Những nút thắt trong nghiên cứu biển đảo
Ngày 23-3 vừa qua, Thủ tướng đã ký Quyết định 373 phê duyệtĐề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển biển đảo.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu “huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền”. Kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 175 tỉ đồng.
Ở nước ta những năm gần đây, nhất là kể từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, số người nhiệt tâm theo đuổi tìm hiểu về lịch sử, địa lý, công pháp quốc tế… liên quan tới Trường Sa - Hoàng Sa ngày càng tăng, cùng với số lượng gia tăng các hội thảo về chủ đề này. Đó là một tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà khoa học, hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền của chúng ta từ lâu nay đã tồn tại một số vấn đề cần được thống nhất giải quyết.
Tài liệu nghiên cứu: Quá ít, “lưu hành nội bộ”
Do nhiều nguyên nhân, Việt Nam chỉ bắt đầu quan tâm tới vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, với việc Bộ Ngoại giao công bố tài liệu “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (tháng 9-1979), sách trắng “Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” (tháng 1-1982), “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế” (tháng 4-1988).
Đây là bản đồ nước Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838 (trong Đại Nam Nhất thống toàn đồ). Trên bản đồ có ghi hai tên “Hoàng Sa” và “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam.(Nguồn: Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Bẵng đi một thời gian dài, tới năm 1995-1996 mới có thêm một số tài liệu của giới khoa học Việt Nam về lĩnh vực này, chẳng hạn sách Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Lưu Văn Lợi (1995), đề tài “Hợp đồng nghiên cứu khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” do TS Nguyễn Quang Ngọc chủ trì (1995), luận án của TS Nguyễn Hồng Thao (1996), luận án của TS Nguyễn Nhã “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (2003) v.v… Song số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đặc biệt, lượng phát hành rất thấp, đa số là tài liệu “lưu hành nội bộ”, chưa nói đến việc phổ biến rộng rãi trong nước hay dịch sang tiếng Anh, tiếng Trung để gửi ra nước ngoài.
Nhà cổ sử Phạm Hoàng Quân nhận xét: “35 năm trôi qua, không thấy xuất hiện công trình nghiên cứu nào dày dặn, có sự phối hợp tương đối giữa khoa học và lịch sử như tập san Sử Địa số 29 (1975) của ĐH Sư phạm Sài Gòn do ông Nguyễn Nhã làm chủ biên. Đến năm 1995 mới có cuốn của ông Lưu Văn Lợi thì lại là tài liệu lưu hành nội bộ, không thuộc quyền tham khảo của số đông. Tới đó thì cũng coi như hơn một thế hệ. Tôi sợ trong nghiên cứu, chững lại tức là đi xuống”.
Trong lĩnh vực địa lý kinh tế, TS Phạm Hoàng Hải (Phó Viện trưởng Viện Địa lý Việt Nam) nhận xét: “Chúng ta có tổ chức nghiên cứu, ví dụ từ năm 1985 tới nay là có tới bốn chương trình nghiên cứu biển, mỗi chương trình có khoảng 20-25 đề tài cấp nhà nước, không ít đâu. Nhưng nghiên cứu xong, nộp báo cáo xong là công trình cứ nằm trong kho lưu trữ thế thôi, kết quả cứ đi đâu cả”.
Cơ quan nghiên cứu: Quá ít, không thống nhất
Cho đến nay, Việt Nam chỉ có vài ba cơ quan nhà nước đã hoặc đang có chủ trương chính thức nghiên cứu về chủ quyền biển đảo: Ban Biên giới Chính phủ, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế, Tổng cục Quản lý biển và hải đảo, khoa Luật ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn… Nếu so với Trung Quốc, nơi mỗi tỉnh ven biển đều có cơ quan nghiên cứu về biển đảo, nhiều trường đại học mở trung tâm nghiên cứu riêng mới thấy lực lượng của giới khoa học nước ta quá mỏng.
Việc Hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) ghi chú sai lệch trên bản đồ về quần đảo Hoàng Sa chỉ là một trong vô vàn trường hợp các tổ chức nước ngoài đưa thông tin sai, vẽ bản đồ sai về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ý kiến từ các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng điều này là do cơ quan nước ngoài tham khảo nguồn tài liệu sai lệch. Còn nguyên nhân của việc họ tham khảo tư liệu sai là do nền khoa học của chúng ta có biểu hiện “vừa thiếu vừa yếu”, chưa đáp ứng được nhu cầu tham khảo cho giới nghiên cứu các nước, lơ là trong trao đổi thông tin với đồng nghiệp quốc tế.
Bản đồ Hoàng Sa.
Tại sao lại “vừa thiếu vừa yếu”?
Vấn đề đầu tiên và muôn thuở là kinh phí. Ông Phạm Hoàng Hải nói: “Xu hướng của nghiên cứu bây giờ là phải chính xác hóa, định lượng hóa. Vì thế, hoạt động nghiên cứu khoa học càng ngày càng tốn kém hơn, như trong lĩnh vực địa lý của chúng tôi là phải đi khảo sát thực địa, mua ảnh vệ tinh vài ngàn USD một chiếc. Rồi phải có số liệu phân tích, phần mềm tính toán, rồi chi phí đi lại, sinh hoạt cho nhà khoa học nữa. Đâu còn cái thời chuyên gia đi bộ xuống địa bàn, ăn ngủ ở nhà dân cho tiện…”.
Nguyên nhân thứ hai là bản thân giới khoa học không chủ động trong việc nghiên cứu, do thiếu kinh phí và gặp khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu nhạy cảm. Ngoài ra, một điều cũng quan trọng mà ít người công khai nhắc tới là tâm lý “giữ miếng” của một số nhà khoa học, không muốn phổ biến kết quả nghiên cứu do… sợ bị ăn cắp, nhất là trong các đề tài được nhà nước cấp kinh phí.
Tuy nhiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do thiếu một chủ trương thống nhất và rõ rệt, mang tính chất quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu. Hội Địa lý Việt Nam cho biết hội sẵn sàng tập hợp dữ liệu, bản đồ về Hoàng Sa - Trường Sa để công bố trên trang web song nhà nước phải có cơ chế để tạo điều kiện về các mặt: tư cách pháp nhân, thẩm quyền, kinh phí…, đặc biệt với một lĩnh vực bị coi là nhạy cảm. TS Phạm Hoàng Hải khẳng định: “Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa, cơ quan nào làm nghiên cứu thì cũng phải có tư cách pháp nhân từ cấp bộ trở lên. Muốn tập hợp tài liệu, muốn phối hợp với các tổ chức khác, muốn khảo sát thực địa v.v… đều cần giấy phép cả, có phải thích là làm được đâu. Ngay cả việc mang bản đồ ra nước ngoài dự hội thảo khoa học còn phải làm thủ tục xin phép rất phức tạp nữa là”.
Vài nguyên nhân nói trên là những nút rối cần gỡ để có thể đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và tuyên truyền về biển đảo. Trước mắt, theo kiến nghị của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc tại một hội thảo về biển Đông tháng 3-2009, “Chính phủ nên thực hiện “bốn hóa” trong vấn đề biển Đông: xã hội hóa, công khai hóa, quốc tế hóa và phi nhạy cảm hóa”. Đó cũng là mong muốn mà nhiều nhà khoa học khác muốn chia sẻ…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh