Ngoại tình từ “chat”

10:39 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Giêng, 2009

Có một hiện tượng phổ biến gần đây là trong một số gia đình trẻ, buổi tối vợ chồng ít nói chuyện với nhau mà say mê trò chuyện với máy vi tính. Điều này rất mới mẻ, mà cách đây độ chục năm không hề có. Những e-mail gửi đi, gửi lại tới tấp. Ngồi “chát” với nhau hàng tiếng đồng hồ. Người ta có thể mạnh dạn nói với nhau những lời mà nếu trực diện, chưa chắc có thể nói ra:

Với sự tăng trưởng rất nhanh của công nghệ thông tin, internet đi vào cuộc sống của hàng chục triệu người. Ngoại tình trên mạng đang có điều kiện phát triển hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhiều người không coi đó là ngoại tình vì theo quan niệm truyền thống, người ta chỉ coi là không chung thủy khi có quan hệ thân xác ngoài hôn nhân.

Có người còn dùng webcam để nhìn thấy nhau, hoặc thiết lập website riêng, blog cá nhân chia sẻ tâm sự với nhiều người, trao đổi cả sách báo, phim ảnh khiêu dâm. Từ những chuyện linh tinh về âm nhạc, thể thao rồi dần dần đến đời sống riêng tư, dẫn đến cảm thấy tâm hồn đồng điệu, có nhiều quan điểm, cá tính, sở thích giống nhau sinh ra nhớ nhung, ngưỡng mộ. Lúc đầu còn giữ ý, chỉ nói chuyện chung chung, sau đi dần đến bộc lộ những điều thầm kín chưa từng chia sẻ với ai ở ngoài đời.

Lan Anh là viên chức ngành thư viện, của một trường đại học tại Hà Nội. Ở tuổi 33, cô có một gia đình êm ấm với người chồng ít nói, hiền lành và hai đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Nhưng người đàn bà ấy hình như không thỏa mãn với hạnh phúc của mình, buổi tối cô thường lên mạng xem các loại tin tức, rồi sau đó tìm người để trò chuyện. Lúc đầu hai bên làm quen nhau qua những câu chào hỏi xã giao, sau cứ thân mật dần thành lệ, tối nào không nói chuyện được một lúc cảm thấy như thiếu cái gì trong đời sống tình cảm của mình.

Người bạn thường xuyên “chát” với cô là một người đàn ông không còn trẻ nữa, nhưng chẳng hiểu sao không lấy vợ, nên buổi tối anh ta cũng lấy việc trò chuyện trên internet làm vui. Điều khiến Lan Anh thích “chát” với con người không biết mặt này là ở chỗ, cả hai cùng có những cách nhìn rất giống nhau về các giá trị tinh thần.

Càng nói chuyện càng thấy tâm đầu ý hợp, nó trở thành một nhu cầu không thể thiếu mà chồng cô không đáp ứng được bao giờ. Anh ta chỉ thích ngồi trước màn hình ti-vi xem thời sự hoặc bóng đá, nhưng lĩnh vực ấy cô lại không quan tâm. Thế là vô tình người bạn kia đã trở thành một phần cuộc sống của cô, bù lấp chỗ thiếu hụt của hôn nhân mà càng ngày càng không thể thiếu được. Cho đến một hôm, họ hò hẹn gặp nhau ở một quán giải khát và từ đó, cô đã đi vào con đường ngoại tình, không chỉ tình cảm mà cả thể xác.

Đặc biệt trong giới trí thức trẻ, nhiều nhà có hai máy vi tính và có nhiều phòng riêng, nên vợ chồng khó kiểm soát được những mối quan hệ tình cảm ngoài luồng này. Nó như trò chơi giao lưu tiện lợi và rẻ tiền. Theo điều tra với 1.000 phụ nữ được thực hiện bởi website WomanSavers.com ở Mỹ, 63% thừa nhận rằng nếu cứ thường xuyên lên mạng trò chuyện, tán tỉnh với người xa lạ sẽ dẫn tới ngoại tình. Chỉ khác nhau ở chỗ một đằng là quan hệ tình cảm, một đằng là quan hệ thể xác nhưng bản chất của nó là ngoại tình.

Nếu ngoại tình thể xác là từ chỗ hẹn hò gặp nhau trực tiếp đi đến quyến rũ nhau lên giường, thì ngoại tình tình cảm là sự gắn bó tình cảm với nhau, không có tiếp xúc thể xác. Đó là sự khác nhau căn bản giữa hai dạng ngoại tình này. Nhiều người không nghĩ, sự gắn bó tình cảm với ai đó là ngoại tình vì không có quan hệ thể xác. Nhưng các nhà tâm lý cho rằng, quan hệ tình cảm hay thể xác đều là ngoại tình và đều có tác hại với hạnh phúc gia đình.

Không ít trường hợp mới đầu chỉ trò chuyện hàng ngày, dần dần sinh nghiện lúc nào không biết. Thế là càng nói chuyện càng thân thiết, tâm trí lúc nào cũng nghĩ đến chỉ mong sao có ngày gặp mặt. Và nếu cả hai người không ở cách nhau quá xa, có thể gặp nhau ngoài đời thực thì thế nào cũng đi đến hò hẹn và từ quan hệ tình cảm đi đến quan hệ thể xác là con đường mòn xưa nay.

Một quan hệ tình cảm có thể lúc đầu chẳng có gì sai trái, khi họ chỉ trao đổi với nhau những thông tin thường nên có vẻ chẳng có tội lỗi gì, vì đó chỉ là quan hệ tình bạn. Nó bổ sung kiến thức cho nhau và những mối quan hệ đó chỉ làm chúng ta hiểu nhiều biết rộng, trí tuệ, tâm hồn trở nên phong phú, còn hơn mất thì giờ nói chuyện với những người nhạt toét mà ta phải tiếp xúc hàng ngày. Nhưng điều tai hại là từ chỗ tin cậy, hiểu biết, cảm mến rất có thể dẫn đến gặp nhau về thể xác.

Khi một người không được đáp ứng đầy đủ nhu cầu tình cảm trong hôn nhân, thì họ sẽ đi tìm kiếm nó ngoài hôn nhân. Con người có nhiều khao khát, khi những nhu cầu đó không được đáp ứng bởi vợ hay chồng họ, thì họ lên mạng tìm người nào đáp ứng. Họ đâu ngờ đã đặt những bước đầu tiên vào con đường ngoại tình.

Trong số hàng triệu người lên mạng mỗi ngày rất nhiều người có tâm hồn, cá tính hợp nhau và điều gì sẽ xảy ra khi họ gặp nhau? Đó là chưa kể những người sẵn sàng đưa những thông tin sai lạc về bản thân mình, để gây thiện cảm và được quan tâm hơn. Họ tha hồ thêu dệt hình ảnh họ phù hợp với mong muốn của người kia. Người có vợ, có chồng bảo là chưa có. Người đang sống êm ấm trong hôn nhân bảo là bất hạnh hay ly thân chỉ chờ ly hôn để đối tượng hy vọng và từ đó dễ xiêu lòng.

Vì thế, cần phải xác định khi một người đã có vợ, có chồng còn đi quyến rũ một người khác trên mạng là ngoại tình, bất kể họ đã tiếp xúc thể xác hay chưa. Nói khác đi, khi một người đã có vợ có chồng còn đánh cắp tình cảm đem đi dâng tặng cho người khác, đó chính là ngoại tình. Hơn 70% phụ nữ được hỏi cho rằng, ngoại tình tình cảm chỉ là bước đệm dẫn đến ngoại tình thể xác.

Dĩ nhiên, những hành vi này thường làm tổn thương tình cảm người bạn đời của họ. Cho nên nếu bạn bị rơi vào trường hợp đó, nên có sự trao đổi cởi mở với nhau chứ không nên ấm ức trong lòng. Nếu chẳng hạn chồng bạn cho rằng, làm như thế chẳng ảnh hưởng gì cả, vì ai cũng cần có bạn bè để trao đổi thông tin, thì bạn có thể hỏi, nếu em cũng làm như thế, anh có chấp nhận không? Nếu không, thì đừng gây cho người khác cái mà mình không muốn họ gây ra cho mình.

Ngoại tình tình cảm qua mạng thường có những biểu hiện sau: Sử dụng quá nhiều thời gian với máy vi tính một cách không bình thường. Khi bất ngờ có ai đến gần tỏ vẻ khó chịu. Có thái độ lẩn tránh hoặc phòng thủ khi hỏi đang “chát” với ai?

Những người này thường xao lãng quan tâm đến gia đình. Hay cãi nhau vặt. Luôn đặt mật khẩu để bảo mật máy tính hoặc luôn xóa hết email trước khi ngủ.

Nếu bạn nhận thấy chồng hay vợ có những biểu hiện trên đây, cần phải sớm cảnh giác. Có thể chính bạn đã không quan tâm đầy đủ đến người bạn đời, nên họ phải tìm người khác để trò chuyện. Vì vậy, bạn phải dành thời gian cho quan hệ vợ chồng nhiều hơn.

Có thể nói, sự hờ hững giữa vợ chồng là căn bệnh phổ biến của hôn nhân hiện đại. Nhiều người quá mải mê công việc đi gần như suốt ngày. Có những đôi vợ chồng trẻ đi làm liên miên, cả ngày chỉ gặp nhau một bữa cơm tối vào lúc 21 giờ. Họ cho rằng sau khi đã kết hôn là công việc chinh phục đã hoàn tất, việc gì còn phải chinh phục cái mà mình đã chinh phục. Thậm chí đến trò chuyện với nhau cũng không có thì giờ.

Ngày trước, người ta cam chịu cuộc hôn nhân tẻ nhạt như thế, nhưng ngày nay người ta không chấp nhận. Và nếu chưa có cơ hội kết bạn ở ngoài đời thì tìm người trên mạng để “chát” với nhau là điều quá đơn giản, trong tầm tay họ. Cho nên thời đại thông tin kỹ thuật số cũng là điều kiện để những kẻ ngoại tình liên lạc với nhau thuận tiện hơn và đó chính là một trong những nguy cơ của gia đình hiện đại. Nhưng nếu chúng ta cảnh giác, thì hoàn toàn có thể ngăn chặn được trước khi trở thành quá muộn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chat yêu và Chat đắng

    27/12/2008Phong ThuThông tin mạng – chat bây giờ đã và đang sinh ra một thứ gọi là: yêu nhau qua mạng nhằm…để yêu, tìm người yêu (gọi ngắn là Chat yêu) rồi yêu, rủ nhau đi chơi. Từ chỗ chưa và không quen biết gì hết, chỉ cần một lần, một cái… Chat là đã có được một người bạn hoặc một người yêu theo ý thích. Phương tiện giao lưu qua mạng đã biến thành giao tình không giới hạn và không có ai kiểm soát.
  • Tám xuyên lục địa

    13/02/2008Nguyễn Vĩnh NguyênChuyện trong nhà chưa biết ngoài ngõ đã hay. Tám vặt sở thành một dịch bệnh của người trẻ công sở. Tại sao người trẻ lại thích tám như thế?
  • Tám

    07/03/2007Nguyễn Thị Ngọc HảiNhững câu chuyện cứ nối nhau mãi không dứt, nói theo ngôn ngữ của đời sống gia đình, nơi phát ngôn tự do nhất, những điều hay điều dở, đúng sai cứ “thoải mái”. Cái “tám” được xả ngày nay cũng được nhận xét là có “ưu điểm” khi người “tám” stress. Những lời bình cũng vào loại thật thà nhất, vì chẳng có ai “kiểm duyệt”...
  • Bạn nghĩ gì về Internet... chat?

    14/06/2006Phải thẳng thắn nhìn nhận, ngành giáo dục nước ta còn chưa mấy quan tâm dạy cho học sinh các cấp học phổ thông về Internet. Nếu có thì chỉ là những hoạt động tự phát của một số trường...