Cải cách tư pháp: Từ những chuyện nhỏ

11:09 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Gần đây chúng ta hay bàn đến cải cách tư pháp, và các ý kiễn cũng chưa hẳn thống nhất. Nói chung, đúng là nhiều người gọi những công việc đã và đang được tiến hành sau khi có chỉ thị 08 của Bộ Chính Trị ra đời là “cải cách tư pháp”. Nhưng cũng có người nói đây đã làm gì phải cải cách, mà chỉ là làm những việc từ lâu cần phải làm mà thôi. Dù thế nào chăng nữa, qua thực tiễn ở chốn pháp đình, người quan sát có thể nhận thấy những chuyện nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với việc hoàn thiện hoạt động của các cơ quan “cầm cân nảy mực” ở đây.

Chuyện thứ nhất: Chiếc áo kẻ sọc

Báo chí cũng đã tốn khá nhiều trang viết về chuyện này. Pháp luật không quy định bị can, bị cáo ra trước tòa mặc quần áo bình thường hay bộ kẻ sọc, nên có người mặc thế này, kẻ mặc thế kia. Đúng ra, khi tòachưa phán quyết cuối cùng thì họ vẫn chưa bị coi là phạm nhân, mà phạm nhân ở nước ta thì phải mặc bộ kẻ sọc, bởi vậy, khi khoác cho bị can, bị cáo bộ quần áo đó, vô hình trung trong mắt mọi người họ đã là kẻ có tội. Như vậy, về mặt tâm lý đã có sự đối xử thiếu bình đẳng. Ở các nước, dù đó là giết người mười mươi, hay là cướp nhà băng với những cảnh súng ống, rượt đuổi, bị cáo vẫn ra trước tòa với bộ quần áo bình thường, thậm chí com lê, cà vạt như một thương gia hạng sang.

Chuyện thứ hai: Bản án dân sự

Trong tiếng Việt, từ “bản án” luôn gắn với tội phạm, bởi vậy, khi nói bản án hình sự thì hợp lý. Nhưng nều tòa án ra phán quyết giải quyết một vụ án tranh chấp dân sự mà cũng gọi là “bản án” thì có vẻ không thuận tai lắm. Nhưng nghe lâu thành quen, trong giới luật cũng như dân thường, ít ai để ý đến chuyện này. Nhìn ra thế giới, trong ngôn ngữ pháp lý các nước như Đức, Nga, Anh, người ta dùng “phán quyết”, hay “quyết định” chứ không dùng “bản án” trong các vụ dân sự.

Chuyện thứ ba: Chánh án tham gia xét xử

Chúng ta thườngnói đến sự độc lập của thẩm phán. Nhưng ở nước ta, từ khi có quyết định chuyển quyền quản lý tổ chức tòa án từ Bộ tư pháp sang TAND, dù khách quan hay chủ quan, thẩm phán vẫn có phần nào đó phụ thuộc nhiều hơn vào chánh án: lương, thưởng, bổ nhiệm, hạ chức, các chế độ khác đều do chánh án quyết. Bởi vậy, nếu ngồi cùng xét xử với chánh án, trong tâm lý thẩm phán khó tránh khỏi ý nghĩ nhìn sang xem ông chánh án xử ra sao Chế độ thủ trưởng bên hành chính phần nào hiện diện tại chốn công đường có thể phần nào sẽ sinh ra tình huống khó xử cần tránh.

Chuyện thứ tư: Thái độ đối với luật sư

Chuyện này cũng đã được nói đến khá nhiều trên báo chí. Trong quá trình tố tụng, luật sư thường bị coi là đối lập với các cơ quan tiến hành tố tụng, thường bị coi là “cùng phe” với bị can, bị cáo nên thường bị gây khó dễ, thường bị coi thường, thường bị hiểu nhầm...Thực ra, luật sư khi bào chữa ở tòa án là góp phần thực hiện quyền hiến địnhcủa công dân – quyền được bảo vệ về mặt pháp lý, cũng với thẩm phán tìm ra sự thật. Khi nghe luật sư hai bên tranh luận, thẩm phán đã có thể thu nhận được nhiều thông tin hai chiều về vụ việc. Dĩ nhiên, trong bất cứ nghề nào cũng có con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng ngoài các quy định của pháp luật, luật sư còn hành động tuân theo quy tắc ứng xử nội bộ, họ cũng có các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bổ phận nghề nghiệp của mình. Luật sư chỉ góp phần làm cho pháp luật được thực thi công bằng hơn mà thôi...

Những chuyện trên đây tuy nhỏ thôi nhưng phần nào cho thấy: hoàn thiện, đổi mới, cải cách- những kế hoạch lớn lao, dài hạn trước hết thường bắt đầu từ việc thay đổi cách nhìn, tâm lý, tư duy của chính những chủ thể tham gia, và nhiều khi chúng lại được thể hiện qua những chuyện nho nhỏ. Mà trong trường hợp này, chủ yếu là cách nhìn của Tòa án và Viện Kiểm sát-những cơ quan đại diện cho quyền lực nhà nước ở chốn pháp đình đối với công dân, đối với xã hội. Ngoài ra, còn khá nhiều câu chuyện nho nhỏ tương tự, nhưng xin dừng tại đây.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: