Sách “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh”

Tổng giám đốc PACE
10:06 CH @ Thứ Hai - 18 Tháng Bảy, 2016

Khi hầu hết mọi người trong xã hội đều làm đúng và làm tốt công việc của mình thì xã hội đó sẽ thịnh vượng và văn minh...

Nhiều năm trước, tôi có dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh. Đây là quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Nằm ngay vị trí trung tâm của quảng trường là một chiếc cột cao 52 mét mà ở trên đỉnh cột là bức tượng vị đô đốc tài ba đứng sừng sững giữa trời. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất không phải là bức tượng sừng sững đó, mà là một dòng chữ ở tấm điêu khắc gần chân cột: “England expects that every man will do his duty”. (Tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người dân sẽ làm tròn công việc của mình).

Đó chính là lời hiệu triệu nổi tiếng mà đô đốc Nelson đã gửi cho hạm đội của mình trước trận Trafalgar. Nhưng tôi nghĩ, chọn khắc dòng chữ này ở một trong những vị trí được xem như “trái tim” của nước Anh; người Anh không chỉ đơn thuần muốn kỷ niệm một trận chiến mà có lẽ muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp hơn thế. Mỗi công dân Anh (và cả những người không phải là người Anh) khi đứng trước những dòng chữ này hẳn sẽ ít nhiều suy tư về những “công việc” hay “bổn phận” của mình: chúng là những gì, và mình đã làm chưa; nếu đã làm thì làm đúng và làm tốt những công việc ấy hay chưa?


Tượng đô đốc Nelson

“Công việc của mình” - Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là về những “trận chiến” diễn ra ở ngay xứ sở của mình. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về “công việc”, về làm đúng và làm tốt “công việc”, và đặc biệt là về những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cái thiêng và cái phàm, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân-thiện-mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những điều được xem là “vấn nạn chưa có lời giải”.

Tác giả Giản Tư TrungBất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?

Có rất nhiều lý do! Mỗi người sẽ chọn một cách lý giải, một cách giải mã riêng, tùy theo góc nhìn của mình. Và “đúng việc”, “sai việc”, cũng như chuyện định nghĩa lại mọi thứ và trả lại chân giá trị cho mọi vấn đề là góc nhìn và cách tiếp cận mà tôi chọn cho mình trong cuốn sách này.

Tôi cho rằng, những thực trạng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay của con người, của gia đình, của tổ chức và của xã hội là bắt nguồn sâu xa từ việc có quá nhiều thứ chưa được trả lại chân giá trị vốn có của nó và có quá nhiều người chưa hiểu đúng và làm tốt những “công việc” của mình. Vậy đâu là chân giá trị của mọi vấn đề, đâu là những “công việc” quan trọng nhất và nếu những “công việc” đó được hiểu đúng và làm tốt thì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn và xã hội cũng sẽ được vận hành một cách văn minh?

Những “công việc” quan trọng nhất mà ai cũng phải làm trong đời, chính là: làm người, làm dân và làm việc/làm nghề. Khi mà những “công việc” này không được coi trọng và có quá nhiều người không làm đúng việc của mình (tức là làm sai việc) thì những gì mà chúng ta đang chứng kiến (như dân gian vẫn thường nói vui là “người không phải người, dân không phải dân, lãnh đạo không phải lãnh đạo, thầy không phải thầy, nghệ sĩ không phải nghệ sĩ, trí thức không phải trí thức, doanh nhân không phải doanh nhân, hay đại học không phải đại học, hiệp hội không phải hiệp hội...”), âu cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên mấy!

Khi hầu hết mọi người trong xã hội đều làm đúng và làm tốt công việc của mình thì xã hội đó sẽ thịnh vượng và văn minh. Khi hầu hết mọi người trong tổ chức đều làm đúng và làm tốt công việc của mình thì tổ chức đó sẽ vững mạnh. Khi hầu hết mọi người trong gia đình đều làm đúng và làm tốt công việc của mình thì gia đình đó sẽ hạnh phúc. Khi một người làm đúng và làm tốt các vai trò của mình trong công việc, trong gia đình, trong xã hội… thì người đó sẽ thành công và hạnh phúc.

Nhưng để xác định như thế nào là “đúng” thì cần dựa trên “luật” và “lý”! Còn luật và lý này thì nên được hình thành dựa trên các giá trị phổ quát của nhân loại.

Bởi lẽ, lựa chọn “đúng việc” hay “sai việc” của mỗi người trong từng “công việc” ấy sẽ làm nên chính họ, cũng như làm nên xã hội mà họ sinh sống. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ hay con người công cụ; công dân thì khác với thần dân hay nô dân; người thầy thì khác với thợ dạy; nghệ sĩ thì khác với chiến sĩ; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; sử gia thì khác với sử nô; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa các lựa chọn đó? Làm sao có thể làm “đúng việc” khi chưa biết đâu là cái “đúng”? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”?... Đó chính là những trăn trở đã dẫn đến những nội dung bàn trong cuốn sách này.

Bìa cuốn sách mới "Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh" của tác giả Giản Tư Trung.
Giá bìa: 85.000 VNĐ, giảm giá -10%
Đăng ký mua theo mobile:0903. 205. 306,[email protected]hoặc


Tuy vậy, cần làm rõ rằng, mục đích của cuốn sách này là để gợi mở và tranh luận chứ không phải để kết luận và thực hiện, để đặt vấn đề chứ không phải giải quyết vấn đề, để đặt ra các câu hỏi nhằm tìm kiếm câu trả lời chứ không phải là để khẳng định một chân lý (Bởi lẽ không ai được phép độc quyền chân lý). Vì với một đề tài quá rộng và quá lớn như vậy, làm sao có câu trả lời nào có thể gói gọn được tất cả? Cũng như làm sao có một định nghĩa về cái “đúng” vừa vặn với tất cả mọi người, mọi thời và mọi nơi? Nhưng ít nhất, bằng việc đặt ra những câu hỏi nhân sinh và liên tục tra vấn mình về nó, ấy là lúc chúng ta có thể tiến gần hơn đến với câu trả lời, đến với việc tìm ra điều gì là “đúng” cho riêng mình, cho xứ sở của mình và cho thế gian này. Và đây chính là hành trình đi tìm chân lý, đi tìm chân giá trị và cũng là hành trình của muôn đời.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, thay đổi đến từ “TÔI” của mỗi người là con đường tốt nhất dẫn đến sự đổi thay chung của cả xã hội, đúng như tuyên ngôn bất hủ của bậc hiền triết Mahatma Gandhi: “You must be the change you wish to see in the world” (tạm dịch: “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời”). Nghĩa là, khi mỗi người (trong chúng ta) tự thay đổi chính bản thân mình trước, tự làm đúng và làm tốt “công việc” của mình, thì xã hội sẽ thay đổi theo, chứ không trông chờ vào ai cả. Với quan điểm này, chúng ta có thể thấy rằng, hành trình “tự lực khai hóa” (theo cách nói của nhà canh tân văn hóa Phan Châu Trinh) của mỗi người chính là con đường tốt nhất để mình tốt hơn, đồng thời cũng góp phần đổi thay xã hội mà mình đang sống. Do vậy, cũng có thể xem “Đúng việc” như là một người bạn đồng hành của tôi trên hành trình “Tự lực khai hóa” của mình.

Ngoài ra, như rất nhiều thành viên khác của cộng đồng, tôi cảm thấy mình còn có trách nhiệm công dân trong việc cất lên một tiếng nói, góp vào một giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn hành trình tìm kiếm những cái đúng, tìm kiếm một “hệ điều hành” ưu việt hơn không chỉ cho riêng mình mà còn cho xứ sở của mình. Với riêng tôi, ngoài sở thích cá nhân, hay sự thôi thúc bởi trách nhiệm công dân, đó còn là trách nhiệm làm nghề (của một người làm giáo dục) nữa.

Cuốn sách này đã được viết với tâm thế ấy, và với ý niệm rằng công việc quan trọng nhất (và có thể nói là công việc / nghề nghiệp duy nhất) của mỗi người trên cõi đời này, không gì khác chính là “nghề làm người”, như nhà tư tưởng vĩ đại thời Khai minh Jean Jacques Rousseau từng khẳng định. Có thể tiếp tục chi tiết hóa “nghề làm người” này bằng nhiều mảng việc nữa, mà trong đó “làm dân” và “làm việc” là hai phần việc quan trọng bậc nhất. Đó cũng là lý do vì sao mà ba chương chính của cuốn sách sẽ xoay quanh những câu chuyện “đúng việc” về “Làm người”, “Làm dân” và “Làm việc”. Tôi cũng dành riêng một chương thứ tư để bàn về việc “Làm giáo dục”, không chỉ bởi đó là công việc hay mối quan tâm của riêng tôi; mà còn bởi vì tính ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục đến con người. Con người sẽ làm người, làm dân hay làm việc ra sao, đều là hệ quả của nền giáo dục mà con người ấy được thụ hưởng hay bị “nhào nặn”. Phần cuối cùng chính là Lời kết cho những gì mà tôi đã chia sẻ.

Trong quá trình tích lũy nhận thức và phát kiến ý tưởng của riêng mình về những vấn đề trên, tôi có chịu sự ảnh hưởng và học hỏi từ nhiều nhà tư tưởng, nhà nghiên cứu, học giả… của thế giới cũng như của Việt Nam mà độc giả có thể bắt gặp xuyên suốt cuốn sách này. Nếu một ý tưởng, luận điểm, câu chữ… nào đó của cuốn sách có sự tương đồng với ý tưởng, luận điểm, câu chữ của một ai khác mà tên nhân vật đó không được dẫn như ở những phần khác, mong quý vị hãy hiểu rằng đó là một sơ suất không cố ý, một sự trùng hợp tình cờ hoặc một sự nhập tâm một cách vô thức của tôi và thứ lỗi cho sơ suất đó. Tôi cũng rất mong nhận được những sẻ chia, những góp ý, những ý kiến bàn luận của quý vị để câu chuyện “Đúng việc” có thể được hoàn thiện hơn và được tiếp nối ngoài khuôn khổ của cuốn sách.


ĐÚNG VIỆC – MỘT GÓC NHÌN VỀ CÂU CHUYỆN KHAI MINH
(GIẢN TƯ TRUNG)
“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm việc. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người thì khác với muông thú và cỏ cây; con người tự do thì khác với con người nô lệ; công dân thì khác với thần dân; người thầy thì khác với thợ dạy; trí thức thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn…

Nhưng làm sao lựa chọn nếu không hề biết đến sự tồn tại của những lựa chọn, không rõ đâu là sự khác biệt giữa chúng và đâu là “mình” giữa những lựa chọn đó? Làm sao có thể làm đúng việc khi chưa biết đâu là cái đúng? Làm sao “làm ra chính mình”, làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết “đâu là mình”?... Hành trình “tôi đi tìm tôi” đó cũng là câu chuyện khai minh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở.

MỤC LỤC
Đôi lời chia sẻ từ tác giả
Phần 1: Làm người
1. Thế nào là con người? Làm người là… làm gì?
2. Để làm được “người” cần có những năng lực nào?
3. Làm thế nào để có được “năng lực làm người”
4. “Ta là sản phẩm của chính mình”
5. Thay lời kết về câu chuyện “Làm người”

Phần 2: Làm dân
Tại sao phải bàn về “làm dân”?
Làm chủ công ty và làm chủ quốc gia
“Vua chủ”, “dân chủ” và “nhóm chủ”
Lập pháp, hành pháp và tư pháp
Mặc định, hiến định và luật định
“Pháp quyền”, “pháp trị” và “nhân trị”
“Nô dân”, “thần dân” và “công dân”
“Dân trí”, “dân quyền” và “dân sinh”
Làm sao để có được “năng lực làm dân”?
Phần 3: Làm việc
“Làm việc” cũng là “làm người”
Quản trị hay cai trị?
Đầy tớ hay phụ mẫu?
Doanh nhân, trọc phú hay con buôn?
Trí thức hay trí nô?
Sử gia hay sử nô?
Nhà báo hay bồi bút?/Nhà văn hay văn nô?
Ca sĩ hay thợ hát? Diễn viên hay thợ diễn?...
Và một số nghề khác
Phần 4: Làm giáo dục
Triết lý và Định chế
1. Nhà trường
2. Nhà giáo
3. “Nhà mẹ”/Gia đình
4. Người học
5. Nhà nước
Nguồn:Tia Sáng
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Từ đọc sách đến khai minh của người Nhật

    10/04/2014TS. Nguyễn Xuân XanhTrình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc đó. (Fukuzawa Yukichi)
  • 13-10: Tôn vinh ai? Vì cái gì?

    13/10/2016Giản Tư TrungMột bà tạp hóa hay chị tiểu thương có phải là doanh nhân? Một ông giám đốc làm thuê có phải là doanh nhân? Một người làm “sếp” ở công ty nhà nước có phải là doanh nhân? Nên “tôn vinh” ông chủ tịch HĐQT quanh năm đi nghỉ mát và hầu như không biết gì đến chiến lược công ty, hay phải trao hoa cho vị trợ lý đang ngày đêm lèo lái công ty và vật lộn với đủ mọi khắc nghiệt của thương trường?...
  • Nghĩa hiện nay của từ 'trí thức'

    10/10/2015GS. Nguyễn Ngọc LanhTừ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó. “Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn...
  • 'Mọi thứ càng tệ hại, mỗi người càng phải dấn thân'

    07/10/2015Ngân Hà thực hiện"Bất cứ một người nào quan tâm và tâm huyết với giáo dục đều mơ ước một xã hội mới tốt đẹp hơn. Về nguyên lý, để có một xã hội mới thì cần phải có một nền giáo dục mới..." - Giản Tư Trung, người sáng lập Trường Doanh Nhân PACE và Viện Nghiên Cứu Phát Triển Giáo Dục (IRED) nói.
  • Khai minh và trưởng thành

    10/04/2013Ngân Hà (ghi)“Thế hệ cha tôi, nếu còn sống thì ông đã 110 tuổi, chưa thể hiểu khái niệm tự do như chúng ta ngày nay. Như nhiều nhà nho khác, cụ hiểu tự do theo hàm ý xấu: tự do là tự tung, tự tác, vô pháp, vô thiên! Điều này không lạ, vì khi khái niệm “freedom” của phương Tây được các học giả Nhật Bản dịch là “tự do”, các nhà nho Nhật Bản cũng phản đối quyết liệt. Cần hơn nửa thế kỷ, khái niệm này mới được các nước Đông Á chấp nhận và hiểu theo đúng nghĩa của nó”...
  • Khai minh nữa, từ trường hợp Phan Khôi

    09/10/2014Trần TuấnHôm qua (6/10), lần đầu tiên diễn ra một hội thảo về Phan Khôi tại chính Quảng Nam quê hương ông, do Ủy ban tỉnh và Sở Văn hóa tổ chức. Sự kiện đánh dấu mốc tiếp tục khai minh chiêu tuyết một cách đầy đủ, toàn diện những tên tuổi vốn từng chịu oan khốc một thời trong tiến trình dân chủ hóa đời sống xã hội...
  • Từ tật xấu của người Việt nghĩ về xã hội văn minh

    22/04/2014Giản Tư TrungĐể diệt tận gốc, cải tạo tính xấu của người dân xứ sở mình thì cần phải nghĩ về một xã hội văn minh, hiểu về xã hội văn minh và biết cách làm thế nào để hình thành một xã hội văn minh...
  • Protagoras và khai minh Hy Lạp

    01/01/1900Bùi Văn Nam SơnProtagoras (490 – 420 trước Công nguyên) – sinh trước Socrates 20 năm – ký hợp đồng… thương mại hoá giáo dục với cậu học trò Euathlus: trả trước một nửa học phí, nửa còn lại sau khi cậu cãi thành công trước toà. Euathlus rút cục thất bại, nên không chịu… thanh lý hợp đồng.
  • xem toàn bộ