Nhạt nhòa văn vật

10:17 CH @ Thứ Hai - 19 Tháng Tám, 2013
Làng tôi bây giờ nhiều nhà đến Tết họa chăng mới có tiếng người. Nghĩ mà xót. Chỉ trừ thuở đói kém kinh hoàng năm 1945 mới có chuyện bỏ làng dắt díu nhau bỏ xứ đi làm ăn chứ thời bom Mỹ dội xuống, dân quê tôi vẫn bám trụ bền bỉ.

Lâu lắm mới về quê ăn Tết, nên tôi bất ngờ khi thấy người chú bày biện đủ thứ trên bàn thờ nhưng không treo câu đối hay những bộ tranh Xuân - Hạ - Thu - Đông như thuở nào. Chú tôi bảo: “Anh đi lâu ngày về nên lạc hậu chuyện làng. Bây giờ ai chơi câu đối nữa!”.

Hóa ra thật. Làng tôi bây giờ thật khó tìm được những nhà chơi tranh Tết. Bàn thờ bày la liệt những hộp bánh xanh đỏ tím vàng sặc sỡ rồi thì bia lon, xúc xích, toàn những thứ con cháu mua từ siêu thị gửi về làm quà.

Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình quê tôi nằm dựa lưng vào 99 ngọn núi đá vôi, mặt hướng ra hạ nguồn sông Gianh. Thuở thiếu thời, tôi không hiểu vì sao cái làng bé nhỏ, nơi cứ đến mùa là các o, các dì lại dắt díu nhau nhảy tàu vào Lệ Thủy mót lúa; đàn ông thì vượt hàng bao nhiêu ngọn núi cao chọc trời để đi hái trái mít rừng về băm nhỏ, phơi khô, hấp cơm ăn cho qua bữa, vậy mà hàng trăm năm trước đã từng đứng đầu trong tám ngôi làng nổi danh văn vật nhất đất Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim).

Lớn lên một chút, tôi được ba giải thích rằng đúng là Lệ Sơn không người kiệt xuất, không di tích, không của ngon vật lạ nhưng từ xưa dân trí đã rất cao. Mà thật, các cụ ở làng tôi hầu như tinh thông Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám. Ngoại tôi ngày hai bữa xa xỉ nhất cũng chỉ có ruốc với đậu phụng thế mà đọc Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm cứ làu làu. Trước Cách mạng Tháng Tám, khi cả nước có tới 80% dân số mù chữ thì Lệ Sơn xem như đã hoàn toàn xóa nạn mù chữ.

Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là khi xuân về Tết đến. Năm nào cũng vậy, dù gặp lúc đói kém đến mấy, ba tôi cũng dành dụm ít tiền mua dăm đôi câu đối Tết, những bộ tranh cá chép trông trăng hay mai tùng cúc trúc... nên bàn thờ gia tiên sáng sủa hẳn lên. Lớn lên, vào Huế học đại học, gặp phải những năm đói quay quắt nhưng cứ Tết đến, tôi lại bán suất gạo bao cấp ít ỏi để mua về cho ba mấy bức tranh xuân. Ba tôi vui lắm.

Ký ức Tết làng trong tôi là ngọt lừ những cam voi, cam sành, quýt, mít. Cứ chiều 30 Tết, nội bắt tôi lần lượt bưng đồ cúng tới hàng chục nhà, mỗi nhà là một thẻ nhang nhỏ, trái cam mọng nước và cút rượu trắng. Bây giờ thì làng tôi khó mà tìm ra vườn nào còn cam. Lũ lụt không còn đem phù sa về làm xanh cây trái nữa mà ngày càng khiến vườn tược nghèo kiệt. Ngày Tết, chợ cũng bán đầy cam, đầy bưởi đấy nhưng là hàng đưa từ tận đẩu tận đâu về, nghe nói toàn là trái cây Trung Quốc.

Có điều gì đó đang chuyển dịch trong sâu thẳm làng tôi!

