Nguy cơ từ “cổ phiếu biên lai”

04:38 CH @ Thứ Năm - 15 Tháng Ba, 2007

Mua bán “cổ phiếu biên lai” là chuyện phổ biến trên thị trường các loại cổ phiếu (CP) chưa niêm yết (OTC) hiện nay. Với quan niệm “lợi nhuận cao, rủi ro cao” và tâm lý “đã chơi thì phải chấp nhận”, rất nhiều người đang bỏ tiền tỉ đổi lấy một tờ giấy mà không hiểu hết những nguy cơ từ canh bạc này.

Cũng không ít kẻ trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khi “ngộ” ra thì tìm mọi cách đẩy “cục nợ” này sang một kẻ có máu đỏ đen khác.

"Cổ phiếu biên lai" là gì?

Đây là dạng CP vừa mới được phát hành trong nội bộ, chưa được phép chuyển nhượng. Thực chất chỉ là tờ biên lai thu tiền do đơn vị phát hành CP phát cho nhân viên trong đơn vị. Biên lai ghi rõ số CP được mua, số tiền đã nộp và có dấu của đơn vị phát hành. Mặc dù chưa được phép chuyển nhượng song "chợ" CP biên lai lại vô cùng náo nhiệt các nhà đầu tư lớn, nhỏ, bất chấp rủi ro vô cùng lớn. Được bạn bè giới thiệu "mối" mua CP của một bệnh viện khá nổi tiếng tại TP.HCM với giá mềm bởi "nhân viên của bệnh viện cần tiền nên bán rẻ", chị Mai - một nhà đầu tư mới tham gia thị trường CP - "OK" liền mặc dù biết bệnh viện này chưa có sổ cổ đông. Hợp đồng "miệng" được thiết lập vào cuối tuần, ngân hàng không làm việc nên chị Mai phải nhờ người bạn năn nỉ người bán cho đặt cọc để "chốt giá", sang tuần sẽ làm hợp đồng và giao nốt số tiền còn lại. Nhưng đến lúc làm hợp đồng, chị Mai mới ngã ngửa bởi người bán cho chị ở "hệ F4", tức mua qua 4 người khác, biên nhận thu tiền của bệnh viện mà người này đưa ra lại không hề có dấu đỏ của bệnh viện. Không mua thì bị mất cọc, phần tin tưởng người bạn giới thiệu, chị bấm bụng chồng gần 200 triệu đồng để mang về duy nhất tờ biên lai thu tiền với vài chữ ký nghệch ngoạc cùng lời hứa: "Trong tuần này em sẽ đưa chị đến gặp người bán gốc để làm hợp đồng vì ổng đang đi Vũng Tàu chưa về". Tiền đã trao, không còn cách nào khác, chị Mai đành phải chấp nhận cái thế "nắm đằng lưỡi" mà phía đối tác đưa ra và tự an ủi "chẳng lẽ bạn mình lại giới thiệu cho mình kẻ lừa đảo". "Thấy mấy công ty khác làm ăn làng nhàng mà CP tăng gấp 5, gấp 10 lần. Bệnh viện này khá nổi tiếng mà giá mới tăng gấp đôi nên tôi cũng ham. Xong mới thấy mình dại" - chị Mai nói.

Trường hợp anh Trung còn nguy hiểm hơn. Sở hữu một cửa hàng bán vật liệu xây dựng gần khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng rất đông khách nhưng nghe bạn bè nói chơi chứng khoán "một vốn ngàn lời", anh thu gom hết số tiền hàng mua CP của một công ty thuộc lĩnh vực thủy điện. Giao gần một tỉ đồng để nhận tờ biên lai nộp tiền mua CP của người bán với hy vọng "cứ đà tăng giá này, lời hàng chục tỉ không phải là chuyện khó", anh Trung mua CP biên lai mà chưa hề được gặp người sở hữu quyền mua CP này vì phải qua người môi giới.

Mức độ rủi ro quá lớn

Ngoài CP biên lai, trên thị trường còn rất nhiều loại CP mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp nghe thấy đều lắc đầu ngao ngán. Trên website http://www.ttvnol.com/, thậm chí có người rao: "Bán 15 năm công tác tại Ngân hàng Ngoại thương, giá mỗi năm 65 triệu đồng"; có người còn rao bán chỉ nửa quyền mua CP mới... Nói về các giao dịch kiểu này, các chuyên gia chứng khoán ai cũng lo ngại vì mức độ rủi ro quá lớn. Giới đầu tư chứng khoán còn chưa hết bàng hoàng bởi một vụ lừa táo tợn xảy ra ở Hải Phòng giữa năm ngoái. Một nhóm đối tượng đã âm thầm làm con dấu giả và tổ chức cả một phiên chợ giới thiệu, bán CP phổ thông ra ngoài. Vụ án còn chưa kịp nguội song với mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn mà thị trường chứng khoán mang lại trong thời gian qua, nhiều người vẫn lao vào mà không hề biết những rủi ro thường trực. Hầu hết những người mua CP dưới dạng biên lai như trên sau khi được cảnh tỉnh đều tìm cách bán lại cho người khác. Số tiền bỏ ra ngày càng lớn tỷ lệ thuận với số người rơi vào "ma trận". Một số người đang sở hữu CP biên lai cho rằng "khi nào có sổ cổ đông, phải nộp lại biên lai thu tiền để lấy sổ". Vì vậy, nắm biên lai là nắm chắc sổ cổ đông. Nhưng trên thực tế, việc thu lại biên lai không cần thiết và rất nhiều công ty trao sổ cho nhân viên mà không cần biên lai bởi danh sách người mua CP trong công ty đã được chốt lại ngay từ lúc thu tiền. Vì vậy, không thiếu trường hợp, ra sổ rồi mà người mua không hề biết. Thậm chí, sổ được chuyển nhượng cho người khác mà người mua vẫn ôm biên lai chờ đợi. Có trường hợp phát hiện kịp thời thì phải bù thêm tiền và tốn rất nhiều công sức mới có được sổ cổ đông mà mình đã bỏ tiền mua trước đó.

Theo luật sư Lê Công Định, Trưởng văn phòng Luật DC Lawyers, những mua bán kiểu này chỉ dựa trên lòng tin. Còn khi xảy ra tranh chấp, người mua sẽ là người "thiệt đơn, thiệt kép" bởi tên trong sổ cổ đông vẫn thuộc về người bán. Nếu ra tòa, tòa cũng chỉ ghi nhận giao dịch và bên bán chỉ phải trả lại số tiền mà bên mua đã bỏ ra. Nếu giá CP lúc đó đã tăng cao thì thiệt thòi đương nhiên thuộc về bên mua.

Nguồn:Thanh Niên
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thận trọng với OTC

    12/03/2007Đức ThắngPhần đông nhà đầu tư cá nhân hiện nay tham gia thị trường nhờ vào kinh nghiệm truyền miệng, chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức chứng khoán. Kiểu đầu tư này sẽ không còn hợp thời khi quy môthị trường ngày càng lớn.
  • Thị trường cổ phiếu OTC: Lời lắm lỗ nhiều...

    13/03/2007Yến TrangThị trường cổ phiếu OTC (cổ phiếu chưa niêm yết) đang sốt từng ngày chẳng thua gì cổ phiếu niêm yết. Do chưa được kiểm soát chặt chẽ nên thị trường này đang có những diễn biến khó lường...
  • Sức nóng cổ phiếu OTC

    03/03/2007Nguyên HằngQuy mô lớn, lợi nhuận cao, hàng hóa phong phú là những yếu tố khiến sàn giao dịch không chính thức luôn hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu như sức nóng của các cổ phiếu đã niêm yết trong thời gian qua là một thì trên thị trường OTC phải gấp đôi. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường quản lý để thu hẹp thị trường OTC nhưng không vì thế mà sức nóng của thị trường này giảm xuống, thậm chí còn có xu hướng ngược lại...