Ô sin và gia sư, hai thứ góp phần làm hỏng con cái

03:37 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Tư, 2017

Người thầy không đạt chuẩn sẽ làm “vẩn đục” tâm hồn học trò. Dạy con khó lắm! Gia sư và ô sin đang góp phần làm “hỏng” con cái trong các gia đình thành phố hiện đại…

Đó là quan điểm của PGS.TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) khi ông chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề dạy con và vai trò hình tượng người giáo viên với thế hệ học sinh thời @.

PGS. TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh

- Thưa PGS.TS Văn Như Cương, ông nghĩ gì khi gần đây báo chí liên tiếp đăng tải những vụ việc học sinh tự tử?

PGS. TS Văn Như Cương:Tôi thấy rất choáng! Rất lo lắng và rất buồn!

- Với cương vị là một người thầy gần gũi với học sinh mấy chục năm nay, ông có thể giải mã đôi chút về hiện tượng học sinh tự tử?

PGS. TS Văn Như Cương:Học sinh tự tử, nếu xét về mặt pháp luật thì không ai có tội, nhưng về mặt con người thì rất nhiều người đang có lỗi. Cái lỗi lớn nhất thuộc về gia đình học sinh. Lỗi kế đến là của nhà trường. Và cuối cùng mới là lỗi của các em học sinh.

Gia đình hy vọng vào con nhiều quá! Trước những thất bại đầu đời của con đã đổ dồn vào mắng mỏ, nhiếc móc chúng. Nhiều ông bố, bà mẹ không ngừng đầu tư kinh tế với hy vọng con mình sẽ là người giỏi nhất, nổi bật nhất, sẵn sàng đưa con đi bệnh viện nọ, phòng khám kia khi con mới chỉ có một chút mệt mỏi về thể xác. Thế nhưng, họ lại không nhìn thấy và không chữa cho con mình những u uất, tổn thương về mặt tinh thần, tình cảm… đang tích tụ phát triển thành những chứng bệnh nặng khó chữa, khó cứu.

Khi trẻ gặp phải những khó khăn, thất bại đầu đời, chúng cảm thấy mất niềm tin, thất vọng, chán nản, dễ bị đẩy đến chân tường của sự cô đơn, cô độc. Những lúc như thế, trẻ luôn cần đến sự âu yếm, yêu thương, chia sẻ, tư vấn của bố, của mẹ. Nhưng không phải bố, mẹ nào cũng nhận thức được điều đó.

Trẻ bây giờ tự trọng hơn rất nhiều. Cái tôi của chúng cũng lớn lắm! Chỉ cần một lời nói có phần quá đáng của người lớn cũng có thể khiến chúng bị tổn thương lòng tự ái và dẫn đến có những hành động thiếu suy nghĩ…

Nhà trường mới chỉ tập trung vào việc dạy kiến thức cho học sinh. Áp lực học tập nặng nề ngay từ bậc tiểu học. Nhà trường chưa có bộ phận tư vấn về mặt tâm lý cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm mới chỉ dừng lại ở việc quản lý lớp, đảm bảo trật tự, kỷ cương cho lớp học mà chưa có sự sâu sát với từng học sinh. Những biến động tâm lý, những khó khăn học sinh gặp phải giáo viên chủ nhiệm không nắm được, không có sự điều chỉnh, can thiệp sớm.

Một bộ phận giáo viên thiếu tính chuẩn mực, kỹ năng sư phạm, văng tục, chửi bới, sỉ vả học sinh khiến các em sợ thầy, cô giáo, sợ đến lớp, sợ việc đi học… và có những hành động bồng bột.

Còn lỗi của học sinh là sự nhạy cảm, dễ tổn thương, thiếu những kỹ năng ứng xử xã hội trong quá trình trưởng thành…

- Vừa rồi ông có nói đến hình tượng chuẩn mực của người thầy. Theo ông, hình mẫu của người giáo viên trên bục giảng quan trọng thế nào và sẽ có tác động đến học sinh ra sao?

PGS. TS Văn Như Cương: Hình mẫu người giáo viên vô cùng quan trọng. Từ thời phong kiến, bao cấp… và cho đến xã hội hiện đại ngày nay, giáo viên luôn phải là tấm gương sáng với học trò.

Thầy nói bậy, văng tục, chửi mắng, đánh đập học sinh là những điều không thể chấp nhận được. Người thầy như thế là một tấm gương xấu, làm “vẩn đục” tâm hồn, nhận thức của học trò. Những kiến thức được truyền đạt từ một người thầy như thế không có tác dụng giáo dục, bởi họ không xứng đáng làm thầy. Một khi đã không xứng đáng làm thầy thì việc dạy bảo cho học trò không còn sự chuẩn mực nữa, mà bừa phứa, tùy tiện...

- Thưa PGS.TS Văn Như Cương! Có thể gọi một bộ phận những giáo viên như vậy là những “hạt sạn” trong nền giáo dục. Theo ông, những "hạt sạn" ấy hiện nay có nhiều hay không?

PGS.TS Văn Như Cương:Để chính xác thì cần có một điều tra xã hội học cụ thể. Tuy nhiên, cá nhân tôi có cảm giác rằng, ngày càng có nhiều hơn những hạt sạn như vậy trong nền giáo dục quốc dân.

- Xin hỏi riêng cá nhân PGS. TS Văn Như Cương, trong cuộc đời dạy học của mình đã bao giờ ông vì bực quá với học sinh mà văng tục, mắng mỏ và giơ tay đánh học sinh của mình hay chưa?

PGS.TS Văn Như Cương: Không bao giờ! Tôi luôn có một suy nghĩ thế này, đã được người khác gọi là thầy, mình phải hành xử sao cho xứng. Tôi không thấy “ngượng” khi người khác gọi tôi là thầy.

- Như ông đã nói, trẻ con ngày nay tự trọng nhiều hơn, cái tôi cũng lớn hơn so với các thế hệ trước đó. Theo ông, giáo viên nên có những cách dạy như thế nào để vừa hiệu quả, vừa không làm tổn thương lòng tự trọng của học sinh?

PGS.TS Văn Như Cương:“Kiểm tra bài, học sinh được gọi lên bảng không làm được bài. Tôi rất bực! Tôi hỏi học sinh: Tại sao em không làm bài? Học sinh trả lời: Tối qua, em đi học thêm về muộn. Tôi nói: Quyển sách giáo khoa này do thầy viết, môn này do thầy trực tiếp dạy. Em đi học thêm để lấy những kiến thức mới hơn, để làm được những bài khó hơn, nâng cao hơn trong sách giáo khoa. Em học thêm ở đâu đấy, cho thầy đi học cùng với…

Cả lớp đã phá lên cười. Cậu học sinh không làm được bài cũng cười và xin lỗi thầy giáo…”


Giáo viên có nhiều cách để dậy học trò, Mắng mỏ, nhiếc móc, chì chiết học trò chỉ mang lại những tác dụng phản giáo dục.

- Được biết, gia đình ông là một gia đình nhà giáo, con cái rất thành đạt và đều theo nghiệp bố mẹ. Vậy khi con học tiểu học, ông dạy thế nào? Còn khi con học THCS, rồi THPT thì ông nói gì và chỉ cho con học thế nào?...

GS.TS Văn Như Cương: Dạy con khó lắm! Có hai thứ của xã hội hiện đại đang trực tiếp góp phần làm “hỏng” con cái trong các gia đình khá giả ở thành phố, đó là gia sư và ô sin.

Gia sư học thay trẻ con. Ô sin làm hết việc của trẻ. Vô hình chung, trẻ con thành phố bị “cướp” đi quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động để phát triển trí tuệ cũng như thế chất bình thường của mình.

PGS.TS Văn Như Cương:

"Dạy con khó lắm! Có hai thứ của xã hội hiện đại đang trực tiếp góp phần làm “hỏng” con cái trong các gia đình khá giả ở thành phố, đó là gia sư và ô sin.

Gia sư học thay trẻ con. Ô sin làm hết việc của trẻ. Vô hình chung, trẻ con thành phố bị “cướp” đi quyền lợi và nghĩa vụ học tập, lao động để phát triển trí tuệ cũng như thế chất bình thường của mình...".


Để dạy con tốt, trước tiên bố mẹ phải làm được gương cho con. Cách sống, cách làm việc, cách giao tiếp phải mẫu mực và khiến người khác chấp nhận.

Khi con học tiểu học, tôi cho con học tập đúng giờ, học ít, chơi nhiều và tôi cho con tập lao động, phụ giúp mẹ làm việc nhà hoặc làm việc ngoài vườn.

Khi con học THCS, bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, tôi chú ý đến con nhiều hơn ở lời ăn tiếng nói, cách cư xử, cách ăn mặc, sự trau chuốt của con rồi đến những loại sách con đọc, loại phim con xem và đặc biệt là mối quan hệ bạn bè của con.

Lúc con học THPT, tôi đặc biệt chú ý đến việc con chơi với ai. Vợ chồng tôi không bao giờ cấm đoán các mối quan hệ bạn bè của con mà chỉ góp ý để con hiểu ra vấn đề trong mối quan hệ bạn bè.

Con gái học THPT cũng là thời điểm nhạy cảm bắt đầu biết rung động và cảm mến với bạn trai.

Tôi không cấm con có những sự rung động và tình cảm khác giới. Sự thật là không thể cấm được. Tuy nhiên, phụ huynh nào cũng cần phải để ý đến mức độ thân mật của con, khuyên bảo và nói cho con hiểu những tác hại xấu của tình cảm bột phát tuổi mới lớn để con tránh…

- Cảm ơn những trao đổi, chia sẻ của PGS. TS Văn Như Cương. Chúc ông sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan