Chương trình nặng nề, phương pháp nhồi nhét - nguy cơ của nền giáo dục

12:01 CH @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Gần đây, khái niệm giáo dục chủ động được đề cập khá nhiều, trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới cách nhìn về người dạy, người học trong quá trình giáo dục. Thực ra, đây không phải là một khái niệm mới trong giáo dục thế giới nhưng lại mới ở chỗ vạch ra những vấn đề đáng quan tâm khi xây dựng một nền giáo dục chủ động trong hoàn cảnh ở Việt Nam. Đến nay, kể cả giáo dục đại học Mỹ, phương pháp giảng dạy vẫn là một vấn đề nóng bỏng, một yếu kém cơ bản cần khắc phục trong việc tăng cường chất lượng giảng dạy.

Nhìn chung, nguy cơ của nền giáo dục nhiều nước châu Á, trong đó có nước ta, là ngay từ thuở nhỏ, người học phải luôn đối phó với một chương trình học quá nặng nề, phương pháp giảng dạy nhồi nhét lỗi thời, và một cơ chế đào tạo không tạo chủ động cho người học. Tính đối phó như vậy không thể tạo ra tính sáng tạo trong học tập hay óc tư duy phê phán trong suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Trong giáo dục sáng tạo, sinh viên học không lệ thuộc vào quá trình đào tạo, mà ngược lại, cần tự học, tự tìm tòi và tự đào tạo. Do vậy, nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ tập trung vào giảng viên, hay hẹp hơn, đổi mới phương pháp giảng dạy là đủ. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố quan trọng khác nữa. Tuy nhiên, đối với bản thân giảng viên, việc xác định các yêu cầu, ưu tiên cho bốn thành tố cơ bản của quá trình đào tạo dưới đây là rất quan trọng: mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá.

Xác định mục tiêu là rất cần thiết vì nó ảnh hưởng đến việc chọn lựa nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đánh giá. Mục tiêu không rõ thì nội dung sẽ không rõ, sẽ không cho thấy phần học nào cần thiết, hiệu quả, phải có trong chương trình đào tạo; nó cũng sẽ không cho thấy phương pháp giảng dạy nào phù hợp với thực tế và thực sự có chuyển tải được nội dung cần thiết hay không; và cuối cùng, nó cũng sẽ không tạo sự dễ dàng cho việc kiểm tra, đánh giá công bằng, chính xác. Hai vấn đề quan trọng cần chú ý khi xác định mục tiêu là phải xác định kiến thức có liên quan mà sinh viên tích lũy trước khi vào học, và sinh viên dựa trên mục tiêu có thể tự đánh giá quá trình tiếp thu của mình.

Nội dung giảng dạy là nói đến kiến thức thu nhận được trong quá trình đào tạo. Nó có thể từ truyền đạt của giảng viên dưới dạng bài giảng, tài liệu giáo trình hay từ những nguồn thông tin khác nhau mà sinh viên có thể tiếp cận được. Vai trò của giảng viên là làm thế nào giới thiệu càng nhiều nguồn thông tin càng tốt và đồng thời giúp xác định những nội dung nào cần thiết cho môn học, giúp cho sinh viên đạt được các mục tiêu đã đề ra. Muốn làm được điều này, giảng viên cần xây dựng đề cương môn học với các nguồn tư liệu dễ tiếp cận. Trên cơ sở này, sinh viên dễ dàng xây dựng một chương trình học tập phù hợp với nhu cầu và điều kiện bản thân. Qua đó, sinh viên chủ động tìm kiếm những phương cách, nguồn lực có thể có để hoàn thành các yêu cầu môn học. Một khó khăn ở đây là chương trình đào tạo ở nước ta chưa được đánh giá toàn diện và xem xét tính liên thông từ bậc học này đến bậc học khác, từ trường này sang trường khác, và ngay trong phạm vi một trường, từ ngành/chương trình này sang ngành/chương trình khác. Thiếu tính liên thông, nội dung học tập trở nên rời rạc, thiếu tính hệ thống. Ngoài ra, liều lượng nội dung đưa vào nhiều khi nặng nề do lặåp đi lặp lại, do thiếu đo lường kiến thức thu được qua từng bậc học và cũng do quan niệm "thà thừa còn hơn thiếu".

Phương pháp giảng dạy cần mang tính cá nhân hóa cao. Làm thế nào qua phương pháp giảng dạy để nâng cao tính sáng tạo, tư duy phê phán và giải quyết vấn đề nơi sinh viên? Điều này đặt giảng viên ở vị trí luôn cập nhật kiến thức và sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khác mình. Phương pháp giảng dạy phải giúp sinh viên xây dựng quá trình tự đào tạo. Trong bối cảnh đó, phương pháp giảng dạy cũng cần đa dạng để có thể đáp ứng được các nhu cầu học tập khác nhau. Qua đó, sinh viên không chỉ tự trang bị những kỹ năng, kỹ thuật mới, mà còn luôn cập nhật nội dung kiến thức đã có, xây dựng thái độ và tình cảm đúng đắn đối với nghề nghiệp và xã hội. Cuối cùng, phương pháp giảng dạy phải giúp xây dựng quan điểm học tập suốt đời, không những chỉ là kiến thức, kỹ năng mà còn là thói quen để có thể học tập suốt đời.

Đánh giá phải có tính hệ thống, phải lưu trữ trong hồ sơ sinh viên cho thấy sự tiến bộ qua từng giai đoạn. Đối với môn học, đánh giá cần rải đều khắp học kỳ để có thể điều chỉnh từng lúc mục tiêu và nội dung học tập cho phù hợp với thực tế. Công cụ đánh giá phải đa dạng và kết hợp nhiều dạng thức khác nhau (trên lớp, ở nhà, vấn đáp, viết, trắc nghiệm, thi nhóm, công trình nghiên cứu có hướng dẫn). Thực tế hiện nay là đánh giá thường nhằm kiểm tra trí nhớ của sinh viên, như vậy sinh viên phải đối phó bằng cách học thuộc lòng. Các bài thi cũng thường nhấn mạnh đến kiến thức về sự kiện hơn là phân tích giải quyết vấn đề hay nâng cao tính sáng tạo. Một vấn đề đáng quan tâm khác là đánh giá thường biểu thị qua điểm số, nhưng điểm số và kết quả thường ít được chia sẻ với sinh viên để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, và hơn nữa, để xem sinh viên có đồng tình với kết quả đánh giá hay không. Gần đây, một số trường trong nước đã bắt đầu cho sinh viên đánh giá giảng viên và môn học lúc kết thúc môn học. Ở nước ngoài, việc đánh giá giảng viên đã có từ lâu và là một phần bắt buộc trong chương trình đào tạo.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: