Elinor Ostrom góp tay “giải oan” cho Kim Ngọc

05:32 CH @ Thứ Hai - 23 Tháng Mười, 2017

>> Tham khảo:

Người “cầm đèn chạy trước... xe lửa” - Kim Ngọc - đã được phục hồi danh dự, thậm chí phong anh hùng bằng chính thực tế “đổi mới kinh tế” của hơn 20 năm qua. Nhưng về mặt khoa học, mãi đến giải Nobel kinh tế năm nay dành cho Elinor Ostrom thì những oan khiên của Kim Ngọc mới được gián tiếp giải phóng.

Từ năm 1990, nữ kinh tế gia Elinor Ostrom đã chứng minh rằng tài nguyên công cộng được quản lý dưới dạng “tài sản quốc dân” hay ngay cả dưới dạng “cổ phần hóa” cũng đều được quản lý kém do rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.

Trong tác phẩm Governing the commons: The evolution of institutions for collective action (Quản lý tài nguyên công cộng: Diễn biến các định chế dành cho hành động tập thể, 1990) Elinor Ostrom đã khẳng định: “Chính những người sử dụng tài nguyên sẽ định ra cơ chế sử dụng sao cho tài nguyên ấy đem lại lợi ích khả dĩ chấp nhận được cho mọi người; ngược lại, các quy định quản lý của nhà nước thường trở nên phản tác dụng do lẽ nhà nước trung ương xa xôi với thực tế địa phương và cũng chẳng còn mấy uy lực ở cơ sở”. Ostrom đã trưng ra nhiều bằng chứng cho thấy những can thiệp của nhà nước lắm khi lại gây ra sự tan tác thay vì tạo nên trật tự.

Thật ra, ngay từ luận án tiến sĩ trình vào năm 1965, Ostrom đã quan sát hiện tượng này qua trường hợp các tổ chức (nhà nước) của thành phố Los Angeles đã đối phó như thế nào với nạn nước mặn xâm nhập các nguồn nước ngầm của thành phố này.

Sau đó, bà đã nghiền ngẫm hàng ngàn khảo cứu về đề tài quản lý tài nguyên công cộng và nghiệm ra rằng trong đa số trường hợp khảo cứu, các cộng đồng địa phương đã thành công hơn trong việc quản lý tài nguyên của mình, có khi thành công này kéo dài thế kỷ này sang thế kỷ khác. Bà cũng quan tâm quan sát những trường hợp thất bại để tìm hiểu tại sao lại thất bại, kể cả trong những trường hợp tài nguyên công cộng đã được tư nhân (cổ phần) hóa.

Các bài học “sống” từ thời cuộc

Cách tiếp cận vấn đề của bà quả là đi ngược làn sóng tư nhân (cổ phần) hóa mà chủ nghĩa kinh tế tân tự do đang ở đỉnh cao tại Mỹ với tổng thống Ronald Reagan bắt đầu bằng tư nhân hóa y tế, giáo dục... và ở Anh với nữ thủ tướng Margaret Thatcher với các ngành đường sắt, điện, nước được “xẻ thịt” bán cho tư nhân. Và thực tế cho thấy ngành đường sắt ở Anh tan hoang như thế nào, y tế giáo dục công ở Mỹ tan tác như thế nào với làn sóng tư nhân hóa.

May mắn cho bà là cùng lúc với làn sóng tư nhân hóa ở Mỹ và Anh thì tại Pháp diễn ra chuyện ngược lại: quốc hữu hóa. Nhờ đó, bà càng có điều kiện chiêm nghiệm thái cực kia. Chính phủ Đảng Xã hội của tổng thống Francois Mitterrand lên nắm quyền năm 1981 đã thực thi ngay chính sách quốc hữu hóa hơn chục cơ sở kinh tế, tài chính hàng đầu của nền kinh tế Pháp.

Sau này, khi cuộc bầu cử quốc hội năm 1986 đem lại chiến thắng cho cánh hữu, nền Cộng hòa Pháp rơi vào tình thế “đầu Ngô, mình Sở” với một tổng thống cánh tả (Mitterrand) và một thủ tướng cánh hữu (Jacques Chirac) từ 1986-1988, thì cuộc chiến học thuyết kinh tế tạm bước vào thế giằng co hưu chiến với phương châm “ni privatisation, ni étatisation” (không tư nhân hóa, không quốc hữu hóa).

Hai năm cuối của nhiệm kỳ hai, tổng thống Mitterrand cũng rơi vào tình trạng hưu chiến tương tự với thủ tướng cánh hữu là Edouard Balladur. Các thỏa hiệp hưu chiến “không quốc hữu hóa, không tư nhân hóa” ở Pháp chính là minh họa “sống” cho những đề xuất kinh tế học của Ostrom về một “con đường thứ ba” là cộng đồng quản lý, một giải pháp bị nhiều nhà kinh tế học cùng thời phủ quyết.

Một thí dụ sinh động về việc quản lý tài nguyên công cộng bởi nhà nước là các cánh đồng cỏ ở Mông Cổ, Trung Quốc và Nga. Các cánh đồng cỏ bạt ngàn từ bao thế kỷ qua là nơi mà dân du mục từng mùa chăn dắt đàn gia súc của mình.

Các bức ảnh vệ tinh chụp cho đến giữa thập niên 1990 cho thấy ở Mông Cổ truyền thống này vẫn được duy trì, trong khi ở Nga và Trung Quốc thì đồng cỏ do nhà nước quản lý thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Các xã viên cứ thế mà ngụ cư hẳn, thay vì du mục như trước. Hậu quả là đất đai bị suy kiệt cả ở Nga lẫn Trung Quốc.

Đầu những năm 1980, nhằm cứu vãn tình hình, Trung Quốc giải tán các công xã nhân dân và “tư nhân hóa” các đồng cỏ ở Nội Mông. Tuy nhiên, các cư dân làm chủ đất đai không làm đất đai bớt bạc màu do chế độ định cư, định canh thay vì du cư như truyền thống. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy rõ cả phương thức nhà nước quản lý lẫn tư nhân hóa đều thất bại.

Trong khi đó ở Mông Cổ, các đồng cỏ vẫn xanh tươi do phương cách cộng đồng quản lý theo chế độ du cư truyền thống, theo đó đồng cỏ không là của riêng ai để bị dân tình khai thác vì lợi ích cá nhân, hoặc bị bỏ mặc “cha chung không ai khóc”.

“Ông khoán 10” Kim Ngọc (bên trái) trên thực tế ruộng đồng - Ảnh tư liệu

Cộng đồng quản lý như thế nào?

Ostrom quả quyết: “Hãy để chính những người sử dụng tài nguyên công cộng thành lập hệ thống quản lý của chính họ”. Qua thử nghiệm thực tế, bà đề xuất một số nguyên tắc quản lý cộng đồng như sau.

Cần phải xác định rõ ràng:

1. Ai làm chủ gì, có chức năng gì?
2. Phương thức giải quyết các xung đột lợi ích.
3. Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc duy trì tài nguyên tương ứng với lợi ích mà họ hưởng.
4. Cơ chế giám sát và xử lý do chính các thành viên thực hiện hay qua một người nào đó được ủy quyền và chịu trách nhiệm giải trình trước cộng đồng...
5. Trừng phạt phải từng bước nặng dần.
6. Các quyết định càng được bàn luận và thông qua một cách dân chủ, đa số có quyền tham gia sửa đổi quy định đã có thì quyết định càng thành công.
7. Quyền tự tổ chức đó của các thành viên phải được nhà chức trách bên ngoài nhìn nhận.

Bà Ostrom đã thử nghiệm các phương thức này và lần lượt công bố kết quả qua các công trình với những cộng sự của bà là Walker và Gardner (năm 1992 và 1994); của Dawes, McTavish và Shaklee (năm 1977); của Marwell và Ames (năm 1979, 1980).

Những năm gần đây bà thử nghiệm ở các cộng đồng quy mô lớn, với các cộng sự Dietz và Stern (2003)... Song song đó, các nhà nghiên cứu khác cũng đi theo “con đường thứ ba” này của bà, như Yamagishi (1986), Fehr và Gchter (2000) về tính hiệu quả của phương thức cộng đồng trừng phạt...

Tình cờ, ngày 10-10 là ngày sinh “ông khoán 10” Kim Ngọc, thì ngày 12-10 là ngày giải Nobel kinh tế được trao (phân nửa) cho giáo sư Elinor Ostrom với lý thuyết “cộng đồng quản lý”.

Chủ trương khoán hộ của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú cách nay 41 năm chính là một “bằng chứng sống” cho cái nhìn của Nobel kinh tế 2009 Elinor Ostrom. Việc ông Kim Ngọc “chết dở” với hành động “cầm đèn chạy trước... xe lửa” của ông, và việc nông thôn bế tắc cho đến khi được cởi trói từ năm 1986 là những minh chứng cho cái nhìn của Elinor Ostrom. Có thể muộn một chút, nhưng nghĩ rằng chính giải Nobel kinh tế 2009 đã “giải oan” cho ông Kim Ngọc.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: