'Internet: Nền tảng công nghệ cho xã hội tri thức!'

06:16 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Năm, 2018

Hơn 10 năm trước, khi Internet xuất hiện và "chào" Việt Nam, GS.TSKH Phan Đình Diệu đã cùng với các nhà khoa học khác đề nghị Chính phủ phê chuẩn việc cần phải tiếp nhận và hòa nhập với thế giới Internet rộng mở. Và bây giờ, lúc Internet đã phát triển rất mạnh mẽ và được coi là không thể thiếu đối với đời sống và sự phát triển của đất nước, GS Phan Đình Diệu lại say sưa bày tỏ mong muốn: Internet tại Việt Nam sẽ làm sao phát triển sâu hơn nữa, xa hơn nữa và rộng hơn nữa.

PV VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Diệu về câu chuyện Internet Việt Nam 10 năm ấy và hành trình tiếp theo của Internet với thế hệ trẻ hôm nay...


"Internet là một cơ sở công nghệ, một nền tảng vật chất để xây dựng một xã hội học tập, xã hội tri thức". (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Cơ hội chín muồi

Vào những năm 90 - 95, khi Internet từng bước xuất hiện trên thế giới, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo và giới công nghệ Việt Nam cũng nhận ra sự hấp dẫn rõ ràng của Internet. Những ưu điểm và lợi ích mở ra trước mắt của Internet là hiển nhiên và đã "chín". Nhiệm vụ của những người làm CNTT lúc ấy (Chương trình quốc gia về CNTT giai đoạn 96-98) là đề xuất với Chính phủ phê duyệt việc tiếp nhận công nghệ Internet và nối mạng với toàn cầu.

Các mốc phát triển Internet tại Việt Nam

- Internet được sử dụng chính thức ở Việt Nam ngày 19/11/1997
- Tháng 12/2006, ước tính có 4.059.392 thuê bao quy đổi, với số người sử dụng là 14.683.783, tỷ lệ người dùng Internet trên 100 dân đạt 17,67%. Tổng dung lượng kênh kết nối quốc tế của Việt Nam: 7076 Mbps. Tổng số tên miền Việt Nam 34.924.
- Tốc độ phát triển thuê bao và số người dùng hàng năm đều có xu hướng tăng, gấp khoảng 1,5 lần so với năm trước.
- Đến ngày 26/12/2003, tất cả 64/64 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong chương trình đưa Internet tới các trường Đại học, Cao đẳng và THPT trên địa bàn tỉnh, thành phố.
(Số liệu của Bộ BCVT VN)

"Lúc đó, một số anh em trình bày với lãnh đạo Chính phủ việc đưa Internet vào Việt Nam như thế nào. Những khó khăn thực tế đã được đặt ra, trong đó có khó khăn về kỹ thuật như: trang thiết bị còn thiếu hụt, công nghệ còn non yếu; bảo đảm sự an toàn về thông tin bên trong đi ra, bên ngoài đi vào như thế nào...", GS Diệu - lúc đó là Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT - nói.

Ban chỉ đạo lúc đó trực thuộc Chính phủ, mỗi bộ ngành đều có 1 ủy viên tham gia, tổng cộng khoảng 11 ủy viên, trong đó có các bộ: Tài chính, KHCN, BCVT, Công nghiệp, Ngân hàng nhà nước...Có người đồng ý, người không tán thành với việc mở rộng và hòa nhập thông tin của mạng Internet, nhưng đa số đều nhất trí trước tiên, cần phát triển các mạng truyền thông, thông tin ở trong nước.

"Khi chúng tôi giải thích dần dần rằng, nối mạng Internet nghĩa là sẽ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài, từ những nền văn hóa và kinh tế tiên tiến trên thế giới; trao đổi và giao lưu thông tin của Việt Nam với thế giới. Và như thế, lợi ích là rất to lớn. Việc chúng ta phải giao lưu với quốc tế là cần thiết, chứ không thể đóng kín mãi được. Còn việc bảo vệ an ninh thông tin từ bên trong thì mình có thể chủ động được, quy định được và can thiệp được bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ".

Ngay sau đó, đầu năm 1997, chủ trương về nối mạng Internet được Chính phủ chấp thuận. Giữa năm 1997, những hoạt động nối mạng đầu tiên được tiến hành.

Thực hiện trực tiếp việc nối mạng Internet lúc đó là Tổng cục Bưu điện và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam. GS Diệu cho biết: "Đảm nhiệm việc nối mạng Internet lúc đó đối với ngành BCVT là rất thuận lợi so với các ngành khác, là bởi vì ngành BCVT từ 10 năm trước đó đã có một cái nhìn xa trong việc tiếp cận công nghệ mới, so với nhiều ngành kinh tế khác còn phát triển chậm chạp thì ngành BCVT đã khá mạnh. Ví dụ, khi đó mạng điện thoại trong nước đã phổ biến tương đối rộng. Tôi nhớ, tỷ lệ lúc đó là 10 điện thoại/100 dân - một tỷ lệ khá cao so với các nước chậm phát triển. Mạng điện thoại phổ rộng như thế sẽ làm cơ sở để đưa Internet tiếp cận người dân dễ dàng hơn".(Internet bắt đầu ở Việt Nam với công nghệ kết nối dial-up, kết nối Internet trực tiếp qua đường điện thoại. PV)

Thời đại của "Xã hội thông tin và Internet"

G.S Diệu cho rằng, trong 10 năm qua, Internet đã phát triển rất nhanh ở Việt Nam. Chính Internet hỗ trợ cho sự tự do giao lưu thông tin giữa con người với nhau. Những thông tin về mọi lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế...có lợi cho sự phát triển của đất nước, giúp phát triển thương mại dịch vụ, phát triển quan hệ quốc tế, phát triển khoa học, tri thức, truyền bá tri thức,...và do đó mở rộng giáo dục đào tạo. Đó chính là cơ sở cho những hình thức giáo dục đào tạo mới.

Với những tệ nạn sinh ra từ Internet cũng cần phải nhanh chóng tìm cách chống lại. Điều quan trọng là phải tìm ra được biện pháp giáo dục đối với thanh thiếu niên. "Tôi cho rằng, nếu thanh thiếu niên có những ham thích về khoa học, văn chương, thơ ca, có những đam mê khác lành mạnh hơn, thì những trò tệ nạn hay suy đồi xuất phát từ Internet ảnh hưởng tới thanh thiếu niên sẽ giảm đi. Với những hành động phạm pháp có tính tổ chức thì phải trị bằng luật pháp. Mức độ xử phạt như thế nào thì còn phải tùy vào sự phát triển của xã hội, không buông lỏng nhưng không khắt khe quá, để giới trẻ không phạm pháp nhưng cũng không bị hạn chế tiềm năng phát triển".

Internet phải đến tận tay từng người dân!

Nếu hình dung, mỗi gia đình có một máy tính kết nối Internet, mỗi người đều có thể tra cứu được bất kỳ thông tin gì mình cần, tổ chức ra những chương trình học về chuyên môn, đặc biệt trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuối, tiểu thủ công nghiệp... Nếu như mang được Internet đến từng gia đình, với mục đích phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ nhân dân, thì đó chính là việc quan trọng nhất.

"Tôi hy vọng trong một số năm nữa, Internet tại Việt Nam sẽ đi vào nhiều vùng sâu, vùng xa của đất nước hơn, để Internet có thể phục vụ cho công tác giáo dục. Bởi nó là cơ sở để tiến hành tổ chức giáo dục cộng động. Phổ cập và nâng cao trình độ tri thức của nhân dân thông qua Internet là hiệu quả nhất".

"Tôi đang cổ động cho việc hình thành - trước mắt - một xã hội thông tin, sau đó là một xã hội học tập, xã hội tri thức. Và Internet là một cơ sở công nghệ, một nền tảng vật chất - kỹ thuật để xây dựng một xã hội như vậy. Đó là cách đi nhanh của ta",GS Diệu bày tỏ.

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kiến tạo một xã hội học tập ở Việt Nam - những hạn chế từ lịch sử

    25/05/2016Trần Ngọc VươngNền kinh tế tri thức ở quy mô toàn xã hội tự nhiên đòi hỏi mọi thành viên của xã hội ấy đồng thời là những người năng sản bằng trí tuệ. Kiến tạo một xã hội học tập, không nghi ngờ gì nữa, là một con đường tất yếu mà Việt Nam phải khẩn trương hướng tới. Bài viết này xuất phát từ một góc nhìn cụ thể, là góc nhìn về logic - lịch sử sự vận động...
  • Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập “méo mó”

    10/03/2016Lê AnhNếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ nhân lực chung chung mà không chú ý phát triển sở trường cá nhân, năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách cá nhân,... thì có nghĩa là chúng ta đang thực hiện nền giáo dục “đồng phục” và đất nước sẽ khó phát triển...
  • Làm rõ thêm về khái niệm Xã hội học tập

    20/11/2003Để làm rõ thêm về khái niệm này, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Như Ất – nguyên giảng viên trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, chuyên gia nghiên cứu về GD - ĐT...
  • Để xây dựng một xã hội học tập

    18/11/2003Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003...