Suốt đời bôn ba, gia đình mới làm được căn nhà tươm tất nhưng chưa được bao năm thì anh tôi mất, rồi chị cũng đi theo. Nhà có đến sáu bảy đứa con nhưng đứa làm Đà Nẵng, đứa sống Sài Gòn, không ai chịu về quê. Thành ra, căn nhà bề thế một đời anh chị tôi ky cóp bỗng như cái nhà hoang, xóm giềng thương lâu lâu ghé vào nhang khói. Được mấy ngày Tết, con cái dắt díu nhau về vui vầy vài ba bữa rồi lại kéo nhau đi hết.

Làng tôi bây giờ nhiều nhà đến Tết họa chăng mới có tiếng người. Nghĩ mà xót. Chỉ trừ thuở đói kém kinh hoàng năm 1945 mới có chuyện bỏ làng dắt díu nhau qua Lào, Thái Lan làm ăn chứ thời bom Mỹ dội suốt ngày như thế mà dân quê tôi vẫn bám trụ bền bỉ. Bây giờ thì dân Lệ Sơn đã không còn lạ gì chuyện thu hoạch lúa tấn, hộ nghèo còn nhiều nhưng cảnh cơm độn đã thành dĩ vãng. Từ đầu đến cuối làng, đường sá đã khang trang, điện về tận nhà, xe máy chạy đầy đường..., thế mà con em dắt díu nhau đi hết nên chỉ còn toàn ông già, bà lão. Ít thanh niên nên làng buồn hẳn. Cảnh ngày Xuân hào hứng với đua thuyền, đá bóng nhạt dần.


Thằng cháu tôi phân trần: “Ngày xưa, cả nhà làm được vài tạ lúa một năm đã là mừng. Bây giờ làm ra lúa tấn đấy nhưng bán chỉ được vài triệu đồng. Cả năm xoay xở tất tần tật nhờ vào chừng ấy. Đi làm ăn xa khổ thật nhưng có tiền mặt vẫn sướng hơn”.

Cháu tôi có lý. Mấy năm nó ở nhà, Tết đến chỉ biết trông chờ bán con heo hoặc dăm tạ lúa nên đến cái áo mới cũng không dám mua. Bây giờ, anh em rủ nhau vào Nam làm ăn, khổ vẫn hoàn khổ nhưng Tết đến đứa nào cũng dắt lưng dăm triệu đồng, kéo nhau về quê mặt cứ hơn hớn. Đưa cho cha mẹ phòng thân tuổi già thì ít mà vung vẩy hào phóng thì nhiều nên cứ Tết đến là ở làng quê nghèo khó này bỗng có lắm kẻ hóa chơi sang.

Thằng út con thím tôi về quê ăn Tết với một chiếc xe máy Trung Quốc. Hắn vênh váo cưỡi xe lượn khắp làng, đến chỗ nào cũng kiếm cớ uống vài lon bia, nói năng trên trời dưới đất cứ như khi ở miền Nam hắn là dân chơi thứ thiệt. Mấy ai biết hắn làm công nhân một nhà máy giày da ở Bình Dương, công việc tối tăm mày mặt, lắm khi suốt tuần không nhìn thấy mặt trời mà thu nhập cả tháng chưa tới 3 triệu đồng. “Về quê phải ‘hoành tráng’ chứ không người ta khinh chú ơi!”- hắn bảo. Hết ba ngày Tết, mẹ hắn phải rứt ruột bán đi cả tạ đậu xanh để thằng con trai “hoành tráng” đủ tiền vô Nam.

Có điều gì đó đang chuyển dịch trong sâu thẳm làng tôi!
Nguồn:Dân Trí
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giữ cho văn hóa còn thì đất nước còn

    22/12/2016Nguyễn Thị Ngọc Hải phỏng vấnNổi tiếng vì nhận nhiều giải cao trong các cuộc thi “Những cuốn sách vàng” do TP. Hồ Chí Minh tổ chức, vị Chánh xứ Giáo xứ Tân Sa Châu
    (87 Lê Văn Sỹ, P.2,
    Q. Tân Bình) Nguyễn Hữu Triết có hẳn một “bộ sản phẩm cổ” liên quan đến
    Truyện Kiều và Nguyễn Du. Số đèn cổ ông sưu tầm đã lên tới 1.400 chiếc.
    Giáng sinh vừa qua, ông xuất hiện trong cuộc phỏng vấn độc đáo trên đài
    truyền hình trung ương...
  • Đâu là bản sắc văn hóa Việt?

    23/06/2016Hồ HảiHôm trước có bạn làm kinh doanh hỏi: "Đâu là bản sắc văn hoá Việt Nam?". Mình suy nghĩ hơn một tháng và lục hết tất cả tàng kinh cát để đi tìm bản chất của câu hỏi này. Hôm nay thấy tạm ổn, nên viết bài để trả lời...
  • Trách nhiệm hàng đầu - đổi mới văn hóa và giáo dục

    17/12/2015Nguyễn TrungChỉ có văn hoá và giáo dục dục mới có thể làm nên diện mạo một nước Việt Nam mới, sau đó mới đến công nghiệp hoá –hiện đại hoá! Có văn hoá, có giáo dục, mới có thể công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại...
  • Sự lạc hậu về văn hóa của thế giới thứ ba

    13/04/2015Nguyễn Trần BạtThế giới thứ ba lạc hậu về mặt văn hóa là một kết luận không thể phủ nhận. Đó là những nền văn hóa cát cứ, khép kín, một số còn tự mãn. Sự lạc hậu về mặt văn hóa ru ngủ xã hội bằng quá khứ và bằng sự an phận với hiện tại...
  • Cái nhìn lệch lạc về văn hóa và đạo đức xã hội Việt Nam

    24/09/2014Thiện VănTừ quan điểm được đề cập ngay từ đầu bài viết: “Tôi cố gắng không để mình bị hạn chế vào một cách nhìn cột chặt vào một chuyên ngành đó, chẳng hạn như nhìn văn hóa, đạo đức hoặc sự xuống cấp văn hóa và đạo đức từ góc nhìn của đạo đức học, tâm lý học, xã hội học, tội phạm học, luật học, v.v.. là những lĩnh vực mà tôi thực ra không có kiến thức trường ốc chuyên sâu”, tác giả đã “quan sát một con người bình thường trong xã hội hôm nay” với những góc nhìn ảm đạm, lệch lạc...
  • Tiêu cực trong chuyển dịch văn hóa

    24/07/2014Nguyễn HòaLâu nay, chúng ta thường tự hào, đề cao vai trò của yếu tố cộng đồng trong sự phát triển dân tộc. Quả thật, nếu không có vai trò của cộng đồng, người Việt sẽ không thể xây dựng, bảo vệ được một đất nước liên tục phải đương đầu với thiên tai và ngoại xâm. Hàng nghìn năm, các thế hệ người Việt gắn với cộng đồng từ gia đình đến làng, nước. Cả khi đô thị kiểu phương Tây ra đời, qua sinh hoạt, qua lối quan hệ, cung cách tổ chức cuộc sống, vẫn có thể nhận thấy hình ảnh của “làng trong phố”...
  • Vì đâu chất thép nhạt nhòa?

    30/07/2010Vũ HạnhSuốt hai cuộc chiến – chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - hầu hết người làm văn nghệ đều đã thể hiện vai trò chiến sĩ của mình. Nhưng sau 1975, khi cuộc chiến kết thúc, trong mấy thập niên vừa qua chất thép ở trong đa số người làm văn nghệ hầu như đã bị nhạt nhòa.
  • “Chỉ gìn giữ văn hóa không đủ, còn phải phát triển văn hóa”

    24/03/2006Thạch LựuNgười phụ nữ giữ trọng trách Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc Hội gọi công việc của mình là làm PR cho nước Việt Nam. Trong suốt quá trình đi giới thiệu Việt Nam, văn hóa là lĩnh vực mà bà Ninh chú trọng và có ý thức gạn đục khơi trong những đóng góp của người ngoài để làm quà cho những người làm văn hóa trong nước. Đôi khi món quà ấy không phải lúc nào cũng ngọt ngào…
  • xem toàn bộ