Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh?
“Toán lý thuyết chỉ phục vụ sự phát triển nội tại của nó. Toán ứng dụng phục vụ các ngành khác. Ở VN hiện tại, rất cần Toán ứng dụng, trong khi chưa thấy vai trò của Toán lý thuyết.
Chúng ta chưa cần phát triển Toán lý thuyết. Nên để dành tiền của và nhân lực cho nhiều ngành khác thiết thực hơn, vị nhân sinh hơn”.
Đó là nhận định của ông Bùi Quang Ngọc, Phó TGĐ Công ty FPT, trong cuộc trao đổi với VietNamNet, cuối tháng 2.
Ở Việt Nam, Toán lý thuyết chưa có ích
Anh có theo dõi loạt bài về HSG quốc tế và những tranh luận xung quanh Toán học thời gian qua?
Tôi theo dõi khá kỹ và thích nhất bài phỏng vấn anh Trung Hà. Thật và sắc. Có thể cách diễn đạt của anh ấy hơi thái quá, nhưng hầu hết các nhận định và tư tưởng của anh ấy là đúng, dưới con mắt của tôi.
Anh cũng là dân khoa học chuyển sang kinh doanh. Những người như các anh dễ “đồng cảm” khi nhìn mọi thứ dưới con mắt thực dụng?
Cách nhìn của anh Hà gọi tên là “thực tế” thì đúng hơn. Nhìn nhận mọi việc đúng thực tế của nó, nên xem là một ưu điểm.
Tôi từng gắn bó nhiều với Toán. Tôi học chuyên Toán ở phổ thông, học tiếp Toán lý thuyết ở ĐH, làm luận án Tiến sỹ về Tin học, trong đó sử dụng khá nhiều kiến thức Toán.
Nhưng, tôi cũng sớm xa rời Toán, vì sớm nhận ra rằng mình làm cái khác thì sẽ có ích hơn cho chính mình và cho xã hội.
Có lẽ tôi gần Trung Hà ở nhận thức này.
Một trong những nhận định của Trung Hà là "Toán học ít có ích cho xã hội”. Anh cũng đồng ý với điều này?
Phân tích sâu thì các anh nhà Toán học sẽ bảo là chưa đủ hiểu về Toán thì đừng phát biểu linh tinh (cười). Ở đây, tôi chỉ nói nôm na dưới những nhận định của mình.
Toán học được chia ra thành: Toán lý thuyết (phát triển cho nội tại Toán học) và Toán ứng dụng (phát triển để phục vụ các môn khác, ngành khác), mặc dù nhiều trường hợp ranh giới này không được rõ ràng.
Tôi nghĩ, thứ “Toán” mà anh Hà đang nói đến là Toán lý thuyết, tức là ngành học nghiên cứu các vấn đề nội tại của Toán học.
Bàn về thế giới là chuyện xa xôi, nhưng ở VN thì Toán lý thuyết chưa có ích lắm.
Chi tiết hơn, trong cách phân loại mà anh đề cập, lấy những yếu tố gì để tách bạch 2 "loại" Toán này?
Tôi muốn mượn ý của cuộc tranh luận giữa các cụ Hoài Thanh và Hải Triều ngày xưa để thêm một cách gọi khác, dễ cảm nhận hơn: Toán lý thuyết là Toán học vị Toán học và Toán ứng dụng là Toán học vị Nhân sinh.
Trước hết, Toán học tự thân nó không phải là môn khoa học có đối tượng nghiên cứu trực tiếp cho nền kinh tế, cho phát triển xã hội.
Những ngành khoa học khác như Lý, Hóa, Sinh... (KH tự nhiên) hay Khảo cổ, Lịch sử, Luật... (KH xã hội), ngày nay còn có các ngành KH công nghệ như CNTT hay CN Vật liệu, mới trực tiếp cần cho kinh tế, xã hội.
Toán, mà cụ thể là Toán ứng dụng chỉ là công cụ cho các môn đó, ngành đó. Còn Toán lý thuyết chẳng phục vụ ngành nào cả, ngoài sự phát triển của bản thân nó.
Trong hoàn cảnh VN hiện tại, theo tôi, Toán lý thuyết không đóng góp được nhiều và cũng chưa cần đầu tư phát triển.
Toán học chỉ là công cụ
Tạm đặt Toán lý thuyết sang một bên, anh đánh giá thế nào về đóng góp của Toán ứng dụng?
Toán ứng dụng cần thiết trong việc giải quyết mọi bài toán thực tiễn, trong việc giảng dạy ở tất cả các trường dù ở khối kỹ thuật, kinh tế hay xã hội.
Qúa dễ để chỉ ra sự ứng dụng của nó.
Phân tích dữ liệu, mô phỏng, dự báo, mô hình hóa, quy hoạch trong Xây dựng, Giao thông, Hàng không, Quân sự... là Toán ứng dụng.
Giải mã ADN của con người, xây dựng Cơ sở dữ liệu, mã hóa thông tin, vận hành bộ máy kinh tế, quản lý... là Toán ứng dụng.
Nhưng, liệu có thể đặt câu hỏi rằng, nếu không có Toán lý thuyết thì sẽ không phát triển được Toán ứng dụng?
Chỉ các nhà Toán lý thuyết mới đặt ra các vấn đề Toán học lý thuyết, giải quyết chúng, phát triển lên. Và cũng chỉ họ mới hiểu được chúng.
Trong khi đó, Toán ứng dụng vẫn đi từ các đòi hỏi của thực tế, các vấn đề thời đại... và phát triển cũng như phục vụ cuộc sống một cách mạnh mẽ.
Các nhà Vật lý nổi tiếng như Newton, Einstein có thể nói cũng là các nhà Toán học vĩ đại.
Newton đã đóng góp rất nhiều cho môn Toán giải tích khi ông giải các bài toán của Vật lý cổ điển. Einstein đã có những phương trình nổi tiếng để chứng minh thuyết tương đối (rộng và hẹp) của ông. Nhưng với họ, Toán chỉ là công cụ để giải quyết các bài toán Vật lý. Họ vẫn là các nhà Vật lý học xuất chúng.
Vai trò của Toán là rất lớn, không thể thiếu trong khoa học, kinh tế, xã hội. Nhưng đó là Toán ứng dụng, Toán vị nhân sinh. Còn Toán lý thuyết thuần túy, vị trí của nó không như vậy.
Vậy thì vị trí của "nó" ở đâu, khi "nó" vẫn đang tồn tại?
Toán lý thuyết vẫn tồn tại và tất nhiên vẫn phải có nó. Nhưng, hãy nhìn nhận đúng vị trí của nó. Thử xem giải Nobel, giải thưởng khoa học danh giá nhất không có giải dành cho Toán.
Điều này hình như có lý do riêng (báo chí vẫn nói, nhà bác học Nobel, người sáng lập giải thưởng mang tên ông không đặt ra Nobel Toán vì không ưa các nhà Toán học - PV), nên có lẽ ý kiến này không thoả đáng?
Nobel là nhà khoa học lớn, có tầm nhìn rộng. Khi quyết định như vậy, có lẽ ông ấy cũng nhận thấy Toán chỉ có vai trò công cụ, chứ không hẳn vì bị một nhà Toán học nào đó cuỗm mất người yêu, như lý do người ta vẫn dùng để giải thích lâu nay.
Ban đầu chỉ có Nobel Vật lý, Hoá học, Y học. Về sau, người Thuỵ Điển đã cho thêm các giải Nobel Hòa bình, Kinh tế, Văn học... những lĩnh vực rất vị nhân sinh, nhưng vẫn không có Toán.
Nếu lấy những giải thưởng lớn làm thước đo tầm quan trọng của Toán học, thì còn những ví dụ khác, chẳng hạn giải thưởng Fields?
Liệu mấy ai hiểu được và thấy lợi ích của các giải thưởng Toán lý thuyết? Còn ngay như “Thuyết tương đối” của Einstein, đã có nhiều quyển sách viết về nó mà rất nhiều người trình độ trung bình có thể hiểu các kết quả cơ bản của nó, thấy được cái hay, cái cao siêu của nó.
Thêm một thực tế nữa, người bình thường nhớ đến Mendel (di truyền học), Newton, Einstein, Edison (vật lý học), Mendeleep (hoá học), Pasteur (vi trùng học), đến Bill Gate (như một kiến trúc sư phần mềm, chưa nói về tài năng kinh doanh), chứ mấy ai nhớ đến các nhà Toán học, trừ những "cụ" thời cổ đại: Pythagore, Euclide…
Anh cho rằng, việc các nhà Toán học không được “quen mặt, thuộc tên” như những cá nhân xuất sắc trong các ngành khác, vì Toán lý thuyết ít tính vị nhân sinh?
Thử hình dung, nếu một người trí tuệ đặc biệt như Bill Gate say mê học Toán và làm Toán, thì chúng ta sẽ thiệt thòi bao nhiêu?
Có thể thế giới sẽ có thêm một nhà Toán học xuất chúng, nhưng khi đó sẽ không có những tư tưởng thực sự "cách mạng" đã làm thay đổi cách sử dụng máy tính cá nhân vào việc xử lý thông tin hàng ngày của mỗi chúng ta, không có một quý ông hào phóng đã đóng góp từ thiện nhiều tỷ đô la Mỹ cho việc nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo, vào các quỹ đào tạo và giáo dục.
Tóm lại, một người giỏi, làm Toán có thể tốt. Nhưng nếu họ cống hiến cho một lĩnh vực khác, thì hứa hẹn giá trị to lớn hơn nhiều.
Việt Nam từng sai lầm trong chiến lược đào tạo nhân lực?
Quay trở lại ý anh nói ở trên "Ở VN, Toán lý thuyết không đóng góp được nhiều và chưa cần phát triển". Anh lấy những gì làm cơ sở, để chứng minh điều này?
Xin nhắc lại, Toán học chỉ là công cụ của các khoa học và công nghệ khác.
Ở nước ta, người giỏi Toán lý thuyết có lẽ chưa cần thiết bằng người giỏi Sinh học, Luật, Y, Dược hay khoa học Quản lý (ngành đang rất cần cho VN).
Trong một thời gian dài, ngành Toán đã có một vị trí, một sự tôn vinh quá mức. Chúng ta đã mất cân đối, phí phạm khi mà các HS học giỏi nhất đều được phân công học Toán ở ĐH. Tôi nghĩ đây là một sai lầm.
Xin lỗi, anh vừa nói “sai lầm”?
Đúng, sai lầm. Thế hệ chúng tôi rất biết ơn và kính trọng bác Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học (nay là Bộ GD-ĐT) những năm 70. Bác rất yêu quý học sinh chuyên Toán hồi đó. Bác từng tặng vé các trận bóng đá quốc tế tại sân Hàng Đẫy, từng gỡ những trường hợp vướng lý lịch để được đi học nước ngoài hay vào ĐH.
Nhưng bác ấy đã phạm “sai lầm” là rất ưu ái Toán, có lẽ vì bác cũng là dân Toán.
Thời đó, khi cử người đi học nước ngoài, có bao nhiêu HSG bác ấy cho đi học Toán trước tiên, rồi mới đến Vật lý, Hóa học, Sinh học (theo thứ tự học giỏi) và cuối cùng, xin lỗi, mới đến học Luật (xét cụ thể trường ĐH của tôi ở Liên Xô những năm 1970, 1980).
Với hoàn cảnh kinh tế, xã hội của VN, đáng lẽ 2 ngành Sinh học và Luật phải được ưu tiên hơn, vì VN là một nước nông nghiệp lạc hậu và còn phát triển thấp về Luật pháp, một nước mới ra khỏi các cuộc chiến tranh triền miên, cần nhanh chóng phục hồi để đi lên. Thế mà thế hệ chúng tôi chỉ biết đến Toán, chỉ được bồi dưỡng thêm về Toán, luôn luôn được giáo dục về vẻ đẹp của Toán học.
Rất may, hình như các bạn trẻ không còn ham Toán như chúng tôi khi xưa.
Tức là anh nghĩ nên khuyến khích thế hệ trẻ bớt say mê Toán?
Phương pháp Toán học bao giờ cũng có giá trị. Nên học giỏi Toán trong lĩnh vực của mình, biết cách vận dụng nó để giải quyết công việc. Đó là việc cần làm dù ở bất cứ vị trí nào. Đó cũng là cách trân trọng, say mê Toán học theo hướng vị nhân sinh.
Nhưng, nên khơi dậy để các bạn trẻ đi vào những ngành khác, hơn là làm Toán.
"Xuất khẩu chất xám" là nguỵ biện
Loạt bài"Toán học Việt Nam"của anh Nguyễn Tiến Dũng đề cập đến nhiều vấn đề Toán học nói riêng và khoa học VN nói chung, nhận được sự quan tâm của khá nhiều độc giả. Cách nhìn nhận của anh, với tư cách một người ngoài cuộc?
Công nhận anh Dũng có tâm huyết và đặt ra nhiều vấn đề đáng nói, nhưng tôi khá bức xúc vì thấy có rất nhiều điều không ổn trong đó.
Ví dụ?
Anh Dũng nói, người VN làm khoa học ở nước ngoài nên nhìn nhận là "xuất khẩu chất xám". Ngụy biện! Nguỵ biện hết sức. Ai xuất khẩu? Chẳng ai cả. Các anh ấy toàn tự đi tìm bến đỗ cho mình, nếu để ý, cũng có khi có vài bến đỗ rồi mới dừng chân.
Xuất khẩu phải là một chủ trương, chính sách (ví dụ xuất khẩu lao động), có tổ chức, có chủ thể (các công ty xuất khẩu), có hàng hóa (các công nhân). Người xuất khẩu phải thu về được cái gì đó, nhất là tiền bạc. Ngoài ra, để gọi là xuất khẩu thì số lượng phải đủ lớn.
Việc một số trí thức VN làm việc ở nước ngoài đều không rơi vào các tiêu chí trên. Không có sự chủ động, không là đường lối chính sách, số lượng thì rất nhỏ.
Khoan đi sâu vào sự đúng sai trong cách gọi tên sự việc, bản thân anh đánh giá hiện tượng này có lợi không, cho chúng ta?
Tôi cũng đang muốn đặt một big question với phát hiện hồn nhiên của anh Dũng: "Xuất khẩu chất xám có lợi cho Việt Nam".
Thử xem, các anh ấy có lợi gì cho VN? Một vài buổi hội thảo tại đây mà tôi tin rất ít người dự vì Toán học là môn mà chỉ khác đi một tý là không thể trao đổi gì với nhau (Toán có nhiều chuyên ngành hẹp, trong đó có những ngành trên thế giới chỉ có khoảng vài chục chuyên gia). Một vài khoá giảng dạy ngắn hạn hay vài suất NCS cho một vài bạn trẻ ham mê Toán, mà tôi tin là bây giờ số đó không nhiều.
Sản phẩm của họ là những bài báo, đa phần lý thuyết được gọi là cao siêu, được đăng ở các tạp chí mà chỉ những người làm Toán mới biết đến.
Tôi có nhiều bạn bè làm Toán, làm Vật lý lý thuyết nên biết rõ những giá trị, những đóng góp của các bài báo đấy cho VN.
Nói thêm về hiện tượng "chảy máu chất xám" (tạm dùng từ này khi anh không đồng ý với từ của anh Dũng). Phải chăng, chúng ta đã lãng phí khi không giữ chân được nhiều người giỏi?
Nếu để ý hơn, sẽ thấy có rất nhiều trí thức từ các nước thế giới thứ 3 đến các nước tiên tiến làm việc, và cả một dòng chảy từ Nga, từ Đông Âu sau khi hệ thống XHCN sụp đổ ở châu Âu.
Tôi chẳng có con số thống kê, nhưng thấy có hàng nghìn nhà khoa học như thế đang hoạt động tại các nước phát triển. Họ cũng sống, làm việc và định cư lâu dài ở đó như các nhà khoa học VN ở xứ người. Có gì đáng nói đâu nhỉ?
Cuộc sống phương Tây chấp nhận họ, vì họ góp một phần kết quả khoa học. Và họ lựa chọn như vậy, vì những gì mà cuộc sống và công việc ở đó mang lại.
Thời gian trôi đi, đất nước đổi thay rất nhiều về kinh tế, công nghệ, xã hội, lối sống, họ khó có thể đi cùng nhịp với chúng ta. Sẽ có những nhìn nhận khác nhau. Cuộc sống là thế.
Tôi nghĩ chúng ta không phải quá dằn vặt về chuyện này. Đó là thực trạng, là bài toán chung của rất nhiều nước kém hay đang phát triển.
Nói một cách ngắn gọn, “ở lại” là họ chọn con đường tốt hơn cho chính họ trước. Đấy là điều thường tình thôi, tôi ở cương vị của họ, chắc tôi cũng làm như thế.
Nhưng, nếu vừa được chọn cách sống hợp lý cho mình, vừa được thông cảm rằng tại đất nước chẳng biết sử dụng... thì không công bằng lắm. Chúng ta cần sòng phẳng hơn.
Con người quan trọng hơn điều kiện
Nhưng, phải nhìn nhận một thực tế, với cơ chế hiện tại, chúng ta chưa thực sự khuyến khích khoa học phát triển?
Giải quyết vấn đề này là chuyện ở tầm vĩ mô. Đó là việc của các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Nhà nước phải có chính sách thay đổi và cũng phải lưu ý những hiện tượng như vậy. Phải nghiên cứu để có những điều chỉnh, những cải thiện tốt hơn cho môi trường khoa học của VN.
Tất nhiên ở các nước phát triển sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn cho cá nhân các nhà khoa học.
Tuy nhiên, thời buổi này, với hỗ trợ của công nghệ, việc nghiên cứu có lẽ không phụ thuộc khoảng cách địa lý là mấy. Qua Internet, vẫn có thể học hỏi và sử dụng những tri thức mới được cập nhật thường xuyên, có thể trao đổi (voice chat), thậm chí thực hiện hội thảo (video conference) với những người cách xa hàng ngàn cây số...
Đôi khi, việc gây cản trở không chỉ là điều kiện thiết bị mà là môi trường khoa học không hiện đại và thiếu chuyên nghiệp?
Không phủ nhận là ta chưa có một môi trường thuận lợi và ưu ái với các nhà khoa học. Nhưng, đó không phải lý do căn bản về việc khoa học VN còn phát triển thấp.
Tôi ví dụ, cũng trong hiện trạng VN, nhiều ngành, như CNTT hay Viễn thông, ban đầu ta ở mức xuất phát điểm rất thấp, nhưng đến giờ có thể nói, khoảng cách giữa ta với các nước phát triển không hề lớn. Đặc biệt là ngành Viễn thông của ta, tôi cho là phát triển rất nhanh, rất sát với thế giới.
Có lẽ còn những lý do khác, về con người, về năng lực, về quản lý, về tầm nhìn...
Xin anh cho những ví dụ cụ thể hơn?
Tiền đầu tư, hay điều kiện, hay môi trường, tôi vẫn xếp sau một số yếu tố khác.
Anh Dũng có nói (và đó chắc cũng là suy nghĩ của nhiều nhà khoa học VN ở nước ngoài) rằng "nếu một người tài như anh ABC nào đó mà ở VN thì....", rằng "ở nơi XYZ nào đó đầu tư thế kia, mới được thế nọ", tôi lại muốn phản biện tiếp.
Khi xưa, nhiều nhà khoa học đáng kính của ta như Hoàng Tụy, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức… vẫn làm rất tốt công việc nghiên cứu ngay tại VN. Và mấy vị tiền bối như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ... theo Bác Hồ từ Pháp về nước, vẫn có những công trình khoa học, kỹ thuật rất có giá trị phục vụ trực tiếp cho VN.
Quan trọng là có đủ tài hay không.
Không phải "một bài báo có đầu tư 50.000$ sẽ giá trị hơn bài báo 1.000$".
Những công trình về mổ cắt gan của GS Tôn Thất Tùng ra đời khi mà người VN không biết đồng đô la là cái gì. Trong kháng chiến chống Pháp, GS Đặng Văn Ngữ vẫn làm ra thuốc kháng sinh penexiline phục vụ đồng bào, chiến sỹ.
GS, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa đã chế tạo các vũ khí không giật trong lòng núi rừng Việt Bắc, góp phần vào thắng lợi thực dân Pháp.
Thời chống Mỹ, các nhà khoa học VN đã nghiên cứu thành công việc phá bom từ trường chống lại sự phong tỏa các cửa biển, cũng như đã cải tiến hệ thống tên lửa phòng không bắn hạ các máy bay khổng lồ B52 của Mỹ.
Nhiều kết quả của GS Hoàng Tụy về lý thuyết tối ưu cũng ra đời tại VN, mà tôi tin là các kết quả này cũng có chất lượng không dưới “50.000$”.
Làm lý thuyết, nhất là trong thời đại Internet bây giờ, ở VN chắc cũng có nhiều kết quả. Và cùng một kết quả khoa học, tôi trân trọng nếu nó làm đuợc tại VN hơn nhiều so với được làm ở nước ngoài. Vì tôi tâm niệm, "Con không chê cha mẹ nghèo, người xa xứ không chê quê mình khó".
Còn nhiều thứ cần hơn cho đất nước nghèo khó của chúng ta
Chúng ta là VN, nói thẳng ra, chúng ta còn nghèo khó, đang tìm đường để phát triển lên văn minh. Nếu chúng ta là những người Mỹ, người Đức… thì câu chuyện nó khác. Chúng ta là VN thì chúng ta mới nói những câu chuyện như thế này.
Có thể 50 hay 70 năm nữa, khi phát triển hơn, chúng ta sẽ gặp những vấn đề giống các nước phát triển bây giờ. Lúc đó, sẽ lại phải có những định hướng khác, phù hợp hơn.
Định hướng phát triển cho hoàn cảnh hiện tại mà anh đang đề cập cụ thể là gì?
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là tối ưu hoá khi đào tạo nguồn nhân lực. Thực sự VN không có quá nhiều người giỏi như chúng ta vẫn tự hào.
Chúng ta không có nhiều cá nhân xuất sắc, nhưng số lượng người giỏi chắc cũng không ít. Đấy là nhận định của rất nhiều đánh giá tổng kết hay kế hoạch đào tạo nhân tài.
Không, chẳng nhiều đâu. Tại chúng ta tuyên truyền tốt thôi.
Chẳng hạn, giải thưởng của anh Ngô Bảo Châu, có lẽ cũng nên đặt đúng tầm của nó. Đơn giản, bạn có để ý và quan tâm, năm 2005 giải Clay được trao cho ai không? Tôi chắc chắn là không.
Ngày xưa, như lứa chúng tôi, cũng tưởng mình là tinh hoa của đất nước (cười). Học ở nước ngoài, gặp mấy sinh viên Do Thái thì “mất điện”.
Nói chung, theo tôi, người giỏi của ta ít. Mà ít, thì đơn giản thôi, phải khéo dùng.
Một số nhà khoa học nhận định, VN cần thêm “ít nhất 50 Tiến sỹ Toán mỗi năm” trong vòng 20 năm tới. Đó cũng là một đánh giá nghiêm túc, và ra kết quả khác anh?
Những vấn đề dạng này, tôi nghĩ phải có tính toán cụ thể, xác thực dựa trên những yếu tố thực tế, hiện trạng, nhu cầu và cả khả năng đáp ứng.
Tôi rất muốn biết các anh ấy tính toán thế nào để thuyết phục về sự hợp lý của con số này.
Trong bài phỏng vấn, nếu để ý, chính anh Dũng cũng lơ mơ khi nói đến dự án của mình. Đã làm TS Toán thì đến 90% họ chọn đường ở lại, vì môi trường khoa học cơ bản của VN chưa thể đáp ứng ngay được nguyện vọng làm việc của họ (như chính anh ấy nói).
Mà, người VN làm Toán ở nước ngoài, có lợi ích gì với đất nước, tôi đã nói ở trên.
Thế thì VN cần thêm mỗi năm 50 ông TS Toán làm gì, tôi vẫn chưa tư duy ra. Thậm chí việc mỗi năm tìm ra ngần ấy bạn trẻ có nguyện vọng này, tôi cũng thấy nan giải.
Tóm lại, theo anh, giới trẻ VN nên học những ngành khác, hơn là Toán?
Tất nhiên, một khi làm Toán là lẽ sống của bạn, thì hãy làm Toán. Tôi đã có người bạn bỏ học ngành Hóa dầu ở Liên Xô về nước để được học Toán và anh ấy vẫn say mê Toán học đến bây giờ.
Tôi tôn trọng niềm say mê của các nhà Toán học VN. Mỗi người có một đam mê và hoàn toàn có thể tự chọn hướng đi cho riêng mình.
Nhưng, ở góc độ phục vụ cho sự phát triển đất nước hiện nay, các bạn trẻ nên đi vào các ngành KH ứng dụng, các KH công nghệ vì đây là những lĩnh vực đang và sẽ làm thay đổi bộ mặt nền kinh tế nước nhà.
Xin được nhắc lại ý của anh Trung Hà, nếu người (VN) giỏi đi làm Toán sẽ rất lãng phí. Còn biết bao cái thực tế hơn, vị nhân sinh hơn, cần hơn cho đất nước còn nghèo khó của chúng ta. Toán lý thuyết có vẻ đẹp nội tại của nó, nhưng lúc này chưa cần thiết.
Chưa cần, nhưng chính anh cũng thừa nhận "có thể 50, 70 năm nữa sẽ cần thiết", mà khoa học cơ bản không thể xây dựng trong thời gian ngắn. Một đất nước mà thiếu lực lượng làm khoa học cơ bản thì...?
Thiếu thì đi thuê. Có nhiều cách đầu tư. Ai chẳng biết là đầu tư cho khoa học cơ bản sẽ tốt, nhưng liệu có phải là tối ưu cho VN không?
Hãy nhìn Singapore, họ bỏ tiền ra mời rất nhiều chuyên gia giỏi của thế giới đến làm việc, trong các Viện nghiên cứu, các trường ĐH và hiệu quả lớn hơn nhiều so với sử dụng của "nhà trồng được".
Số tiền họ trả cho các chuyên gia ấy, trông thì có thể lớn hơn nhiều so với tiền lương của nhà khoa học bản xứ, nhưng thực ra lại là tiết kiệm hơn rất nhiều so với tiền đầu tư để tự nghiên cứu.
Cảm ơn anh
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt