Quang Trung - Nguyễn Huệ là anh em: Lỗi của ai?

04:23 CH @ Thứ Sáu - 17 Tháng Bảy, 2015

Chương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 vừa đưa một clip với nội dung phỏng vấn một loạt học sinh với câu hỏi chung “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau?”

Xem lại clip phỏng vấn học sinh của Chuyển động 24 - VTV1:

Câu trả lời khiến người xem… ngã ngửa, với ấn tượng đặc biệt về sự tự tin của một cậu bé khi trả lời: “Con học trường Nguyễn Du, mà Nguyễn Du chính là ông Quang Trung”.

Trò chuyện nhanh với một số học sinh tiểu học, THCS và cả học sinh THPT về môn Lịch sử, VietNamNet nhận được những câu trả lời dạng như thế này: “Em thấy môn sử bình thường”, “Cô bắt học thuộc”, “Kiểm tra xong có cái nhớ có cái quên”, “Em không biết”…

Chị Hương Giang, phụ huynh học sinh thì nhận xét: "Các thầy cô không còn dạy như xưa nữa, như tôi đã từng học. Trước đây bài lịch sử chủ yếu dạy theo ý, thầy cô ngoài giảng bài còn kể nhiều chuyện, nói nhiều thứ liên quan chúng tôi còn thích nghe. Bây giờ giở sách của con ra xem thấy bài dài dằng dặc, các con toàn học thuộc lòng. Môn Lịch sử mà cũng có câu hỏi để soạn bài, soạn xong rồi lên lớp cô lại giảng như trong sách hỏi sao học sinh không chán?”.

Từ khi có quy định về chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây và kỳ thi THPT quốc gia năm vừa qua, rất nhiều người chờ đợi kết quả thống kê số lượng học sinh chọn các môn như thế nào, với sự tò mò không giấu giếm về việc xem môn Lịch sử được bao nhiêu thí sinh.

Số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, có số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104.959, chiếm 11,52%.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi). Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử. Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) có 3% Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 6% học sinh đăng ký thi môn này… Trong buổi sáng ngày 4/7, các điểm thi ở Yên Thành và thị xã Thái Hòa (Nghệ An) do Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì, chỉ có duy nhất 1 thí sinh thi môn Lịch sử...

Loay hoay mãi nhưng lại trầm trọng hơn

GS.TS. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Bảo lỗi này do học sinh, do giáo viên, hay do cách dạy đều đúng như chưa đủ. Lâu nay chúng ta vẫn cứ loanh quanh với mấy nguyên nhân này rồi nhưng dường như mọi chuyện còn trầm trọng hơn trước.

Bây giờ phải là câu hỏi: Lịch sử là một thứ rất hay, dạy cho chúng ta nhiều điều, đứa đầy sự ly kỳ hấp dân, lẽ ra chúng ta phải thích mới đúng, nhưng tại sao lại thành ra không thích?”

Theo ông Giang, trả lời câu hỏi “Tại sao lại không thích?” sẽ ra căn cốt của vấn đề.

Quang Trung, Nguyễn Huệ, Vũ Minh Giang, Hội Sử học
Gò Đống Đa

“Quan niệm hiện nay không đúng từ rất nhiều phía, khi cho rằng lịch sử chỉ là một môn học, mà quên đi nó còn là thứ để nuôi dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước. Nếu nhìn nhận như vậy, thái độ của chúng ta đối với môn lịch sử sẽ khác chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là lỗi của nhà quản lý.

Nếu không cẩn thận, việc đưa các sự kiện, con số, ngày tháng vào chương trình dạy học lại thành ra mớ kiến thức cực kỳ khó nhớ. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ đó, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động. Đây là lỗi của chương trình” – ông Giang phân tích.

“Trong trường học, giáo viên dạy quá nhiều, nhận định có tính áp đặt, hoặc để truyền tải một sự kiện lịch sử, giáo viên đưa quá nhiều thông tin khiến học sinh “sợ hãi”, không thể nhớ nổi, hoặc chính các em sẽ có những suy nghĩ phản kháng “tại sao lại phải chắc chắn là như thế?”, đâm ra chán học sử.

Dù gì thì lịch sử cũng là một ngành khoa học, mà khoa học là sáng tạo, và đòi hỏi sự khách quan. Vậy chúng ta đã khách quan với lịch sử chưa?”.

Đó là những nguyên nhân, theo ông Giang, đã khiến học sinh không còn hứng thú với lịch sử. “Theo tôi, hãy dạy cho học sinh niềm đam mê bằng các phương pháp khác nhau, tiếp cận khác nhau rèn luyện tư duy cho học sinh.

Giáo viên phải hướng học sinh thấy được học Sử là ngành khoa học không phải nhất thành bất biến. Lịch sử vẫn có kiến thức mới, tư liệu mới, không được áp đặt học sinh.

Ngoài ra, giáo viên nên gợi ý cho học sinh tiếp cận môn này theo hướng sáng tạo. Lịch sử là thực thể khách quan, không thay đổi nhưng học sinh có nhiều hướng tiếp cận, đối chiếu sẽ thấy lịch sử lý thú”.

“Tôi chỉ còn lòng tin ở chỗ lịch sử có những cái hay, và khi nào khám phá ra được cái hay đó, người ta sẽ say mê nó” – ông Giang khẳng định.

Học sinh Việt Nam thiếu tư duy lịch sử

Còn ông Nguyễn Tuấn Hải, CEO của Eton Grammar School nhận xét Chương trình Chuyển động 24đã đưa ra một vấn đề không có gì đáng ngạc nhiên.

Chuyện học sinh Việt Nam thờ ơ với sử Việt nó xưa như trái đất vậy.

Đâu chỉ có trẻ em, người lớn Việt cũng vậy thôi.

Tôi có một chị bạn là học đại học ở Việt Nam và sau đó học thạc sỹ tại một đại học hàng đầu thế giới, bây giờ là giám đốc một công ty của nước ngoài tại Việt Nam. Có những lúc tôi nói tới các nhân vật lịch sử nọ kia thì chị nói đùa mà thật rằng: "Chị không có quen ông ấy !!!!".

Nếu ở một môn học nào đó như lịch sử chẳng hạn có vài học sinh dốt thì lỗi có thể là do các em nhưng nếu cả một hay thậm chí nhiều thế hệ dốt và thờ ơ như thế này thì nhất quyết: LỖI KHÔNG PHẢI Ở CÁC EM”.

Cùng quan điểm với ông Vũ Minh Giang, ông Nguyễn Tuấn Hải cho rằng “Lịch sử đáng lẽ ra là một môn rất hấp dẫn nhưng ở Việt Nam nó lại trở thành một món cơm nguội vừa khô vừa cứng.

Đã đến lúc phải thay đổi.

Tất cả học sinh học tốt nghiệp phổ thông ở ta đều thiếu một điều cực quan trọng: Tư duy lịch sử.

Lý do là ở Việt Nam môn Lịch sử được tiếp cận với tư cách không phải là một môn khoa học có đầy đủ trong đó phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học, và các loại hình tư duy: tổng hợp, phân tích, tranh luận và phản biện.

Nhưng từ sách giáo khoa tới cách dạy và học môn Lịch sử ở ta lại thiếu toàn bộ các thứ đó”.

Theo ông Hải, có 3 thay đổi bức thiết cần làm ngay là: Viết lại toàn bộ SGK lịch sử; Thay đổi tận gốc cách dạy và học lịch sử và Lịch sử cần được dạy như một bộ phận cấu thành môn Xã hội học (Social Studies) từ trong tiểu học.

Ông Nguyễn Tuấn Hải nêu một ví dụ về cách dạy học nội dung về trường hợp Quang Trung Nguyễn Huệ trong clip.

“Chào các em.

Hôm nay chúng ta học bài về Quang Trung Nguyễn Huệ.

Các em có biết hai con đường mang tên này ở Sài Gòn chúng ta không?

Học sinh sẽ nói “Có” hết.

Vậy các em có biết giá đất ở 2 phố này khác nhau một trời một vực hay không?

“Có” chứ ạ.

Một câu chuyện ngắn về giá đất ở Nguyễn Huệ được kể ra.

Các em có nghĩ là do cái tên của hai ông này mà khiến giá đất như vậy không? Hai ông ấy khác nhau à?

....

Và sau đó chuyện về Quang Trung và Nguyễn Huệ mới được bắt đầu...

Có nhiều nguồn gốc tác động đến nhận thức của con người.

Một là:Môi trường sống gần của học sinh (như gia đình, khu phố...)

Hai là:Môi trường xã hội ( như là quốc gia...)

Ba là:Tư tưởng chủ đạo của xã hội hiện thời. Ví dụ như những người bình luận trên diễn đàn có thể trả lời được câu hỏi về Nguyễn Huệ - Quang Trung.. Nhưng với độ tuổi của những người này (người lớn) lẽ ra phải trả lời được những câu hỏi sâu hơn về lịch sử như: Tại sao Bin- Laden lại đánh bom nước Mỹ? Thật ra, người càng lớn thường lấy tiêu chí của mình nhằm đánh giá người yếu hơn mà trong khi chính họ không thực sự học lịch sử (đúng nghĩa).

Bốn là,mối quan tâm chính của xã hội. Hiện nay, nhiều người lớn có mối quan tâm chính là Tiền và địa vị chứ không phải là những giá trị nhân văn.

Năm là:Lương giáo viên thấp so với công sức của họ bỏ ra. Đúng như qui luật thị trường, giá rẻ thường chất lượng thấp.

Sáu là:Không có cạnh tranh trong giáo viên về lương thưởng.

Bạn đọc Chu Du

Nguồn:Vietnamnet
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phan Châu Trinh?

    30/05/2016Nhà văn Nguyên NgọcNói chuyện lịch sử bao giờ cũng cần rất thận trọng. Nói lịch sử với lớp trẻ càng cần thận trọng hơn. Về Phan Châu Trinh, nhân vật sáng chói đầu thế kỷ XX của chúng ta, ít ra cũng cần cố gắng nói với những người trẻ hôm nay rằng ông từng thống thiết nhận ra những câu hỏi sâu sắc nhất của phát triển dân tộc, mà lịch sử éo le đã buộc phải bỏ dở dang. Vậy thì chính lớp trẻ hôm nay phải tiếp tục...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Sử học và Học sử

    31/07/2011Nhà thơ Văn Cầm HảiNhân đọc bài Điểm Thi Môn Sử Thấp Không Ngờ trên báo Tuổi Trẻ, tôi không bất ngờ về thực trạng có trên 90% bài thi môn sử dưới điểm mức trung bình trong kỳ thi tuyển đại học năm nay.[1] Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần.
  • Nhập môn lịch sử triết học

    04/12/2008V.V.XocolopTriết học là một thành tố rất cổ của văn hóa tinh thần, là trí tuệ là trí tuệ của loài người và không dễ gì nhận thức được nó. Cái khó trong việc nắm bắt kết học trước hết bị quy định bởi diện rộng tới mức tối đa các khái niệm triết học.
  • Thách thức đối với việc dạy và học sử

    22/08/2006Dương Trung QuốcMùa thi phổ thông năm nay lại rộ lên những thông tin về sự yếu kém trong kiến thức lịch sử của thí sinh khiến xã hội lại bàn đến mối lo "mất gốc" của giới trẻ. Và cũng như năm ngoái, mọi người lại đi tìm xem nguyên nhân ở đâu thì mới có thể sửa được?