Nguy cơ của cuộc sống tạm bợ

10:38 SA @ Thứ Bảy - 15 Tháng Chín, 2018

Thử suy nghĩ về một lớp người từ nông thôn kéo lên đô thị kiếm việc dưới góc độ văn hóa

Chỗ tôi đang sống là một cửa ngõ để ra vào Hà Nội, một thứ "đầu ô" hiện đại. Sáng sớm, cùng với tiếng gà gáy, tôi nghe râm ran tiếng người đi chợ trên đê. Mỗi người mỗi xe đạp, sau xe là cái giá gỗ buộc tạm, trên đặt cây cảnh. Đây là thứ hàng mà họ sẽ phải lang thang suốt ngày ở Hà Nội để bán bằng hết (theo tôi biết, họ thường sáng đi chiều về, chỉ trong trường hợp hàng đọng quá nhiều, mới phải ngủ tạm Hà Nội, nhưng không thường xuyên).

Ai cũng biết đám người bán cây cảnh nói ở đây, chỉ là một bộ phận nhỏ trong đội quân đông đảo những người đêm về nông thôn, nhưng ngày sống với đường phố Hà Nội. Có thể kể thêm vào đây từ mấy chị xe thồ hoa quả hoặc các loại rau su hào bắp cải, cho tới mấy bà khoác bị giò chả hoặc đôi mẹt quà bánh đi bán rong. Nhìn qua thì họ vẫn có vẻ nông dân đặc. Nhưng người ta sẽ phải nghĩ khác khi đặt câu hỏi: tính hết thời gian ngày hăm bốn tiếng, họ sống với nông thôn nhiều hơn hay đô thị nhiều hơn? Vậy xếp họ là cư dân ở đâu cho chính xác?

Bên cạnh đám người đi đi về về hàng ngày nói trên, còn khá nhiều người từ nông thôn lên tá túc trong những quán trọ bình dân để bám trụ Hà Nội lâu dài hơn. Đó là các chú nhóc chuyên đánh giày len lỏi khắp nơi; là những bà bán kem, hoặc đội thúng bánh mì rao ời ời suốt ngày; rồi những gã trai trẻ hoặc mấy bác diện trung niên thong thả đạp chiếc xe đạp cũ, rọ xe chất chồng các loại bẫy chuột, xích chó, thuốc đánh ruồi..., hoặc những cô gái mặt đỏ rừ đẩy chiếc xe nôi cải tiến, trên xe khi lủng lẳng các loại quần áo, khăn mặt, khi khác chói lên màu xanh đỏ của các loại đồ nhựa. Với những người này, nguồn hàng ở ngay Hà Nội, nên họ không phải đi đi về về mất thì giờ.

Một đặc điểm nữa thấy rõ trong sinh hoạt Hà Nội mấy năm gần đây, ấy là bà con từ quê lên không chỉ lấp đầy đường phố mà còn tràn vào từng gia đình. Tới nhà bạn chơi, thấy có con bé nào là lạ trông em hoặc bưng nước mời khách thì không cần hỏi, ta cũng dễ đoán là loại ô-sin mới học nghề. Ngay nhiều cô cậu đứng bán ở các cửa hàng cũng đều là dân nông thôn tạm tuyển. Mới ra, trông còn đen đủi, nếu như ở đây một hai năm trơn lông đỏ da, cũng dễ nhầm lắm. Song chỉ cần nói mấy câu là lộ chân tướng ngay.

Tóm lại, trước mắt chúng ta là một sự bổ sung thường trực, tạo nên một sự pha trộn kỳ lạ giữa đô thị và nông thôn, nó cũng là một biểu hiện của xu thế đô thị hóa người ta hay nói.
"Một số lượng người chưa từng thấy đang đổ xô vào các thành phố của các nước đang phát triển. Họ làm thế nào để có thể sống nổi?".

Đó là câu hỏi thảng thốt cất lên trong bài mở đầu của số báo Người đưa tin UNESCO ra tháng 6.1999. Số này dành riêng để nói về tình cảnh người nông thôn ra đô thị kiếm việc, ở hàng loạt nước Á - Phi - Mỹ la tinh.

Hóa ra, tình trạng mà trên kia, chúng tôi thử điểm qua, không chỉ là chuyện riêng của Việt Nam.

Ở đây, theo thói quen "tình cảm chủ nghĩa", người ta có thể bắt đầu bằng những cái chép miệng và những lời lẽ thương xót, đại khái như "Ối giời! Có khó khăn dân mới phải rời bỏ quê hương bản quán lặn lội kiếm ăn như vậy", tiếp đó nêu ra vài hoạt động từ thiện cần làm để mọi người cùng an lòng.

Nhưng theo ý chúng tôi, hiện tượng cần được xem xét nghiêm chỉnh hơn. Do chỗ đô thị hóa tự phát đã trở thành một xu thế không thể kiểm soát nổi, nên trước hết nó đòi hỏi một sự phân tích khoa học.

Sự tồn tại của đám người "nửa quê nửa tỉnh" có thể là đề tài của những ai quan tâm tới các vấn đề an ninh, hoặc dân số, hoặc kinh tế. Riêng tôi, tôi muốn lưu ý tới khía cạnh nếp sống của con người trong xã hội, tức xem xét hiện tượng dưới góc độ văn hóa.

Khi nói về một cuộc sống ổn định, dân ta thường dùng hai chữ nền nếp, ý nói mọi hoạt động đi vào cái mạch thông thường của nó, con người sống theo những chuẩn mực mà cộng đồng đã quy định. Qua sự sàng lọc của thời gian, cuộc sống ổn định ấy dần dần hình thành nên một thứ văn hóa chung sống, sinh động, bền vững.

Bắt đầu từ cái tiêu chuẩn ổn định này để xem xét thì thấy cuộc sống của lớp người chúng ta đang nói, thiếu một nền nếp cơ bản nên chỉ còn là bấp bênh, tạm bợ. Do nhu cầu kiếm sống, họ ở trong một tình trạng "rơi tự do", nghĩa là lạc vào một khung cảnh nhiều phần hỗn độn. Họ không còn là dân nông thôn, chung quanh có gia đình, họ hàng để làm gì cũng phải gìn giữ, phải trông trước trông sau kẻo "mang tiếng". Họ cũng chưa thành ra dân đô thị, để có được cái mà người ta thường gọi bằng sĩ diện, tức là một chút tự trọng của những cư dân các vùng thuộc loại phát triển trong xã hội. Những thói xấu mà ở nông thôn, giữa môi trường ổn định và quen thuộc, họ dễ dàng kiềm chế, thì ở đây được thả lỏng. Ngược lại, những quy chuẩn mà người dân thành thị được giáo dục từ nhỏ tự nguyện noi theo, thì họ không được biết. Vả nếu có biết, họ cũng không bắt buộc phải thực hiện. Vì có ai biết họ là ai mà phải gìn giữ! Quả thật, sự tự do lúc này với con người là cả một thách thức. Có thể với một số người, cuộc kiếm sống đầy gian nan đã rèn giũa cho họ những phẩm chất tốt đẹp. Hàng ngày họ chăm chỉ làm ăn, lam lũ vất vả, chỉ cốt sao có ít tiền gửi về chi viện cho gia đình, hoặc có chút vốn giắt thắt lưng, dùng cho các việc lâu dài. Song với một số người khác, càng sống trong thành thị, họ càng cảm thấy sự vô lý của kiếp người; chắt bóp lắm chẳng qua cũng chỉ thêm được mấy đồng bạc vụn. Trong khi đó những người chung quanh buôn bán trao tay tiền nghìn bạc vạn. Khi đồng tiền kiếm được đã có vẻ vô nghĩa, thì mọi sự gọi là biết điều, đứng đắn cũng vô nghĩa nốt. Trong mỗi con người dễ dàng nảy sinh một thứ hư vô tự phát, tức cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn có tiền, và trong lúc chưa có tiền theo ý muốn, dễ rơi vào học đòi, buông thả.

Xin nhắc lại một lần nữa rằng sự tồn tại của đám người nhập cư tự do nói ở đây là một thực tế, và hình như đội ngũ của họ ngày mỗi đông đảo thêm, không cách nào ngăn cản nổi... Bây giờ, không ai còn nghĩ là chỉ cần dồn họ lên xe chở về quê hương là xong chuyện! Nhưng trong khi chấp nhận họ, người ta lại dễ rơi vào cực đoan khác là phẩy tay mặc kệ, không cần biết họ ăn ở ra sao. Mà cái lối mặc kệ ấy, sau rốt sẽ dẫn đến những tai vạ chung như thế nào, đấy là điều ai cũng đoán ra dễ dàng.

Về phần mình, điều đề nghị của chúng tôi ở đây đơn giản là xã hội phải thật sự quan tâm tới họ, và trước khi thi hành bất cứ biện pháp cụ thể nào, hãy suy nghĩ thêm về họ, đặt mình vào địa vị họ để thông cảm. Nên nhớ đám người này chỉ có hai hướng phân hóa.

Một là "gá lắp" mãi cũng thành công, sẽ từ đường vào nhà, từ các quán trọ tiến dần lên định cư trên phố, thành dân đô thị thứ thiệt.

Hai là quay trở lại nông thôn, và trước mặt bà con quê nhà, được coi như những con người từng trải, nhiều khi còn đóng vai trò khơi mào cho mọi thay đổi sẽ diễn ra ở nông thôn.

Bề nào mà xét thì họ cũng là một bộ phận cư dân quan trọng trong lòng xã hội hiện đại.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Dân đô thị phải biết mình có và không có quyền gì

    13/01/2009Cao Tự ThanhĐô thị là một không gian sống nhân tạo, đường sá, cầu cống, hệ thống thắp sáng trên không, thoát và cấp nước dưới đất chằng chịt, mật độ dân số đặc biệt cao... đòi hỏi không những quy hoạch khoa học từ phía chính quyền, mà còn cần tới ý thức cộng đồng của cư dân, mới có thể đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cũng như thẩm mỹ của môi trường sống...
  • Chuyện dài đô thị và nông thôn

    21/10/2008GS. Tương LaiLiệu có người dân thành phố nào không có một gốc gác nông thôn? Người Hà Nội cũng vậy thôi. Chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đã có nhiều công trình nghiên cứu Hà Nội miêu tả và phân tích kỹ về những dấu ấn của làng quê trên gương mặt phố phường Hà Nội, tưởng chẳng phải nói thêm...
  • Văn hóa thời hội nhập: Sắp xếp trong hỗn độn

    25/03/2008Phạm NguyễnTrong lịch sử văn hóa Việt Nam, ít nhất chúng ta đã trải qua hai lần biến đổi lớn về văn hóa xã hội và phải nói rằng hệ quả của nó đã đưa tới những biến đổi tích cực, theo hướng đi lên của dân tộc. Lần một, sự biến đổi ấy đã kéo dài và phát triển trong ngót nghét hai thiên niên kỷ mà ảnh hưởng của nó là văn hóa phương Đông , rõ nét và mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn trong một bối cảnh toàn cầu hóa...
  • “Hà Nội đang được quản như một cái làng”

    25/12/2006Dưới góc nhìn của những người ít nhu cầu ra phố buổi tối, lệnh cấm một số loại hình dịch vụ hoạt động quá 12h đêm mới đây của thành phố Nội không có vấn đề gì. Nhưng với nhiều người khác, đó là sự giới hạn nhu cầu của người dân, quyền tự do buôn bán, thậm chí can thiệp vào một nét văn hóa truyền thống của người Nội.
  • Tản mạn về một số hiện tượng văn hóa Việt Nam đương đại trong quan hệ với quá trình “đứt gãy văn hóa”

    06/12/2005Nguyễn HoàMột hệ thống giá trị văn hóa - văn minh lạ lẫm được du nhập... đã gây nên một cuộc đảo lộn và một quá trình “đứt gãy văn hóa” xuất hiện. Nhưng quá trình du nhập ấy, sự “đứt gãy văn hóa” ấy dẫu mạnh mẽ đến đâu vẫn không thể nhanh chóng thay thế tất thảy mọi hành vi ứng xử, mọi thói quen, nền nếp văn hoá... có tuổi đời đã hàng nghìn năm. Nó phải chấp nhận một tình trạng “lưỡng phân"...
  • xem toàn bộ