Sách bản quyền rẻ bằng sách lậu?
Trước tình trạng sử dụng sách không bản quyền phổ biến như hiện nay, nhiều người cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của độc giả, đồng thời chống in và bán sách lậu.
Tràn lan sách không bản quyền
Mặc dù Việt Nam đã tham gia Công ước Bern về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật; gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phải cam kết thực hiện các điều khoản của hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó có luật bản quyền, nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn phổ biến, đặc biệt là vi phạm bản quyền sách. Hàng năm, một lượng lớn sách được xuất bản tại Việt Nam là sách dịch. Theo thống kê của Cục Xuất bản, năm 2009, nước ta nhập khẩu 155.000 tên sách. Trong đó, các cuốn sách ăn khách thường bị in lậu. Không chỉ sách dịch, sách của các tác giả trong nước cũng bị in lậu, sao chép, trong đó có sách học thuật. Phó giám đốc NXB Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Anh Tú cho biết: “Đối tượng dùng sách của NXB chúng tôi đa phần là sinh viên. Và đây chính là một trong những loại sách bị làm lậu nhiều nhất, vì với sinh viên giá sách rẻ là lựa chọn hàng đầu. Số sách của nhà xuất bản bán ra chỉ bằng 1/10 số lượng sách tiêu thụ, nên nhuận bút của tác giả rất thấp”. Bởi vậy, trong khi ở các nước khác, người viết sách có thể trở thành triệu phú, tỷ phú, nhưng ở nước ta, chưa có người giàu nhờ viết sách, không tạo động lực cho sự sáng tạo, nghiên cứu và chia sẻ tri thức.
Theo Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Mike Honnold: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là công việc quan trọng trong bảo vệ tài năng sáng tạo của con người. Tôi được biết 70% sách nước ngoài ở Việt Nam là sách từ Mỹ. Việc thực hiện nghiêm túc luật bản quyền không chỉ đem lại lợi ích cho các tác giả Mỹ mà còn đem lại lợi ích cho chính độc giả Việt Nam. Nếu độc giả không thực hiện luật bản quyền, thì các tác giả Mỹ sẽ không bán sách, bán trí tuệ cho Việt Nam nữa...”
Trong điều kiện khoa học, kỹ thuật phát triển, sách lậu được làm rất nhanh, giống như sách có bản quyền. Là một độc giả rất hay mua và đọc sách, bà Nguyễn Thị Lan Minh chia sẻ: “Nhiều khi, tôi cũng không biết đâu là sách thật, đâu là sách giả. Tôi chỉ thấy giá rẻ thì mua, những quyển sách đó cũng giống với những sách khác”.Tuy vậy, cũng có một bộ phận không nhỏ độc giả nhận biết được sách không có bản quyền, nhưng vẫn chọn mua vì nhiều lý do, phần lớn là tài chính. Bởi với sách không bản quyền, dù chất lượng kém, nhưng cũng không ảnh hưởng đến lượng tri thức chứa trong đó.
Sách bản quyền có thể rẻ bằng sách lậu?
Tại một số nước, trên sách phát hành thường có dòng bản quyền, nếu ai sao chép bị coi là cố tình vi phạm. Ở Việt Nam, một số nhà xuất bản có các biện pháp như sử dụng mã vạch, tem nhãn... Nhưng theo Trưởng phòng Thông tin, Cục Bản quyền Bùi Nguyên Hùng: “Vấn đề bản quyền sách được thực hiện một cách nghiêm túc khi các nhà xuất bản, nhà sách có quyền hợp pháp với các cuốn sách và đầu tư hướng tới sự chuyên nghiệp về bản quyền. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bản quyền. Cục Bản quyền đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông, đã liên kết xuất bản các ấn phẩm về bản quyền, và sắp tới sẽ xuất bản bộ truyện tranh giáo dục về bản quyền cho thanh niên”.
Tuyên truyền giúp độc giả nâng cao nhận thức về sách bản quyền, tôn trọng người sáng tạo ra tri thức cũng là điều cần làm trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng, biện pháp này chưa đạt được kết quả như mong đợi, khi thu nhập của đại đa số người dân vẫn còn thấp. Ông Nguyễn Anh Tú góp ý: “Nhà nước cần thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm chống in và bán sách lậu. Hiện nay, khi phát hiện sách lậu, chúng ta mới chủ yếu dùng biện pháp tịch thu sách, phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe, mà cần sử dụng các biện pháp mạnh hơn như tịch thu máy in sách lậu... Khi sách lậu không còn, sách bản quyền tiêu thụ nhiều hơn, giá thành sách sẽ rẻ hơn. Chúng tôi đã nhiều lần nói chuyện với sinh viên, và cam kết, nếu 100% sinh viên sử dụng sách thật, nhà xuất bản sẽ giảm giá sách bằng giá sách lậu hiện nay”.
Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc công ty cổ phần sách Thái Hà Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: nếu không có sách giả, sách bản quyền chắc chắn sẽ tiêu thụ được và với giá cả rất phù hợp. Hiện nhà sách chỉ in 1.000-2.000 bản với mỗi đầu sách, nhưng bán mãi không hết, dù cuốn sách rất ăn khách.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh