Nhìn lại những trang viết của mình
Ở lứa tuổi tôi đã nói tới nghề văn là nói tới đời văn. Đã nói tới đời văn là phải nói tới những điều kiện lịch sử, xã hội đã đưa đẩy mình đến với nghề cầm bút. Đã nhiều lần tôi tự hỏi nếu không có Cách mạng tháng Tám thì đời mình sẽ ra sao nhỉ? Chắc chắn tôi vẫn là người lao động lương thiện nhưng tầm thường, xoàng xĩnh hơn bây giờ nhiều.
Bởi vì tôi tự biết có những nhược điểm rất lớn lại thêm chỗ đứng ban đầu thua kém, khó có thể tự đẩy mình lên cao hơn cái biển người thờ ơ của một xã hội bất động. May mắn làm sao khi tôi còn ở tuổi thiếu niên thì cách mạng đã thành công, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu. Suốt tám năm kháng chiến tôi đã lớn lên về tuổi đời, lại thêm tuổi Đảng, có thêm chút ít học vấn, chút ít từng trải để dám theo đòi nghề làm báo, viết văn. Cũng lại phải mất nhiều năm tháng trong hòa bình làm phóng viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội, được sống trong không khí tranh luận văn học, cùng lúc học được nghề văn, học luôn cả nhân cách nhà văn. Rồi cũng từ đó mới dần dần nhận ra cái bản lai diện mục của mình, sẽ là gương mặt riêng, là tiếng nói riêng trong cái làng văn tuy còn trẻ nhưng đã có nhiều bậc văn tài.
Những năm còn nhỏ tôi sống rất buồn. Những người thân nhất của tôi đều có một số phận rất buồn. Họ gánh vác mọi nỗi buồn một cách nhẫn nhục, cam chịu vì đã xem đó là định mệnh. Cuộc đời của những con người bé nhỏ với những vui buồn, lo lắng vặt vãnh ám ảnh tôi suốt một đời. Cho đến tận bây giờ những số phận bất hạnh, những cuộc đời ngang trái, những trớ trêu trong nhiều cảnh ngộ luôn quyến rũ tôi. Bởi ở đó tôi đã gặp lại chính tôi, gặp lại những người thân thiết nhất của tôi, để có dịp được nhìn lại ngẫm nghĩ lại những cuộc vật lộn thầm lặng, đau đớn để tự khẳng định những giá trị chả thua kém ai của mỗi người trong bọn họ. Mỗi lần có cơ hội để viết về họ là tôi vui lắm, tâm trạng như xuất thần. Họ là phần vượt cao lên; phần toả rộng ra của cuộc đời tôi vốn tẻ nhạt, chật hẹp so với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cặp nhân vật văn học đầu tiên của tôi là Môn và Nhàn trong tiểu thuyết Xung đột đều có cái phần riêng của tôi cả. Tính cách mạnh mẽ, dứt khoát của Môn là ao ước của tôi. Còn tính cách phân vân, dao động của Nhàn là những dằn vặt luôn có trong tôi. Những người đàn bà xấu xí bị chế giễu, bị bỏ quên lại có một tâm hồn trong sáng, vị tha trong các truyện ngắn Mùa lạc, Chuyện một người tổ trưởng máy kéo, Gia đình lớn, Nắng chiềuđều có ít nhiều bóng dáng của mẹ tôi, của các dì và cũng còn của chính tôi nữa. Truyện ngắn Đứa con nuôi và mấy chục năm sau trong truyện ngắn Hai ông già ở Đồng Tháp Mười đã trộn lẫn nhiều kỷ niệm không vui của tôi những năm còn nhỏ.
Tôi là người có chí nhưng kém tài, may mà được gặp thời, rồi được gặp thầy, gặp bạn mà nên sự nghiệp. Bởi thế tôi rất dễ xúc động khi nghe chuyện hoặc tiếp xúc với những người có tâm và có tài nhưng không gặp thời, không gặp may, hoặc lầm lẫn trong lựa chọn ban đầu đến nỗi thêm bại danh liệt lúc cuối đời. Những khắc khoải, đau đớn trong lựa chọn, trong thất bại và cô đơn không hiểu sao rất quen thuộc và thân thiết với tôi, giúp tôi xây dựng các tính cách được tự nhiên và chân thật. Cứ như có người cầm tay viết hộ, không mất bao nhiêu công sức. Những tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm, Điều tra về một cái chết, và Một cõi nhân gian bé tý đã được viết theo dòng cảm hứng đó.
Tôi vốn là người nhút nhát, nhu nhược nên có khuynh hướng sùng bái những tính cách mạnh mẽ, những con người kiên nghị dám dâng hiến trọn đời cho một niềm tin, một lẽ sống, không dao động trước bất kỳ một trở lực nào. Người chiến sĩ lái xe tăng bị lạc đơn vị trong tiểu thuyết Chiến sĩ, ông linh mục trẻ trong Cha và Con và..., nhiều nhân vật trong các tiểu thuyết Thời gian của người và Vòng sóng đến vô cùng là những mẫu người lý tưởng của tôi. Chỉ tiếc nội lực của tôi còn yếu nên không thể hà hơi tiếp sức cho các nhân vật đó có sức hấp dẫn lâu bền đối với đông đảo bạn đọc.
Những số phận bất hạnh, những con người không gặp thời, những cảnh ngộ trớ trêu đã được nhiều nhà văn trước Cách mạng viết đi viết lại trong nhiều tác phẩm. Phải nói một cách thành thật rằng, lai lịch các nhân vật văn học ấy đều xoàng xĩnh, đơn điệu, tẻ nhạt, mà sao trong cái đám người hư hư thật thật ấy lại có dăm bảy gương mặt vẫn còn sống đến hôm nay. Vẫn gần gũi, vẫn trẻ trung, kết bạn được cả với lớp bạn đọc thuộc thế hệ cháu chắt. Chí Phèo của Nam Cao, chị Dậu của Ngô Tất Tố, ông Huấn Cao của Nguyễn Tuân, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng, thậm chí đến con Dế Mèn có máu phiên lưu của Tô Hoài là bao nhiêu tuổi? Thì ra những con người xoàng xĩnh của một xã hội đang tan rữa chỉ nhờ vào văn tài của người cầm bút mà trở nên bất tử! Chúng tôi được sống một thời chả có ai là xoàng cả. Một người bình thường, gặp bất cứ đâu cũng có một lai lịch không tầm thường chút nào với nhiều mất mát, nhiều chia ly và một nghị lực to lớn để băng qua những chông gai của một thời sóng gió. Những con người tuyệt vời của những năm tháng rất tiểu thuyết lại không thể sản sinh ra những nhân vật văn học bất tử là nghĩa làm sao? Có nhiều nguyên nhân, nhưng với riêng tôi, cách đây hơn hai chục năm, tôi chợt nhận ra những ảo tưởng của mình trong sự tìm kiếm những mẫu người Việt Nam hoàn toàn mới, có tham vọng góp phần đặt nền móng cho một nền văn học khác hẳn với những dòng văn học trước đây. Thật ra, những gì thuộc về con người Việt Nam hôm nay đều có gốc gác từ rất xa xưa và sẽ có tác động tới nhiều thế hệ sau này. Cái tốt và cái xấu, cái mạnh và cái yếu đều có mầm mống sẵn từ trong mỗi người, từ trong sâu thẳm của một dân tộc. Gặp thời thịnh trị thì những mầm tốt có cơ hội phát triển nhanh. Gặp buổi tối tăm, hỗn loạn thì những cái xấu mặc sức hoành hành. Nhưng vẫn là thuộc về con người của một dân tộc cụ thể không thể thêm hay bớt, lại càng không thể nhào nặn theo những mẫu hình mà ta mong được thế, muốn được thế. Vào khoảng năm 70, một bạn văn có nói với tôi, đại ý, muốn đi đâu thì đi muốn đọc gì thì đọc nhưng cứ phải giẫm nát mảnh đất dưới chân mình mới mong có được những trang viết thật hay. Nói thế là rất đúng, bây giờ nghĩ lại cũng vẫn đúng nhưng chưa đủ. Sống ở một thời có nhiều biến động lớn, phức tạp, quyết định vận mệnh nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, nếu người viết bị trói buộc vào cái thật hằng ngày, cái thật của đời người, của một vùng đất sẽ khó có thể vươn tới những hình tượng nghệ thuật có tầm vóc lớn, khái quát được những biểu trưng tinh thần của một dân tộc, một thời đại thông qua những nhân vật sống động, quen thuộc và thân thiết với nhiều thế hệ bạn đọc. Nhưng muốn tới được cái cõi ấy hình như lại phải có sự hỗ trợ của tầm văn hóa chung, của triết học và chính trị.
Những năm gần đây tôi vẫn viết đều đặn nhưng cũng là múa võ trên mảnh đất quen thuộc. Tôi vẫn muốn viết khác trước nhưng chưa tìm ra được những hình tượng nghệ thuật kết tinh sự từng trải cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề của mình. Nó vừa là hình thức vừa là nội dung, không có một nghệ thuật tiểu thuyết đẹp và mới thì sẽ không có bạn đọc, không thể lưu truyền được lâu dài. Nhưng có được một nghệ thuật diễn tả phù hợp không phải cứ tìm mà có. Nó không ở ngoài ta mà ở trong ta. Cái nghệ thuật đích thực phải là nhu cầu cấp thiết từ bên trong, từ ngọn lửa bùng cháy từ bên trong. Và khi nó đã phá ra được một cửa mở để câu chữ, hình ảnh, cách bố cục tràn ngập trên trang giấy thì chính người sinh thành ra nó cũng không biết là mới, là lạ, là đẹp, chỉ thấy phải như thế, bắt buộc là như thế. Đó là cách nghĩ của tôi về một hình thức nghệ thuật mới. Nó là sự từng trải già ẩn trong cái vỏ bọc trẻ. Là sự tích lũy dài ngày, một đời chạm được vệt sáng vĩnh cửu chói lòa trong giây phút. Thật là khó lắm, nhưng tôi vẫn chưa hết hy vọng.
Tháng Tám năm 1995 (Việt Nam nửa thế kỷ văn học (1945 - 1995).
NXB Hội Nhà văn, H., 1995)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh