Nửa mùa

09:43 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Mười Hai, 2009

“Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”

Quá nhiều người Việt, không cần phải sâu sắc lắm, thường hay đếm cái thời gian đã nói ngang qua mình bằng khái niệm mùa. Một văn sĩ tài đức có vẻ song toàn nhưng trót vớ vẩn sinh bất phùng thời, sau khi lặn lội hồng hộc kiếm danh thì đành bải hoải rửa tay gác kiếm tự nức nở mà an ủi mình là một thứ trái mùa. Vài thiếu nữ dịu dàng thắm thiết phảng phất chung thuỷ sau một hồi hoang tưởng cao giá đâm lệch bước lỡ thì đành dấm dứt “chổng mông mà gào” khi nhận ra mình đã ở cuối mùa.

Mùa là một khái niệm mô tả thời gian đặc biệt mang hồn cốt phương Đông. Nhiều khi nó không đơn thuần chỉ đo chiều dài mà còn đo cả chiều sâu lẫn bề rộng của cả thời gian. Mùa nhãn, mùa bưởi rồi mùa gặt, mùa thi cử. Thậm chí có những chữ khi được đứng cùng với mùa đọc lên thấy mênh mông bát ngát cả một khoảng không gian. Mùa mưa, mùa khô, mùa gió chướng. Trong ngôn ngữ Việt, vô số có những chữ dính dáng đến mùa, chữ nào cũng long lanh hay chữ nào cũng thăm thẳm sâu sắc. Theo cách hiểu thông thường nhất thì “mùa” là một đoạn thời gian của ba tháng ở trong một năm. Và mỗi mùa chất chứa ở trong nó một đặc tính đặc thù tuy ước lệ nhưng độc đáo riêng biệt. Mưa Xuân, nắng Hè, gió Thu, tuyết Đông. Đây còn là những chủ đề đậm đà truyền thống vừa bền chắc vừa mỹ lệ đã miên viễn trong thơ và văn của bao nhiêu thế hệ tao nhân mặc khách Á Đông. Mùa, tự thân huyền ảo như vậy nên vì thế mà từ những thường dân cho đến các bậc đế vương, khi phải loay hoay làm những đại sự thì rất hay tính đếm rồi căn cứ hoặc đổ tại cho mùa. Thời trong trắng xa xưa, khi bất đắc dĩ phải đánh nhau, hầu hết các vị minh quân đều chọn ngày khởi binh là mùa Thu. Gió và mưa của Thu đều ngấm ngầm có sát khí và lỡ có giết nhầm ai thì lương tâm cũng chỉ khe khẽ cắn dứt vì biện minh là đã thuận theo tự nhiên. Còn cho đến ngày hôm nay, kha khá nhiều cuộc chiến tranh tối tân điện tử lúc khởi sự bất cần phải theo mùa. Đám ngạo mạn tướng lĩnh chỉ biết ngồi trong phòng kính bấm phím computer hít không khí đã điều hoà nhiệt độ thì cần quái biết mùa nào vào mùa nào. Khi đã sống xa thiên nhiên con người ta trở nên vô cảm hơn và đặc biệt dễ dàng tàn nhẫn hơn.

Trong những chữ của tiếng Việt được hân hạnh đứng gần chữ mùa thì đáng kể lạ nhất là chữ nửa mùa. Đông đảo người Việt thành danh, hoặc làm thương mại hoặc làm khoa học hoặc làm chính trị và đặc biệt là đám viết tiểu thuyết, rất hay thành công ở cái tuổi giữa giữa của trung niên. Đại loại là khoảng ba nhăm đến bốn nhăm. Một cái tuổi mà các bậc đã lên lão vừa thân kính vừa trịnh thượng gọi là cái tuổi dở ông trở thằng. Ở vào cái quãng “nửa mùa” của cái kiếp nhân sinh này, thường người ta đã biết đau đớn nhưng chưa biết hẳn sợ. Sự trong trắng vẫn lác đác còn nên khi gặp việc thiện nếu phải cố thì vẫn vớt vát cố được. Hầu hết trong đám nửa mùa đều đã biết bắt đầu tập tọng nhìn đời (Chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ, tĩnh tâm), và may mắn vài ba trong số họ cũng được đời nhìn lại. Có điều khá lạ là đám này ăn vận rất dễ nhận. Sơ mi hoặc áo phông nhét trong vét tông, phía dưới là quần ka ki là quần bò hoặc là một thứ quần gì đó có loại vải rất khó giải thích xuất xứ. Thời trang này tiếng Tây kêu là đờ mi xe dông nôm na dịch ẩu thì tiếng Việt nghĩa là nửa mùa. Quãng đời lưng chừng có nửa mùa là quãng có nhiều hay ho nhiều cảm động. Nó không có cái nông nổi ngông nghênh cua đầu mùa, nó không có cái xơ xác mệt mỏi của cuối mùa. Nó là quyến rũ và đa phần mọi người Việt thường thích nhớ về. Có lẽ vì thế nên rất nhiều thành tựu kinh tế nghệ thuật ở nước ta cũng có vẻ nửa mùa.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nói với thế hệ trẻ

    03/10/2013Tốt nghiệp đại học mới chỉ là cơ sở để mở đầu cuộc đời của người cán bộ nghiên cứu. Có bằng tiến sĩ cũng là bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Hãy ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cách mạng. Học để phục vụ nhân dân”...
  • Trí thức nửa mùa

    09/09/2013Oleshuk Iu.FỞ nước Nga, trong thế kỷ XX đã hình thành một tầng lớp xã hội, được coi là trí thức, nhưng trên thực tế lại không phải là như thế. Chính các đại diện của tầng lớp này, chứ không phải giới trí thức, đã đóng vai trò chủ yếu trong những cuộc cải cách đầy tai họa hồi những năm 80 và những năm 90 của thế kỷ vừa qua. Đấy là tầng lớp trí thức nửa mùa.
  • Quan niệm về trí thức và vị trí của trí thức với sự phát triển xã hội

    03/08/2009Đất nước đang tiến vào tương lai trong thời đại loài người tăng tốc chia sẻ nguồn tài nguyên tri thức bằng sự phát triển vũ bão của CNTT, truyền thông, thế giới Internet kỳ diệu. Quốc gia nào cũng khao khát làm chủ nền kinh tế tri thức mới. Vai trò và trách nhiệm của trí thức ngày càng trở nên quan trọng, thúc bách. Chungta.com xin trân trọng giới thiệu chủ điểm về Người Trí Thức, tổng hợp lại các bài nghiên cứu hoặc tranh luận nhằm tạo ra một góc nhìn đa diện, nhiều chiều về chân dung người trí thức nói chung và vai trò, vị trí của họ đối với sự phát triển của cộng đồng, xã hội, quốc gia, dân tộc.
  • Hồn phố

    02/05/2007KTS Phạm Thanh TùngNhững con phố của Hà Nội xưa vẫn thế, chẳng to ra mà cũng chẳng bé đi, cái mạng lưới đường ô cờ mà người Pháp đã vạch ra đầu thế kỷ trước vẫn như thế, cho dù đường đã được trải nhựa thêm bao lần, vỉa hè đã được đào lên lấp xuống bao lần để đặt đường ống thoát nước…Và trên tất cả, nhịp sống sôi động của khu Kẻ chợ xưa vẫn như còn hiển hiện đâu đây.
  • “Bê tráp theo thầy” và làm khoa học “dỏm”!

    11/11/2003Xưa nay, chuyện học trò tự hào vì được theo học thầy giỏi, thầy tự hào vì đào tạo được học trò tài cao cũng là chuyện thường tình. Nhưng dẫu sao thì không phải học trò yêu nào cũng được thầy trao cho “ấn tín” để có thể nối nghiệp.