Sáng suốt bằng sự tỉnh táo có tính số phận

06:57 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Năm, 2014

Cho rằng lần này Trung Quốc đã vượt qua thông lệ và làm ảnh hưởng một cách rất căn bản đến mối quan hệ thông thường vốn có, Luật sư Nguyễn Trần Bạt trong sự phân tích nhiều mặt đời sống kinh tế chính trị trong nước, đã thể hiện quan điểm: Người Việt ngoài tình cảm yêu nước còn có sự sáng suốt nữa nên nếu lúc nào đó cần phải hy sinh thì chúng ta sẽ hy sinh, nhưng nếu không cần phải làm việc ấy thì kiên quyết không làm...


Hỏi:Có lẽ việc tiếp nhận về sự kiện Trung quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông không phải với ai cũng như nhau. Những hoạt động liên quan tới sự kiện này trong xã hội những ngày gần đây đều nhân danh khẩu hiệu yêu nước, tuy nhiên với những biểu hiện khác nhau và nhận thức hoàn toàn khác nhau. Với tư cách là một nhà nghiên cứu có những ý kiến tương đối độc lập, cảm xúc, cảm nghĩ, suy nghĩ đầu tiên của ông như thế nào về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng việc chúng ta sống cạnh nước CHND Trung Hoa là một sự tồn tại có chất lượng số phận, nó là một thuộc tính lâu dài của đời sống của dân tộc chúng ta. Cho nên chúng ta không có cách nào thoát ra khỏi việc phải đối phó, phải giải quyết những khúc mắc, những va chạm có thể có những lúc tiêu cực như hiện nay, và có thể có những lúc tích cực trong quá khứ. Chúng ta phải cân đối trong quan hệ với nước CHND Trung Hoa bằng tất cả sự tỉnh táo có chất lượng số phận của người Việt Nam. Không buông thả mình được, không để cho tình cảm, để cho các cảm xúc lấn át một cách không kiểm soát được, bởi vì nó là vấn đề rất thiết thực, và có ảnh hưởng rất quan trọng đối với toàn bộ lịch sử tồn tại của dân tộc Việt Nam. Có lẽ đấy là những suy nghĩ đầu tiên của tôi khi động chạm đến những vấn đề liên quan đến nước CHND Trung Hoa.

Tất nhiên với mỗi một việc khác nhau chúng ta phải có những cách lý giải khác nhau, có những cách ứng xử khác nhau, có những tình cảm khác nhau, và đặc biệt là tất cả các tình cảm cần phải được kiểm soát để nó không lôi kéo chúng ta ra khỏi sự khôn ngoan vốn có, thân phận vốn có của dân tộc.

Hỏi: Với tư cách một công dân sống trong một đất nước thì ông quan niệm thế nào về vấn đề chủ quyền?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ chủ quyền của một quốc gia là vấn đề cốt lõi, là một trong những nội dung cơ bản của tình cảm dân tộc. Một công dân mà không ý thức về chủ quyền của dân tộc mình, của đất nước mình thì không thể nói công dân ấy là một công dân tự giác, một công dân có ý thức được. Tôi luôn xem vấn đề chủ quyền quốc gia không chỉ là quyền lợi của người Việt mà còn là lương tri của người Việt, là niềm tự hào của người Việt, và là danh dự của người Việt. Tôi xem việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền quốc gia như là danh dự của cá nhân tôi.

Hỏi: Nhìn lại diễn biến của sự việc kể từ hôm xảy ra đến giờ, ông đánh giá thế nào về những bước đi của Việt Nam trong đối ngoại và trong cả đối nội nữa?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Giai đoạn hiện nay, tại thời điểm hiện nay có lẽ mỗi một phía đều đi ra khỏi các thói quen, các thông lệ. Thỉnh thoảng trong lịch sử của chúng ta nước CHND Trung Hoa có những lúc vượt qua các thông lệ. Lần này nước CHND Trung Hoa cũng vượt qua thông lệ và đã động chạm một cách nặng nề, làm tổn thương tình cảm dân tộc của người Việt Nam. Tôi không ở địa vị của người có thể lên án, nhưng tôi có địa vị để kêu gọi tất cả các lực lượng cần phải tôn trọng danh dự của người Việt. Nếu không sự tổn thương ấy rất dễ dẫn đến những sự đụng chạm có chất lượng chính trị và nó ảnh hưởng một cách rất căn bản đến mối quan hệ thông thường mà các dân tộc ở cạnh nhau vốn có.

Hỏi: Về những bước đi của Chính phủ Việt Nam trong những ngày vừa qua thì sao?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng bước đi của Chính phủ Việt Nam cũng khác thường, không còn sự nhẫn nhịn thông thường mà người Việt Nam vốn có và Chính phủ Việt Nam vốn có một cách có truyền thống. Trước đây chúng ta im lặng, bây giờ chúng ta đã nói ra. Sự phản ứng khác thường của Chính phủ Việt Nam có lẽ là kết quả đương nhiên của những hành vi khác thường của Chính phủ CHND Trung Hoa. Rất khó có người tự trọng nào không có phản ứng khi người ta bê cái bếp lò ra đặt trước cửa nhà mình. Tôi nghĩ phản ứng của Chính phủ Việt Nam đã được dồn nén, được kiểm soát quá lâu và đôi lúc làm cho nhân dân hiểu nhầm rằng chúng ta dường như không tự trọng lắm. Có lẽ do những nhu cầu chính trị bên trong nội bộ người Việt mà Chính phủ có những phản ứng như vậy. Tất nhiên phản ứng như Chính phủ đã thể hiện trong giai đoạn hiện nay không phải là phản ứng không có kiểm soát. Tôi nghiên cứu rất kỹ lời lẽ bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị các nước ASEAN ở Myanmar, tôi thấy những lời nói như vậy vẫn có chất lượng kìm nén và kiểm soát rất chặt chẽ.

Người Trung Quốc làm rất nhiều việc trong quan hệ đối ngoại để thể hiện, để giải tỏa những bức xúc bên trong của họ. Người Việt Nam cũng có những quyền chính trị tương tự. Chính phủ chúng ta hoàn toàn có quyền sử dụng thái độ đối ngoại để giải quyết những sự bức xúc mà xã hội Việt Nam có, đấy là quyền chính đáng của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng cho đến phút này Chính phủ chúng ta vẫn tỉnh táo, vẫn tiếp tục dàn xếp các công việc, vẫn tiếp tục kiểm soát các sự kiện mặc dù không hề dễ, bởi phản ứng của xã hội có những khía cạnh bản năng của nó. Tôi xác nhận một thực tế rằng Chính phủ có quyền sử dụng tất cả mọi giải pháp chính trị để giải quyết những bức xúc chính trị cả bên trong lẫn bên ngoài đời sống xã hội.

Hỏi: Như ông nói lúc đầu thì những ngày qua xã hội chúng ta cũng có những cái sai, để xảy ra những chuyện đáng tiếc.

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta có những cái sai bởi vì chúng ta là con người. Tất cả các dân tộc đáng kính trọng hay đáng xem xét chính là ở chỗ nó là xã hội của con người. Con người có quyền sai, có quyền đúng, có những quyền bản năng của mình. Nổi giận là một trong những quyền cơ bản của khái niệm nhân quyền, con người có thể sử dụng nó đúng hoặc sai. Tôi nghĩ rằng không ai có thể cho rằng người Việt không có quyền nổi giận trước sự xúc phạm của người khác. Vấn đề là chúng ta phải kiểm điểm xem chúng ta sử dụng các quyền ấy có đúng đắn hay không.

Hỏi: Ở đây có một câu chuyện là làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn giữa việc tận dụng sức mạnh của nhân dân trong những tiếng nói khẳng định chủ quyền và việc có một số sự lợi dụng chính trị gây ra những bất ổn?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tại sao lại đặt cho Chính phủ hay cho Nhà nước hay cho Đảng ta những bài toán khó như vậy? Chúng ta phải tôn trọng các quyền bản năng như quyền nổi giận khi bị xúc phạm. Còn lực lượng nào lợi dụng các quyền bản năng ấy thì đấy là vi phạm pháp luật. Chính phủ sẽ dần dần khắc phục các hậu quả hay các khía cạnh tiêu cực như vậy. Tôi nghĩ rằng không thể vì không muốn có khuyết điểm trong quá trình nổi giận mà cấm con người nổi giận, và trên thực tế thì cũng không cấm người ta nổi giận được.

Hỏi: Ông cho rằng hành động tiếp theo của Trung Quốc là gì, họ không dễ dàng rút về như chúng ta đang mong đợi. Trong trường hợp họ vẫn ở lại thì hành động cần thiết của chúng ta là gì?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Đây không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc đã nhiều lần làm như thế. Trung Quốc đã làm những việc tương tự đối với Hoàng Sa, với một vài nhóm đảo ở Trường Sa, với biên giới phía bắc của đất nước chúng ta, và nhiều việc khác trong lĩnh vực thương mại. Có rất nhiều việc như vậy và chúng ta đã kiềm chế. Dân tộc của chúng ta là dân tộc vừa nhỏ, vừa không giầu cho nên chúng ta đôi khi cũng phải ngậm đắng, nuốt cay trước nhiều chuyện. Nhưng nhân dân Trung Quốc phải hiểu rằng không nên để nhân dân Việt Nam ngậm đắng nuốt cay lâu quá, và do đó họ cần có thái độ với các sai lầm của chính phủ của họ.

Hỏi: Về các tiếng nói của quốc tế trong những ngày qua theo ông chúng ta đã tận dụng được sự ủng hộ chưa? Quan sát một số quốc gia hiện nay thì không thấy Nga lên tiếng, hay có một người anh em mà chúng ta tốn kém rất nhiều để tài trợ là nước Lào chẳng hạn đã hoàn toàn im lặng. Ông có đánh giá gì về những vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một sự đầu tư nào đó cho quan hệ quốc tế của chúng ta đối với các dân tộc lân bang thì chúng ta cũng không nên xem đó như là việc bỏ tiền ra mua cảm tình của họ trong những giai đoạn nào đó, trong những thời điểm nào đó của lịch sử chính trị của chúng ta. Một dân tộc chỉ có thể hành động một cách phải đạo theo quan niệm lợi ích của họ mà thôi. Tôi không thấy thất vọng trước thái độ của cộng đồng quốc tế về những vấn đề liên quan đến Biển Đông hiện nay. Tôi cho rằng mỗi dân tộc có quyền lợi, có lợi ích riêng của họ. Mỗi chính phủ đều phải tuân thủ các nguyên tắc của đất nước họ và hành động một cách tối đa trong khuôn khổ những gì họ có thể làm. Và cho đến nay chưa ai trong số họ lên án Việt Nam. Nên nhớ rằng trong quan hệ quốc tế, một nước bé như chúng ta mà không bị ai lên án đã là một may mắn lớn rồi. Rất nhiều người hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta một cách vô tư, đấy là một thói quen xấu về mặt nhận thức, làm cho Chính phủ rất khó ứng xử trong việc xây dựng các chính sách đối ngoại. Các chính sách đối ngoại của chúng ta đôi khi có vẻ như hơi nuông chiều một thái độ, một mong muốn dễ dãi của nhân dân, của xã hội chúng ta đối với các vấn đề quốc tế. Đấy là một khuyết điểm về nhận thức.

Tôi phân tích rất kỹ của tất cả các phản ứng của các quốc gia trong cộng đồng ASEAN và các quốc gia lân bang của chúng ta, tôi không nghĩ đó là những phản ứng tiêu cực. Nếu như chúng ta mong đợi một phản ứng tích cực hơn, một cái gì đó thắm thiết tình đồng chí, đồng đội hơn thì đấy là ngây thơ. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi sự ngây thơ đều có thể dẫn đến những thất thiệt.

Hỏi: Có vẻ như rất nhiều người hiện nay lúc đầu nhân danh lòng yêu nước và luôn luôn mong chờ một cuộc chiến tranh xảy ra. Với thế giới hiện nay có lẽ chiến tranh nếu có thì nó cũng khác xưa. Ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?

Trả lời: Câu hỏi rất thú vị và tôi buộc phải chia các công đoạn ra để trả lời thì mới thỏa đáng bởi vì tính chất tế nhị của câu hỏi. Nhân dân chúng ta có một khả năng hy sinh to lớn vì độc lập dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ, đấy là một đặc trưng có chất lượng lịch sử lâu dài. Không nên nói bất kỳ một lời nào tiêu cực về trạng thái tâm lý sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc. Tôi vẫn là người Việt Nam. Bây giờ để không là người Việt Nam cũng không khó lắm. Rất nhiều người, một cách im lặng, đã không còn là người Việt Nam. Tôi có đủ điều kiện để không là người Việt Nam, nhưng tôi vẫn là người Việt Nam một cách công khai bởi vì tôi thích những đặc điểm như thế. Sẵn sàng hy sinh quyền lợi của mình cho độc lập dân tộc là một trong những đặc điểm rất lãng mạn của người Việt. Tôi kính trọng điều ấy. Tôi sẽ không nói một lời nào, không phân tích một chữ nào một cách tiêu cực về tâm lý, về tình cảm như vậy của người Việt. Tuy nhiên, con người sống không chỉ bằng sự cao thượng của ý nghĩ, của tình cảm, mà bằng cả sự sáng suốt nữa. Người Việt chúng ta có cả sự sáng suốt chứ không phải chỉ có tình cảm yêu nước nồng nàn, sẵn sàng đốt cháy mọi thứ. Khi cần phải đốt cháy thì người Việt biết chọn để bắt đầu đốt từ cái rẻ nhất trở đi. Người Việt chúng ta biết tính toán cả quá trình đốt theo thời gian nữa. Nếu lúc nào đó cần phải hy sinh thì chúng ta sẽ hy sinh, nhưng nếu không cần phải làm việc ấy thì kiên quyết không làm. Cũng không nhiều dân tộc hay cộng đồng có thể gây ra những tình cảm bức xúc như vậy cho người Việt. Trung Quốc là một trong số khá ít những quốc gia có thể làm xuất hiện điều đó trong tình cảm người Việt. Tôi nghĩ rằng ngay cả đối với Trung Quốc thì không phải lúc nào họ cũng xấu, không phải lúc nào họ cũng tiêu cực, và không phải lúc nào cũng tiêu cực đến mức làm dân tộc khác nổi xung.

Chúng ta vẫn học tập tư tưởng và chính sách đối ngoại của Hồ Chủ Tịch nhưng nhiều khi lại quên mất câu hay nhất mà Hồ Chủ Tịch đã viết ra thành lời là: “Chúng ta muốn hòa bình chúng ta phải nhân nhượng”. Có lẽ đấy là một tư tưởng có giá trị chiến lược trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam với nước CHND Trung Hoa bây giờ và các nước Trung Quốc trong quá khứ. Chúng ta có thể quyết liệt đối với người Mỹ bởi vì người Mỹ không ở sát chúng ta. Mọi cuộc chiến tranh đối với người Mỹ đều ngắn, nhưng mọi cuộc chiến tranh đối với người Trung Quốc nếu xảy ra thì đều dài, cho nên chúng ta buộc phải có một thái độ khác. Không phải vì sự khác nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, mà vì số phận gắn chúng ta với Trung Quốc một kiểu và gắn chúng ta với người Mỹ một kiểu khác. Sự nhân nhượng với Trung Quốc là một sự nhân nhượng hết sức đặc biệt, bởi vì nó có đặc điểm lịch sử của nó.

Hỏi: Theo ông nếu những bước đi sắp tới mà không tốt thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam vốn đã đang rất khó khăn hiện nay?

Trả lời: Ảnh hưởng nếu có là vô cùng lớn. Không ai để xăng dầu, để tiền bạc cạnh đám cháy. Tất cả các xung đột quốc gia đều có chất lượng một đám cháy, kể cả những xung đột ở gần nước như Biển Đông. Xung đột ở Biển Đông là một xung đột gần nước, nhưng nước ấy cũng không thể làm giảm tác động có tính chất tiêu cực của xung đột đối với phát triển kinh tế. Gần đây chúng ta có chính sách xây dựng kinh tế biển. Chúng ta biết rằng va chạm ở ngoài khơi trước hết là ảnh hưởng kinh tế biển. Ngư dân hoàn toàn không yên tâm khi đi đánh cá, và có cá thì cũng không yên tâm để có thể cất trữ đến khi nào đầy thuyền mới về. Bây giờ có khi sáng đi chiều phải về bởi vì đã có xung đột. Tất cả những gì diễn ra thái quá ở Bình Dương, ở Hà Tĩnh ngay lập tức ảnh hưởng đến công ăn việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động vốn rất khó khăn hiện nay, và dĩ nhiên ảnh hưởng một cách khốc liệt đến sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên cũng không thể nghĩ rằng vì nó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế mà người Việt cần phải e ngại sự va chạm. Người Việt chúng ta tránh va chạm, tránh xung đột, nhưng chỉ tránh đến mức chúng ta vẫn còn là người được tôn trọng. Khi nào không còn được tôn trọng nữa thì người Việt sẵn sàng hành động, đó là đặc điểm quan trọng nhất của người Việt. Chết còn không sợ tại sao lại sợ suy giảm kinh tế? Kinh tế là để sống, nếu không sống được thì phải bỏ kinh tế để cầm súng. Tôi đã có một thời gian 10 năm vứt tất cả những điều kiện sống để cầm súng ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Hỏi: Theo ông bước đi sắp tới cả về vấn đề đối ngoại của Đảng và Chính phủ, khôn ngoan nhất nên làm thế nào?
Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ khôn ngoan nhất là chúng ta phải thực thi các quyền của một quốc gia. Đấy là chủ quyền của chúng ta, chúng ta phải sòng phẳng, ngay thẳng. Chúng ta không nên tỏ ra mình khôn hơn người Trung Quốc. Chúng ta không cần khôn hơn họ mà chúng ta cần ngay thẳng hơn họ. Người Trung Quốc vốn dĩ cho rằng anh bạn này có đánh mấy roi cũng không chết, bởi vì anh ấy khôn lắm. Chúng ta luôn luôn phải chuẩn bị thái độ biết nổi giận, nhưng nổi giận có kiểm soát, nổi giận của người lương thiện, trung thực. Chúng ta sẽ có rất nhiều bạn bè nếu chúng ta hành xử một cách ngay thẳng, trung thực.

Hỏi: Nhiều người nhận định rằng có vẻ như những bước đi của Trung Quốc hiện nay không phải chỉ nhằm vào đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà nó nằm trong tổng thể bá quyền và bành chướng của Trung Quốc hiện nay?

Luật sư Nguyễn Trần Bạt: Tôi sẽ không nói đến tổng thể bá quyền và bành trướng. Kết luận như vậy có thể vội. Tôi nghĩ rằng đối với CHND Trung Hoa, một quốc gia khổng lồ bên cạnh chúng ta thì kết luận về họ mà không phân tích kỹ càng là một lỗi. Vấn đề là có phải Việt Nam là đối tượng duy nhất của chuyện giàn khoan này không? Tôi cho là không, thậm chí rất có thể Việt Nam chỉ là nhân vật phụ. Đấy là họ mượn đường để đi một nước cờ chính trị. Cho nên chúng ta cũng phải phản ứng là ai cho anh mượn đường của tôi mà không xin phép.

Nếu chúng ta phân tích chuyện này một cách thỏa đáng và quan niệm cho đúng thì về mặt nguyên lý chúng ta bỗng nhiên có đồng minh sẵn trong đúng cái động cơ chính trị của người Trung Quốc. Chúng ta cũng đừng sử dụng hành động quá khích của họ cho những mục tiêu chính trị nội bộ của chúng ta, ngay cả khía cạnh ấy cũng cần phải đề phòng. Có thể chúng ta có những nhóm lợi ích khác nhau, những quan niệm khác nhau và nếu biến việc này thành cơ hội thể hiện sự khác nhau của các nhóm lợi ích, các nhóm quan điểm thì chúng ta tự làm hại mình. Chúng ta càng đoàn kết càng tốt. Đoàn kết với nhau ở trong nước, đoàn kết giữa xã hội và nhà cầm quyền, giữa đảng và nhân dân, đoàn kết với quốc tế. Đoàn kết không phải là sự liên kết lạnh lùng của chính trị, đoàn kết phải được xây dựng trên tinh thần hướng tới sự lương thiện toàn cầu.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Viễn cảnh về vấn đề Biển Đông

    01/06/2015Nguyễn Tất ThịnhVấn đề Biển Đông là vô cùng phức tạp, tôi cố gắng mô tả giản lượng nhưng một cách căn bản bằng 1 slide dưới đây!
  • Yêu nước có cần "ra điều kiện"

    21/05/2014Đặng Hoàng GiangYêu nước kiểu mới là xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế kinh tế thị trường và công nhận các hội đoàn dân sự: Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là “sáng tạo” tùy tiện của kẻ mạnh, mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình lấy sự phát triển của con người làm trung tâm...
  • 6 nguyên tắc gây chiến của quân đội Trung Quốc

    15/05/2014Bài học chiến tranh Trung-Ấn 1962. Sáu nguyên tắc căn bản mà quân đội Trung Quốc đã áp dụng trong cuộc xâm lược Ấn Độ năm 1962 cũng chính là những nguyên tắc mà họ sẽ vận dụng trong tương lai.
  • Việt Nam thoát thế kẹt ở Biển Đông thế nào?

    14/05/2014Lê Quang BìnhViệc Việt Nam cải tổ theo hướng thúc đẩy nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường tự do, và một xã hội dân sự phát triển chắc chắn sẽ kết nối Việt Nam với các nước Châu Âu, Úc, Hàn, Nhật và Mỹ. Khi đó, sự ủng hộ Việt Nam sẽ mạnh hơn nhiều...
  • Những điều Lãnh đạo Việt Nam cần làm ngay

    12/05/2014Nguyễn Tất ThịnhTình hình trước sự việc Trung Quốc chủ động kế hoạch và lực lược hùng hậu cùng các âm mưu thâm hiểm, lâu dài toan tính trọn chiếm Biển Đông, đưa giàn khoan HD 981 vào sâu lãnh hải Việt Nam, hơn nữa có cả sự hiện diện của mãy bay quân sự và tàu chiến, không thể nói khác được, đó đã chính là hành vi xâm lược vào lãnh tổ một nước khác có chủ quyền được Luật pháp Quốc tế công nhận!
  • Tranh chấp Quốc Tế & Chiến lược ngoại giao

    12/05/2014Nguyễn Tất Thịnh (2010)Qua sự kiện Biển Đông, nhìn nhận lại ba dấu hiệu cơ bản nhìn nhận Bạn / Thù như thế nào ? Hơn thế xác định một chiến lược Ngoại giao hữu hiệu của một Quốc gia nhỏ...
  • Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường

    12/05/2014Trần Đăng TuấnCó thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường: Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành...
  • xem toàn bộ