Người dùng Facebook Việt Nam đang 'tự nguyện' cung cấp dữ liệu cá nhân
Các thông tin cá nhân đang được mạng xã hội Facebook và các công ty có liên quan thu thập qua các ứng dụng trá hình trên nền tảng này.
Vụ việc hơn 50 triệu tài khoản người dùng Facebook bị sử dụng trái phép bởi công ty có tên Cambridge Analytica mới đây khiến không ít thành viên của mạng xã hội đông người dùng nhất thế giới bất ngờ. Trong khi các chuyên gia lẫn nhà làm luật đổ lỗi cho Facebook cũng như công ty trên, ít người dùng biết rằng họ đang tự nguyện “dâng” thông tin cá nhân của mình cho các công ty trên internet mà không hề hay biết.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây xuất hiện những quảng cáo rao bán thông tin cá nhân của các tài khoản Facebook trong nước. Các dữ liệu này bao gồm tên, số điện thoai, địa chỉ email… Tất cả đều là thông tin do người dùng đăng ký khi sử dụng mạng xã hội này. Khách hàng của loại dịch vụ này chủ yếu là các công ty kinh doanh, quảng cáo, sử dụng dữ liệu và thói quen của khách hàng để tối ưu cho quảng cáo và hoạt động của mình.
Để thực hiện việc thu thập dữ liệu, các đối tượng, công ty không thể khai thác trực tiếp từ máy chủ của Facebook mà thông qua các ứng dụng miễn phí được phát hành trên nền tảng mạng xã hội này. Cụ thể, những ứng dụng, liên kết mang tính vui vẻ, miễn phí với các tính năng giải trí như so sánh mặt người dùng với người nổi tiếng, đoán vận mệnh, xem kiếp trước là ai, ai hay vào Facebook của bạn nhất… có thể thu hút nhiều triệu người sử dụng khác nhau.
Bằng việc chấp thuận các điều khoản để được sử dụng những ứng dụng, liên kết này, người dùng đã vô tình cung cấp thông tin cá nhân của mình như hình ảnh thật, tên, giới tính, địa chỉ, số điện thoại… cho nhóm phát triển. Bởi trong nhiều liên kết, trò chơi sẽ yêu cầu được cấp quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân đang lưu trữ sẵn trên tài khoản Facebook, thậm chí một số trò còn bắt buộc người dùng cấp quyền cho xem vị trí hiện tại hay địa chỉ IP để được sử dụng.
Hình thức thu thập thông tin này đã tồn tại khá lâu trên Facebook nhưng vẫn là “mỏ khai thác dữ liệu” dồi dào cho những đối tượng có nhu cầu bởi theo thói quen, người dùng chỉ tò mò để được thử các ứng dụng mà bỏ qua việc đọc kỹ những yêu cầu về việc cung cấp thông tin cá nhân của mình.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho rằng người dùng nên cẩn trọng với các liên kết, ứng dụng như trên. “Hiện tại, nhiều ứng dụng của các bên thứ ba có cơ chế xác thực qua Facebook, người dùng cần cân nhắc và chỉ nên đăng nhập, cấp quyền cho những ứng dụng, liên kết đáng tin cậy”, ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cảnh báo người dùng trước các đường link yêu cầu phải đăng nhập mới được truy cập. Cụ thể, nếu người dùng đã đăng nhập vào Facebook nhưng khi bấm vào một liên kết hay ứng dụng mà được yêu cầu phải đăng nhập thêm một lần nữa thì nên ngừng sử dụng. “Hình thức bắt đăng nhập thêm một lần nữa đa phần sẽ lừa đảo và lấy cắp thông tin”, ông nhấn mạnh.
Theo anh Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia bảo mật độc lập, người dùng cần chủ động bảo vệ thông tin của mình khi sử dụng Facebook. “Một số vấn đề cần lưu ý như không chia sẻ thông tin đăng nhập tài khoản cá nhân với người khác, không chơi, sử dụng các ứng dụng lạ, nếu gặp các trang yêu cầu nhập mật khẩu để đăng nhập thì cần cẩn trọng”, ông Phúc tư vấn.
Ngoài ra, người dùng cũng được khuyên bật mật khẩu 2 lớp (xác thực thêm bằng số điện thoại cá nhân), sử dụng email và số điện thoại dự phòng trong phần Cài đặt của Facebook để có thể kích hoạt lại tài khoản khi cần. “Người dùng cũng cần chú ý không để mất tài khoản email đã đăng ký Facebook”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Nguồn:Thanh Niên
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015