Sự thật về “dị nhân” hô phong hoán vũ...
- Hoang đường chuyện dùng ý nghĩ chặn mưa(Đỗ Kiên Cường)
Những ngày qua, thông tin về “dị nhân” Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố có thể dùng siêu năng lực để ngăn mưa trong 7 ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã làm dư luận xôn xao…
Ban đầu nhà nghiên cứu Lý học Đông phương này đề nghị chính quyền Hà Nội trả thù lao trên 7 tỉ đồng. Nhưng sau đó ông cho biết, nếu các cơ quan hữu trách tin tưởng, ông sẽ thực hiện việc ngăn mưa mà không nhận bất cứ một đồng thù lao nào.
Theo mô tả, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh sẽ dùng ý thức tác động đến các hạt proton để can thiệp vào các hiện tượng thời tiết như nắng, mưa, thậm chí là các cơn bão. “Riêng với dịp đại lễ sắp tới, cảm hứng của tôi xác định là có thể làm ngăn mưa, làm cho bầu trời có ánh nắng nhưng tương đối mát mẻ trong 7 ngày liên tiếp. Tôi còn có thể làm tốt hơn nữa, ngăn mưa trên toàn quốc”, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh quả quyết.
Trước ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, cũng từng có một người tự xưng có khả năng điều khiển hướng di chuyển của các cơn bão. Giữa mùa mưa năm 2009, người viết bài này nhận được một bức thư điện tử (e-mail) rất đặc biệt từ một người chưa quen biết. Người gửi bức thư này tự giới thiệu là Đỗ Xuân Thọ, cán bộ nghiên cứu của một viện thuộc Bộ Giao thông vận tải và cho biết ông có thể điều khiển hướng di chuyển của các cơn bão trên biển Đông.
Ông Thọ cho biết, mặc dù là tiến sĩ cơ học ứng dụng, nhưng ông đã để tâm nghiên cứu về triết học với khát vọng xây dựng một triết học của VN. Theo vị tiến sĩ này, sau gần 20 năm nghiên cứu, ông đã hoàn thành học thuyết “Tâm vũ trụ” và bắt đầu đi sâu nghiên cứu những ứng dụng của nó. “Có rất nhiều ứng dụng nhưng một trong những ứng dụng mà tôi đã chứng minh bằng thực nghiệm suốt 5 năm qua là dùng sóng ý thức điều khiển các cơn bão ở biển Đông. Hiện nay các thí nghiệm đã đạt 65% thành công. Vừa qua tôi đã dùng sóng ý thức để điều khiển thành công cơn bão số 10 không đổ bộ vào VN. Trước đó, tôi đã thành công với cơn bão số 6 và số 7” (!?), ông Thọ viết. Và tiến sĩ Thọ mong muốn PV Báo Thanh Niên làm chứng cho những thí nghiệm của ông.
Thí nghiệm bất thành
Cuối tháng 10.2009, ông Thọ cho biết sẽ lái hướng di chuyển của cơn bão Lupit. Trong thư, ông Thọ viết: “Tóm lại, Thọ nhờ mọi người làm chứng cho Thọ: 1. Thọ sẽ làm cho cơn bão Lupit không đổ bộ vào VN. Đây là mục tiêu số một. 2. Thọ cố gắng lái cơn bão Lupit đổ bộ vào Trung Quốc”. Lúc này, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão Lupit đang còn cách đảo Luzon của Philippines tới 1.200 km và chưa thể khẳng định có vào biển Đông hay không. Trên thực tế, bão Lupit đã không đổ bộ vào VN, cũng không đổ bộ vào Trung Quốc mà hướng tới... vùng biển đông bắc Nhật Bản. Sau khi bão tan, ông Thọ vẫn tự nhận: “Thí nghiệm đã thành công tới 60%”.
Bão Lupit vừa tan, cơn bão Mirinae đã xuất hiện. Và tiến sĩ Thọ lại nhờ chúng tôi làm chứng. “Hiện nay ở phía đông Philippines lại có một cơn bão mạnh có tên quốc tế là Mirinae. Các trung tâm khí tượng quốc tê ëđều dự báo nó sẽ đổ bộ vào VN. Giống như lần trước, tôi nhờ các bạn làm chứng như sau: Tôi sẽ dùng sóng ý thức để điều khiển cơn bão Mirinae không đổ bộ vào VN".
Ông Thọ giải thích cơ chế tác động bằng ý thức như sau: “Tôi đã dùng sóng ý thức gửi đoạn mã với nội dung: “Bão Mirinae không đổ bộ vào VN” đến Tâm vũ trụ và liên tục làm “tươi” bởi cơ chế ĐXT. Tôi đã nhận được thông tin phản hồi từ Người. Mặc dù hết sức khó khăn nhưng tôi vẫn tuyệt đối tin tưởng vào Tâm vũ trụ và sự thành công của thí nghiệm này”. Rồi: “Cách đây khoảng một tiếng, tôi dùng sóng ý thức thâm nhập thành công vào lân cận số 3 của Tâm vũ trụ. Ngay lập tức Người gửi sóng ý thức tức thời đến phần hồn của bão Mirinae báo cho “nàng” biết tình yêu khủng khiếp của tôi đối với Mirinae và lời khuyên “nàng” thôi “giận hờn” (tan đi) trước khi vào VN. Tôi tin Mirinae không thể cưỡng lại được tình yêu của tôi. Tôi khẳng định rằng Mirinae sẽ tan ở biển Đông trước khi vào VN”.
Thực tế là sau đó, bão Mirinae đã đổ bộ vào miền Trung nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản!
Hoang đường
Trao đổi với phóng viên TNTS, các chuyên gia khí tượng thủy văn đều cho rằng những tuyên bố gây sốc nói trên chỉ là chuyện không có cơ sở khoa học, thậm chí là… vớ vẩn. Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nói: "Chúng tôi được trang bị rất nhiều phương tiện, máy móc và đội ngũ cán bộ nhiều năm kinh nghiệm nhưng nhiều khi cũng mướt mồ hôi trong việc dự báo thời tiết, đặc biệt là các cơn bão. Chuyện một con người chỉ ngồi một chỗ, dùng sóng ý thức để ngăn mây, đuổi mưa thậm chí là thay đổi hướng di chuyển của cơn bão là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, là hoang đường”.
GS-TS Vũ Thanh Ca - nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, người đã có nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực gây mưa nhân tạo cũng như các công nghệ bắn mây xua mưa nói: “Đó là những phát biểu hoang đường, suy nghĩ hoang tưởng”. Theo ông Ca, hiện nay khoa học đã phát triển, con người đã nắm rõ cơ chế và quá trình gây mưa, hình thành của các cơn bão. Các dị nhân với các phát biểu gây sốc của mình đã thể hiện họ chẳng hiểu gì về các cơn bão, về quá trình gây mưa cả.
Sau khi phát ngôn đao to búa lớn của mình bị các chuyên gia khí tượng “đánh” cho tơi tả, trả lời phóng viên TNTS, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã hạ giọng: “Không phải lúc nào tôi cũng ngăn được mây, đuổi được mưa. Nó cũng giống như cảm hứng của nhà thơ ấy. Đôi khi có cảm hứng thì tôi ngăn được mưa, không có cảm hứng thì tôi chịu, chẳng làm được gì cả”!
Có thể tin 'dị nhân đuổi mưa', nếu...
(Vietnamnet)
Sự kiện chuyên gia Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố sẽ "ngăn được mưa" dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang được dư luận quan tâm. VietNamNet trích đăng lại bài phỏng vấn của báo VTC News với ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.
- Thưa ông, dù việc dừng bắn mây ngăn mưa dịp Đại lễ đã được Chính phủ quyết định dừng, nhưng xung quanh việc này vẫn được mọi người quan tâm và bàn luận, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Phó Tổng Giám đốc, người phát ngôn của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Phạm Văn Đức
Công nghệ phá mây ngăn mưa, Việt Nam chưa làm chủ được, phải đi thuê, vì vậy rất khó triển khai thực hiện trong thời gian ngắn. Để làm được việc này phải nghiên cứu rất kỹ, bởi vì mỗi hiện tượng vật lý xảy ra trong khí quyển đều có quy luật chung, nhưng tại mỗi địa phương, vùng miền khí hậu lại có những đặc điểm riêng. Ví dụ như điều kiện vật lý để mây hình thành và phát triển ở vùng ôn đới có những điểm khác với vùng nhiệt đới.
Ngoài ra còn phải kể đến sự tác động của điều kiện địa hình. Để phá được mây người ta phải nghiên cứu, nắm vững đặc điểm của quy luật hình thành và phát triển của nó tại địa phương cần phá.
Chính vì vậy, người ta rất lo ngại việc đảm bảo độ thành công trong việc tác động nhân tạo đối với mây ở vùng mà chưa được nghiên cứu. Hơn nữa, kể cả những nước dẫn đầu về lĩnh vực này như Nga, Mỹ, Trung Quốc, cũng không phải lúc nào cũng thành công trong các dịch vụ tác động nhân tạo vào mây, chính ngay trên quê hương của họ.
- Ngoài việc bắn mây ngăn mưa bằng phương pháp khoa học, ở vị trí công tác của mình, ông đã bao giờ được biết các ý tưởng “phá mây” ngăn mưa khác không?
Về phá mây, ngăn mưa bằng những phương pháp khác tôi chưa được nghe, nhưng tôi nhận được rất nhiều thư gửi đến trình bày những phương pháp dự báo thời tiết bằng tâm linh, kinh dịch, có người viết cả tập dày.
Tôi còn nhớ vào dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh (1998) một cơn bão hình thành trên biển Đông di chuyển rất nhanh về phía bờ biển Nam Bộ, dự báo bão sẽ đổ bộ vào bờ biển Vũng Tàu - TP Hồ Chí Minh đúng vào đêm diễn ra lễ kỷ niệm, nên kịch bản chương trình đã rút ngắn lại và kết thúc trước dự kiến. Sau đó cơn bão chuyển hướng lên phía Bắc, không ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Thế nhưng có người viết thư đến cơ quan khí tượng thủy văn nói là “do tôi dùng khả năng riêng ngăn cản bão vào TP Hồ Chí Minh để bảo vệ ngày lễ”!
Quả thực, chúng tôi đọc những thư đó không thấy những chứng lý khoa học, thấy nó thuộc về tâm linh, chúng tôi không đánh giá.
- Mới đây có nhà nghiên cứu lý học Đông phương khẳng định có thể dùng ý thức của mình để ngăn mưa bão trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thậm chí, mới đây còn có thông tin dự báo từ nhà nghiên cứ lý học Đông phương cho biết dịp Đại lễ sẽ có hiện "phản quang rất lạ". Nghe thông tin này ông có suy nghĩ gì?
Về nguyên lý muốn phá mây phải dùng một nguồn năng lượng cực lớn để làm bay hơi các giọt nước trong đám mây, hoặc đẩy nhanh quá trình phát triển của mây để mây gây mưa ngoài vùng cần bảo vệ, hoặc làm thay đổi hướng di chuyển của mây, trong trường hợp này cũng cần một nguồn năng lượng rất lớn để tác động.
Tôi nghĩ rằng nếu Nhà lý học Đông phương chứng minh trên thực tế dùng ý thức của mình tạo ra nguồn năng lượng như vậy thì có thể tin ông ta phá mây đuổi mưa được.
- Nhưng nhà nghiên cứu này đưa ra những luận chứng khoa học để thuyết minh cho ý tưởng của mình?
Như trên tôi đã nói, đây hoàn toàn là lĩnh vực khoa học khác, nếu có thể nói như vậy, chúng tôi không am hiểu lĩnh vực này, nên không dám bình luận. Nhưng nói chung rất khó kiểm chứng - nếu tổ chức cho nhà nghiên cứu đó thử nghiệm.
- Nhưng nếu các cơ quan chức năng quan tâm thì liệu có nên xem xét những ý tưởng ngăn mưa, bão để có được thời tiết đẹp dịp Đại lễ sắp tới không, theo ông?
Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc ta, cho nên tôi nghĩ rằng bất cứ ai tự nguyện làm một việc gì đó để đại lễ thành công, mà không tốn kinh phí của Nhà nước thì cũng nên khuyến khích.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn:Thanh niên
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý