Tinh thần hiếu học
Sự kiện một người Việt Nam chứng minh thành công Bổ đề cơ bản được đánh giá là một kỳ tích khoa học ở tầm thế giới. Báo Thanh Niên đã có dịp trao đổi với tác giả của công trình, giáo sư Ngô Bảo Châu. Bài được đăng trên số Tết và số sau Tết. Dưới đây là nguyên văn bài phỏng vấn được đăng từ blog cá nhân của GS Ngô Bảo Châu với tiêu đề "Tinh thần hiếu học". Mời bạn đọc theo dõi.
I. Về Bổ đề cơ bản:
1. Chào Giáo sư Ngô Bảo Châu, sự kiện công trình chứng minh Bổ đề cơ bản của anh được Tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học của năm 2009 đã mang tới niềm vui, niềm tự hào khôn tả đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, việc hiểu những gì anh đã làm và được ghi nhận vẫn là thách thức lớn đối với những người không thuộc giới hàn lâm. Một cách đơn giản, anh có thể cho biết đôi nét về công trình?
Robert Langlands phát biểu một hệ thống các giả thuyết ở trung tâm của toán học hiện đại. Giả thuyết tức là những phát biểu mà ông tin là đúng, và nhiều người tin là đúng, nhưng chưa chứng minh được. Các giả thuyết Langlands đã là động lực cho sự phát triển của toán học lý thuyết trong vòng bốn chục năm trở lại đây. Rất nhiều bài toán tưởng như là những viên gạch riêng lẻ, nay được các giả thuyết của Langlands sắp xếp lại thành một công trình kiến trúc vĩ đại. Cá nhân tôi xếp ngang hàng các giả thuyết của Langlands với các hình học phẳng của Ơ-clit hay phát minh ra nhóm Galois trong việc giả các phương trình đại số.
Bổ đề cơ bản chỉ là một bổ đề vì bản thân nó chỉ là một bài toán có tính chất kỹ thuật. Nhưng nó cũng không hẳn là một bổ đề vì ông Langlands chỉ chứng minh nó trong một trường hợp đặc biệt còn trường hợp tổng quát thì được nêu như một giả thuyết. Còn cơ bản là vì cả một góc lớn của cái công trình kiến trúc kể trên sẽ sụp đổ nếu bổ đề cơ bản không đúng. Ngoài ra, chứng minh bổ đề cơ bản được nhiều người quan tâm vì ý tưởng của nó không gói gọn trong nội tại của chương trình Langlands mà lại có dây mơ dễ má đến một số vấn đề của vật lý lý thuyết. Đấy là cách làm toán mà có lẽ nhiều người thích, hoặc ít nhất là cá nhân tôi thích : câu hỏi hóc búa được trả lời bằng cách mở một cánh cửa sổ để tiếp nhận ánh sáng từ bên ngoài.
2. Anh bắt đầu quan tâm tới Bổ đề cơ bản từ lúc nào? Lúc khởi sự, anh có đủ niềm tin để tin rằng sẽ đi đến đích, sẽ giải được thách thức của hàng chục năm qua sớm đến vậy, bởi nhiều người từng nhận định có thể mất vài thế hệ mới giải được Bổ đề cơ bản?
Tôi có cái duyên làm quen với một cô em họ của Bổ đề cơ bản từ lúc bắt đầu làm luận án tién sĩ vào năm 1993. Ông thầy hướng dẫn tôi, ông Laumon, giao cho tôi giải một giả thuyết của Jacquet. Đây thực ra là một biến dạng của Bổ đề cơ bản. Thời điểm mà niềm tin vào khả năng của bản thân tôi được thử thách nhất vào cuối năm 1996 vì sau hơn ba năm làm việc, tôi vẫn không có một kết quả khả dĩ để có thể bảo vệ. Tuy nhiên, đây cũng là lúc tôi tìm ra con đường của mình. Ý tưởng cơ bản nhất để chứng minh bổ đề cơ bản sau này cũng chính là ý tưởng tôi đã dùng để chứng minh giả thuyết của Jacquet. Sau đó, tôi mất rất nhiều thời gian để học nhiều thứ toán học của nhân loại trước khi quay lại vật lộn với Bổ đề cơ bản. Lúc đó tôi đã cảm thấy mình đi đúng đường, được trang bị đầy đủ kiến thức, nhưng con đường hãy còn dài và vô cùng chông gai. Nhưng bấy giờ, có lẽ do đã trưởng thành hơn, niềm tin đã trở nên vững chắc hơn nhiều. Đến một lúc nào đó, bạn làm toán vì bạn thích làm toán chứ không phải để chứng tỏ một cái gì nữa.
3. Anh từng nói “khi có đủ niềm tin và sự say mê” để đi theo con đường khoa học, người ta có thể nhận được “phần thưởng sẽ là những cảm xúc, những chân lý mà bạn sẽ khó đến gần nếu chọn một con đường khác”. Cảm xúc của anh khi chứng minh xong Bổ đề cơ bản thế nào?
Từ lúc tôi chứng minh được hoàn thành cho đến lúc tôi thực sự tin tưởng vào sự vững chắc của nó cũng là một khoang thời gian khá dài, có lẽ gần một năm. Ngoài ý tưởng chủ đạo mà tôi mà tôi tin chắc, chứng minh còn có nhiều chi tiết, có nhiều bộ phận thực ra là những định lý toán học hoàn toàn mới. Để tạo điểm tựa cho một hòn đá là Bổ đề cơ bản, ta phải xây dựng cả một công trình kiến trúc, không vĩ đại như của Langlands, nhưng cũng không phải là một cái trái bếp. Ý tưởng chủ đạo bây giờ không đủ, mà cần phải kiểm tra xem từng hòn gạch có được xếp đúng chỗ không, từng vết trát có vững vàng không. Trong khoang thời gian này, một phần cảm xúc là lo lắng, xem có góc nào xây mà bị sập thì phải xây lại. Nhưng cảm xúc chính thực ra là nuối tiếc. Trước, Bổ đề cơ bản như một người bạn của riêng tôi. Nay, nó trở thành một bộ phận như các bộ phạn khác của trí tuệ nhân loại.
4. Có người dự đoán, thậm chí đoan chắc huy chương Fields năm tới sẽ được trao cho một người Việt Nam, Ngô Bảo Châu. Niềm tin này nơi anh thế nào?
Bản thân tôi suy nghĩ khá đơn giản về các giải thưởng nói chung. Nếu người ta trao cho tôi, tôi sẽ đón nhận nó như một vinh dự lớn. Nếu không, tôi cũng cho rằng mình không nên buồn quá. Đặt niềm tin vào những cái này là chuyện không nên.
5. Trước khi công trình chứng minh Bổ đề cơ bản hoàn tất và được Time bình chọn, anh đã là một nhà toán học thành công, với nhiều giải thưởng cũng như những hình thức vinh danh khác. Nhưng người Việt Nam, bên ngoài giới học thuật, biết rất ít về anh. Anh có nghĩ rằng đó là thiệt thòi của những người “lỡ” chuyên sâu vào toán học cũng như các ngành học thuật khác?
Tôi không nghĩ đây là thiệt thòi. Nói thật anh đừng giận, trả lời nhà báo mới là một hệ lụy bất đắc dĩ.
6. Toán học hiện đại dường như là một thế giới cao siêu, và vì thế cũng trở nên xa cách. Tôi đã đọc trên mạng ý kiến này: “Toán học hiện đại ngày nay đã quá sâu để những người bình thường có thể hiểu được các nhà toán học đang làm gì”. Như vậy có vẻ như các nhà toán học khá cô đơn. Anh có thấy vậy?
Ý kiến này xuất phát từ tâm lý phổ biến : ai cũng nghĩ là mình biết đủ toán học rồi. Có thiếu chỉ thiếu phương tiện, thiếu tiền. Thực ra, trong thế giới hiện đại toán học cần hơn bao giờ hết. Sự bùng nổ về lượng thông tin người ta thu lượm được kéo theo sự cần thiết sắp xếp, diễn giải các thông tin để chúng trở nên có nghĩa với đầu óc con người. Con người không có công cụ nào khác ngoài toán học để lọc ra cái ta cần từ đại dương thông tin xung quanh ta. Toán học là ngôn ngữ cho phép ta mô tả thiên nhiên. Người ta nhiều khi lầm tưởng mà than thở rằng mắt mình không tinh, tai mình không thính mà quên cái mấu chốt là ngôn ngữ của mình què quặt.
7. Hiện tại, anh đang thực hiện dự án nào, sau khi đã giải quyết Bổ đề cơ bản?
Tôi định tiếp tục nghiên cứu chương trình Langlands.
II. Về giới trẻ, khoa học và Việt Nam:
1. Anh từng nói: “Nếu có một điều tâm sự với các bạn trẻ hơn tôi ở nước ta, thì tôi chỉ xin nhắn các bạn: Khoa học không phải là con đường dễ dàng và dễ giàu”. Có lẽ nên bổ sung thêm: “không dễ nổi tiếng” nữa. Anh có nghĩ vì thế mà ít bạn trẻ dám theo con đường này?
Tôi cho là có một số lệch lạc trong quan niệm của nhiều bạn trẻ. Nếu lấy giàu và nổi tiếng làm mục đích thì có thể thất vọng hai lần. Thứ nhất là thất vọng vì không đạt được mục đích. Thứ hai là trong trường hợp đã đạt được mục đích, bạn lại thất vọng vì hóa ra đó không phải cái bạn muốn.
2. Anh có trang mạng cá nhân mang tên Thích Toán Học, đó là nơi anh trò chuyện với những người cùng đam mê? Hay anh muốn sử dụng nó như một chiếc cầu để dẫn bạn trẻ bước vào khoa học?
Trang Thích Học Toán(không phải thích toán học) chủ yếu để trò chuyện toán học. Tôi cho rằng những ý tưởng quan trọng nhất thực ra là những gì đơn giản nhất. Vì thế có thể diễn giải được ở hình thức trò chuyện như ở Thích Học Toán. Nhưng tất nhiên tôi không có ảo tưởng là bạn đọc của Thích Học Toán có thể ngộ được mọi chuyện chỉ bằng cách đọc blog của tôi. Để thu nhận được một cái gì có giá trị, bạn cũng phải trả giá, tức là phải quay lại vật lộn với sách vở. Thích Học Toán có thể dắt tay bạn đến chân núi, rồi bạn sẽ phải tự leo. Ít nhất ngọn núi gần trông không đáng sợ như ngọn núi xa. Cái mục đích đầu tiên và cuối cùng của blog Thích Học Toán là góp một chút hơi để thổi lại tinh thần hiếu học.
3. Việt Nam thường đạt được thành tích khá tốt trong các kỳ thi Olympic, nhưng không có nhiều những nhà khoa học có được những thành công ở tầm quốc tế. Có một sự bất cập nào đó trong giáo dục, đào tạo chăng? Hay do khoa học quá chông gai nên ít người dám dấn thân?
Đạt thành tích tốt trong các kỳ thi Olympic dễ hơn nhiều so với thành công trong khoa học. Vì ta chưa có nhiều thầy nghiên cứu giỏi nên ta cũng chưa có trò nghiên cứu giỏi. Từ cái không đến cái có là một bước nhảy vĩ đại. Có lẽ trước hết ta nên dò xét lại trong cơ chế, có cái gì cản trở sự phát triển của khoa học thì ta nên bỏ. Thực ra, xã hội ta chưa thực sự ngộ ra sự cần thiết của một môi trường hàn lâm toàn vẹn, nơi người ta biết đặt học tập lên trên hết. Ở ngoài môi trường này, nghiên cứu khoa học thực sự khó có thể nảy mầm.
4. Anh từng bày tỏ lo lắng trước cuộc suy thoái tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân? Do người Việt trở nên lười đi, hay do nền giáo dục không kích thích được tinh thần hiếu học?
Người Việt xưa nay vẫn có truyền thống hiếu học. Nhưng thường là học để làm quan, chứ hình như không đặt trọng âm lên cái khát khao hiểu biết của con người. Với xã hội thay đổi nhanh chóng như những năm gần đây, người ta càng ngày càng đặt trọng âm lên câu hỏi học để làm gì. Vô tình khi đặt câu hỏi đó, cái mục đích gì đó đã quan trọng hơn việc học.
5. Một hiện trạng đau đầu của giáo dục Việt Nam là bệnh thành tích, tư duy phẩm hàm. Ngay cả ở cấp cao, như chuyện phong hàm giáo sư, cũng có rất nhiều bất cập. Theo giáo sư, lối thoát cho tình trạng này là gì?
Ý kiến riêng của tôi có lẽ sẽ gặp nhiều sự phản đối. Tôi cho rằng giáo sư nên trở thành một chức vụ có một đồng lương xứng đáng và có một trách nhiệm cụ thể. Ở các nước, phong giáo sư là việc của các trường, nhưng với tình trạng yếu kém chung của chúng ta, có lẽ việc phong chức vụ giáo sư vẫn phải đặt ở cấp nhà nước, tuy là chức giáo sư vẫn phải bổ về các trường. Tất nhiên việc này vô cùng khó, vì nhiều trường vẫn thích nhận cán bộ trung bình hơn là nhận người thật giỏi về làm việc. Tôi vẫn chỉ có một câu trả lời chung cho bệnh thành tích, tư duy phẩm hàm là cần thổi lại tinh thần hiếu học.
6. Làm việc ở nước ngoài, anh vẫn thường xuyên về giảng dạy và tham gia các hoạt động khoa học ở Việt Nam. Đặc biệt, anh đã đóng góp nhiều ý kiến đối với chính quyền. Anh thấy ý kiến của mình được tiếp nhận ra sao?
Cùng với các đồng nghiệp ở viên toán học và trường đại học sư phạm, tôi có tham gia tổ chức một lớp cao học quốc tế. Chúng tôi đã được lãnh đạo Bộ khoa học công nghệ và Bộ giáo dục đào tạo tiếp đón một cách trọng thị. Nhưng từ đó đến việc lớp cao học thực sự đi vào hoạt động thì quả thực có vô vàn khó khăn. Tuy kinh phí đề nghị rất khiêm tốn so với ý nghĩa của việc cụ thể này đối với tương lai của toán học Việt Nam, mỗi một bước đi là một bước vấp cơ chế, rồi phải tìm cách lách nếu muốn đi tiếp. Trong xã hội của chúng ta hiện nay, chuyện này là bình thường nhưng đây vẫn là chuyện vô cùng đáng tiếc. Anh có nhiệt tình, nhưng anh cũng chỉ có một quĩ thời gian hạn chế. Anh muốn sử dụng quĩ thời gian của mình một cách có ý nghĩa hơn là đối phó với các cơ chế vô lý.
7. Nhiều trí thức tinh hoa Việt Nam đã chọn ở lại một nước phát triển để làm việc. Theo anh đâu là nguyên nhân chính? Việt Nam chưa thể cung cấp điều kiện làm việc cho họ hay chính sách của Việt Nam không khuyến khích họ trở về?
Theo tôi nghĩ, một nhà khoa học chuyên nghiệp phải đặt câu hỏi làm khoa học thế nào cho giỏi trước câu hỏi làm ở đâu. Có hai việc khó mà làm ngay được, nhưng xã hội nên có ý thức. Thứ nhất, khoa học khó nảy mầm ở ngoài một môi trường hàn lâm toàn vẹn. Thứ hai, nhà khoa học cần một đồng lương xứng đáng.
8. Thử hình dung, trên bục nhận giải Fields vào năm tới, tên một người Việt Nam được xướng lên. Nếu có một thông điệp lúc nhận giải gửi về đất nước, anh sẽ gửi thông điệp gì?
Anh cho miễn trả lời câu này.
III. Riêng tư:
1. Anh có thể giới thiệu đôi nét về mình.
Tôi sinh ra ở Hà Nội vào năm 1972. Bố mẹ tôi cũng công tác trong lĩnh vực khoa học, nay đã về hưu. Tôi qua học ở Pháp từ năm 1990. Sau khi bảo vệ tiến sĩ năm 1997, tôi công tác ở Trung tâm khoa học quốc gia (CNRS) Pháp cho đến năm 2004 khi tôi nhận về làm giáo sư ở trường đại học Paris 11. Từ năm 2007, tôi qua làm việc ở Viện nghiên cứu tiên tiến (Institute for Advanced Study) ở Princeton. Hiện nay tôi và gia đình bao gồm vợ tôi và ba cô con gái đang sống ở đó. Tôi đã nhận lời về làm giáo sư cho trường đaị học Chicago từ tháng chín năm 2010.
2. Trên blog của anh, tôi thấy những người quen gọi anh là hòa thượng. Hòa thượng Thích Toán Học tu trong ngôi chùa khoa học nhưng vẫn ưu tư chuyện thế sự. Hòa thượng không sợ điều đó sẽ làm lòng vướng bận hay chuốc lấy phiền muộn bất lợi cho chuyện tu sao?
Tôi nghĩ ai cũng có ưu tư riêng về chuyện thế sự. Blog Thích Học Toán là trang cá nhân, tôi có phát biểu một số ý kiến cá nhân, nhưng chủ yếu hạn chế trong phạm vi những việc có liên quan đến việc học hành. Viết blog cũng giống nuôi con mọn, khá là mất thời gian. Nhưng viết được ra những chuyện lý thú thú vị đem đến cho người viết một niềm vui không nhỏ, nhất là khi có bạn đọc chia sẻ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh