Những lý lẽ ủng hộ và chống lại án tử hình
Thưa tiến sĩ Adler,
Trường hợp của Caryl Chessman đã tập trung sự chú ý của công chúng vào vấn đề đạo đức học và tính hiệu quả của án tử hình. Đã có nhiều tuyên bố từ cả hai phía, nhưng thật khó để có được một bức tranh rõ ràng về những nguyên tắc làm nền cho luận điểm của những người đề xướng và những kẻ phản đối án tử hình. Liệu chúng ta có thể tìm ra bất cứ tuyên bố rõ ràng nào của những quan điểm phản đối từ các tác gia quá khứ không? Đâu lý do cơ bản để ủng hộ hoặc phản đối án tử hình?
G.C.C.
G.C.C. thân mến,
Quan điểm của chúng ta về án tử hình bị ảnh hưởng bởi ý niệm về mục đích của sự trừng phạt. Những nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ có hai tư tưởng khác nhau cơ bản về sự trừng phạt. Một lý thuyết là “đền bồi” và một lý thuyết khác là “vị lợi”.
Những nhà tư tưởng ủng hộ quan điểm đền bồi vẫn cho rằng người làm sai phải bị trừng phạt như một vấn đề công bằng nghiêm minh, để sửa chữa điều sai trái mà người đó đã làm. Nguyên lý về sự công bằng vốn quyết định việc đền bù cho những thiệt hại trong các vụ tố tụng dân sự được áp dụng cho việc hiệu chỉnh những sai trái trong những trường hợp tội hình sự. Tương tự như một người đâm vào xe hơi của một người khác hoặc làm đổ hàng rào thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại, vì vậy một tội phạm phải trả giá cho tội của anh ta bằng cách chịu một sự trừng phạt phù hợp. Vì vậy Cựu Ướccó câu: “Ngươi sẽ phải lấy mạng đổi mạng, mắt đổi mắt, răng đổi răng, vết thương đổi vết thương.”
Những bi kịch của người Hy Lạp, trong đó mỗi vụ giết người dẫn đến một vụ giết người khác để đền bồi, là những minh họa đầy ấn tượng cho quan điểm này. Các nhà thần học Thiên chúa giáo xem việc đền bồi như một yếu tố cơ bản trong việc trừng phạt, dù không phải là mặt duy nhất của nó. Và các triết gia người Đức như Kantvà Hegel tuyên bố rằng việc trừng phạt phải được áp đặt chỉ như một hành vi công lý có tính đền bồi. Kantnói:
“Sự trừng phạt về mặt pháp lý không thể được áp dụng chỉ để thúc đẩy một điều thiện khác, xét về bản thân kẻ phạm tội, hoặc xét về xã hội dân sự, mà trong mọi trường hợp nó còn phải được áp đặt lên cá nhân bởi vì cá nhân bị giáng hình phạt đó đã phạm phải một tội ác”.
Vì vậy Kantbác bỏ quan niệm rằng việc trừng phạt phải phục vụ bất kỳ mục đích ngoại tại nào, như việc cải tạo tội phạm hoặc bảo vệ xã hội bằng cách ngăn không cho con người phạm tội.
Các tư tưởng gia theo lý thuyết vị lợi khẳng định rằng việc trừng phạt chỉ nên phục vụ những mục đích này. Họ thấy không có lý do gì để trừng phạt trừ phi nó hướng tới cải tạo tội phạm hoặc ngăn cản không để những người khác phạm tội. Lý thuyết này bác bỏ hoàn toàn việc đền bồi và yêu cầu chúng ta biện minh việc trừng phạt một cách thiết thực – bằng những kết quả của nó. Quan điểm vị lợi này được Protagorasthể hiện tại một trong những cuộc đối thoại của Plato:
“Không ai trừng phạt người làm điều ác vì lý do rằng hắn đã làm sai – chỉ có cơn giận dữ vô lý của một con thú mới hành động theo cung cách đó. Nhưng những ai muốn đưa ra sự trừng phạt hợp lý thì không trả đũa cho một hành động sai trong quá khứ vốn không thể xóa bỏ được. Họ quan tâm đến tương lai, và mong muốn rằng người bị trừng phạt, có thể được ngăn không tái phạm”.
Nhiều tác gia hiện đại, bao gồm Hobbes, Locke, Rousseau, và Bentham(1), ủng hộ lý thuyết trừng phạt này.
Một nhà tội phạm học người Ý thế kỷ 18, Cesare Beccaria,chọn giải pháp vị lợi cho việc trừng phạt, đã là tác gia tầm cỡ đầu tiên bày tỏ sự chống đối hoàn toàn đối với án tử hình. Ông cho rằng không nhất thiết phải giết kẻ phạm tội để ngăn cản những người khác không phạm tội ác tương tự. Hơn nữa, rất có thể có chuyện tòa án xét xử người đó lại phạm sai lầm trong việc kết án anh ta.Việc giết anh ta khiến cho một sai lầm như thế vĩnh viễn không bao giờ được sửa đổi. Một lý lẽ khác phản đối án tử hình là cho rằng mỗi người đều có quyền đương nhiên đối với cuộc sống của họ, mà nhà nước không thể làm ngơ. Nhưng những người ủng hộ án tử hình chỉ ra rằng con người cũng có quyền đương nhiên phải được tự do, mà quyền đó có vẻ như nó bị vi phạm bởi việc bỏ tù. Họ biện luận rằng trong cả hai trường hợp người phạm tội do việc làm sai trái của chính anh ta nên đã bị mất khả năng hành xử những quyền đương nhiên này.
Không phải tất cả những người chọn quan điểm vị lợi đều chống lại án tử hình. Ví dụ như Rousseaukhẳng định rằng trong vai trò là những thành viên của xã hội dân sự “chúng ta bằng lòng chết nếu chính chúng ta trở thành những kẻ sát nhân.” Tuy nhiên ông cũng nói rằng “nhà nước không có quyền xử tử, dù chỉ để làm gương, bất kỳ ai mà nếu để họ sống thì họ không gây nguy hiểm”. Vì thế, dựa trên những lý lẽ vị lợi, Rousseausẽ không tán đồng án tử hình nếu nó không phục vụ lợi ích xã hội nào cả.
Hegelphản đối yêu cầu đòi bỏ án tử hình của Beccaria, nhưng ông ca ngợi Beccaria vì giúp chúng ta “nhìn ra những tội nào đáng bị án tử hình và những tội nào không. Án tử hình do đó đã trở nên hiếm, trên thực tế đó phải là chuyện tất yếu đối với sự trừng phạt cực đoan nhất này”. Hegel tin vào sự đền bồi, nhưng ông muốn sự trừng phạt phải đúng với tội.
(1)Jeremy Bentham(1748 – 1832): triết gia và nhà cải cách xã hội người Anh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu