Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà xã hội học*)
…Trong các bộ lịch sử văn học kể cả trước 1945 và ở Sài Gòn trước 1975, Nguyễn Văn Vĩnh thường chỉ được giới thiệu như một dịch giả và một nhà báo, người làm Đông dương tạp chí.
Trong xã hội chúng ta đang sống, nghề báo thực chất là một nghề làm chính trị, truyền thống báo chí VN trước 1945 không bao giờ được nghiên cứu một cách khoa học, như một nghề nghiệp, nên chúng ta ít khai thác cái phần mạnh nói trên của ông Vĩnh. Rút lại sở dĩ ông được đoái hoài tới ít nhiều chỉ là vì ông có công lớn với sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.
Đầu 2013, trong lời giới thiệu cuốn sách mỏng Lời người man di hiện đại, tập hợp một số bài báo của ông viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Việt, những người biên soạn vẫn còn viết:
“Cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX là giai đoạn hệ trọng nhất trong lịch sử văn hóa và ngôn ngữ ở Việt Nam với thời điểm chuyển dịch việc sử dụng chữ viết Hán-Nôm sang chữ Quốc ngữ mang tính đại chúng. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận vai trò của các nhân sĩ đương thời trong giai đoạn này và đó cũng là những người đóng góp quan trọng vào tiến trình quảng bá và phổ cập chữ Quốc ngữ, trong số đó phải kể đến tên nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh…”
Nhưng khi tìm hiểu những tờ báo bằng tiếng Pháp mà Nguyễn Văn Vĩnh đã làm, và một số bản dịch mới công bố trong cuốn Lời người man di hiện đại, những người không biết tiếng Pháp và chỉ đọc được Đông dương tạp chí vẫn có thể cho rằng ông là một trí thức lớn, một nhà nghiên cứu Việt Nam sâu sắc từ quan niệm hiện đại. Một nhà văn hóa với nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.
Đứng về mặt khoa học nhân văn mà xét, có thể gọi ông Vĩnh là một nhà xã hội học, với một bút pháp không mang chất hàn lâm mà lại rất phổ cập, của một nhà báo đạt trình độ quốc tế.
Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI này ở các trường đại học VN, xã hội học vẫn là một ngành khoa học quá non trẻ quá sơ sài, không đủ khả năng khách quan hóa thực thể VN trong quá khứ để mổ xẻ, để nghiên cứu những bước đường đã qua của cộng đồng như một xã hội, từ đó dự đoán tương lai là cái điều đang mù mờ hơn hết trước mắt chúng ta.
Một trong những lý do khiến người ta lảng tránh không muốn nhận Nguyễn Văn Vĩnh là nhà nghiên cứu VN đi tiên khu trong lĩnh vực này chính là vấn đề ngôn ngữ, nói cụ thể là viết bằng tiếng Pháp.
Lâu nay các nhà nghiên cứu Hà Nội vẫn có lối cái gì không đọc được thì coi như không có. Và chúng ta đã tự mâu thuẫn mà ta không biết. Tại sao chúng ta công nhận bộ phận viết bằng chữ Hán của các nhà nho từ thế kỷ XIX về trước, xem đó là phần tự ý thức của dân tộc mà lại bỏ qua văn học tiếng Pháp của các nhà khoa học các nhà văn đầu thế kỷ XX?
Tạm nêu một ví dụ: cuốn Văn minh Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên, một sự bổ sung, một sự tiếp nối, và trong chừng mực nào đó là một sự vượt lên so với Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh chính là viết bằng tiếng Pháp; nay tác phẩm của Nguyễn Văn Huyên đã được dịch ra và phổ biến rộng rãi.
Các tác phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh cần được đối xử tương tự. Đó là cả một kho tàng lớn, không chỉ giúp vào việc tìm hiểu xã hội VN thời trung đại mà còn đánh dấu sự tiến triển của tư duy Việt trong công cuộc hiện đại hóa đầu thế kỷ XX.
.
Trong phần phụ lục của cuốn Lời người man di hiện đại những người biên soạn cho biết hiện đã dịch và sắp xếp lại phần di sản của Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng cũng như di sản của Phạm Quỳnh, phần di sản này của ông chủ Đông Dương tạp chívà L’Annam Nouveau – Nước Nam mới, chỉ được đề cao nhưng lại không được triển khai xứng với tầm vóc của nó.
Tuyên ngôn của cụ Nguyễn Văn Vĩnh khi ra tờ L'Annam Nouveau (In trên trang nhất tờ L'Annam Nouveau số 1 ngày 21/1/1931)
"Người An Nam xuất bản một cơ quan ngôn luận viết bằng tiếng Pháp:
- Để tự mình làm cho dân chúng Pháp biết mình rõ hơn
- Để nói lên những điều mình suy nghĩ và những điều mình được quyền mong muốn
- Để bảo đảm những quyền lợi của mình
- Để đem lại sự giúp đỡ thẳng thắn nhưng xứng đáng với công lao của nước Pháp, đồng thời làm việc để giành lại Độc lập cho nhân dân An Nam.
- Để làm sáng tỏ cho dư luận Pháp biết về những thực tế ở đất nước An Nam, mà vì chính trị và quyền lợi của một số người, lúc nào cũng bị làm sai lệch đi.
- Báo L'Annam Nouveau tôn trọng chính quyền đã được lập lên, trọng tất cả các đại diện của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai.
- Nước Nam đã bị mất bởi những trí thức Nho học chỉ biết làm văn chương Tàu, chúng ta cố gắng đừng để trở thành những trí thức mới chỉ biết làm văn chương Tây..."
.
Nơi tiêu thụ tốt nhất của các công trình tư tưởng là các trường đại học thì sách lại không được bén mảng tới. Đây cũng là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh cả xã hội đang trong một lộ trình phát triển mà không cần nghiên cứu. Song chúng tôi vẫn tin chắc là chúng ta không thể thay đổi được nếu phớt lờ di sản tư tưởng trước 1945.
Hà Nội, 8/1/2017.
*) Đầu bài do BBT. TNT.com đặt
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015