Ông "Phật văn" Nguyễn Xuân Khánh

Nhà phê bình văn học
02:37 CH @ Chủ Nhật - 13 Tháng Sáu, 2021

Vĩnh biệt nhà văn, dịch giả 89 tuổi Nguyễn Xuân Khánh (1933-2021) vừa ra đi hồi 14h 55 hôm qua 12/6/2021 tại nhà riêng. 

Cầu mong cho hương hồn ông yên nghỉ nơi chín suối!

Lời dẫn

Tưởng nhớ nhà văn vừa ra đi, tôi đưa lại bài viết này về ông từ mười năm trước. Phật không về trời, Phật ở lại nhân gian cùng người, anh Khánh nhé. Bức ảnh em được chụp với anh tại cuộc sinh nhật 85 tuổi anh Dương Tường, 2017. Sáng nay anh Nguyên Ngọc gọi điện từ Hội An ra bảo thế là mấy anh em viết văn tuổi đầu ba chỉ còn Tường và mình (1932), Tấn (Bùi Ngọc Tấn, 1934) đã đi mấy năm trước. Giờ đến lượt Khánh (1933). Anh Ngọc bảo em làm một vòng hoa cho anh ấy tiễn anh đấy, anh Khánh ạ.)

Bức ảnh chụp  nhà văn  Nguyễn Xuân Khánh với tác gủa bài viết Phạm Xuân Nguyên tại cuộc sinh nhật 85 tuổi anh Dương Tường, 2017.

*

Tôi gọi ông là ông “Phật văn”. Phải nói ngay là “ông Phật” này thích người đẹp. Ấy là tôi nghe các bạn văn cùng trang lứa ông kể lại vậy. Kể rằng, chàng trai quê đất Cổ Nhuế rủ rỉ rù rì  thế mà lắm cô mê. Đáp lại, anh chàng cũng mê lắm cô. Ừ, thì thấy người đẹp là thấy đời đẹp, thấy đời đẹp là thấy yêu đời, đời đáng sống, sống để mà yêu. Yêu ai? – Yêu người. Mà chẳng cứ phải là lúc trẻ mới yêu. Bây giờ đã ở cái độ kém một tuổi tròn tám chục lão chàng vẫn yêu, nói tới phụ nữ là giọng lão chàng đã nhỏ nhẹ hiền lành lại càng hiền lành nhỏ nhẹ. Cả cái cười cũng trong vắt dù là khà khà. Thì đấy, lão chàng chung tình với nhà xuất bản Phụ Nữ nhiều năm nay, cuốn nào của lão chàng cũng in ở đó, vì ở đó lão chàng có các cô em từ sếp đến nhân viên thiết tha yêu mến. Cho đến một hôm lão chàng thở dài bảo, “thế mà chúng nó cũng về hưu hết cả rồi mày ạ, buồn quá”. Cho nên đọc văn lão chàng thấy người con gái nào cũng đẹp, cũng đời, từ thiếu nữ đến bà già. Văn lão có một thứ hương mê hoặc người đọc là trộn lẫn mùi hương đàn bà và mùi hương Phật. Tôi nói thế không có gì là báng bổ nhà chùa cả, chỉ để khen nhà văn. Không tin, cứ đọc văn lão là biết. Lấy ngay cuốn tiểu thuyết mới nhất của lão là  Đội gạo lên chùa mà xem. Đọc xong cuốn đó, tôi thấy mình như được xông hương.

Mùi hương mơ hồ tỏa ra từ cái giếng trong chùa Sọ mà chỉ có cô Rêu nhận biết, rồi sau nhờ tu tập lòng thành mà tiểu An cũng nhận ra. Nhận ra đầu tiên là về Rêu. Cô Rêu xinh đẹp, có “ánh mắt ấm áp đôn hậu mong manh”.  Cô Rêu không phải phận rong rêu, cô cho An cảm nhận thấy sự mong manh thế gian và với chú tiểu nhà chùa, Rêu là một thiên nữ “những cô gái biết bay trong không trung, rắc hương, rắc hoa của đức Phật xuống trần thế” (499). Cô Rêu là một thiên nữ tán hoa. Cô đi tìm cha hay cô đi tìm cái bản thể người, cái tính người thất lạc giữa cõi trần, tìm không thấy, tìm không được, cô nhảy xuống giếng chùa, cái giếng có mùi thơm chỉ mình cô biết, nước giếng thơm ướp hương cho cô, giữ cho cô trong trắng thơm ngát mãi. Tiểu An là người duy nhất cảm thấu và hiểu được mùi hương của Rêu: “Thế gian này làm Rêu thất vọng phải không. Rêu ơi có phải vì yêu cõi nhân gian quá nên cô chẳng muốn sống nữa phải không.” Lại nhớ Hồ Quý Ly của lão chàng thường vẫn đến trò chuyện trong tâm tưởng trước pho tượng trắng hình vợ như tìm về một khoảng lặng của tâm hồn: “Và người đàn ông hùng mạnh ấy đã gối đầu lên chân pho tượng đá. Ông đi tìm gặp lại bà trong giấc mơ”

Mùi hương đậm đặc xông ra từ căn buồng của bà cụ Hiệp, mẹ ông trưởng bạ làng Sọ, khi cụ quyết lấy cái chết để giữ sạch mình về trước Phật chứ không chịu để cho đội cải cách đưa mình ra đấu tố, xét xử. “Xác bà được tẩm mùi hương nhà chùa”, mùi hương ấy tẩy uế cho cả một không-thời gian bị ô nhiễm tinh thần.

Mùi hương từ vị sư Vô Úy trụ trì chùa Sọ an nhiên tự tại trong mọi cảnh ngộ khốn khó của cuộc đời với một phương châm tu hành “cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Tùy duyên là không cố chấp, là không nệ vào các nghi thức tu hành để đạt đạo. Tùy duyên là tùy mình biết sống đúng mình khi đã khơi mở được phật tính trong mình, không cứ phải theo phật pháp.

Mùi hương vượt lên ngay cả ở chỗ hôi thối như hố phân mà đội cải cách bắt những người bị quy kết thành phần, có cả nhà sư nữa, phải ngâm mình trong đó. Phân là thối. Nhưng con người đạt đạo tự tâm như sư Vô Úy thì không bị nhiễm thối nhờ có mùi tâm hương. Chính mùi hương ấy bao bọc sư cụ và còn giúp gột rửa mùi thối ở những kẻ đang tâm đẩy người khác xuống phân.   

Còn nhiều những mùi hương tỏa ra từ những con người nông dân và cảnh vật nông thôn Bắc Bộ trong tiểu thuyết ĐGLC. Tất cả những mùi hương đó tạo thành một thứ hương phật ướp trong hương văn của lão chàng. Cũng có thể nói hương phật đã làm nên hương văn. Hương văn quyện với hương đàn bà. Hơn tám trăm trang sách xông hương tôi, dẫn dụ tôi vào một không gian địa-văn hóa, địa-chính trị trong một khoảng thời gian tao loạn, cho tôi cùng tác giả và các nhân vật đủ loại người đi tìm một “căn Việt” của dân Việt và nước Việt.

Căn Việt đó là gì? Ở Hồ Quý Ly, tác giả tìm nó ở sự hợp thổ của một học thuyết tư tưởng ngoại lai (Nho giáo) vào thực tế bản địa thông qua một nhân vật lịch sử trong khung cảnh một triều đình. Ở Mẫu thượng ngàn, tác giả truy tầm nó ở một tín ngưỡng dân gian làm nền tảng của đời sống tâm linh dân chúng, hiện hữu ở ngôi đền. Đến Đội gạo lên chùa, tác giả tìm kiếm nó ở Phật giáo, trong thể dạng tồn tại đại chúng nhất của tôn giáo này, tồn tại trong ngôi chùa. Căn Việt ở đây là sống khoan hòa, từ bi hỷ xả theo tinh thần Phật. Toàn bộ cốt lõi tư tưởng của cuốn tiểu thuyết theo tôi có thể tóm gọn ở lời trình bày của thầy giáo Hải trước sư cụ Vô Úy sau nhiều lần hai người đàm đạo với nhau về Phật giáo: “Đầu tiên, bởi vì đạo Phật dạy người ta lòng từ bi. Không có từ bi, thế gian này sẽ rơi vào mông muội. Rồi lại dạy con người phải dựa vào chính mình. Ta luôn phải tìm Phật trong bản thân ta. Thế gian ngày nay rất cần đến cái tâm cao thượng. Có được cái vô ngã, cái từ bi hỉ xả của đức Phật thì mới mong thế gian được an lành. Phật giáo là một lối sống. Lối sống tốt đẹp lành mạnh nhất mà con được biết”.

Lão chàng cần mẫn và ráo riết trên từng trang văn truy tìm mạch nguồn sống của dân Việt. Hiện hình sức sống đó là ở Người Nữ. Ngoài đời, lão chàng sống khoan thai, tự tại, ai có tiếp xúc cũng thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Bên trong, lão chàng quyết liệt với mình với văn chương. Người đọc biết tên nhà văn ở lão chàng qua ba cuốn tiểu thuyết dày dặn, đầy đặn kể trên, ấy là từ thời xã hội được khai thông bế tắc về tư tưởng, tinh thần của một thời bao cấp tù túng. Nhưng đó là sự bùng nổ của một thời kỳ dài tích lũy, nung nấu và nghiền ngẫm. Lão chàng đi lính chống Pháp rồi viết văn, được giải tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn “Một đêm”, sau đó có tập truyện đầu tay Rừng sâu. Bẵng đi một thời gian dài lão chàng không xuất hiện trên văn đàn mặc dù vẫn âm thầm viết với những bản thảo tiểu thuyết Miền hoang tưởng, Trư cuồng và Suối đen. Đó là quãng thời gian lão chàng ra quân, lấy vợ sinh con, sống ở một làng ven đô, bên cạnh những ao hồ, ngày ngày câu cá, thả rau, nuôi lợn, cắt tóc, nuôi mình và gia đình. Những biến động cuộc sống thường ngày cũng như những chuyển động của xã hội được lão chàng thu nhận, suy nghĩ. Năm 1985 cuốn Miền hoang tưởng được in ở Đà Nẵng với tên tác giả là Đào Nguyễn. Vì sao lão chàng phải lấy tên hai họ ngoại nội ghép lại làm bút danh? Ấy là vì nội dung tác phẩm có tính “đi trước” dễ gây dị ứng cho thói quen đọc văn một thời. Nhà văn Châu Diên, một người bạn thân của lão chàng, cho biết Miền hoang tưởng “đã dựng lên được biểu tượng tương phản giữa sự ngây thơ trong trắng của một nhân vật cơ hồ như là một nhạc sĩ chỉ biết đến nghệ thuật trước những oái oăm éo le quay quắt của cuộc đời thực bên ngoài nghệ thuật. Miền hoang tưởng đi vào vết thương văn hóa, chứ không đi vào vết thương ngoài da thịt. Đối chọi nhau trong Miền hoang tưởng là sự chân thành và sự giả trá. Đối chọi nhau còn là cái Đẹp tuyệt đối và cái Xấu xí được tôn lên thành cái “Đẹp” tàm tạm.” Và quả thực, cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt đã bị hứng chịu cả một đợt tấn công trên báo chí, trong đó có cả sự phê phán của một nhà văn nổi tiếng ở đất Quảng. Cho đến tận giờ cuốn đó vẫn bị ngại tái bản. Cũng như bản thảo Trư cuồng chưa được in ra. Cuốn truyện chỉ xoay quanh cái việc nuôi lợn và giết lợn. “Chỉ có vậy thôi, mà tác giả đưa ta đi biết bao đường đất, loanh quanh tới biết bao luận điểm về sự sống ở đời, song phải nói luôn, đó là một cuộc sống bàng bạc buồn” (Phạm Toàn). Có phải nỗi buồn tỏa ra từ lợn ấy đã khiến người không chịu được?

Từ khi lão chàng “tái xuất giang hồ” trường văn trận bút thì thành hiện tượng. Hiện tượng “năm nhất”. Nhất một, lão chàng là một trong số ít nhà văn Việt Nam tuổi cao vẫn viết đều, viết nhiều, càng già càng dẻo tay viết. Nhất hai, cuốn nào viết ra cũng dày, in thành sách đều ngót nghét nghìn trang. Nhất ba, lão chàng chỉ viết bằng tay trên giấy, nhất quyết không chơi cái anh bàn phím vi tính tinh vi. Nhất bốn, sách của lão chàng chỉ thủy chung in ở một nhà xuất bản của đàn bà nước Nam. Nhất năm, cuốn nào của lão ra tuy dày nhưng luôn được tái bản, và có duyên với các giải thưởng. Đấy là cái duyên định của lão chàng. Triết lý “tùy duyên” của nhà Phật được lão chàng tâm đắc và quán định. Có duyên thì gặp đời gặp đạo, gặp người gặp văn. Và gặp được lão chàng. Gọi lão vì đã tám mươi tuổi ta. Nhưng lão vẫn còn “phong độ hào hoa” trong cái dáng người gợi nhớ một thời lãng mạn, hồn nhiên tuổi trẻ, trong đôi mắt như cười, trong vài ba cái chép miệng tiếc nuối, nên vẫn là chàng. Lão chàng vẫn còn nuôi ý định viết một cuốn tiểu thuyết nữa về Hà Nội, vâng cái mảnh đất kinh kỳ nhiều ánh sáng và cả bụi bặm lão chàng rất yêu quý và rất lo buồn. Còn sức lão chàng còn viết. Còn sức, lão chàng còn đi, nhất là đến những nơi chùa chiền, đi tìm những cái đẹp quanh mình. Còn sức, lão chàng còn dịch sách. Còn sức, lão chàng còn tiếp tục tỏa rạng thêm tên mình, ông “Phật văn” Nguyễn Xuân Khánh.

(Hà Nội 25.10.2011)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Xuân Khánh và sự va chạm với cái vảy ngược trên ngực của những con rồng

    08/01/2016Phan Tuấn AnhNếu xem xét lại tiểu sử “ba chìm bảy nổi” của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh vẫn là “kẻ sĩ” hiếm hoi trong làng văn chương Việt đương đại thường xuyên va chạm và thách thức với những cấm kỵ của những thiết chế quyền lực, những nền tảng văn hóa, những triết lý và giáo lý đồ sộ của các tôn giáo, hệ hình tư tưởng (tại Việt Nam) và cả những khúc quanh của lịch sử...
  • Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: 'Dựa vào thầy là vứt đi'

    28/05/2019Chi Mai thực hiệnCó một con đường khác để có được kiến thức vững chắc mà không cần tới trường lớp – là tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc...
  • Tôi sẽ ngừng viết văn…

    16/12/2015Trần Hoàng Thiên KimVới nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, văn chương là một cuộc trải nghiệm những ý tưởng đã được ngấm và lọc qua năm tháng cuộc đời mình. Ông tuyên bố sẽ ngừng viết ở tuổi 83, bởi vì ý tưởng đã cạn, những liên tưởng đã không còn bay cao, bay xa…
  • Từ trung tâm ra ngoại biên, từ ngoại biên vào trung tâm

    07/12/2015Lại Nguyên ÂnNhìn khái lược thì đời viết văn của Nguyễn Xuân Khánh gồm ba giai đoạn khá rõ rệt, có thể diễn đạt như là con đường từ trung tâm chuyển ra ngoại biên, rồi lại từ ngoại biên chuyển vào trung tâm...
  • Số phận một cuốn sách

    30/10/2015Vũ Từ Trang - Văn GiáViết xong năm 1974-75, năm 1990, NXB Đà Nẵng mạnh dạn cho in với tên sách "Miền hoang tưởng" với tên tác giả Đào Nguyễn. Ngay khi sách phát hành, nxb và tác giả chịu nhiều hệ lụy của các cơ quan quản lý. Trải qua sau 1/4 thế kỷ, xã hội có nhiều đổi mới, cởi mở, vừa qua, tập sách được in lại với tên sách "Hoang tưởng trắng" thay cho tên cũ "Miền hoang tưởng" và tên tác giả là Nguyễn Xuân Khánh...
  • Con người hiện đại không thể chỉ nghĩ cho mình

    30/10/2015Trinh NguyễnĐằng sau những trang viết của ông luôn có một người ngồi ngẫm ngợi và thoáng cười hiền chấp nhận mọi kẻ khác mình.
  • Hồ Quý Ly và chuyện tình duyên kỳ lạ

    27/05/2015Linh THChỉ nhờ một câu thơ trên bãi biển năm xưa, Hồ Qu‎ý Ly đã bất ngờ lấy được "người tình trăm năm" thuộc dòng dõi hoàng tộc...
  • "Người hiện đại khó chấp nhận toàn ăn chay, không lấy vợ"

    07/08/2014Nhật Minh (thực hiện)Con người hiện đại phần dương tính quá mạnh. Đó là những chia sẻ và cũng chính là lý do ông viết "Đội gạo lên chùa" - cuốn tiểu thuyết vừa nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt  Nam. Nhân dịp này, KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xung quanh đề tài đạo Phật trong văn hóa của người Việt Nam.Trong mỗi người đều có Phật tính...
  • Bài học canh tân từ tiểu thuyết Hồ Quý Ly

    05/06/2014Hà Thủy NguyênGiữa lúc tình trạng văn học nước nhà vào những năm 90 đang rơi vào cảnh èo uột, không có tác phẩm nào đáng kể thì “Hồ Qúy Ly” như một cơn địa chấn lớn khiến độc giả bừng tỉnh. “Hồ Qúy Ly” không đơn thuần kể lại câu chuyện của thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 mà nhà văn đang “ôn cố tri tân”...
  • xem toàn bộ