Nhiều cái cần thì chưa dạy!
Sinh viên ra trường đi làm hầu hết phải "đào tạo lại từ đầu", làm nghề không xứng với thời gian ăn học, thiếu ý thức về xã hội, môi trường, tỉ lệ tội phạm thanh thiếu niên, quan hệ tình dục không an toàn tăng...
Rõ ràng, còn rất nhiều điều các em cần phải học thì nhà trường chưa dạy, trong khi đó, nhiều kiến thức không thiết thực lại đang làm nặng thêm những áp lực học đường. Con số hơn 147.000 học sinh bỏ học năm học 2007-2008 Bộ GD và ĐT vừa công bố cũng có thể coi là một dấu hiệu về sự thiếu thiết thực của chương trình giáo dục...
Giáo dục sao cho biết cách làm người
Giáo dục tại các nước phát triển trên thế giới nhận thức rằng học sinh không chỉ cần đào tạo về kiến thức chuyên môn mà còn phải được tôi luyện những kỹ năng sống. Tuy nhiên, ngành giáo dục VN lại đang đi ngược xu thế này.
PV LĐ đã có cuộc phỏng vấn với GS-TS KHGD Nguyễn Xuân Hãn về vấn đề này.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng trên?
Chương trình học ở bậc phổ thông hiện nay quá nặng, chiếm nhiều thời gian học tập, thì lấy đâu thời gian để rèn luyện cho các em những kỹ năng sống? So với mặt bằng chung của nhiều nước, chương trình học ở VN ôm đồm, nhiều nội dung trong SGK của ta nặng hơn từ 1-3 năm.
Ở các nước học sinh tiểu học được dạy cách chơi mà học, học sinh trung học vẫn được vừa học vừa chơi, còn THPT học nhiều hơn chơi, và chỉ đến đại học, việc học mới chiếm đa số quỹ thời gian của học sinh (chơi ở đây có nghĩa là học sinh học ở ngoài nhà trường, có thời gian so sánh những điều mình học được với cuộc sống phong phú và cả học hỏi những gì mình yêu thích).
Còn ở ta, chương trình học quá tải ngay từ lớp 1. Học ở trên lớp, học thêm, về nhà làm bài tập, thời gian ngủ không đủ, còn đâu sức lực thời gian để tìm hiểu cuộc sống xung quanh, trong khi lứa tuổi học sinh là lứa tuổi muốn tự tìm tòi, khai phá, phát triển tư duy. Cũng không lạ, khi việc bỏ học ở phổ thông đang là vấn nạn.
- Còn những nguyên do nào khiến học sinh của ta khi ra đời thường bị thụ động, thưa ông?
Môi trường học vẫn bị trói buộc trong bốn bức tường của lớp học, khiến cả giáo viên lẫn học sinh trở thành những người xử lý kiến thức thụ động. Các chương trình học ngoại khoá, tìm hiểu thực tế v.v... ít hoặc không được đưa vào giảng dạy. Phương pháp đó làm học sinh ù lì, thui chột dần khả năng sáng tạo.
Việc thiếu hụt các chương trình ngoại khoá nhằm tăng cường các kỹ năng sống khiến các em bị hổng về mặt này, gây nhiều hậu quả khó lường. Đơn cử, việc không chú trọng phổ cập các kiến thức về tình dục lành mạnh khiến các em tự tìm tòi thông tin qua các kênh không chính thống, gây hậu quả tiêu cực. Hay trường hợp năm ngoái, 5 học sinh lớp 7 ở Sóc Trăng chết đuối do chìm đò. Nếu các em được học bơi tại trường, có thể câu chuyện đã khác.
Người VN không có thói quen dạy các em "nói ngược" giáo viên, thường áp đặt suy nghĩ lên các em về sự sáng tạo, cách nhìn nhận cuộc sống. Tại các nước phát triển, giáo viên là người hướng dẫn, và quyền học thuộc về học sinh.
Ví dụ họ đưa ra danh sách các đầu sách, sau đó tổ chức học nhóm rồi thảo luận nội dung trước lớp. Phương thức này giúp các em học được cách tự thu lượm kiến thức, tự bảo vệ chính kiến của mình, rèn luyện sự tự tin, khả năng làm việc nhóm và diễn đạt trước đám đông. Bên cạnh đó, các em còn có dịp thể hiện sự đoàn kết bằng việc hỗ trợ và bênh vực đại diện cho nhóm của mình.
Ứng xử giáo dục cũng có tác động rất lớn tới tâm lý học sinh, là một trong những mấu chốt tạo nên sự hình thành nhân cách của các em. Trẻ em rất nhạy cảm nên giáo viên phải có cách chỉnh sửa lỗi sai một cách tế nhị. Theo tôi, việc chấm điểm, xếp thứ và công bố công khai là một việc không nên làm. Nên bảo mật các thông tin này và chỉ công khai khi học sinh yêu cầu nhằm thể hiện sự tôn trọng học sinh.
- Theo ông, trước mắt ngành giáo dục VN phải làm gì?
Trước hết, phải có một chương trình giảng dạy ổn định, phân bổ thời gian học và chơi một cách hợp lý, tăng cường các hoạt động ngoại khoá, hướng các em phát triển sở thích v.v... Tôi cho rằng việc thay đổi này có thể làm được và không tốn tiền của Nhà nước. Chương trình giảng dạy ngoài nhà trường có thể thay đổi linh hoạt theo khả năng hiện có của địa phương, nhằm giúp các em phát triển phù hợp với môi trường sống.
Ví dụ, chương trình giáo dục dành cho các em sống ở vùng sông nước nên đưa môn bơi vào giảng dạy. Đặc biệt phải phát triển những chương trình đào tạo chuyên sâu về tâm lý của các em để hiểu các em hơn, từ đó dễ dàng hướng các em tới sự "chân, thiện, mỹ". Điều cốt lõi nhất của giáo dục là phải dạy sao cho các em biết cách học, biết cách làm người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005