Các báo điện tử Việt Nam có vi phạm bản quyền?

01:02 CH @ Thứ Tư - 03 Tháng Giêng, 2007
Đã không ít lần khi xem tin tức của một trang tin trực tuyến, thấy một bài viết về chủ đề mình quan tâm, tôi hào hứng vào đọc, để rồi nhận ra rằng bài này mình đã đọc ở đâu đó rồi.

Thông thường mỗi tuần, tôi vào 4 đến 5 trang tin khác nhau để cập nhật tin tức trong nước. Do vậy chuyện đọc tin bị trùng không phải là hiếm. Mỗi lần như thế, cái thói “Sherlock Holmes” (tò mò!) cố hữu lại khiến tôi loay hoay tìm ra cho bằng được cái bài viết “quen quen” đó bắt nguồn từ đâu. Và tôi nhận ra rằng, một bài viết thường được “lưu truyền” ở khá nhiều trang tin khác nhau, có khi giống đến từng từ, có khi khác cái … tiêu đề.

1. Cuộc khảo sát

Vậy là quyết định làm một cuộc tìm hiểu nho nhỏ để xem mức độ các trang tin trực tuyến “tham chiếu” nội dung của nhau như thế nào nảy ra trong đầu tôi. Ý tưởng rất đơn giản: tôi sử dụng Google để tìm xem một tờ báo điện tử sử dụng bao nhiêu bài viết của một báo khác. Ví dụ nếu tôi muốn biết có bao nhiêu bài viết trên VietnamNet là của báo Tuổi Trẻ (hoặc Tuổi Trẻ Online), tôi tìm chính xác cụm từ “Theo Tuổi Trẻ” (có ngoặc kép) trong site VietnamNet. Cụ thể, tôi ghi vào ô tìm kiếm của Google như sau: “Theo Tuổi Trẻ” site:vietnamnet.vn.

Cũng may cho tôi là vì các site lớn đều có ghi nguồn nếu bài viết không phải của họ. Nếu bạn để ý, cụm từ “Theo Tuổi Trẻ”, “Theo Thanh Niên”, “Theo VnExpress”… nằm ở cuối bài đã thành chuẩn mực trong việc đăng lại nội dung từ một trang tin hoặc báo khác. Dân Trí là một ngoại lệ mà tôi sẽ trình bày trong phần kết quả.

Dĩ nhiên cách khảo sát này không thể cho kết quả chính xác tuyệt đối vì có thể cụm từ “Theo Tuổi Trẻ” chẳng hạn, xuất hiện ở giữa bài viết chứ không phải ở cuối bài. Trong trường hợp đó rất có thể bài viết chỉ trích dẫn một phần bài viết gốc chứ không phải copy nguyên bài. Nhưng bất cứ cuộc khảo sát nào cũng không thể chính xác tuyện đối nên chúng ta có thể coi đó là sai số. Hơn nữa, để kiểm tra, tôi luôn click vào 5 bài viết bất kỳ trong 20 kết quả đầu tiên từ Google để kiểm tra cụm từ khóa có thật sự là trích dẫn “nguyên xi” không. Kết quả, 100% trường hợp (6×5×5= 150 lần click) đều xác nhận là cụm từ khóa nằm dưới cùng của bài viết, nghĩa là đăng lại chứ không phải trích dẫn. Điều đó chứng tỏ cách khảo sát của tôi cũng tương đối chính xác.

2. Đối tượng

Đối tượng mà tôi chọn là 6 tờ báo điện tử mà khá phổ biến hiện nay

- Tuổi Trẻ
- Thanh Niên
- VnExpress
- VietnamNet
- Dân Trí
- 24h

Đó là một sự lựa chọn có chủ đích. Tuổi Trẻ và Thanh Niên là hai tờ báo lớn và có uy tín, đồng thời phiên bản điện tử cũng rất thành công, có nhiều bạn đọc. Tôi gọi đó là “Click and mortal publishers”. VnExpress và VietnamNet là đại diện của “Pure dot-coms”, không có báo giấy, nhưng là những tờ báo điện tử đầu tiên và nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Dân Trí và 24h là “New entries”, còn gọi là “Start-ups”, mới xuất hiện gần đây, nhưng có vẻ cũng khá thành công (dựa vào lượng banners dày đặc không kém các trang khác).

3. Kết quả khảo sát

Đây là biểu đồ và số liệu mà tôi ghi nhận được.

T.Trẻ

T.Niên

VNE

VNN

Dân Trí

24h

Tổng

"Theo Tuổi Trẻ"

913

6500

2640

668

5920

16641

"Theo Thanh Niên"

641

6310

789

554

1470

9764

"Theo VnExpress"

1580

1800

3340

1130

873

8723

"Theo VietnamNet"

1770

1490

0

1180

2080

6520

"Theo Dân Trí"

46

70

61

411

35

623

"Theo 24h"

63

290

2

618

212

1185

Tổng

4100

4563

12873

7798

3744

10378

43456


Dựa vào kết quả, ta có thể thấy bài viết từ Tuổi Trẻ “được” đăng lại nhiều nhất. Điều đó một lần nữa chứng minh cho chất lượng bài viết từ tờ báo có truyền thống lâu đời này. Thanh Niên và VnExpress lần lượt đứng thứ 2 và 3. Riêng đối với VnExpress, đó cũng là một bằng chứng cho nỗ lực đáng hoan nghênh của tờ báo điện tử này trong việc cố gắng mang đến những tin tức nguyên bản không sao chép cho bạn đọc trong những năm gần đây. Việc các báo uy tín như Thanh Niên, Tuổi Trẻ sử dụng lại thông tin từ VnExpress, một tờ báo mà trước đây tôi luôn có thành kiến “chuyên đi lấy thông tin của báo khác”, đã khẳng định sự đóng góp của VnExpress cho nền báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu tích cực đó, VnExpress vẫn tiếp tục giữ “ngôi vị” số một về việc sử dụng lại bài viết của các báo khác. Có thể đó là do những tin bài sử dụng trước đây khá nhiều, cũng có thể là hiện tại, VnExpress vẫn còn phải dựa vào bài viết của các báo khác để giữ tính cập nhật cho mình.

Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Tuổi Trẻ và Thanh Niên có số lượng bài viết sử dụng lại của báo khác thấp nhất trong 6 site của cuộc khảo sát. Mặc dù chúng ta không rõ Tuổi Trẻ và Thanh Niên có thực sự chủ trương hạn chế việc sử dụng bài viết của báo khác hay không, nhưng đây cũng một điểm tích cực đáng ghi nhận và củng cố niềm tin của tôi với 2 tờ báo uy tín và chuyên nghiệp này.

“Khoan đã, tôi thấy Dân Trí có số thấp hơn 2 tờ báo kia”, bạn thắc mắc. Khi nhận được kết quả này, tôi cũng khá ngạc nhiên như bạn, nên đã tìm hiểu kỹ hơn. Lý do tôi rút ra là: do Dân Trí không theo một qui tắc thống nhất trong cách ghi tham chiếu, nên các kết quả của Dân Trí trong cuộc khảo sát này có thể có sai số rất lớn, thậm chí ngược với thực tế. Để các bạn dễ hiểu, ví dụ như khi trích bài của Tuổi Trẻ, Dân Trí thỉnh thoảng ghi “Theo Tuổi Trẻ” như các báo khác, nhưng đôi lúc lại ghi “Báo Tuổi Trẻ” hay chỉ “Tuổi Trẻ”, hoặc thậm chí gọn lỏn “TTO” ở cuối bài. Sự thiếu thống nhất này khiến cho bất cứ câu truy vấn Google nào cũng không chính xác. Do đó, tôi không thể có kết luận gì với Dân Trí, mặc dù khi thử nghiệm với câu tìm kiếm “Báo Tuổi Trẻ” site:dantri.com.vn thì kết quả có thêm 806 bài viết nữa. Vì vậy, tôi tin là số bài viết của báo khác mà Dân Trí sử dụng sẽ cao hơn con số 3744 nhiều.

Trong khi đó, chỉ mới ra đời hơn 2 năm (8/2004) nhưng 24h đã không thua kém VnExpress bao nhiêu về số lượng bài viết từ các báo khác được đăng tại site này. Trong kết quả khảo sát, 24h chỉ xếp thứ 2 sau VnExpress với 10378 kết quả tìm được. Có thể nói chính việc “tận dụng” nguồn tài nguyên chưa được bảo vệ này là một nhân tố quan trọng dẫn đến sự thành công của 24h.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng khảo sát trên chỉ là một “thí nghiệm” không chính thức của cá nhân tôi nhằm nhấn mạnh một điều quan trọng hơn: Tất cả các báo điện tử hiện nay đều ít nhiều đã vi phạm bản quyền “lẫn nhau”. Đó thật sự là một điều đáng buồn, nhất là khi Việt Nam chúng ta đã gia nhập WTO.

Có thể nhiều bạn sẽ cho rằng tình trạnh vi phạm bản quyền là tình trạng chung của Việt Nam, không riêng gì báo điện tử. Thế nhưng tôi lại có suy nghĩ khác, báo chí có thể gọi là đầu tàu thông tin của xã hội, nó không những truyền tải thông tin, mà còn có trách nhiệm giáo dục và nâng cao nhận thức người dân. Ta có thể chỉ trích “Báo chí còn vi phạm bản quyền, huống gì người dân”, nhưng không thể nói “Dân còn vi phạm bản quyền, huống gì báo chí” nhất là khi báo chí ở Việt Nam còn là đại diện cho nhà nước và chính phủ.

4. Một phút xưng tội

Người ta nói trước khi nói người khác hãy ngẫm lại mình. Đây là tự thú của bản thân tôi.

Từ lâu tôi đã có “mặc cảm tội lỗi” là đang sử dụng một số phần mềm thuộc dạng download miễn phí, không có bản quyền. Thế nhưng thật sự là trước đây cũng như bây giờ tôi chưa thể “kham” số tiền mua bản quyền đắt khủng khiếp của MS Office hay Adobe. Nhưng nhất định trong vòng 1 năm tới tôi sẽ loại bỏ và cố gắng sao cho đến cuối 2007, có thể đạt được “cảnh giới” 100% có bản quyền cho tất cả phần mềm trong máy mình. Có lẽ để đạt được điều đó, tôi sẽ chỉ mua những ứng dụng quan trọng nhất mà thôi. Các phần mềm còn lại thì có lẽ dùng open-source và ứng dụng web. Mấy hôm nay tôi đã thử một số ứng dụng Web 2.0 và cảm thấy chúng hoàn toàn có thể thay thế cho các ứng dụng client truyền thống. Hoan hô, à không, Zoho Web 2.0!!!

5. Tại sao các báo điện tử lại vi phạm bản quyền?

Việc sử dụng bài viết của báo khác, vốn rất dễ dàng trên Web, đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” tại Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

1. Đầu tiên, chúng ta có thể đổ lỗi cho sự lỏng lẻo trong các qui định luật pháp về bảo vệ bản quyền, đặc biệt là ở lĩnh vực thương mại điện tử (báo điện tử cũng là một mô hình kinh doanh thương mại điện tử)

2. Thế nhưng nguyên nhân cốt lõi thật sự nằm ở ý thức của mỗi tờ báo, nói chính xác hơn là nhận thức cá nhân về việc tôn trọng bản quyền của Ban biên tập, những người có toàn quyền quyết định nội dung và hướng đi của một tờ báo. Thử hỏi, tại sao chúng ta không bao giờ thấy việc một tờ báo giấy có uy tin đăng lại nguyên văn bài viết của một báo khác mà không được sự chấp nhận của báo đó và tác giả bài viết? Có bao giờ báo Tuổi Trẻ (giấy) lại đi đăng lại bài viết của Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng mà không xin phép không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Tại sao như thế?

- Thứ nhất, các báo hiểu rõ rằng việc làm đó sẽ “hủy hoại” uy tín của tờ báo trong mắt độc giả và vị thế của báo trong làng báo chí như thế nào.

- Thứ hai, việc tôn trọng bản quyền đã thành một thứ luật “bất thành văn” trong giới báo giấy. Chính thứ luật bất thành văn này và ý thức về sự hiện diện của nó đã khiến các báo tự giác tuân thủ bản quyền mà không cần một sự thúc ép nào từ các văn bản luật chính thức.

Xin lưu ý một lần nữa, tôi nghĩ các điều luật bản quyền, luật báo chí có tác động rất ít đến sự tôn trọng bản quyền một các nghiêm túc của giới báo giấy hiện nay. Yếu tố then chốt dẫn đến kết quả đáng mừng đó chính là ý thức (về mặt lợi và hại) của các báo về việc tôn trọng bản quyền.

Câu hỏi đáng suy nghĩ ở đây chính là, có gì khác biệt giữa báo giấy và báo điện tử? Tại sao các báo ý thức về bản quyền ở báo giấy, mà báo điện tử thì lại không? Các tác động xấu đến uy tín của báo khi không tôn trọng bản quyền không áp dụng cho báo điện tử chăng?

Trả lời câu hỏi trên, sẽ là ngây thơ khi cho rằng những người quyết định nội dung của báo điện tử lại không ý thức về vấn đề bản quyền. Tôi nghĩ, các Ban biên tập không những hiểu rất rõ về bản quyền, mà còn đã có những cân nhắc kỹ càng về câu hỏi “có nên tôn trọng bản quyền hay không”. Trước tình hình thực tế hiện nay, câu trả lời, buồn thay,… là “không”. Dĩ nhiên câu trả lời đó không được quyết định trên giấy trắng mực đen trong một cuộc họp chính thức, nó được “công bố” bằng cách tránh né, ngầm hiểu, không nhắc tới… Các lý do cho “chính sách” đó cũng là những trả lời kế tiếp cho câu hỏi “Tại sao các báo điện tử lại vi phạm bản quyền?” mà chúng ta đang bàn.

3. “Ai cũng làm thế cả”

Khởi đầu với VnExpress, tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam. Thành công của VnExpress đã khiến các báo điện tử sau này cảm thấy chỉ có cách tạm thời bỏ qua vấn đề bản quyền thì họ mới có thể nhanh chóng vươn lên, thu hút được đọc giả với lượng tin bài “phong phú” của mình. Mặt khác, các báo cảm thấy bị “thiệt thòi” nếu quá “cứng nhắc”, không tận dụng nguồn tài nguyên từ báo khác như các đối thủ. Điều đó đặc biệt đúng và thông cảm được trong trường hợp của các báo giấy. “Họ đã lấy tin bài của mình, tại sao mình lại không lấy tin bài của họ. Huề!” Nghe có vẻ hài hước, nhưng đó là cách lý giải dễ hiểu nhất cho sự trái ngược giữa báo giấy và báo điện tử: Cái luật bất thành văn về bản quyền ở báo giấy giờ đây trở thành luật “không nói đến chuyện bản quyền” ở các báo điện tử.

(Tôi không muốn vơ đũa cả nắm ở đây, do đó tôi rất hy vọng nếu bạn nào biết một trang tin điện tử tôn trọng bản quyền, chỉ sử dụng nội dung của mình, không lấy bài viết của báo khác, xin hãy cho tôi biết, tôi rất cám ơn và biết đâu, tôi sẽ trở thành bạn đọc trung thành của trang tin đó.)

4. “Độc giả không quan tâm đến bản quyền”

Sự thật là đa số độc giả xem tin tức online không quan tâm mấy đến vấn đề bản quyền. Đối với họ, chỉ cần website nào có tin tức hay đáp ứng mối quan tâm và sở thích của họ, được cập nhật thường xuyên thì họ sẽ chọn trang tin đó. Sự “khoan dung” và dễ dãi của độc giả về tính nguyên gốc của bài viết trên môi trường mạng đó cũng là một nhân tố quan trọng “khuyến khích” các báo điện tử tiếp tục tránh né vấn đề bản quyền. Thế nhưng, bạn hãy dừng một phút và thử suy nghĩ xa hơn về vấn đề này: nếu độc giả không quan tâm đến bản quyền, thì điều đó có thật sự có lợi cho các báo, đặc biệt là các báo đã nổi tiếng hay không? Tôi sẽ quay lại vấn đề này trong phần “Lợi và hại của việc tôn trọng bản quyền…”

5. Lấy nội dung từ báo khác thật dễ dàng!

Với khả năng của các phần mềm CMS hiện nay, việc copy bài viết từ các trang tin điện tử khác để mang về website của mình một cách hoàn toàn tự động là điều khá dễ dàng. Có khá nhiều phầm mềm CMS, “nổi” nhất là vụ iCMS khi xưa quảng cáo một cách tự hào cho tính năng “bóc tách thông tin từ các trang tin như VnExpress, Tuổi Trẻ…”. Tôi không dám kết luật là mọi trang tin đều sử dụng tính năng này một cách bừa bãi, tuy nhiên nói vậy để hiểu chính sự dễ dàng đó cũng là một nhân tố thúc đẩy tình trạng “bỏ quên bản quyền” hiện nay.

6. Các lý do xác đáng

Bên cạnh những lý do mà tôi cho rằng “không xác đáng” nêu trên, cũng có những động cơ tích cực cho việc sử dụng lại bài viết. Có lẽ các trang tin muốn mang tất cả thông tin tại một nơi để tiện lợi cho người đọc. Cũng có lẽ đối với một trang tin điện tử mới ra đời, sẽ rất khó truy cập được những nguồn thông tin tốt. Nên cách trước mắt là vừa cố gắng tạo thế đứng của mình trong làng báo chí qua những bài viết riêng, vừa sử dụng lại bài viết từ các nguồn khác để làm phong phú trang tin của mình, nhằm thu hút bạn đọc và nhà quảng cáo. VnExpress là một ví dụ điển hình. Lúc VnExpress vừa ra đời, tôi tự hỏi có công ty nào, tổ chức nào quan tâm đến cái tên VnExpress trong chiến lược PR của mình. Liệu phóng viên VnExpress ở thời điểm đó có thể phỏng vấn được các nhân vật quan trọng như bộ trưởng, thủ tướng không?

Thế nhưng không thể chỉ vì những lý do đó mà việc xài “chùa” bài viết, vốn là công sức của tác giả, là tài sản của các báo, trở thành một chuyện đương nhiên ở tất cả các báo điện tử được. Theo thông tin tôi được biết, các tờ báo lớn không hề nhận được bất cứ gì khi bài báo của mình bị đăng lại trên các báo điện tử khác. Thậm chí chỉ một lá thư xin phép cũng không. Điều này không những dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, mà còn có xu hướng làm giảm chất lượng của báo điện tử. Thử hỏi có ai dám mạnh dạn bỏ tiền đầu tư vào chất lượng bài viết khi biết nó sẽ được “dán lại” ở các website cạnh tranh?

Hơn thế nữa, nếu xét theo đúng luật VN thì rõ ràng các báo, những cơ quan ngôn luận của Nhà nước, và là nơi để các thế hệ nhân dân tham khảo thông tin, làm giàu kiến thức, đã vi phạm về luật Sở hữu trí tuệ đối với các tác giả bài viết.

"Điều 7. Nguyên tắc trả nhuận bút
Khoản 8. Tác phẩm đã công bố, phổ biến khi được sử dụng lại tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm vẫn hưởng nhuận bút theo quy định."
(Các văn bản pháp luật về Sở hữu Trí tuệ)

Các phóng viên, cộng tác viên, những người sống bằng ngòi bút sẽ nghĩ gì khi công sức lao động của họ bị sử dụng “miễn phí” một cách bừa bãi như vậy?

6. Lợi và hại của việc tôn trọng bản quyền đối với các báo

Báo chí, cho dù trực thuộc nhà nước hay không, cũng là doanh nghiệp sinh lợi nhuận. Bài viết chính là sản phẩm của họ, nếu sản phẩm bị “sử dụng chùa” thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu quảng cáo của báo.

Đối với các báo hiện chưa có phiên bản điện tử hoặc có nhưng không nổi tiếng, thiệt thòi lại càng lớn vì họ vừa không tận dụng được bài viết của mình để sinh lợi thêm, mà còn làm lợi cho đối thủ.

Các bạn nghĩ sao khi trong tương lai đa số sẽ đọc báo điện tử thay cho báo giấy? Mặc dù báo giấy sẽ không bao giờ chết, nhưng sự thiếu tôn trọng bản quyền này sẽ khiến nhiều báo nhỏ không thể tồn tại.

Cạnh tranh không lành mạnh. Thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam sẽ tăng vọt trong những năm tới. Nếu không có một giải pháp hiệu quả cho vấn đề bản quyền thì các tờ báo chân chính, bỏ tiền của nhân lực đển mang tin tức đến cho bạn đọc sẽ mất lợi thế cạnh tranh, trong khi những cá nhân và tổ chức không tôn trọng bản quyền lại được hưởng lợi. Chúng ta thử tính toán nhé. Nhuận bút cho một tin ngắn chỉ khoảng 50-100 ngàn, nhưng một bài viết hay, đòi hỏi sự nghiên cứu của phóng viên, hay một phóng sự điều tra thì ngoài nhuận bút có khi cả triệu đồng, còn tiền công tác phí, từ vài triệu đến vài chục triệu (đưa phóng viên ra nước ngoài các kì SEAGAMES chẳng hạn). Thử nhân con số đó với hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bài viết bị đăng lại trên các website khác thì chúng ta có thể hiểu các báo đã bị thiệt hại bao nhiêu.

Tình trạng không tôn trọng bản quyền khiến các báo điện tử sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi nhiều báo điện tử mới. Chi phí cực kì thấp về mặt công nghệ (phần mềm CMS thậm chí miễn phí – open source, hosting quá rẻ) đã khiến việc lập một tờ báo điện tử chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay (tất nhiên chưa tính đến việc xin giấy phép gian nan, nhưng nếu khéo léo thì đó vẫn là điều trong tầm tay). Điểm khác biệt duy nhất giữa một tờ báo lớn và một báo điện tử nhỏ chỉ nằm ở phần nội dung. Nếu như các báo mới ấy không những không tốn chi phí phát triển nội dung, mà còn tổng hợp tất cả những tin tức từ các báo khác về làm của mình, đồng thời sử dụng số tiền “tiết kiệm” được vào chiến lược marketing, thậm chí khuyến mãi để thu hút độc giả, thì các báo điện tử hiện tại sẽ lại có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh đáng ngại, làm giảm lợi nhuận quảng cáo và phân mảnh thị trường

Các phóng viên mất đi nguồn thu nhập chính đáng của mình. Nếu các báo có doanh thu cao hơn vì bản quyền không bị xâm phạm, thì tất nhiên nhuận bút và lương của phóng viên cũng được trả cao hơn. Hoặc các phóng viên, cộng tác viên có thể thỏa thuận đăng bài viết của mình cho nhiều báo, nếu báo nào muốn độc quyền đăng bài đó thì sẽ phải trả nhuận bút cao hơn.

Như đã nói ở trên, đa số độc giả không quan tâm đến bản quyền. Về lâu dài, điều này ẩn giấu một đe dọa tiềm tàng với các báo điện tử có tiếng hiện nay: người đọc sẽ chuyển sang báo nào có lợi cho họ hơn. Tôi có biết một số người trước đây đọc VnExpress, nhưng đã chuyển sang đọc Dân Trí hay 24h, vì những gì họ có thể đọc trên VnExpress đều có thể tìm được tại các tờ báo kia, và thêm những nội dung hấp dẫn khác.

Bên cạnh những độc giả không quan tâm bản quyền đó, trong tương lai sẽ có một lớp độc giả mới có kiến thức và ý thức rất cao về các vấn đề nhạy cảm như bản quyền. Những người này không những ủng hộ các báo có nội dung nguyên bản, mà còn có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn đến các thành phần độc giả khác trong xã hội, khiến họ bắt đầu có ý thức về vấn đề bản quyền hơn. Những báo điện tử đi đầu trong việc tôn trọng bản quyền sẽ “chinh phục” được trái tim của những độc giả cực kì quan trọng này. Không những vậy, uy tín của những tờ báo tiên phong này cũng sẽ được củng cố mạnh mẽ.

Nếu báo nào cũng sử dụng bài viết của nhau, thì sẽ chẳng còn phong cách riêng, và do đó, cũng không còn độc giả trung thành nữa. Một tờ báo tôn trọng bản quyền cũng đồng nghĩa với việc nhất quán trong nội dung, phong cách của mình, vốn là nền tảng để xây dựng lên một lượng độc giả trung thành.

7. Giải pháp đề nghị

Khi đọc đến chữ giải pháp, có lẽ các bạn nghĩ tôi sẽ đưa ra một đề cương với vô số các bước thực thi bao gồm cả việc… chờ đợi cho một khung pháp lý về bản quyền cho báo chí điện tử?

Câu trả lời là không. Một giải pháp khả thi chắc chắn phải đơn giản và dễ thực hiện hơn rất nhiều. Tôi xin đưa ra giải pháp khó nhất. Khó không phải là rắc rối phức tạp, ngược lại, đây là giải pháp cực kì đơn giản. Cái “khó” ở đây là ở sự dũng cảm dám thực hiện của lãnh đạo các báo.

Như đã nói, việc sử dụng lại bài viết của các báo khác hay không hoàn toàn là do quyết định của Ban biên tập. Nếu Ban biên tập của một báo nào đó nhận ra cơ hội để khẳng định uy tín cũng như tự tin vào khả năng độc lập của tờ báo mình, thì quyết định chấm dứt đăng bài viết của báo khác chỉ đơn giản là một thông báo đến các nhân viên về chính sách mới. (Tận dụng cơ hội này để thu hút bạn đọc, nâng cao uy tín cho báo lại là một vấn đề khác)

Sau khi đã tự mình “làm gương”, chính lãnh đạo của tờ báo tiên phong nên lên tiếng, kêu gọi sự hợp tác của các tờ báo lớn về vấn đề tôn trọng bản quyền. Tôi tin chắc rằng lời kêu gọi này sẽ được sự hưởng ứng tích cực của hầu hết các báo.

Lãnh đạo các báo biết rất rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc tôn trọng bản quyền

Nói cho cùng, điều quan trọng nhất của báo chí là gì nếu không phải là uy tín? Giả sử như lãnh đạo của Tuổi Trẻ, hoặc Thanh Niên, VnExpress hay VietnamNet tích cực kêu gọi các đồng nghiệp tham gia thảo luận về bản quyền, thì tờ nào báo lại có thể từ chối một vấn đề vừa đúng đắn vừa mang lại lợi ích lâu dài như thế.

Nếu như Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã khởi xướng thành công nhiều cuộc thảo luận và phong trào có tiếng vang, hữu ích cho xã hội, thì việc nêu lên vấn đề tôn trọng bản quyền trong giới báo chí cũng đơn giản như vậy mà thôi.

Bên cạnh đó, sẽ càng tốt nếu như có một tổ chức Nhà nước như Ban Văn Hóa Tư tưởng Trung ương, Bộ Văn Hóa Thông Tin hoặc Hội Nhà Báo đóng vai trò tích cực trong việc làm cầu nối và cả “trọng tài” để đảm bảo các tổ chức báo chí đều tuân thủ thỏa thuận bản quyền này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, các các tổ chức nói trên chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho việc chuyển đổi từ thỏa thuận không chính thức giữa các báo trở thành một văn bản có giá trị pháp lý mà thôi. Điều khiến giải pháp này thành công vẫn là sự ý thức của lãnh đạo các báo.

Cuối cùng, điều tôi băn khoăn nhất vẫn là: liệu tờ báo nào sẽ có đủ nhiệt huyết, đủ uy tín để đứng lên làm đầu tàu kêu gọi tôn trọng bản quyền, nhằm tạo ra một môi trường báo chí điện tử chất lượng hơn? Ai trong bốn tờ báo sau: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, VietnamNet có thể đảo ngược lại cái luật bất thành văn “Không nhắc đến chuyện bản quyền” của báo chí điện tử? Tôi tin rằng chỉ có bốn tờ báo này, với uy tín, cùng đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp của mình, hoàn toàn có khả năng đứng vững một cách độc lập và tiếp tục phục vụ tốt độc giả của mình, ngay cả khi không cần đến bài viết của báo khác.

Tôi không biết điều tôi mong mỏi về một môi trường báo chí điện tử cạnh tranh lành mạnh, nơi mà mỗi tờ báo đều mang bản sắc riêng của mình sẽ mất bao lâu để trở thành hiện thực. Nhưng tôi tin điều đó nhất định sẽ xảy ra, và tôi sẽ chờ.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: