, chúng ta không hệ thống, không khái quát được, vậy theo ông, chúng ta phải đi theo hướng như thế nào?
Trả lời: Tại sao chúng ta lại sốt ruột phải có tiêu chuẩn này, phải có tiêu chuẩn kia. Tiêu chuẩn là kết quả tự nhiên của sự phát triển. Một số trí thức nhìn sang Mỹ, nhìn sang Châu Âu thấy mình kém họ quá, thấy tự do đơn giản quá, dân chủ đơn giản quá, phát triển đơn giản quá, tại sao chúng ta không làm được. Tôi cho rằng, tất cả các tiêu chuẩn để xác lập một trật tự văn hóa, trên cơ sở đó để có thể xác lập một trật tự chính trị, một trật tự kinh tế sẽ đến cùng với sự phát triển, đôi lúc là sự phát triển vô tổ chức. Cả thế giới chấp nhận Việt Nam vào WTO thì chúng ta cũng ở đâu đó chứ không đến nỗi thấp kém lắm. Thế nhưng chúng ta lại soi kính lúp vào WTO và đòi hỏi mình phải thế này, phải thế kia là chúng ta sai. Thiên hạ có thể nhầm lẫn mà kết nạp Việt Nam vào WTO chứ không phải chọn Việt Nam vào WTO. Đôi khi sự tham gia vào các công ước quốc tế của chúng ta là sự nhầm lẫn của cả hai phía và thiên hạ vẫn hạnh phúc, sung sướng hưởng sự nhầm lẫn đấy của nhau. Tất cả những con người nhầm lẫn ấy gặp nhau ở trong cái chợ được gọi là WTO. Đấy là thực tế chính trị và văn hóa toàn cầu.
Hỏi: Ông có bao giờ hình dung con đường phát triển của Việt Nam sẽ đi theo những bước như thế nào thì hợp lý?
Trả lời: Chúng ta chưa có tiêu chuẩn để xác lập một hệ thống chính trị chuyên nghiệp, cho nên chúng ta không thể áp đặt một sự lựa chọn chuyên nghiệp vào lúc này được. Mọi sự lựa chọn vào lúc này đều được thực hiện bởi những yếu tố không chuyên nghiệp hoặc những tiêu chuẩn không chuyên nghiệp, hoặc những con người không chuyên nghiệp. Phải biết cách sống và phải biết kiên nhẫn đối với tốc độ phát triển mang chất lượng lịch sử của người Việt.
Hỏi: Có một trí thức trẻ có nói một câu đại ý là anh ấy không đồng ý với các trí thức cấp tiến của mình bây giờ cứ nói đến chuyện đổi mới thể chế, đòi hỏi dân chủ… Anh ấy cho rằng việc ấy là không thể và phải biết chấp nhận những gì chúng ta đang có và làm thế nào để thay đổi được từng điều nhỏ nhất trong xã hội?
Trả lời: Ngay cả những người đòi thay đổi thì họ cũng không phải đòi thay đổi thật. Mỗi người đều tìm kiếm địa vị của mình bằng những cách khác nhau. Có người mang Hiến pháp Mỹ ra giới thiệu ở Việt Nam. Người ta nghĩ rằng cứ đọc Hiến pháp của Mỹ là hiểu Hiến pháp Mỹ mà không biết rằng Hiến pháp là một văn bản được viết trên máu. Dưới bề dầy của tờ giấy in bản Hiến pháp ấy là máu. Dưới Hiến pháp là máu, dưới sự phát triển là máu. Dân tộc chúng ta không thể nào đốt cháy giai đoạn bằng cách đi lên kinh tế thị trường ngay lập tức, đi lên kinh tế tri thức ngay lập tức, tất cả những thứ ấy là không thật. Chúng ta cần nhận thức lại rằng chúng phải dám phát triển, phải chấp nhận, phải đau khổ, phải đánh đổi. Cùng với thời gian chúng ta sẽ có một số kinh nghiệm. Cùng với kinh nghiệm chúng ta sẽ có một sự phát triển mới. Cùng với sự phát triển mới chúng ta lại có một số kinh nghiệm mới hơn. Và cùng với sự phát triển mới hơn chúng ta sẽ có tương lai.
Việt Nam hiện nay là một xã hội không chuyên nghiệp. Cùng với thời gian, khoảng vài trăm năm nữa chúng ta mới trở thành một xã hội chuyên nghiệp. Đấy là kết luận của tôi.
Hỏi: Trong lĩnh vực kinh tế, việc tư nhân hóa những doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những hướng đi mà ai cũng thấy. Theo ông, những doanh nghiệp tư nhân của mình liệu đã đủ năng lực để tiếp nhận xu hướng ấy chưa?
Trả lời: Theo tôi doanh nghiệp tư nhân đủ hay chưa đủ năng lực là tùy thuộc vào chính sách, nếu nó không cớm nắng thì nó đủ năng lực. Tháng 3 năm 1988 tôi có tham gia một hội thảo quốc tế về tư nhân hóa tại TPHCM. Người chủ trì về phía Tây là David Smith là trưởng đại diện của UNDP ở Việt Nam. Người đại diện về phía Việt Nam là Phó chủ tịch UBND Nguyễn Văn Huấn. Khi ban tổ chức đề nghị tôi có ý kiến, tôi nói: Nếu chúng ta không biết cách tư nhân hóa nền kinh tế Việt Nam ngay từ bây giờ thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tư nhân hóa quyền lực của Chính phủ Việt Nam thông qua hiện tượng tham nhũng. Chúng ta buộc phải tư nhân hóa chứ không phải cổ phần hóa như hiện nay. Tư nhân hóa là chuyển bớt các hoạt động kinh tế sang các khu vực khác ngoài nhà nước. Nếu không tư nhân hóa thực sự thì nền kinh tế Việt Nam trở thành con lừa thồ trên lưng những thứ không có giá trị thật, và những thứ ấy sẽ đè nặng trên lưng nền kinh tế Việt Nam. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet tôi có nói rằng nếu tất cả nước được chỉ định chảy vào một cái giếng thì toàn bộ mặt đất là khô hạn
Hỏi: Có một doanh nhân đã từng phàn nàn là những doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chưa có sự cạnh tranh và chưa có sự kết nối, do đó bảo họ gánh vác nền kinh tế của chúng ta sợ là quá sức với họ?
Trả lời: Tôi đã từng nói rằng không thể nào tái cơ cấu nền kinh tế nếu không có cải cách chính trị. Cải cách chính trị không phải là thay đổi thể chế. Chính những người sốt ruột đã làm cho xã hội hiểu nhầm và đặc biệt làm cho những người cầm quyền hiểu lầm. Họ hiểu rằng cải cách chính trị chính là thay đổi thể chế. Không phải. Cải cách chính trị là làm cho những bộ phận khác nhau của thể chế chính trị trở nên hợp lý. Tất cả những chuyện này tôi đã nói rất kỹ trong cuốn sách “Cải cách và sự phát triển”.
Hỏi: Ông cho rằng chúng ta có một cơ chế hợp lý thì sẽ giúp cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và phát triển rất nhanh. Người Israel đã tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp của họ, họ sẵn sàng chấp nhận trao cho những người trẻ nhất cơ hội để phát triển?
Trả lời: Người Israel với chúng ta khác nhau xa lắm. Khác nhau xa về thể chế chính trị, khác nhau xa về nhân chủng, cho nên chúng ta không nên so như vậy.
Hỏi: Tôi nghĩ rằng mình có thể học được cái gì từ họ?
Trả lời: Chúng ta hãy học thợ mộc Việt Nam. Tôi mua một cái sập, tôi rất ngạc nhiên khi thấy cái sập không bao giờ được đóng hoàn chỉnh, một trong bốn góc của nó luôn để hở. Tôi mua cách đây hơn chục năm rồi và bây giờ tôi thấy những cái sập khác cũng vẫn được đóng như thế. Sau này tìm hiểu tôi mới biết người ta để thế để cho gỗ thở. Tự do chính là khoảng hở ấy. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là chúng ta bít hết mọi ngả để cho tự do không biết chui vào đường nào. Hãy để một cửa cho tự do vào, tự do sẽ thúc đẩy sự phát triển, đến một ngưỡng nào đó chúng ta quan sát sẽ thấy nó hợp lý hay không hợp lý và chúng ta điều chỉnh tiếp. Tôi có nói rằng, tự do là nội dung cơ bản của cải cách chính trị.
Hỏi: Theo ông, chúng ta sẽ phải giải quyết bài toán độc quyền như thế nào cho thỏa khát khao của người Việt Nam hiện tại?
Trả lời: Chúng ta tưởng rằng chìa khóa của đất nước là ở chỗ chống độc quyền, nhưng không phải như vậy. Tại sao chúng ta lại căm thù độc quyền như thế? Việc chống độc quyền không chứa trong nó tất cả các lối thoát của một nền kinh tế hoặc một quốc gia như chúng ta.
Hỏi: Nhưng nó sẽ chứa đựng những lối thoát về vấn đề kinh tế?
Trả lời: Chứa đựng một số chứ không phải là tất cả và cũng không phải là cứu cánh. Cứu cánh là chống độc quyền chính trị, nhưng chống độc quyền chính trị vào giai đoạn này là không thể. Không phải vì vướng Trung Quốc mà bởi vì thế giới không có lối thoát cho những thực thể chính trị đang ở trong trạng thái độc quyền. Thế giới hiện nay không có giải pháp trong việc tìm kiếm lối thoát cho các quốc gia như Việt Nam. Nước Mỹ khủng hoảng, nước Mỹ không phải là cứu cánh cho sự tiến bộ xã hội vào giai đoạn hiện nay. Hai mươi năm trước đây, lúc nước Mỹ cường tráng mà chúng ta tranh thủ được nước Mỹ thì rất tốt. Tôi là một trong những người tiên phong trong việc tranh thủ nước Mỹ cách đây 20 năm. Nhưng lúc đó chúng ta lại từ chối. Đến giờ, khi nước Mỹ trở thành già lão thì chúng ta lại cầu cứu. Sự cầu cứu một người già lão hiện nay với một vài sự ủng hộ chẳng giải quyết được gì. Đây là lúc chúng ta buộc phải chấp nhận và chờ đợi. Đối với quyền lợi của người dân, đối với quyền lợi của đất nước sự kiên nhẫn trở thành vũ khí cơ bản ở giai đoạn hiện nay.
Hỏi: Theo ông, thứ nhất chúng ta phải chờ đợi, thứ hai chúng ta phải ủng hộ và tin tưởng Chính phủ, ghi nhận những nỗ lực mà họ đang làm?
Trả lời: Chúng ta cũng không nhất thiết phải ủng hộ và tin tưởng. Ủng hộ và tin tưởng là hai khái niệm khác nhau và không nên ghép nó làm một. Ủng hộ thì có thể nhưng tin tưởng thì chưa chắc.
Hỏi: Có những người khi họ bước chân vào một lĩnh vực nào đó họ sẽ bắt đầu tạo ra những điểm bùng phát, từ đấy có thể làm thay đổi xã hội. Theo ông, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay có cần phải có những người táo bạo như thế không?
Trả lời: Việc tạo ra các điểm đột biến trong toàn bộ chuỗi phát triển là một trong những nghệ thuật chính trị quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Người Trung Quốc đã làm một game changer thông qua việc đặt Giàn khoan vừa rồi. Người Trung Quốc cực kỳ thâm thúy khi làm việc đó. Tôi rất ngạc nhiên là tại sao họ lại có những con người thông minh như thế.
Hỏi: Ông có đồng ý với ý kiến của một số người nói rằng người Việt Nam không chung thủy với bạn bè?
Trả lời: Nói như thế là không đúng. Người Việt Nam luôn luôn đố kỵ với bạn bè chứ không phải không chung thủy. Người Việt Nam rất cần bạn vì người Việt Nam sợ ma không đi đâu một mình được, cho nên mới có hội nghị Thành Đô.
Hỏi: Tôi muốn ông chia sẻ kỹ hơn về những game changer, những người được kỳ vọng có thể thay đổi số phận nền kinh tế Việt Nam nói riêng, và số phận của đất nước nói chung?
Trả lời: Game changer là những yếu tố rất khác nhau trên các mức độ khác nhau. Trong nền kinh tế như Hoa Kỳ thì Steve Jobs, Bill Gates là những game changer. Vì các hệ điều hành mà họ tạo ra là những sáng tạo vĩ đại, nó làm giảm nhẹ 70-80% khối lượng công việc điều hành trên toàn cầu. Công nghệ điều hành hay ở chỗ nó điều hành cả các thiết kế, nó làm thay đổi lịch sử, thay đổi tốc độ. Mỗi một mặt bằng khác nhau có các game changer khác nhau.
Tôi khẳng định đấy là một hiện tượng có thật vĩ đại. Rất ít người nhận thức được một cách hệ thống khái niệm này. Ví dụ những vấn đề xảy ra ở Bắc Phi là một game changer, nó làm đảo lộn toàn bộ trật tự tư duy chính trị thế giới. Mọi người tưởng rằng chênh lệch giàu nghèo là tất yếu dẫn đến cách mạng, nhưng những gì diễn ra ở Bắc Phi đã chỉ ra rằng nó tất yếu dẫn đến hỗn loạn. Đấy là một cú game changer để uốn nắn toàn bộ lịch sử nhận thức của nhân loại.
Hỏi: Nhưng chúng ta thì khác, thậm chí là chúng ta vẫn chưa tìm thấy mầm mống nào manh nha?
Trả lời: Bởi vì người Việt không biết đi từ đâu và không biết đến đâu về mặt nhận thức. Bỏ chủ nghĩa Marx để thay bằng hiến pháp Mỹ tức là lấy một ít bột mỳ để đắp cái mũi lõ và yên trí rằng như thế là mình trở thành người Mỹ. Đi từ đâu người Việt không biết, đến đâu cũng không biết.
Chúng ta với Trung Quốc có một quan hệ sống còn dây dưa với nhau gần 100 năm. Tất cả các đảng chính trị được hình thành ở Việt Nam đều chơi với Trung Quốc. Từ Việt quốc, Việt cách… cho đến những đảng khác, không một đảng chính trị nào xuất hiện ở Việt Nam không có nguồn gốc Tàu và chơi với Tàu. Trong tất cả các quan hệ giữa các đảng chính trị Việt Nam với người Tàu thì bình đẳng nhất và ít trịch thượng nhất chính là quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phân tích như vậy mới hiểu rằng thân Tàu là một khuynh hướng chính trị của mọi đảng chính trị ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là thân đến đâu và làm thế nào để dừng sự thân ở một chừng mực hợp lý thì không ai nghiên cứu.
Bạn đọc bài của tôi về sáu bài toán của một nhân tài chính trị sẽ thấy tiềm ẩn trong đó gợi ý về việc xây dựng hệ tư tưởng kinh tế, hệ tư tưởng quân sự, hệ tư tưởng chính trị Việt Nam như thế nào. Tìm cách xác lập vị trí của Việt Nam trong sự phát triển nhân loại thế nào. Giải quyết tất cả các vấn đề khi sống và phát triển bên cạnh Trung Quốc như thế nào. Kẻ thông minh nhất sẽ là kẻ nghĩ ra làm thế nào bằng con đường hợp tác với Trung Quốc để Việt Nam đi qua được một số giai đoạn phát triển, bỏ được một số giai đoạn chậm phát triển. Các cách khác không thông minh. Người Việt Nam đã thử làm với Mỹ và với Nhật Bản đều thất bại.
Trong một bài báo tôi có viết tại sao chúng ta không xem Trung Quốc là một thị trường mà lại xem Trung Quốc là một chiến trường? Tại sao chúng ta lại muốn “Thoát Hán”? Tại sao cả thế giới lớn lên bằng cách ăn trong cái máng của nền kinh tế Trung Quốc mà chúng ta lại không ăn được gì? Đấy là những vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn