“Khám phá vũ trụ giúp con người khiêm tốn hơn”

04:34 CH @ Thứ Hai - 28 Tháng Mười Hai, 2009

Là Tiến sĩ khoa học vật lý, đại học Sorbonne, Paris, năng lực tổng hợp, tư duy trừu tượng cùng khả năng nghiên cứu độc lập đã giúp ông chinh phục những đỉnh cao khoa học, mang đến những khám phá mới mẻ về hệ mặt trời và các giải ngân hà, giải đáp được nhiều câu hỏi liên quan trực tiếp đến tương lai của con người trên trái đất, những hiểm họa thường trực của các thiên thạch đang đe dọa nền văn minh nhân loại. Năm 1973, ông vinh dự nhận giải thưởng Hàn lâm khoa học Pháp. Tâm niệm của ông suốt bao năm là làm thế nào phổ biến kiến thức thiên văn cho người dân trong nước và thế giới, để mọi người đều có thể hiểu và yêu vũ trụ bao la. Nhân Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch), từ nước Pháp xa xôi, ông đã giành cho Sài Gòn Tiếp Thị cuộc trò chuyện thú vị về cuộc sống và những hoài bão của mình…

- Là đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Văn ở Lai Xá, nổi tiếng với nghiệp kinh doanh, lý do gì khiến ông chọn thiên văn học?

Quê nội tôi ở làng Lai Xá, tỉnh Hà Tây, nơi mà người ta thường coi là cái nôi của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Gia đình tôi cũng kinh doanh ngành nhiếp ảnh tại Hải Phòng. Tuy nhiên dòng họ Nguyễn chúng tôi đã có những bậc tiền bối là nhà trí thức mà nhiều người biết đến. Cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên là con đời thứ 10 cuả dòng họ và là người đầu tiên trong họ đỗ bằng tiến sĩ văn chương ở Pháp.

Thời thơ ấu, tôi thường được gia đình dẫn lên chơi đồi Phủ Liễn ở ngoại ô Hải Phòng, nơi có thiết bị dành cho những người chiêm ngưỡng bầu trời. Có lẽ đây là cơ duyên thôi thúc tôi theo đuổi ngành thiên văn. Thần tượng của tôi không phải là những nhà khoa học tiếng tăm mà lại là những nhà khoa học vô danh của Đài Phủ Liễn hồi đó.

Chúng ta có bổn phận để lại cho hậu thế một hành tinh xinh đẹp, trên đó họ có thể có một đời sống lành mạnh

- Quãng thời gian đại học là thời kỳ đầy khó khăn, vì lúc đó quê nhà đang chiến tranh, mất liên lạc với gia đình, hai anh em ông làm thế nào để kiếm sống và hoàn thành chương trình học tiến sĩ?

Trong quãng thời gian bị đứt liên lạc với gia đình, tôi phải vừa học vừa làm những công việc nhẹ thích hợp với sức lực. Hồi đó, anh bạn Pháp giữ nhiệm vụ trông coi học sinh một trường trung học ở Paris thường xuyên giới thiệu học sinh đến tôi để được kèm thêm về môn toán lý. Người em tôi được học bổng và là học sinh nội trú. Chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của một gia đình quen thuộc. Tôi đã từng được làm trợ giảng tại đại học. Sau này, tôi được nhận làm nghiên cứu viên trong Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp. Sở dĩ chúng tôi đã vượt qua được những khó khăn về mặt tình cảm và vật chất để đạt được chỗ đứng như ngày nay, chính là nhờ có nền giáo dục mà chúng tôi đã nhận được của gia đình.

- Khi đối diện với các vì sao xa xôi đã chết hàng tỷ năm, ông nghĩ gì về thân phận của trái đất, thân phận con người?

Tuổi thọ của những ngôi sao cũng như của con người trên trái đất không phải là vô hạn. Khoảng 5 tỳ năm nữa, mặt trời sẽ phun hết cả vật chất và cuối cùng rồi sẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Số phận trái đất gắn liền với số phận mặt trời.

Tuy nhiên, những thảm họa do chính con người gây ra lại có khả năng xẩy ra ngay trước mắt. Hiện tượng khí hậu ấm lên có thể biến trái đất dần dần thành một hành tinh khô cằn, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên trầm trọng. Nước biển có khả năng dâng lên làm tràn ngập đất đai trên quy mô lớn. Nước ta vừa hẹp vừa có bờ biển dài hàng nghìn km nên có khả năng bị thiệt hại nhiều. Kịch bản bi quan này có thể xẩy ra, nếu nhân loại cứ tiếp tục sử dụng thoải mái nhiên liệu hóa thạch. Nhân Hội nghị Copenhagen tháng 12 năm 2009, chúng ta hy vọng là đại biểu toàn thể các quốc gia trên thế giới ý thức được hậu quả tai hại của hiệu ứng nhà kính nhân tạo mà các nhà khoa học đã tiên đoán và đồng ý thi hành triệt để những biện pháp phòng ngừa. Chúng ta có bổn phận để lại cho hậu thế một hành tinh xinh đẹp trên đó họ có thể có một đời sống lành mạnh.

- Với những tác phẩm Vũ trụ huyền diệu, Lang thang trên Dải Ngân hà, Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Bầu trời tuổi thơ…, ông muốn mang lại điều gì cho độc giả? Theo ông, khám phá vũ trụ huyền diệu sẽ giúp con người điều gì khi khám phá bản thân mình?

Mặc dù ở xa quê và sử dụng thường xuyên tiếng nước ngoài, tôi vẫn thấy cần phải làm thế nào để giữ được cội nguồn. Ngôn ngữ là một yếu tố cần thiết để đạt được mục tiêu này. Những tác phẩm về thiên văn học viết bằng tiếng nước ngoài không thiếu. Đối với tôi, viết sách bằng tiếng Việt mới diễn tả được những tình cảm sâu sắc. Chọn lựa những đề tài thích hợp đối với độc giả trong nước, dù là những tác phẩm phổ biến khoa học, cũng là điều quan trọng. Trong những khóa học thiên văn tổ chức trong nước, tôi thường giảng bài bằng tiếng Việt. Như thế tôi cảm thấy gần gũi học viên và đồng thời được tham gia vào công việc duy trì tiếng Việt trong khoa học.

Thông qua những cuốn sách, tôi muốn gợi lên sự quyến rũ của vũ trụ và kể lại những hoạt động nghề nghiệp của một nhà khoa học. Đôi khi, các nhà thiên văn được tôn sùng quá mức, họ được coi là những người có tầm nhìn rộng và tư tưởng cao siêu. Nhưng thật ra, đối với vũ trụ, họ như những con kiến lạc lõng trong bãi sa mạc và chỉ nhìn thấy xung quanh mình toàn là những hạt cát. Khám phá vũ trụ có thể giúp con người khiêm tốn hơn trước vũ trụ mênh mông và có được tính kiên trì trước những thách thức trong khoa học.

-Trở về Việt Nam nhiều lần, ông ấn tượng nhất điều gì? Món ăn nào ông thích nhất? Sống ở hai môi trường văn hóa khác biệt có làm ông thấy thú vị?

Trở về nước lần đầu vào năm 1976, sau một phần tư thế kỷ học hành và công tác ở nước ngoài, tôi không khỏi xúc động lại được nhìn thấy đồng bằng sông Hồng trong khi máy bay chuẩn bị hạ cánh trên sân bay Gia Lâm. Được chứng kiến trực tiếp vết tích cuả chiến tranh. Lúc đó tôi thoáng nghĩ tới tấm hình các bạn học đứng chụp cùng tôi cạnh cầu Long Biên xưa kia toàn vẹn, nay đã bị tổn thương. Tôi cảm thấy dường như bị xúc phạm.

Tôi may mắn sinh sống trong hai môi trường văn hóa Á, Âu, vừa lâu đời lại vừa rất khác biệt. Duy trì được tư tưởng văn hóa phương Đông là điều cần thiết đối với những ngưởi xa quê hương từ lâu. Tuy nhiên sự thích nghi với cả hai nền văn hóa đã cho tôi có được những tư tưởng văn hóa phong phú.

- Theo đuổi sự nghiệp trồng người, với những nỗ lực rất cụ thể cho Việt Nam, điều ông lo lắng nhất là gì?

Mặc dù đã có những nỗ lực nhằm phát triển ngành thiên văn ở nước ta, nhưng chúng tôi vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Những tiến sĩ trẻ về nước hãy còn quá ít và công tác rải rác khắp nơi, nên họ chưa lập được một nhóm nhà thiên văn đủ uy tín để thành lập một bộ môn thiên văn. Đôi khi họ còn bỏ nghề thiên văn để làm công tác khác có lợi cho họ hơn.

Tôi hy vọng các vị lãnh đạo các trường đại học và các viện khoa học sẽ có những biện pháp động viên sinh viên và các nhà thiên văn trẻ đã được đào tạo, để trong tương lai chúng ta có được một đội ngũ tham gia vào công việc chinh phục vũ trụ cùng cộng đồng các nhà thiên văn trên thế giới.

- Ông có buồn nhiều không khi dự án nhà chiếu hình vũ trụ ở công viên Thống Nhất vẫn chưa thành hiện thực?

Dự án nhà chiếu hình vũ trụ tại thủ đô là một vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại từ hơn mười năm nay. Ý định xây nhà chiếu hình này được đề ra trong một cuộc gặp gỡ giữa Đại Tướng Võ Nguyên Giáp và một phái đoàn các nhà khoa học nước ngoài mà tôi mời về nước hồi đó. Dự án này có sự tham gia của chính phủ Pháp. Tôi cũng tham gia cùng các nhà khoa học trong nước để thực hiện dự án. Công viên Thống Nhất có vị trí tương đối trung tâm ở Thủ đô, nên đã được chọn là nơi để đặt một cung khoa học, trong đó có nhà chiếu hình vũ trụ.

Cung khoa học sẽ là nơi để nhân dân Thủ đô, kể cả thiếu nhi, đến trau dồi kiến thức khoa học. Chúng tôi đã hoạt động tích cực tại Pháp và tại Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm để công trình xây dựng cung khoa học được ra đời sớm. Nhưng sau này, tôi được Sứ quán Pháp thông báo là dự án bị đình chỉ. Những lý do chính đáng để ngừng công trình xây cung khoa học vượt hẳn ra ngoài khả năng hiểu biết của tôi.

- Từng đoạt Giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp năm 1973, ông nghĩ gì về sự đóng góp chất xám của những trí thức Việt kiều? Theo ông, làm thế nào để sự đóng góp trên có thể mang lại hiệu quả sớm hơn cho Việt Nam?

Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học Pháp được dành cho những công trình thuần túy khoa học. Đối với tôi, giải thưởng không phải là mục tiêu cuối cùng. Những đóng góp âm thầm của mỗi nhà khoa học mới làm cho ngành khoa học tiến triển.

Cộng đồng các nhà trí thức ở hải ngoại khá đông và phong phú. Nhưng hiện nay, sự đóng góp cuả họ chưa thể coi là đáng kể. Nhiều người vẫn còn “trùm chăn” vì chưa có những động cơ thôi thúc họ về nước tham gia vào công việc kiến thiết.

Đã có những nhà trí thức trong và ngoài nước phát biểu là cần phải có những đề nghị cụ thể và hấp dẫn thì mới thuyết phục được Việt kiều trở về. Đồng thời, nền giáo dục trong nước cần được cải thiện để cập nhật những kiến thức mới mẻ. Nâng cao và hiện đại hóa chương trình giảng dạy tại các trường đại học hiện có cũng là vấn đề ưu tiên.

- Giáo sư coi trọng phẩm chất nào nhất của con người, nhất là người làm khoa học?

Nền giáo dục phương Đông rất trọng đức tính khiêm tốn, kiên trì và vị tha của con người. Nhưng những đức tính này đôi khi không phù hợp với xã hội năng động và đua tranh ở phương Tây. Vốn là một nhà khoa học thấm đượm nền giáo dục phương Đông, tôi vẫn muốn giữ được cốt cách con người phương Đông, nhưng đồng thời phải năng động trong tác phong làm việc để thích nghi với môi trường xung quanh.

- Những định luật khoa học về vũ trụ có làm ông mất đi lòng tin vào tín ngưỡng?

Làm khoa học không có nghĩa là phải từ bỏ lòng tín ngưỡng. Một người sùng đạo có thể có tư tưởng khoa học chân chính. Nhưng nếu muốn dựa vào khoa học để giải thích những hiện tượng siêu nhiên huyền bí thì có lẽ là không hợp lý.

Gia đình tôi có truyền thống Phật giáo, nhưng tôi không phải là một phật tử. Tuy nhiên, tôi không quên thắp hương trên bàn thờ những ngày giỗ tổ tiên và thăm chùa chiền những ngày lễ hội. Người phương Tây coi Phật giáo như một môn triết học.

Có ý kiến cho rằng sở dĩ chúng ta sống trong một vũ trụ được điều chỉnh tinh tế để được hài hòa là do sự can thiệp của một Đấng Sáng tạo tối cao. Thuyết Big Bang cho rằng vũ trụ nảy sinh từ một vụ nổ nguyên thủy, nên dường như phù hợp với ý kiến trên. Tuy nhiên, cách tiếp cận những hiện tượng trong vũ trụ đối với Phật giáo và thiên văn học không nhất thiết là phải trùng hợp. Phật giáo dùng tư duy đạo đức, triết học và siêu hình để diệt khổ và đạt giác ngộ, còn khoa học dùng lý luận duy lý để tìm chân lý.

Ông có thể kể một chút về hai người em trai của mình?

Nguyễn Quang Quyền, người em trai tôi, nguyên là một nhà giải phẫu kiêm hình thái học đã từng giảng dạy tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Em tôi đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông, cách đây đã hơn mười năm. Sự ra đi của em tôi không những đã làm cho chúng tôi bàng hoàng thương tiếc mà cả Bộ môn giải phẫu cũng mất một người thầy có uy tín nhiều thế hệ sinh viên. Người em út của tôi là Nguyễn Quý Đạo, một chuyên gia hóa học, cũng thường xuyên về nước tham gia giảng dạy.

Xin cảm ơn giáo sư.

Ý kiến về giáo sư Nguyễn Quang Riệu

- Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:

“Tôi được gặp và nghe giáo sư Nguyễn Quang Riệu một lần ở Paris nhân buổi hội thảo về quan hệ giữa thiên văn học, vật lý lượng tử và tư tưởng Phật giáo. Làm việc với thế giới vĩ mô và vi mô, các nhà khoa học hàng đầu như ông gặp các Alpha và các Omega, cái đầu tiên và cái cuối cùng trong tư duy triết học một cách thật tự nhiên. Nhưng ông không hề quên thế giới “trung mô” của chúng ta bằng những nỗ lực bền bỉ để mang tri thức khoa học đến với mọi người. Hiện diện tích cực trong cả ba “cõi” thử hỏi có hạnh phúc nào hơn.

- GS.TS Nguyễn Lân Dũng

- "Tuy tuổi đã cao, nhưng nhiều năm qua ông vẫn ngày ngày làm việc tại Đài Thiên văn Paris vì sự níu kéo của các đồng nghiệp Pháp đối với con người vừa tài ba vừa rất đôn hậu này. Trong ngôi nhà khá hiện đại của ông toàn các hình ảnh của Việt Nam".

- Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh:

- “Đọc các bài viết của GS Nguyễn Quang Riệu là đọc những trải nghiệm thật sự của nhà thiên văn học chính thống, có lẽ đầu tiên của Việt Nam tại nước ngoài, về cuộc viễn du trong vũ trụ huyền bí, và lang thang trên các miền đất lạ của thế giới vì sự nghiệp và nỗi đam mê thiên văn học của ông, cả hai cuộc hành trình đều thấm đẫm chất sống vô cùng thú vị.

Chúng ta không thể không rung động trước những tình cảm, hơi thở dạt dào của một con người Việt Nam lúc nào cũng ý thức giữ cho mình cốt cách Việt Nam và tình tự yêu nước như thấm sâu trong máu thịt. Việt Nam còn phải học hỏi nhiều môn khoa học này mà GS Riệu đã sớm góp sức gầy dựng để biết ngẩng đầu nhìn trời với thiên hạ.”

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”

    17/06/2016Kim Yến thực hiện, chân dung hội hoạ Hoàng TườngTin giáo sư Trịnh Xuân Thuận, người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng cao quý Kalinga của UNESCO về Phổ biến khoa học năm 2009 đã như ngọn gió lành làm nức lòng giới khoa học và tất cả độc giả đã từng yêu quý ông qua những tác phẩm viết về vũ trụ với cái nhìn tinh tế, giàu mỹ cảm, thấm đẫm tư tưởng triết lý của đạo học Phương Đông.
  • Khi vật lý gõ cửa bản thể học

    12/04/2016Nguyễn Tường BáchKhủng hoảng về vật lý hiện nay là khủng hoảng về ontology, khủng hoảng về bản thể học của thế giới chúng ta. Mặc dù đi đến cửa ngõ của triết học rồi, nhưng nền tảng, bản thể của nó là gì, đó là điều mà chúng ta chưa biết. Khi vật lý học gõ cửa trên bản thể học thì ở đó Phật giáo có thể trả lời một vài câu hỏi...
  • Tích hợp Vật lý & Phật học?

    12/07/2014GS.TS. Cao ChiLiệu có thể tìm một dạng học thuyết mô tả được thống nhất các hiện tượng vật lý và những hiện tượng thuộc phạm vi tâm linh. Đó sẽ là một dạng lý thuyết thống nhất lớn mà con người có thể nghĩ đến. Trong hiện trạng những vấn đề tâm linh vẫn đang ở trong trong phạm trù triết học thì lý thuyết thống nhất đó có thể là một sự tích hợp giữa vật lý và triết học.
  • Cái vô hạn trong lòng bàn tay

    25/11/2009Lê Ngọc Sơn(Thực hiện)UNESCO vừa trao giải thưởng danh giá Kalinga về phổ biến khoa học cho ông Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn hàng đầu thế giới đang làm việc tại Đại học Virginia (Hoa Kỳ). GS Thuận là người Việt đầu tiên được trao giải thưởng cao quý này. Ông là một nhà viết sách phổ biến khoa học nổi tiếng thế giới. Sách của ông được dịch ra 20 thứ tiếng trên toàn cầu.
  • Giải mã những bí ẩn của thời gian

    20/05/2009Đỗ Kiên CườngTrả lời câu hỏi “Thời gian là gì?”, từ thế kỉ thứ V, Thánh Augustine, nhà thần học lừng danh, đã viết: “Nếu không ai hỏi, thì tôi biết; nếu tôi muốn giải thích cho một người hỏi, thì tôi không biết”. Khi được hỏi Thượng Đế tạo ra vũ trụ và thời gian như thế nào, ông nói, Thượng Đế tạo ra vũ trụ không phải trong thời gian mà cùng với thời gian.
  • Tôi chọn cả Thượng đế và khoa học

    27/04/2009Đỗ Kiên CườngTrong tác phẩm Thượng đế và Khoa học, Jean Guitton - học trò của Bergson và là một trong những nhà triết học Cơ đốc giáo nổi tiếng nhất hiện nay, theo đánh giá của NXB Grasset (Pans) - cùng hai anh em tiến sĩ vật lý Igor (thiên văn) và Grichka Bogdanov (lý thuyết) đã dùng vật lý hiện đại để chứng minh cho sự tồn tại của Thượng đế (năm 2001, NXB Đà Nẵng ấn hành tác phẩm này qua bản dịch của Lê Diễn).
  • Thời gian - Tấm màn bí mật

    28/02/2008Hùng ViThời gian có ở khắp nơi và chẳng ở đâu cả. Nó là cội nguồn của những bí mật. Chúng ta không thể nhìn thấy hay chạm vào thời gian. Tuy nhiên, chính "kẻ giấu mặt" này lại chi phối cuộc sống của mỗi người chúng ta...
  • Vũ trụ ra đời như thế nào?

    29/03/2006Các nhà khoa học cho rằng, vũ trụ thoát thai từ Vụ nổ lớn (Big Bang) tại thời điểm 13,7 tỉ năm trước. Mới đây họ lại khoe rằng, có đến ba kịch bản khác nhau cho cái thời khắc sinh thành đó.
  • Nhà vật lý thiên văn gốc Việt nổi tiếng thế giới: Trịnh Xuân Thuận

    19/08/2005Giáo sư - Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt - Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Cả cuộc đời ông dành cho thiên văn học. Ông không chỉ nghiên cứu vũ trụ với tư cách một nhà thiên văn mà còn nghiên cứu nó ở góc độ triết học. Trịnh Xuân Thuận còn là một nhà văn nổi tiếng viết về vũ trụ. Những tác phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu về thiên văn nhưng đẫm chất văn chương và triết học như: Giai điệu bí ẩn (1988); Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... Ông hiện là giáo sư ĐH Virginia (Mỹ)...
  • xem toàn bộ