Ý nghĩa của luật tự nhiên

12:00 CH @ Thứ Ba - 09 Tháng Tám, 2005

Thưa tiến sĩ Adler,

Tôi thật bối rối trước cách dùng thuật ngữ “luật tự nhiên”.Tôi hiểu các luật tự nhiên là gì – chúng tôi biết được nhờ học các môn khoa học tự nhiên. Nhưng một vài tác giả dùng thuật ngữ “luật tự nhiên” ở dạng số ít như thể nó có gì đó liên quan tới vấn đề đúng sai, và gần như nó là tiếng nói của lương tâm. Tôi thật khó hiểu luật tự nhiên có liên quan đến các vấn đề đạo đức như thế nào. Ông làm ơn chỉ rõ điều này cho tôi được không?

T.Q.

T.Q. thân mến,

Trước hết chúng ta hãy làm rõ điều này, với “luật tự nhiên” chúng ta muốn nói tới những nguyên tắc xử thế của con người, chứ không phải những qui luật của tự nhiên được khám phá bởi các khoa Vật lý học. Nhiều nhà tư tưởng tán thành luật tự nhiên nhìn thấy nó hoạt động trong cả hai địa hạt nhân văn và phi nhân văn, nhưng mối quan tâm chính của họ là việc áp dụng luật đó vào con người. Theo các nhà tư tưởng này, luật tự nhiên áp dụng vào các sự kiện vật lý hay các con vật thì bất khả xâm phạm; các vì sao và các nguyên tử không bao giờ kháng lại những qui luật về bản chất của chúng. Nhưng con người thường vi phạm những qui tắc đạo đức làm nên luật về bản chất con người đặc trưng của nó.

Ý tưởng về một trật tự đúng tự nhiên mà mọi sự vật, trong đó có con người, phải tuân theo là một trong những ý tưởng xa xưa và phổ quát nhất. Nó là nguyên lý chính yếu trong các hệ thống tôn giáo và triết học của Ấn ĐộTrung Hoa cổ đại, cũng như trong triết học Hy Lạp cổ đại. Platogọi nó là “công bằng” và áp dụng nó vào linh hồn con người vá các ứng xử của con người. Trong xã hội Tây phương, đặc biệt từ thời của các luật gia và nhà thần học La Mã thời Trung Cổ(1)trở đi, chúng ta tìm thấy luật đạo đức tự nhiên cho con người. Nó là nguồn gốc của những chuẩn mực đạo đức, nền tảng của những phán đoán đạo đức, và là thước đo sự công bằng trong các luật lệ nhà nước nhân tạo. Nếu luật của nhà nước đi ngược với châm ngôn của luật Tự nhiên, nó bị coi là không công bằng.


Châm ngôn thứ nhất của luật Tự nhiên là tìm điều tốt và tránh điều xấu. Nó thường được diễn đạt như sau: “Hãy làm điều tốt cho tha nhân, không làm thương tổn ai, trả cho mọi người cái gì thuộc về họ.” Tất nhiên, giờ đây một nguyên tắc tổng quát như thế là vô dụng đối với xã hội có tổ chức trừ phi chúng ta có thể dùng nó để phân biệt những kiểu đúng và sai khác nhau. Đó chính xác là những gì mà luật Nhân tạo, hoặc Hậu thiên, cố gắng làm.

Như vậy luật Tự nhiên chỉ cho chúng ta biết rằng ăn cắp là sai trái bởi vì điều đó gây ra tổn thương, nhưng luật hậu thiên về ăn cắp định nghĩa các loại và mức độ khác nhau về hành vi trộm cắp và các qui định những hình phạt về việc đó.

Những xác định đặc thù như thế có thể khác nhau lúc này lúc khác, chỗ này chỗ khác mà không ảnh hưởng đến những nguyên tắc của luật Tự nhiên. Cả Aquinaslẫn Aristotleđều không nghĩ rằng những qui tắc đặc thù của các luật lệ phải giống nhau ở những thời gian, nơi chốn, và điều kiện khác nhau.

Bạn có thể hỏi làm thế nào nhận biết được luật tự nhiên. Thông qua lý trí và lương tâm con người, các nhà tư tưởng luật tự nhiên giải đáp. Học thuyết Luật-Tự nhiên thường cho rằng con người có bản chất đặc biệt với những nhu cầu tự nhiên nào đó, và sức mạnh lý trí để nhận ra cái gì thực sự tốt cho con người liên quan tới những nhu cầu này.

Các nhà tư tưởng Cơ Đốc giáo, như Aquinas và John Locke, nghĩ rằng luật tự nhiên có nguồn gốc thần thánh. Thượng Đế, khi sáng tạo ra mỗi vật đều ghi khắc vào nó luật về bản chất của nó. Cụm từ nói về “các luật về tự nhiên và về Thượng Đế của tự nhiên” trong Tuyên ngôn Độc lập của chúng ta bắt nguồn từ loại học thuyết Luật- Tự nhiên này. Tuy nhiên, quan điểm thần học đặc thù này không thường được tìm thấy trong các tác giả ủng hộ luật tự nhiên, vì những tác giả này bao gồm các triết gia tiền-Cơ Đốc như Plato, Aristotle,Cicero và các triết gia thế tục hiện đại như Kant và Hegel.

Đã có nhiều phản ứng đối lập lại triết học Luật-Tự nhiên ngay từ buổi đầu. Thật vậy, người ta có thể nói sự đối lập đến trước, vì ý tưởng về sự đúng hay công bằng tự nhiên được khai triển tại Hy Lạp cổ đại để chống lại những quan điểm của Những nhà Ngụy biện(2), “những người qui ước chủ nghĩa”. Những người này cho rằng luật lệ và công bằng chỉ là những qui ước nhân tạo. Không hành vi nào là đúng hoặc sai trừ phi một cộng đồng nào đó, thông qua những luật lệ và tập tục Hậu thiêncủa mình, qui định rằng nó đúng hoặc sai. Vậy thì nó đúng hoặc sai tại một nơi chốn và thời gian đặc thù – chứ không phổ quát. Theo lẽ tự nhiên, lửa bốc cháy ở Hy Lạp giống như nó bốc cháy ở Ba Tư, nhưng luật lệ của Ba Tư và của Hy Lạp, là những vấn đề qui ước, thì không giống nhau. Học thuyết luật “qui ước” hay “hậu thiên” đã có suốt từ thời những nhà Ngụy biện cổ đại đến nhiều giáo sư luật học hiện đại thời chúng ta.

Bạn hỏi luật Tự nhiên có liên quan tới những điều kiện hiện đại không. Câu trả lời của tôi là nếu sự công bằng vẫn còn liên quan, thì luật tự nhiên có liên quan. Thật vậy, sự quan tâm đến luật tự nhiên gia tăng một cách đặc biệt trong phần tư thế kỷ qua(3), với kinh nghiệm của nó về loại luật lệ hậu thiên được các chế độ chuyên chế áp đặt. Lấy cớ gì một công dân Đức đàng hoàng dưới thời Đảng Quốc xã có thể biện minh cho sự đối lập của anh ta trước những luật lệ của xứ sở? Lấy cớ gì những tình cảm riêng tư hay ý kiến cá nhân đơn thuần? Ngay cả sự đối kháng hoàn toàn thầm kín đối với sự ác độc bất công cũng phải bắt rễ vào những căn cứ vững chắc hơn.

Có thể nói gì về sự tranh cãi hội nhập chủng tộc của riêng chúng ta? Về mặt kỹ thuật, đây là câu hỏi thuộc Hiến pháp, nhưng học thuyết luật-Tự nhiên có dính dáng tới. Cụm từ “đời sống, tự do, và quyền sở hữu” trong Tu Chính án 14 phản ánh ảnh hưởng của lý thuyết luật-Tự nhiên. Luật Nhân quyền(4)thừa nhận một học thuyết về các quyền tự nhiên và bất khả chuyển nhượng. Điều mà Tòa Án Tối cao (Mỹ) phải xác địnhmột cách đặc biệt là các quyền tự nhiên được Hiến pháp bảo đảm có bị vi phạm bởi các trường học phân biệt chủng tộc và tôn giáo hay không. Nếu chúng bị vi phạm, thì những người bảo vệ Tòa Án Tối cao có thể tuyên bố rằng các bang ở miềnNam đã làm ra những luật không phải luật, bởi vì chúng không công bằng. “Một luật mà không công bằng là một luật chỉ có trên danh nghĩa,” Augustine nói. Và Aquinas nói thêm:

“Mọi luật lệ của con người không có gì ngoài bản chất của luật vì nó bắt nguồn từ luật của tự nhiên. Nhưng nếu tại một thời điểm nào bất kỳ nó đi trệch khỏi luật của tự nhiên, nó không còn là luật nữa mà chỉ là sự xuyên tạccủa luật”.

(1)Thời Trung Cổ(Middle Age): một thời kỳ trong lịch sử Au châu bắt đầu từ khi Đế quốc La Mã suy tàn ở thế kỷ 5 đến đầu thế kỷ 15 (thời Phục Hưng ở Ý).
(2)Những nhà Ngụy biện
(Sophists): gồm những giáo sư thời cổ Hy Lạp, trước và cùng thời với Socrates và Plato, đi khắp nơi trong đế quốc Hy Lạp để giảng dạy những kiến thức phổ thông cũng như kiến thức chuyên môn đủ loại. Họ bị chỉ trích vì lối lý luận ngụy biện (bề ngoài có vẻ đúng nhưng thực chất thì sai).
(3)
Tác giả muốn nói 25 năm đầu của thế kỷ 20.
(4)Luật Nhân quyền(Bill of Rights): 10 Tu Chính án đầu tiên đối với Hiến phápMỹ (1791), bảo vệ những quyền cơ bản của dân chúng.

Nội dung liên quan

  • Qui luật hạt giống

    06/08/2005Những người thành đạt thường phải trải qua rất nhiều thất bại. Nhưng vấn đề là họ phải bỏ công sức gieo trồng để có nhiều hạt hơn những người bình thường.
  • Hãy sống theo quy luật

    06/08/2005Sự phát triển cá tính con người thực sự bắt đầu khi người ta nhận ra điều thật giản dị là chính các quy luật là yếu tố tối hậu quyết định mọi việc chứ không phải chính bản thân chúng ta...