Bản quyền là... quyền được copy?
Báo chí Việt Nam, dù bao cấp hay hạch toán độc lập, tự trang trải một phần, đều có mục đích phục vụ nhu cầu thông tin – giáo dục – giải trí cho nhân dân. Nhân danh mục đích này, đã từ lâu báo chí địa phương “khai thác” tin bài từ các tờ báo lớn, hệ thống phát thanh – truyền hình (PT -TH) khai thác tin bài từ báo in, báo trực tuyến đã thành "chuyện thường phố huyện". Ý kiến sau đây nêu lên một cái nhìn khác.
1. Mỗi ngày, xem chương trình của Đài nọ, tôi như bắt gặp những người quen. Cả một chuyên mục thị trường - đôi khi - toàn bài vở của các báo đã đăng trước đó. Thậm chí người biên tập không thèm “xào nấu” lại cho phù hợp với văn phong PT - TH, không thèm theo dõi bản tin sáng của chính Đài mình trước đó 2 ngày đã sử dụng tin này rồi. Nguồn tin chủ yếu lấy từ Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VNExpress, VietnamNet v.v… rồi "đắp" hình video tư liệu vào, có khi đi phỏng vấn thêm để thành một “phóng sự” của bản đài.
Nhuận bút tin bài như thế thuộc về ai là chuyện nội bộ, tôi không quan tâm. Điều làm khán giả bực mình là vì sao họ "luộc" như thế mà không có một dòng thông báo tin, bài này nguồn nào…
Có những BTV đứng trước máy đọc nguyên văn một đoạn trong bài báo của những tác giả khác như là ý của mình mà không thấy ngượng. Có lần, một tin chứng khoán bị sai kiến thức, báo online đã sửa lại sau khi upload lần đầu, nhưng Đài này khai thác bản cũ (và có lẽ do chưa hiểu) nên cứ để thế mà phát.
Công thức làm phóng sự của chuyên mục này: Lấy một bài trên internet hoặc báo in + Đi ghi hình liên quan (ví dụ, bài về đồ nội thất, ghi hình tại cơ sở bán đồ nội thất; bài về hàng rượu bia, ra đại lý bia, về giá xăng dầu, đến các cây xăng v.v…) + phỏng vấn chủ cửa hàng hoặc những người có liên quan + Đứng trước máy nói đôi lời mở hoặc kết (thường dựa theo nội dung bài đã khai thác trên báo, Net).
Quá trình áp dụng công thức này thỉnh thoảng cũng có những trường hợp mà chúng ta chỉ có thể thốt lên “bó tay!” vì người “luộc” không hiểu hết bài của tác giả thật, nên lắp ghép phỏng vấn kiểu “râu ông nọ, cằm bà kia”.
Bài viết của tác giả Hồng Nhung trên Tuổi trẻ online nhan đề “Có nên mua tivi LCD để xem truyền hình?” có nội dung chính: Tivi màn hình phẳng LCD không phát huy tác dụng như quảng cáo khi xem truyền hình vì chuẩn kỹ thuật phát sóng ở Việt Nam không phù hợp, nó chỉ được khai thác tốt khi xem đĩa DVD thôi, nhưng giá tivi LCD mắc hơn màn hình thường.
Khi bài này được “xào” thành “phóng sự thị trường” của Đài ấy, với công thức pha chế như trên, “biên tập viên" đã ra các đại lý máy thu hình để phỏng vấn. Trả lời “nhà báo” là các cô gái bán hàng, các cô cứ một mực nói như cái máy về cái hay, cái đẹp, độ nét của LCD. Lời bình phóng sự ấy vốn đọc nguyên văn bài báo thì cứ nói một nẻo về chuyện kỹ thuật và chứng minh rằng khách hàng sẽ thất vọng khi sử dụng LCD. Nếu bạn xem được cái gọi là “phóng sự” này thì mới cảm được cái oái ăm đó!
2. Lại mỗi ngày, trên bản tin sáng của một Đài Truyền hình, nhiều tin thấy quen quen. Hóa ra những tin này mình đã coi trong chương trình thời sự 19 giờ của Đài quốc gia đêm trước. Tin được thu lại, đọc lại và dựng lại. Điều không thể không nói là, khi dựng băng, người ta đã "chặt đầu, chặt đuôi" khung hình gốc.
Truyền hình Việt Nam hiện nay phát sóng theo tỷ lệ chuẩn 4:3, cách “biên tập” video khai thác này biến nó thành tỷ lệ 16:9, giống coi DVD. Tin khai thác đa phần là tin lễ tân ở TW, thường chỉ có Đài quốc gia mới có cơ hội làm. Hình ảnh trong nhiều bản tin, có những cảnh cận các gương mặt phát biểu, các đồng chí lãnh đạo bị “cắt” một phần đầu. Lý do họ cắt trên, cắt dưới khung hình gốc: xóa logo VTV.
Tất nhiên, khi đã cắt logo của nguồn hình ảnh tin mình khai thác thì còn gì phải nói đến chuyện giới thiệu nguồn tin. Nhưng cũng chính Đài này lại rất sốt sắng khi nói chuyện hội nhập trong rất nhiều chương trình, chuyên mục.
***
Hiện nay, Việt Nam bị đánh giá là quốc gia nằm trong top đầu thế giới về vi phạm bản quyền. Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng nếu không ngăn chặn tình trạng này thì chúng ta khó tiếp cận công nghệ mới, thậm chí là gặp nhiều rào cản hội nhập. Việt Nam đã gia nhập WTO, vi phạm bản quyền về lâu dài có thể dẫn đến các vụ kiện tụng và đền bù thiệt hại tại các toà án quốc tế. Bởi WTO là một sân chơi sòng phẳng và minh bạch, trong đó vấn đề bản quyền rất được coi trọng.
Hầu hết các đài PT - TH cấp tỉnh, đài truyền thanh cấp huyện trong cả nước hiện nay khai thác tin từ các kênh truyền hình nước ngoài qua vệ tinh, cable, báo chí trực tuyến. Nhưng thường rất ít đài dẫn nguồn. Một số báo trực tuyến Việt Nam cũng khai thác tin từ các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài và trong nước nhưng cũng thường “quên” nhắc đến nguồn tin mình sử dụng. Đây thực chất không còn đơn thuần là chuyện đạo đức nghề nghiệp mà là những vấn đề pháp lý sẽ nảy sinh chưa thể lường trước được.
Tiến trình hội nhập ngày càng sâu sắc hơn. Báo chí Việt Nam hiện nay và trong những năm tới chắc chắc sẽ đối mặt với vấn đề bản quyền để phát triển bền vững. Các nhà quản lý có thấy được ảnh hưởng tiêu cực của thực trạng này để có những biện pháp quản lý và tổ chức thông tin chưa?
Còn bạn, bạn nghĩ gì?
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường